Kính thưa quí vị và các bạn,
Tuổi trẻ ở bất cứ xứ sở nào cũng là vốn
liếng quí giá, là niềm hy vọng, là tương lai tươi sáng. Đặc điểm của tâm
hồn tuổi trẻ là hồn nhiên tươi mát, mềm dẻo, vị tha... cho nên đó là
mảnh đất màu mỡ nhất để ươm vào những hạt giống tốt đẹp. Vì thế, vấn đề
quan trọng nhất cho tuổi trẻ, vì tuổi trẻ, bao giờ và ở đâu, cũng là
“giáo dục”. Đó là tiếp thu sự hiểu biết từ thế giới bên ngoài và làm
phát triển những phẩm chất tốt đẹp có sẵn bên trong con người. Khi nói
về “lời khuyên cho tuổi trẻ” hay “lời khuyên cho học sinh”, v.v... người
ta thường dựa vào những ý kiến của những nhân vật quan trọng trong xã
hội, hay lời nói của những bậc danh nhân, thánh nhân, v.v... bởi vì đó
là nơi nương tựa và tin tưởng của mọi người. Đó là lý do mà câu chuyện
Phật Pháp với Tuổi Trẻ của chúng ta hôm nay mang tựa đề này, một tựa đề
của một bài nói chuyện của đức Đạt-lai Lạt-ma 14 Tây Tạng.
Sở dĩ chúng tôi xin ghi thêm “thân kính
tặng ACE Áo Lam” là để quí vị và các bạn đọc qua có thấy (giống như
chúng tôi) những điểm tương đồng giữa quan điểm giáo dục của đức Đạt-lai
Lạt-ma với châm ngôn Bi-Trí-Dũng của GĐPT không.
Xin kính mời quí vị và các bạn đi vào
vấn đề hội luận này với các huynh trưởng quen thuộc A, B, C.
A: Hôm nay chúng ta nói về đề tài gì hở
các bạn?
B: Là bài nói chuyện của đức Đạt-lai
Lạt-ma 14 Tây Tạng. Đó là “Vài lời khuyên cho tuổi trẻ”.
C: Mình cũng có đọc bài đó nữa và thấy
rằng không hiểu sao mình thấy giống như tinh thần giáo dục của GĐPT mình
vậy các bạn à!
A: Mình nghĩ cũng phải thôi vì đức
Đạt-lai Lạt-ma suy cho cùng thì cũng là một nhà giáo dục Phật giáo, mà
GĐPT chúng ta là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi Phật tử, không
phải là tuổi trẻ Phật giáo hay sao? Nếu không giống nhau mới là chuyện
lạ!
B: Bạn A nói chí lý, tuy nhiên chúng ta
cũng phải phân tích hẳn hoi để thấy rõ những điểm tương đồng, chứ nếu
nói mà không chứng minh thì dễ bị ngộ nhận “thấy người sang bắt quàng
làm họ” lắm đó nha! ☺☺ !!
C: Đồng ý, mình xin đưa ra ý đầu tiên
của đức Đạt-lai Lạt-ma, đó là: “Trong xã hội tân tiến hiện nay, người ta
có chiều hướng không quan tâm đến những phẩm tính tự nhiên của con
người: ấy là sự tốt bụng, lòng từ bi, sự hợp tác và khả năng tha thứ”.
Mình thấy giáo dục GĐPT chúng ta rõ ràng là có quan tâm đến những phẩm
chất tốt đẹp này trong châm ngôn “Bi-Trí-Dũng” với lòng từ Bi đứng đầu
đó. Còn nữa, chúng ta dạy các em những bài “Hiểu và Thương” hay những
chuyện tiền thân, mẩu chuyện đạo, ca ngợi lòng từ bi, sự tha thứ, bao
dung không chỉ của con người mà cả đến những con vật đáng làm gương cho
con người nữa (Con Sư Tử trọng Pháp, con Voi hiếu nghĩa, v.v...) còn sự
hợp tác thì rõ quá rồi, tinh thần đồng đội là giáo dục hàng đầu của
chúng ta đối với ngành Thiếu và ngành Thanh mà!
A: Bạn còn quên một điều trước điều đó
nữa; đức Đạt-lai Lạt-ma nói: “Tôi khuyên tuổi trẻ ngay khi còn trẻ cũng
phải tập sống thuận thảo và tương trợ lẫn nhau... những cãi vã xung đột
nhỏ không sao tránh khỏi nhưng quan trọng là phải biết xóa bỏ những
chuyện ấy, không nên giữ lại bất cứ một chút oán thù nào trong lòng”.
Điều này cũng nằm trong Luật Oanh Vũ và Luật ngành Thiếu rồi phải không
các bạn (?): “Em kính mến Cha Mẹ và thuận thảo với Anh Chị Em”; khi
giảng bài cho các em, chúng ta cũng nhấn mạnh rằng không chỉ thuận thảo
với anh chị em mà cả với bạn bè, hàng xóm, và tất cả mọi người, phải
kính trên, nhường dưới, v.v... Còn với ngành Thiếu: “Phật tử sống hỷ xả
để dũng tiến trên đường Đạo” và khi giảng bài cho các em chúng ta cũng
nhắc về đức tính tha thứ, bao dung, hỷ xả, xóa bỏ mọi oán giận, vui cái
vui của người khác, hân hoan với tiếng vỗ tay dành cho người khác, “Sáng
cho người niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” hay “chia sẻ nỗi buồn với
người đang khóc”, v.v...
B: Ngài còn nói: “Khi còn trẻ, người ta
kết hợp với nhau một cách dễ dàng; chỉ cần gặp nhau và cùng nhau vui
cười là có thể trở thành bạn hữu của nhau, không cần biết bạn của mình
làm nghề gì, thuộc giống dân nào…”. GĐPT cũng vậy, các thành viên không
phân biệt già trẻ, giàu nghèo sang hèn gì cả; đã vào GĐPT thì khi đến
Chùa đều mặc áo Lam như nhau, con ông triệu phú hay ông bộ trưởng cũng
như con bác thợ rèn… không có gì khác nhau; điều này không chỉ ngày nay ở
đất nước văn minh này mà cả hơn nửa thế kỷ trước trong xã hội Việt Nam
còn phong kiến vẫn vậy. Nhỏ thì phải chào hỏi người lớn trước, lớn thì
phải có bổn phận săn sóc nhường nhịn nhỏ… điều này đã thành nền nếp
truyền thống mấy đời.
C: Đức Đạt-lai Lạt-ma còn bảo rằng,
“Thật là quan trọng cho tuổi trẻ sớm ý thức được rằng đời sống con người
không phải dễ dàng. Muốn thực hiện một cách tốt đẹp sự sống ấy thì
không được nản chí khi những khó khăn xuất hiện và nhất là phải có một
sức mạnh bên trong.” Điều này không chỉ trong châm ngôn Bi-Trí-Dũng mà
còn tiềm tàng trong các bài học về Phật pháp và Tinh thần. Riêng về “sức
mạnh bên trong” phải chăng là đức Dũng và muốn “ý thức được rằng đời
sống con người không phải dễ dàng” chính là phải dùng Trí tuệ để quán
xét?
A: Đúng vậy, sức mạnh bên trong mà đức
Đạt-lai Lạt-ma nói đến chính là sự Tỉnh thức (Chánh niệm); đó là khả
năng để thực hiện một cách tốt đẹp đời sống này, và khi những khó khăn
xuất hiện cũng phải duy trì chánh niệm, đem nhẫn nhục, hy sinh, v.v...
để đối phó. Đây cũng chính là đức Dũng mà bạn C vừa nói đến.
B: Mình rất đồng ý với các bạn về Trí và
Dũng trong châm ngôn của GĐPT mà các bạn phân tích, ứng với việc thực
hiện tốt đẹp đời sống và ứng phó khi những khó khăn của cuộc sống xuất
hiện, để không đầu hàng, không ngã gục.
C: Các bạn nghĩ sao về ý kiến của đức
Đạt-lai Lạt-ma khi nói về mạng lưới truyền thông: “Các chủ đề ưa chuộng
của mạng lưới truyền thông là cướp bóc, tội phạm, những hành vi thúc đẩy
bởi sự tham lợi hay hận thù. Tuy thế, ta không thể nào bảo rằng trong
thế giới này tuyệt nhiên không có một hành động cao cả nào xảy ra, không
có hành vi nào xuất phát từ phẩm tính tốt đẹp của con người. Chẳng lẽ
không có ai chăm lo cho người bệnh tật, trẻ mồ côi, người già yếu,
khuyết tật với tấm lòng bất vụ lợi hay sao? Những hành vi như vậy rất
nhiều, nhưng chúng ta lại xem những hành vi đó là bình thường…”?
A: Ngài nói rất có lý! Thế giới truyền
thông của chúng ta bây giờ xem thường những tư duy và hành vi phát sinh
vì tình yêu thương mà chỉ ưa truyền thông những tin tức giật gân do bạo
lực, tàn ác gây ra. Giới truyền thông đã quên rằng chính những gì phát
sinh từ hiểu biết và thương yêu ảnh hưởng rất tốt đến tinh thần và thể
xác chúng ta, trong khi những hành vi tội ác bạo tàn khống chế ta đến
một độ nguy hiểm nhất là con em chúng ta ngỡ rằng bản chất con người là
độc ác xấu xa như thế!
B: Phải! phải! điều này không những đức
Đạt-lai Lạt-ma mà chính GĐPT chúng ta nói riêng, các đoàn thể thanh niên
sinh viên học sinh, các tổ chức giáo dục nói chung đã lên tiếng báo
động rằng có những chương trình truyền hình rất độc hại cho trẻ em và
chính quyền đã lưu ý phụ huynh học sinh chỉ nên cho các em xem những
chương trình TV nào có tính cách giáo dục lành mạnh, v.v...
C: Không những thế, những phim truyện
truyền hình có nội dung đánh nhau, dùng súng và vũ khí tối tân để sát
hại sinh linh, v.v... cũng được khuyến cáo phải xét lại.
A: Thật vậy, cho nên đức Đạt-lai Lạt-ma
đã nhắc nhở chúng ta cần thiết phải nói với tuổi trẻ như sau: “Các em
hãy cố gắng nhận thấy những phẩm tính tốt đẹp của con người đang hiện
hữu một cách tự nhiên trong các em. Hãy xây dựng trong lòng một niềm tin
vững chắc và tập cho mình biết đứng vững trên đôi chân của chính mình”.
B: Điều này GĐPT chúng ta cũng đã chủ
trương như vậy khi nói về vấn đề lựa chọn nghề nghiệp của các em: hãy
lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản chất của mình, trình độ hiểu biết
của mình, khả năng và quyền lợi của mình cũng như của gia đình mình,
thân bằng quyến thuộc của mình thì càng tốt, vì như vậy mình có sẵn kinh
nghiệm của họ, sự chỉ dẫn tận tình của họ, v.v...
C: Còn nữa, khi đã lựa chọn rồi thì phải
cố gắng mà duy trì, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, đừng có
thay đổi nghề nghiệp như thay đổi thực đơn để tìm “cảm giác lạ” thì sẽ
khó thành công trong đời.
A: Do vậy, ngay từ khi chọn ngành học,
chúng ta đã nhắc nhở các em phải thận trọng chọn ngành nghề thích hợp
với tính tình, sở thích và năng khiếu của mình chứ không đợi đến khi ra
trường rồi mà vẫn không biết mình muốn cái gì!
B: Như vậy, chúng ta đã có thể chứng
minh được rằng giáo dục của GĐPT nói chung đã đáp ứng những lời khuyên
của đức Đạt-lai Lạt-ma cho tuổi trẻ hôm nay rồi chứ gì?
C: Phải, nếu chúng ta chuyên chở được
tinh thần của châm ngôn Bi-Trí-Dũng của ngành Thiếu, Hòa-Tin-Vui của
ngành Oanh vào những bài học Phật pháp, tinh thần, hoạt động thanh niên,
văn nghệ, v.v... của chương trình tu học GĐPT thì chúng ta đã thực hiện
đúng những lời khuyên của đức Đạt-lai Lạt-ma đối với tuổi trẻ hôm nay
rồi!
A: Ngoài ra chúng ta cũng đã nhiều lần
bàn về vấn đề “làm mới” cách truyền đạt sao cho các em thích học Phật
pháp, chuyên môn, Việt ngữ... cũng như thích tập múa Lân, văn nghệ, tập
ca múa, vui chơi… nữa mới được!
B: Đúng vậy, chuyện của ACE mình còn dài
mà, phải không các bạn?
C: Phải đó, hôm nay đến đây tạm đủ, xin
cảm ơn các bạn và xin hẹn lần tới nha! Tạm biệt!
A và B: Tạm biệt! Tạm biệt! ■
(Thân kính tặng ACE Áo Lam)