Cậu sinh viên năm thứ tư Đại học Dân lập
Phương Đông, Nguyễn Như Khuyết, đang kể lại lần bị cảnh sát giao thông
"tóm" mới đây vì không đội mũ bảo hiểm và chở quá số người quy định. Đó
là lần chở sĩ tử từ điểm thi về chùa trọ trong đợt thi khối A. Do trời
nóng lại ngại đi nhiều chuyến, Khuyết đánh liều "kẹp" hai thí sinh đầu
trần. Cả nhóm bạn vây quanh phá lên cười bởi lối kể chuyện hài hước và
hóm hỉnh của chàng trai quê Thanh Hóa này. Sau khi bị giữ xe, Khuyết
đành phải nhờ sư thày xin giúp.
Khuyết chia sẻ: "Chỉ có vài xe máy và xe đạp nên chúng
em thay phiên nhau đi đón sĩ tử. Thí sinh đông nên không đủ mũ bảo
hiểm cho các em. Công việc của nhóm ở chùa là đưa đón học sinh đi thi
và giúp đỡ họ khi cần thiết".
Sau khi đưa thí sinh đến nơi thi, các thanh niên lại
"lóc cóc" về đợi tới khi hết giờ thì tới đón. Khuyết cho biết, ở đợt
đầu, nhiều bạn trong nhóm dùng cả xe đạp để vận chuyển thí sinh vì không
đủ xe máy. Các thành viên được phân công đưa đón sẽ ngủ tại chùa và
phải dậy từ 5h sáng để chở các em đi cho kịp giờ. "Cậu bạn cùng lớp em
còn đạp xe từ chùa tới tận trường Bách Khoa", Khuyết vừa nói vừa phì
cười.
Nhóm của Khuyết gồm 20 sinh viên đến từ nhiều trường
đại học khác nhau tại Hà Nội. Năm ngoái, khi chùa Bằng có chương trình
tiếp sức mùa thi, giúp chỗ trọ miễn phí cho sĩ tử, các cô cậu sinh viên
đó đều đăng ký. Không thù lao, không hỗ trợ tiền xăng xe và không điểm
cộng ở trường, tất cả đều tham gia với tình thần tình nguyện.
|
Nhóm tình nguyện của Khuyết có hơn 20 người đến từ nhiều trường địa học trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: MP. |
Đang chuyện trò, cậu bạn tên Nam cùng lớp ngồi cạnh
quay sang "khoe" với Khuyết rằng mới đổ đầy bình xăng và ngày mai có thể
yên tâm chở mấy lượt cũng được. "Hết đợt thi, em mới về nhà. Chúng em
lấy tiền ăn để đổ xăng đi lại vì chỗ ăn, ở không phải lo. Cả nhóm có
thể ở lại chùa", nam sinh khoa Công nghệ thông tin Đại học Dân lập
Phương Đông, hào hứng cho biết.
Để đón được sĩ tử về chùa, nhóm tình nguyện của Nam và
Khuyết phải "vất vả" tranh giành với "cò". Vừa thấy thí sinh cùng
người nhà xuống xe, đám "cò" đã vây lại và kéo họ về nhà trọ. Lúc này,
các sinh viên phải đợi đám người ấy giãn ra mới dám tư vấn và mời phụ
huynh, học sinh về chùa.
"Nhiều cò còn nói thẳng, không cho chị kiếm ăn à hoặc
nói xấu chúng em đủ điều. Họ loan tin với phụ huynh rằng vào chùa phải
có tiền, làm lễ khiến không ít người hoang mang. Mỗi lần đi đến các
điểm thi, chúng em đều đi đông nên không sợ bị đánh hay dọa nạt", Nam
phân trần.
Theo tình nguyện viên này, nhiều người nghi ngờ không
biết nhóm tình nguyện có lừa không bởi việc được cung cấp chỗ ăn, ngủ
miễn phí là điều khó tin với họ. Những lúc này, Nam và các bạn phải
trình giấy giới thiệu của nhà chùa và thuyết phục, nếu đến thấy không
ưng ý, họ có thể chuyến tới nơi khác.
Trong nhóm, các bạn nữ sẽ phụ giúp nhà chùa nấu ăn cho
sĩ tử và sắp xếp chỗ ở cho họ, còn việc đưa đón sẽ thuộc về các bạn
nam. Cẩm Anh, sinh viên năm cuối Đại học Lao động Xã hội, được giao
nhiệm vụ đón thí sinh ở cổng chùa. Cũng giống năm trước, cô quyết định ở
lại hè đi tình nguyện. Nữ sinh viên thật thà chia sẻ: "Gia đình ở quê
ủng hộ nhưng năm nay, em trót nói sẽ đi tìm việc làm thêm nên không dám
tiết lộ mình đi tiếp sức. Bố mẹ muốn em đi làm để có kinh nghiệm nhưng
em thích đi tình nguyện hơn".
|
Thí sinh tên Anh (áo trắng) ở Thanh Hóa cùng chị họ nghỉ tại chùa Bằng. Ảnh: MP. |
Cẩm Anh bảo, những lần tiếp sức giúp cô mạnh dạn, hòa
đồng và nói nhiều hơn trước. Đến chùa, cô cảm thấy thoải mái và còn
được các thày ở đây giảng về phật pháp. Những hoạt động như vậy cũng
khiến cô trưởng thành hơn và ngộ ra một điều "giúp người khác sẽ có lúc
người khác giúp lại mình". Những đợt có ngày thi, tối nào cô cũng bắt
xe buýt về đến nhà bên Diễn lúc 10h đêm. Sau những thiếu sót ở đợt một,
Cẩm Anh cho hay, lần hai, nhóm đã có kinh nghiệm khi liên hệ với các
trường và đặt bàn tư vấn nhà trọ miễn phí. Dứt lời, cô gái có dáng
người cao, nụ cười duyên lại vội vã lên khu nhà thí sinh trọ. Đợt sau
nhà chùa đón khoảng hơn 50 người.
Khu nhà năm tầng được thiết kế đơn giản nhưng gọn
gàng, sạch sẽ. Mỗi tầng là một phòng rộng trải nhiều chiếu, mỗi chiếu
đôi dành cho hai người ngủ. Thí sinh nữ cũng các bà mẹ ở riêng tầng với
thí sinh nam đi cùng các ông bố. Không ngủ trưa, cô gái tên Thảo (Quán
Thoa, Hải Phòng) thi Đại học Dân lập Thăng Long vẫn giở sách ra ôn bài.
Lần đầu tiên lên Hà Nội, em đi cùng bố. Trước khi đi, bố con Thảo lo
không có nhà ở. Lúc tới nơi, em cùng bố cũng bị cò "lôi" vào tận một khu
trọ xa điểm thi. Vòng đi vòng lại, cuối cùng hai bố con may gặp được
nhóm tình nguyện dẫn tới chùa. "Ở đây em không phải trả tiền mà còn được
ăn cơm do nhà chùa nấu. Trước đó, bố con em đã không dám nghĩ tới có
được chỗ ở như này", Thảo nói.
Tại một góc khác trong phòng, giọng một phụ huynh thủ
thỉ động viên con gái. Anh tên là Quyền (ở Hòa Lạc, Sơn Tây). Trước khi
con đi thi, anh thường xuyên tìm hiểu thông tin nhà trọ cho thí sinh
trên mạng nên biết được địa chỉ chùa Bằng. "Tới nơi, thấy phòng rộng rãi
thoải mái, không gian yên tĩnh, an toàn, tôi rất yên tâm. Ở chùa, các
cháu đi thi sẽ có cơ hội trao đổi bài với nhau", ông bố trên phấn khởi.
Phó trụ trì chùa Bằng, thày Thích Quảng Tín, tự hào vì
nhiều năm nay nơi này trở thành địa chỉ đỏ cho sinh viên. Đó không chỉ
là địa điểm học tập, tu dưỡng của học sinh khi hè tới mà con là chỗ
trọ tin cậy của các sĩ tử.
"Đây là năm thứ hai chùa triển khai chương trình tiếp
sức mùa thi nhằm giúp đỡ các sĩ tử có nơi ăn, chốn ở đảm bảo. Nhà chùa
sẽ duy trì hoạt động này ở những năm tiếp theo", sư thày cho biết.
Theo: ngoisao.net