Phật giáo & Tuổi trẻ
Vẽ Mandala hồi hướng công đức cho cha mẹ
20/08/2013 23:55 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Một bức tranh Mandala theo nghệ thuật truyền thống Phật giáo Kim Cang thừa đã được trưng bày tại Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận). Bức vẽ đầu tay độc đáo bởi các vòng tròn đồng tâm với hoa văn trang trí khá tỉ mỉ bằng màu nước trên giấy mỹ thuật. Đây là bức tranh vẽ theo trường phái nghệ thuật tâm linh Kim Cang thừa chưa phổ biến nhiều ở Việt Nam. Điều đáng quý là bức tranh được vẽ với tấm lòng nhằm cúng dường, hồi hướng công đức cho cha mẹ nhân Đại lễ Vu lan - Báo hiếu của họa sĩ trẻ Khánh An (pháp danh Diệu Minh).

Bén duyên với “nghệ thuật giác ngộ”

Họa sĩ Nguyễn Quỳnh Khánh An (sinh năm 1988) (ảnh)tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật

ka (1).jpg
Họa sĩ Khánh An

 

Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2012. Sở trường của Khánh An là vẽ tranh bán trừu tượng bằng chất liệu sơn dầu.

Những nhu cầu trong đời sống giúp Khánh An có nhân duyên đến gần với Đức Phật và gần gũi với ngôi chùa ở gần nhà - Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận). Và qua một người bạn vẽ tranh Phật giáo trưng bày tại Nhà hàng chay Mandala (Q.1), Khánh An có dịp làm quen với nghệ thuật Phật giáo Mandala (bức họa vẽ trên mặt phẳng) theo truyền thống Kim Cang thừa. Một số bức tranh Mandala của truyền thống Kim Cang thừa đã hút hồn Khánh An. Và, em bắt đầu tìm hiểu về nó.

Khánh An cho biết, tìm hiểu tranh Mandala ở Việt Nam rất khó, chưa nhiều họa sĩ vẽ thể loại tranh này, giới nghệ thuật cũng ít am tường về nó. Vì thế, Khánh An tìm kiếm thông tin trên mạng và sách báo Phật giáo, đặc biệt các loại sách viết về nghệ thuật Mandala phát hành tại các quầy kinh sách Phật giáo.

Mới đầu tìm hiểu về tranh Mandala, Khánh An phải nhờ Sư cô Huệ Đức, trụ trì Quan Âm tu viện giải thích thêm và chị Huỳnh Long Ngọc Diệp cho Khánh An mượn thêm sách về nghệ thuật tranh Mandala. Hai người cũng khuyến khích Khánh An vẽ tranh về nghệ thuật tâm linh này.

Thông thường, để thực hiện một bức nghệ thuật vẽ Mandala đòi hỏi các Tăng sĩ phải chay tịnh, tập trung cao độ để vẽ trên mặt phẳng, hoặc đàn tràng bằng cát phải có 4 vị Tăng ở bốn góc. Việc kiến lập Mandala là nỗ lực về nghệ thuật nhưng cũng là hành động đầy tôn kính của người nghệ sĩ (Tăng sĩ) sẽ biểu đạt những tư tưởng, sắc tướng và trực giác ở mức cao nhất của nghệ thuật tâm linh.

Tranh Mandala là phẩm vật thiêng liêng trong đời sống nội viện, bên cạnh việc trang trí làm cho những ngôi chùa và nơi ở trở nên thiêng liêng. Theo truyền thống Kim Cang thừa, Mandala còn được dùng để cúng dường đến các bậc thầy khi thỉnh các bậc thầy truyền trao giáo pháp hay quán đỉnh. Mandala tượng trưng cho toàn bộ vũ trụ, là phương tiện để bày tỏ lòng tri ân cao nhất đối với giáo pháp tôn quý.

Bức họa Mandala đầu tay

Khi thực hiện, Khánh An bắt đầu từ một trong những Mandala phức tạp nhất của các vòng tròn và hình vuông nội tâm, Khánh An phải hết sức tập trung. Dùng giấy mỹ thuật và màu nước để thực hiện bức tranh. Bước đầu phải vẽ phác thảo, chia đều các hình khối, hoa văn theo thứ tự, hài hòa sau đó mới đi màu. Khánh An cho biết, thực hiện bức tranh này khó nhất là thể hiện sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, hai lĩnh vực này thuộc “phạm trù khó” đối với bản thân Khánh An vì lẽ lâu nay Khánh An chuyên vẽ tranh bán trừu tượng, một thể loại tranh với bút pháp phóng khoáng và khá bay bổng.

ka (2).jpg
Bức vẽ Mandala đầu tay của Khánh An

Khánh An cho biết, bức Mandala gồm những vòng tròn đồng tâm có cấu trúc mang tính biểu trưng mạnh mẽ, bên ngoài cùng là vòng tròn hoa văn độc đáo tượng trưng cho lửa, vành lửa biểu trưng cho quá trình chuyển hóa của phàm tình trước khi nhập vào miền Tịnh độ linh thiêng bên trong. Vòng tròn thứ hai là nước, tượng trưng cho sự không thể phá hủy, bảo vệ cảnh giới tâm linh của Mandala. Vòng tròn kế tiếp, biểu trưng cho tám thức của loài người bị trói buộc vào thế giới hiện tượng và sinh tử. Trong cùng là cấu trúc hình vuông được đặt đồng tâm trong những vòng tròn này. Hình vuông này được miêu tả là một ngôi chùa có bốn mặt vì đó là sự hội tụ những tinh túy nhất của Đức Phật hay là cõi tịnh của con người. Hình vuông của Mandala là không gian tuyệt đối của trí tuệ tránh mọi sự nhiễu loạn và xâm hãm của ác ma.

Cấu trúc hình vuông gồm 4 cổng được vẽ khá tỉ mỉ, tượng trưng cho tứ vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Những chiếc cổng được trang hoàng bằng những chiếc chuông, tràng hoa, những họa tiết trang trí li ti khác…

Trong bức tranh, Khánh An tuân thủ theo các màu sắc chủ đạo của một bức Mandala truyền thống, gồm 5 màu chủ đạo: Màu trắng, vàng, đỏ, xanh lục, xanh sẫm. Mỗi màu sắc đều có liên quan đến mỗi vị Phật và liên quan đến năm ảo tưởng phiền não của con người. Theo truyền thống Kim Cang thừa, những màu sắc này là những ảo tưởng bị che khuất bản chất chân thật của chúng ta nên nhờ vào thực hành tâm linh nó có thể chuyển hóa thành năm trí tuệ tương ứng với năm tính cách của 5 Đức Phật.

Khi nhìn thấy bức Mandala hoàn thành, ba của Khánh An (là một họa sĩ) cũng khá bất ngờ, bởi vì tính chất mỹ thuật của một tôn giáo còn khá lạ lẫm hoàn toàn trái ngược với tính cách của Khánh An.

“Em cũng sửa tới sửa lui nhiều lần, có khi một giọt màu vô tình rơi, vậy là phải tìm cách pha màu lại, che đi. Em cặm cụi làm suốt đêm có khi đến 2-3 giờ sáng. Càng vẽ em càng thấy bị cuốn vào nó. Và, nó thôi thúc mình phải tập trung cao độ”, Khánh An tâm sự. Bức tranh hoàn thành trong 42 ngày.

Điều đặc biệt của “sự kiện” vẽ bức Mandala này là Khánh An thôi thúc bởi tấm lòng hiếu thảo. Trước khi thực hiện bức tranh, Khánh An tâm niệm vẽ để cúng dường cho Quan Âm tu viện và hồi hướng công đức này cho cha mẹ nhân Đại lễ Vu lan -Báo hiếu. Và, Khánh An đã làm được đúng như dự định.

Hiện tại, Khánh An đang thực hiện những bức tranh Mandala thứ hai về 6 bánh xe luân hồi để thỏa sức tìm tòi và khám phá nghệ thuật tâm linh mới mẻ này. Khánh An tâm sự, mơ ước của em là sẽ được đi Tây Tạng để thỏa sức tìm hiểu, khám phá về nghệ thuật tâm linh này và cố gắng vẽ để thực hiện một triển lãm.

H.Diệu

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch