Phật giáo & Tuổi trẻ
Phật Pháp Cho Sinh Viên (Buddha Dhamma For Students)
Tỳ kheo Phật Lệ - (Buddhadasa Bhikkhu) - Thiện Nhựt phỏng dịch Nguyên tác Thái ngữ: "Lak Dhamma Samrab Nak Seuksa", Bản dịch Anh ngữ: "Buddha Dhamma For Students", của Rod Bucknell
14/09/2011 01:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NHẬP ÐỀ

Thưa các Bạn Ðạo,

Buổi nói chuyện hôm nay được mạng danh là "Phật Pháp Cho Sinh viên."

Tôi muốn nói rõ với các bạn rằng buổi nói chuyện nầy sẽ bàn đến các điều chủ yếu và các nguyên lý căn bản, và đặc biệt dành cho các sinh viên, tức là các người trí thức. Tôi sẽ bàn luận đến các nguyên lý rộng rãi về Giáo pháp (Chơn lý Thiên nhiên), dưới hình thức vấn đáp, trước đặt câu hỏi với các bạn, rồi sau sẽ cung ứng câu trả lời. Ðược nghe câu hỏi trước, các bạn sẽ thấy câu trả lời dễ hiểu và dễ nhớ hơn. Tôi nghĩ rằng cách nầy phù hợp nhứt để trình bày với các bạn sinh viên, tức là những người thông minh. Người ta thường kể rằng, vào thời Ðức Phật, các bực thông minh chẳng hỏi gì ngoài các điểm chủ yếu và các nguyên lý căn bản. Họ chẳng bao giờ chờ đợi những lời giải thích tẻ nhạt. Ðiều đó có nhiều lợi điểm, nhứt là tiết kiệm được thời giờ.

Và đây là việc tôi sẽ làm ngày hôm nay: đặt một câu hỏi nêu ra một đề tài cho chúng ta, rồi trả lời câu hỏi đó với các nguyên lý căn bản. Bằng cách ấy các bạn sẽ có được các điều thiết yếu về một số lớn đề tài cùng các sự kiện sẽ giúp các bạn dùng làm nền tảng tổng quátvà vững chắc. Có được một nền tảng kiến thức sẽ đem lại thành quả tốt đẹp trong tương lai; nó sẽ giúp các bạn nghiên cứu và hiểu rõ các diễn giả khác.

Một điểm nữa. Hình thức của buổi nói chuyện của tôi còn chuẩn bị cho các bạn được sẵn sàng khi gặp người ngoại quốc, hoặc người thuộc tôn giáo khác hỏi đến. Nó sẽ giúp các bạn trả lời các câu họ hỏi, trả lời đúng đắn, chẳng gây thêm sự hiểu lầm nào liên quan đến Giáo pháp. Xin nhớ kỹ các điều vừa nói, chúng hợp thành cốt lõi của vấn đề. Nếu các bạn khéo nhớ được chừng ấy, thì đó sẽ là một việc rất tôt, và tôi tin rằng, sẽ có lợi thật to lớn cho tất cả các bạn.

Giờ đây, tôi xin lần lượt bàn luận về các đề tài.

Thí dụ như chúng ta được hỏi:


01.- Ðức Phật đã dạy về đề tài nào?

Cách hay nhứt để trả lời điều ấy là viện dẫn lời nói của chính Ðức Phật. " Nầy các tỳ kheo, Như Lai chỉ dạy về ÐAU KHỔ (Dukkha, đau khổ, bất toại nguyện) và sự chấm dứt Ðau khổ."

Cho dầu các bạn có đồng ý với câu trả lời đó hay không, tôi cũng xin bạn ghi nhớ lấy nó. Còn có nhiều cách khác để trả lời, nhưng lời giải đáp nầy chính là lời của Ðức Phật đã tóm tắt lại tất cả giáo pháp của Ngài rất ngắn gọn.

Ðức Phật chỉ chỉ dạy có Ðau khổ và sự dập tắt Ðau khổ. Ðiều nầy đã khiến cho các câu hỏi chẳng liên quan trực tiếp đến sự chấm dứt Ðau khổ trở thành chẳng thích nghi với vấn đề. Các bạn khoan nghĩ đến các câu hỏi khác, như: "Sau khi chết, còn có tái sanh không?" hoặc: "Tái sanh diễn ra như thế nào?" Các câu hỏi đó sẽ được cứu xét đến sau nầy.

Vậy thì, nếu một người Tây phương hỏi chúng ta câu hỏi trên, chúng ta sẽ trả lời rằng: "Ðức Phật chẳng dạy điều gì khác hơn là Ðau khổ, cùng sự chấm dứt Ðau khổ."

Tiếp theo câu hỏi vừa qua, chúng ta có thể được hỏi thêm:


02.- Ðức Phật đã dạy đặc biệt điều gì?

A.- Như các bạn thấy, đây là một vấn đề lớn có thể trả lời nhiều cách tuỳ theo qun điểm khác nhau. Nếu được hỏi như trên, chúng ta có thể đáp, quan trọng hơn hết, Ngài dạy chúng ta đi theo con đường Trung Ðạo, đừng quá khổ hạnh mà cũng đừng quá dể duôi; đừng ngã theo cực đoan nầy cũng chẳng theo cực đoan kia. Một mặt, chúng ta tránh sự tự ép xác quá nhọc nhằn của các phái du già (yiga) chỉ tạo thêm sự khó khăn và rối rắm. Mặt khác, chúng ta phải tránh xa đường lối thực hành còn chấp thuận các thú vui nhục dục, cũng như bảo: "Cứ ăn, cứ uống, cứ vui đùa, vì ngày mai chúng ta sẽ chết mất!" Ðấy là lời nói rất trơ trẽn, chỉ thích hợp với hạng người đắm đuối trong thú vui vật chất. 


Ngược lại, con đường Trung Ðạo, một mặt chẳng tạo thêm các cực nhọc cho ta, và mặt khác, chẳng chiều theo dục vọng để hưởng thọ các thú vui nhục dục. Ði theo con đường Trung Ðạo sẽ mang đến cơ duyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự học tập và thực hành, và thành công trong việc chấm dứt đau khổ. Từ ngữ Con Ðường Trung Ðạo có thể ứng dụng vào nhiều tình trạng khác nhau. Nó chẳng thể nào đưa bạn đi lạc đường cả. Nó chủ trương sự tiét chế. Biết các nguyên nhơn, biết các hậu quả, biết chính mình, biết đến mức nào gọi là đủ, biết đúng thời, biết người khác, biết các cộng đồng: đó là Bảy Ðiều Hiểu Biết Cao thượng lập thành các bước đi theo Con Ðường Trung Ðạo.


Ðó là một cách để trả lời câu hỏi trên.


B.- Chúng ta cũng có thể trả lời đúng đắn bằng cách nói rằng Ðức Phật dạy Sự Tự Lực. Các bạn đều hiểu rõ cả thế nào là tự lực, chắc chẳng cần phải giải thích thêm. Nói cách vắn tắt, chúng ta chẳng nên tin cậy vào thời vận và định mạng. Chúng ta chẳng nên tin cậy vào các bực Trời, ngay cả bậc thường được gọi là "Thượng Ðế". Chúng ta phải tự lực, trông cậy vào chính mình. Viện dẫn chính lời Ðức Phật: "Ta là nơi nương tựa của Ta." Ngay cả trong các tôn giáo hữu thần cũng nói rằng Thượng Ðế chỉ cứu giúp những ai biết tự cứu lấy mình. Trong các đạo giáo khác, vấn đề tự lực có thể được nói đến hoặc ít hoặc nhiều, nhưng trong Phật giáo, vấn đề tự lực rất là quan trọng. Khi một người bị phiền muộn và bị lừa phỉnh, đau đớn và thống khổ, người ấy phải biết quay về con đường tự cứu. Ðức Phật bảo: "Như Lai chỉ chỉ con đường. Còn nỗ lực là điều mọi người phải tự mình làm lấy." Nói cách khác, Ðức Phật dạy tự lực. Ta nên ghi nhớ kỹ điều ấy.

C.- Một cách khác để đáp câu hỏi trên là nhắc lại lời Ðức Phật dạy rằng: "Mọi sự vật đều được gây nên và bị điều kiện hoá. Mọi sự vật xuất hiện tùy thuộc vào nguyên nhơn và điều kiện, đúng theo định luật." Lời phát biểu đó cũng giống với câu giải đáp của một vị tỳ kheo - Tôn giả Át bệ (*) - cho Tôn giả Xá lợi phất (*) trước khi vị sau nầy gia nhập Tăng Ðoàn: "Ðức Phật có dạy rằng, mọi sự vật khởi lên do nguyên nhơn. Ta phải biết nguyên nhơn của sự vật đó cùng sự chấm dứt nguyên nhơn của nó." Nguyên lý nầy của Giáo Pháp rất là khoa học, ngay tự nơi bản chất, và chúng ta có thể khẳng định rằng các nguyên lý của Phật giáo đều phù hợp với khoa học. Ðức Phật chẳng hề dùng các dữ kiện cá nhơn hay chủ quan để làm tiêu chuẩn; nói cách khác, Phật giáo là một tôn giáo của Lý trí.

[*Át bệ = Asjavit; Xá lợi phất = Sariputta.]


D.- Lại còn một cách khác để giải đáp câu hỏi số 02, là Ðức Phật đã dạy, như một qui tắc cho sự thực hành: "Hãy tránh các điều ác, siêng làm các việc lành, thanh lọc tâm ý." Ba điều ấy hợp lại thành Ovàda pàtimokkha (Khích lệ Giới bổn), có nghĩa là "tóm tắt các lời khuyến khích": tránh điều ác, siêng làm lành, thanh lọc tâm ý cho trong sạch.


Tránh điều ác và siêng làm lành chẳng cần phải giải thích thêm; nhưng cách làm cho tâm thức con người trở nên trong sạch thì còn chưa nhận thấy được hiển nhiên. Nếu một người cứ lo chụp nắm và bám níu, ngay cả vào điều lành đi nữa, trong tâm thức người ấy sẽ khởi lên sự ô uế: lo sợ chẳng nhận được điều lành, lo sợ bị từ khước các điều tốt đang có, ưu sầu, phiền muộn, và quyến luyến cái nầy, cái nọ coi như là "của tôi". Tất cả những thứ đó tạo nên đau khổ. Dầu cho chúng ta có thành công trong việc tránh ác và làm lành, chúng ta vẫn còn phải biết cách làm sao cho tâm thức mình được thanh tịnh. Ðừng chụp nắm và bám níu vào bất cứ sự vật gì coi như là ta, hoặc là của ta. Bằng không, sẽ có khốn khó và đau khổ (dukkha) đè nặng trĩu lên. Nói cách khác, chụp nắm và bám níu là gánh nặng trên mình. Ðeo bên vai hay đội trên đầu một bịt ngọc ngà châu báu cũng nặng y như đang vác một bịt sỏi đá vậy. Vậy thì, đừng mang sỏi đá, ngọc ngà chi cả. Hãy đặt chúng xuống. Bạn đừng để vật nặng nào trên đầu (đầu , ở đây, có nghĩa là tâm thức). Thanh lọc tâm ý chính là nghĩa đó.


Thứ nhứt tránh việc ác, thứ hai siêng làm lành, còn thứ ba là thanh lọc tâm thức, đó là lời dạy của chư Phật.

E.- Và đây là một lời dạy quan trọng khác nữa đáng được nhắc nhở luôn. Ðức Phật dạy rằng: "Tất cả những sự vật hữu vi (những vật tổ hợp tức là tất cả mọi sự vật, mọi chúng sanh trên thế giới) đều chuyển trôi mãi mãi, luôn luôn tan vỡ (nghĩa là đều vô thường). Mọi người phải nên luôn luôn tỉnh thức!" Xin các bạn hãy nghe cẩn thận các chữ nầy: mọi vật trên cõi đời nầy luôn luôn chuyển trôi, rồi tan vỡ; tất cả đều vô thường. Ðừng chạy theo vui đùa với chúng! Chúng sẽ cấu xé bạn. Chúng sẽ tát vào mặt bạn. Chúng sẽ trói buộc bạn thật chặt chẽ. Rồi bạn sẽ ngồi bệt xuống đất mà khóc than, và biết đâu lại muốn ... tự tử!

Giờ đây, hãy đúc kết lại các cách khác nhau để trả lời câu hỏi số 02. Nếu được hỏi, Ðức Phật đã dạy điều gì, ta sẽ trả lời bằng một trong các câu sau đây:

- Ngài dạy chúng ta nên đi theo con đường Trung Ðạo; 

- Ngài dạy chúng ta phải tự lực;

- Ngài dạy chúng ta phải quen thuộc với Ðịnh luật Nhơn quả và thích ứng với nguyên nhơn để hưởng như ý muốn cái hậu quả sẽ theo sau;

- Ngài dạy chúng ta một nguyên tắc thực hành: tránh điều ác, siêng làm lành, thanh lọc tâm ý;

- và Ngài nhắc nhở chúng ta phải biết các sự vật hữu vi đều vô thường, luôn luôn chuyển biến và lúc nào chúng ta cũng phải tỉnh thức.

Giờ đây nếu gặp một người ngoại quốc hỏi:


03.- "Xin nói vắn tắt, thông điệp của Phật giáo là gì?" 

Có thể đáp ngay bằng lời nói vắn tắt của Ðức Phật: "Chẳng có bất cứ điều gì có thể chụp nắm và bám níu vào cả."

Lời Phật, "Chẳng có chi để chụp nắm và bám níu vào cả" là là một câu cách ngôn, ngay trong tầm tay của ta, đâu cần mất thêm thời giờ đi tra cứu trong Tam Tạng Kinh Ðiển (các lời dạy về Giáo pháp được ghi chép lại), vì câu ngắn gọn ấy nói lên đầy đủ và rõ ràng. Trong tất cả các bản Kinh, trong toàn thể Giáo pháp, nhiều đến tám vạn bốn ngàn đề tài, tất cả đều có thể tóm gọn trong một câu duy nhứt: "Chẳng có chi để chụp nắm và bám níu vào cả." Câu ấy dạy ta rằng hễ chụp nắm sự vật và bám níu vào chúng là đau khổ (dukkha). Một khi đã hiểu rõ được lời nói ấy, thì có thể bảo là đã biết tất cả các lời Phật đã thốt ra, toàn bộ tám vạn bốn ngàn Pháp môn. Và hễ đem câu ấy ra thực hành, đó là đang thi hành trọn vẹn Giáo pháp, trong mọi giai đoạn và dưới mọi hình thức.

Lý do vì sao một người thất bại trong việc giữ gìn giới cấm, chính là vì y đã chụp nắm và bám níu vào sự vật. Nếu y biết tự kềm chế chẳng chụp nắm và chẳng bám níu vào bất cứ sự vật chi và dẹp đuợc sự thèm khát cùng sự oán ghét, thì y chẳng thể nào phạm vào giới được. Lý do vì sao tâm trí một người lại luôn xao lãng và chẳng định tâm được, là vì y đang chụp nắm và bám níu vào một điều gì. Lý do vì sao một người còn thiếu trí huệ cũng giống như vậy. Một khi anh ta đã biết tập tánh buông bỏ chẳng chụp nắm nữa, liền đó anh tiến theo Con Ðường Chánh Ðạo, đạt được Quả vị và cuối cùng chứng đắc Niết bàn (Pali = Nibbàna; Phạn = Nirvàna).


Ðức Phật là người chẳng hề nắm bắt điều chi cả. Chánh Pháp chỉ dạy sự thực hành việc buông bỏ chẳng bám níu và quả vị của sự từ khước nắm bắt. Tăng già (Cộng đồng các vị thánh đệ tử của Ðức Phật) gồm có các vị thực hành sự chẳng chụp nắm, một số vị còn đang tập luyện, một số đã hoàn tất.

Khi được yêu cầu tóm tắt Giáo pháp của Ngài trong một câu ngắn, Ðức Phật đã đáp: "Chẳng có bất cứ điều nào mà ta nên chụp nắm và bám níu vào cả."


04.- "Làm thế nào để thực hành việc chẳng chụp nắm và chẳng bám níu?"

Khi bạn gặp một người ngoại quốc hỏi, bằng cách nào mà thực hành được việc chẳng chụp nắm, thì bạn nên, một lần nữa, đem câu nói của chính Ðức Phật ra mà trả lời. Khỏi cần đưa ý kiên riêng của chúng ta ra. Ðức Phật dạy thật đầy đủ như sau:

"Khi mắt thấy một vật, chỉ thấy vật ấy. Khi tai nghe một tiếng, chỉ nghe tiếng ấy. Khi nũi nguủi một mùi, chỉ ngửi mùi ấy. Khi lưỡi nếm món gì, chỉ nếm món đó. Khi có cảm xúc trên dahay trên thân, chỉ biết đến cảm xúc ấy. Và khi một ý nghĩ, một đối tượng tâm linh, khởi lên trong tâm, như một tư tưởng xấu chẳng hạn, chỉ biết tư tưởng ấy."

Tôi xin hãy đọc trở lại lời dạy trên, để giúp những bạn chưa từng nghe đến câu ấy. Khi nhìn thấy, chỉ có sự thấy mà thôi. Nếu có thể được, khi đang thấy, chỉ thấy thôi; khi nghe, chỉ nghe; khi ngửi mùi, chỉ ngửi mùi; khi nếm vị, chỉ nếm; khi nhận một cảm giác trên da hay trên thân, chỉ thể nghiệm cảm giác ấy; và khi một đối tượng tâm linh khởi lên trong tâm thức, chỉ biết đang có đối tượng đó. Ðiều nầy có nghĩa là chẳng nên để cho tư tưởng về thân kiến (ý nghĩ về ta) khởi lên. Ðức Phật dạy, nếu một người năng thực tập như htế, cái ta (cái tự ngã) chẳng thể nào khởi sanh được; rồi thì sự vắng mặt của cái ta (tự ngã) tức là sự chấm dứt đau khổ (dukkha).

"Nhìn thấy một vật qua con mắt, chỉ thấy mà thôi." Cần giải thích thêm điều nầy. Khi có vật tiếp xúc với mắt, hãy quan sát cùng nhận ra vật ấy và biết cần phải làm điều gì khi thấy vật đó. Nhưng đừng để cho thương, thích hay ghét, chê khởi lên. Nếu bạn nổi lên thương, bạn sẽ ham muốn vật đó. Nếu bạn để cho ghét nổi lên, bạn sẽ muốn phá hủy nó. Như thế là hiện đang có mặt ở đó cả người thương lẫn kẻ ghét. Ðấy là điều được gọi là cái Ta, cái Tự ngã. Theo con đường của cái Ta là đang đau khổ và thất vọng. Khi một vật được nhìn thấy, cần phải có trí thông minh cùng sự nhận biết. Ðừng để cho các ô nhiễm trong tâm buộc bạn phải chụp nắm và bám níu. Ðào luyện trí thông minh để biết điều gì cần làm cho đúng và thích hợp. Nếu thấy chẳng cần làm gì, thì quên vật đó ngay đi. Nếu đang chờ đợi một kết quả nào về vật ấy, thì cứ tiến hành làm ngay, với sự nhận biết của trí thông minh, mà chẳng để cho thân kiến (ý tưởng vể cái ta) có dịp sanh khởi lên được. Bằng cách ấy, bạn có được kết quả bạn mong muốn mà chẳng có sự đau khổ nào xảy ra cả. Ðấy là một nguyên tắc thực hành Giáo pháp rất gọn, đáng được xem là tuyệt hảo.

Ðức Phật dạy: "Khi thấy, chỉ thấy. Khi nghe, chỉ nghe (...) Khi nhận biết một đối tượng tâm linh, chỉ nhận biết nó." Hãy ngưng lại ngay đó, và trí huệ tự nhiên sẽ chuyển động. Hãy chọn lấy lối đi đúng đắn và thích hợp. Ðừng khai sanh thêm "người thương" hay "kẻ ghét", và tùng theo đó là cái ý muốn hành động theo sự thương hay sự ghét, vì đấy chính là sự khởi sanh ra cái tự ngã trong tâm. Một tâm tư như thế trở nên náo động, chẳng được tự do. Tâm tư ấy hoạt động chẳng có chút trí huệ nào cả.

Tại sao ta lại chẳng nêu lên giới, định, huệ, tạo phước đức hay bố thí liên quan đến một công đức đầy thắng quả như thế? Các điểm ấy (giới, định, v.v.) là những trợ duyên giúp cho hành giả, chớ chúng chẳng phải là cốt tủy của Giáo Pháp, còn chưa phải là phần thiết yếu. Chúng ta tạo phước đức, bố thí, giữ giới, tập định, và phát triển trí huệ, chính là để trở thành người an định. Khi đang thấy, chỉ thấy; khi đang nghe, chỉ nghe. Thực hiện điều nầy, chúng ta trở thành an định. Chúng ta có được sự an định, sự chẳng lay chuyển và thế quân bình. Mặc dầu cảnh vật bên ngoài đến tiếp xúc với chúng ta hằng ngày, dưới nhiều hình thức qua các nẻo của giac quan, cái tự ngã (Ta) cũng chẳng sanh khởi ra được. Tạo phước đức, bố thí là những phương cách để loại trừ cái Ta ra. Giữ giới là phương thức giúp chúng ta làm chủ mà trị được cái Ta, sự luyện tập định lực cũng có hiệu lực như thế. Phát triển trí huệ dùng để tiêu diệt cái Ta. Nơi đây, chúng ta chẳng bàn đến nhiều vấn đề khác nhau, chúng ta chỉ nói đến một vấn đề khẩn cấp hằng ngày. Hằng ngày, đôi mắt chúng ta nhìn thấy vật nầy, món nọ, tai chúng ta nghe tiếng nọ, tiếng kia; mũi chúng ta ngửi mùi nầy, hương nọ, và rồi cho chí đến sáu cửa của các giác quan. Chỉ riêng có công phu thực tập nầy cũng đủ bao trùm hết mọi công phu. Nó chính là bản chất, là tinh túy, của sự thực hành Giáo pháp.

Nếu có người ngoại quốc nào hỏi bạn câu số 04 trên đây, xin hãy trả lời như vừa nói.

Thí dụ như một người ngoại quốc hay một người khác tôn giáo với bạn, đến hỏi bạn rằng:


05.- "Nơi nào chúng ta có thể tu học được?"

Lại một lần nữa, chúng ta đáp bằng cách trích dẫn lời nói của Ðức Phật, "ngay trong tấm thân 'một thước tám' nầy, với các tri giác và các hoạt động tâm linh." Tu học ngay trong tấm thân của con người cùng với các tri giác và hoạt động tinh thần. Tấm thân "thước tám" nầy, còn đang sống động, cùng với các tri giác, các hành động tâm thức, tất cả các phần đó lập thành con người. Sự hiện diện của tâm thức bao hàm các tri giác, và sự hiện diện của các hoạt động tâm linh bao hàm các kiến thức và tư tưởng. 

Trong tấm thân "thước tám" đó cùng với các tri giác và các hoạt động tâm linh, đấng Như Lai (Ðức Phật) đã cho biết rõ ràng thế giới, nguồn gốc của thế giới, sự tận diệt của thế giới, cùng đường lối thực hành để hoàn tất sự diệt tận đó. Khi Ngài nói đến nguồn gốc của thế giới, sự hoại diệt của thế giới, cùng đường lối thực hành đưa đến sự tiêu diệt hoàn toàn thế giới đó, Ngài muốn nói rằng toàn thể Giáo Pháp đều phải tìm thấy ngay trong thân tâm nầy. Tu học ngay nơi đó. Ðừng đi học ở trường, ở nơi hang động, ở cảnh rừng hoang, trên ngọn núi cao, hay ở trong tu viện. Các nơi đó đều nằm bên ngoài chúng ta. Hãy xây dựng một ngôi trường bên trong, thiết lập một đại học đường ngay trong thân thể. Rồi hãy nghiên cứu, học tập, điều tra, sưu tầm, thám thính đó đây, tìm cầu chơn lý về sự tạo khởi của thế giới, vì đâu thế giới lại là suối nguồn của đau khổ, thế giới có thể được huỷ diệt hoàn toàn chăng (tức là sự huỷ diệt của đau khổ) và làm cách nào để tận diệt được nó. Nói cách khác hơn để diễn đạt lại ý nầy, đó là hãy tự mình khám phá trở lại Bốn Chơn Lý Nhiệm Mầu (Tứ Diệu Ðế). Bực Ðại Giác (Ðức Phật) đôi khi dùng danh từ "thế giới", đôi khi dùng danh từ "đau khổ" (Dukkha). Bản chất của thế giới, của sự đau khổ, bản chất của sự sanh khởi và nguồn gốc của thế giới, bản chất của sự diệt tận hoàn toàn của thế giới, của đau khổ, cùng với bản chất của công phu tu tập theo Giáo Pháp để đi đến sự chấm dứt đau khổ: những vấn đề đó cần được tìm tòi và nhân thấy ra ngay trong thân tâm nầy, chớ chẳng ở nơi nào khác. Nếu ai đã tìm thấy các vần đề đó tại một nơi nào khác, thì đó chỉ là bản tường trình ghi trong sách vở, hoặc là lời đồn đãi, hay là danh từ rỗng suông mà thôi, chớ chẳng phải là Chơn lý. Nếu đã được tìm thấy ngay trong tấm thân "thước tám" nầy (fathom long body), cùng với tâm thức, thì đó mới thật là Chơn lý.

Vậy thì, nếu được hỏi, cần phải tu học ở nơi nào, bạn sẽ đáp, chúng ta tu học ngay trong tấm thân "thước tám" nầy, cùng với các tri giác và các hoạt động tâm linh.

Giờ đây, chúng ta có thể được hỏi tiếp, để được hiểu thêm rõ ràng về Chánh Pháp:


06.- "Chánh Pháp được so sánh với điều gì?"

Ðức Phật nói: "Chánh Pháp có thể được so sánh với chiếc bè," Ngài đã dùng chữ chiếc bè, vì ngày xưa chiếc bè thường được xử dụng để vượt sang sông và cách giải thích Chánh Pháp như thế rất dễ hiểu. Nhưng lời ví dụ nầy mang một ý nghĩa thật quan trọng. Ta chẳng nên quá quyến luyến vào Chánh Pháp đến nổi quên cả chính mình, quá hảnh diện mình là "ông thầy", một nhà học giả, hay một bực trí thức học rộng. Nếu ta quên mất rằng Chánh Pháp chỉ như chiếc bè, các nguy cơ ấy sẽ lại nổi lên. Chánh Pháp là một chiếc bè, một phương tiện chuyên chở, để đưa ta sang đến bờ bên kia. Ðã đến bờ bên kia và bước chơn lên đất liền, ta chẳng điên khùng gì mà mang vác chiếc bè đi theo ta nữa.

Ví dụ đó dạy ta phải biết nhận chân ra và xử dụng chánh Pháp như một phương tiện để đạt đến mục đích, chớ chẳng để chụp bắt và bám níu vào, cho đến mức quên cả chính mình đi. Nếu ta chẳng nhận chân ra nhiệm vụ thật sự của chiếc bè, chúng ta có thể giữ nó lại bên mình để phô trương hoặc để tranh cãi với kẻ khác. Ðôi khi nó lại còn được đem dùng để đua thuyền, thật là hao phí và vô dụng. Nó phải được xử dụng đúng theo chủ đích, để bơi sang sông, để vượt dòng nước. Kiến thức về Chánh pháp cần phải được xử dụng để vượt qua biển khổ. Nó chẳng nên được cầm giữ lại vì mục đích có hại, như để chiến đấu nhau bằng miệng lưỡi sắc bén như gươm, hoặc để tranh luận, hay được dùng như một tế vật để tôn thờ, lễ bái. Sau cùng, xin đừng chụp nắm và bám níu vào nó, để đến nổi khi đã sang bờ bên kia, bước chơn lên đất liền rồi mà vẫn còn muốn mang kè kè chiếc bè theo mình.

Chánh pháp kia, được xem giống như chiếc bè, áp dụng cả cho người xuất gia cùng người vẫn còn sống trong gia đình. Giả dụ như chúng ta được hỏi rằng:


07.- "Người Phật tử tại gia cần tu học những gì?"

Chúng ta đừng để mất thời giờ mà đi tìm cách trả lời theo ý riêng của mình; nếu ai đã muốn như thế, thì cũng tốt, chẳng điều chi ngăn trở anh ta làm như vậy. Nhưng nếu chúng ta muốn giải đáp đúng theo những gì Ðức Phật đã dạy, thì chúng ta phải nên nói rằng: "Người Phật tử tại gia nên học tất cả Kinh kệ, nghĩa là, tất cả những bản Kinh mà Ðức Như Lai đã dạy về Tánh Không." (Sunnatà, sự rỗng vắng).

Các bản Kinh Kệ hợp thành một bản trần thuyết khéo hệ thống hoá các lời giảng trong Giáo Pháp, là phần cốt tủy tinh tuý của các lời Phật dạy. (...) Một bản Kinh là một bài giảng thật khéo sắp đặt, có thứ tự, và là tinh túy vủa đề mục (...)

Xin nhớ cho rằng Kinh kệ chính là lời nói của Ðức Như Lai (Tathàgata). Tất cả Kinh kệ của Ðức Phật thuyết giảng đều liên hệ đến Tánh Không (Sunnatà, sự rỗng vắng). Về vấn đề nầy, khi có người còn tại gia thưa hỏi, họ cần tu học và thực hành những gì để được lợi lạc to lớn và được hạnh phước, Ðức Phật đáp: "Các Kinh kệ là những lời nói của Như Lai, rất cao sâu, ý nghĩa thâm trầm, là những phương cách để vượt thoát cõi thế gian , và đều liên hệ đến Tánh Không."

Danh từ Tánh Không, Sunnatà, xem như quá xa lạ đối với các bạn, nhưng xin đừng vội chán nản, vì đây là một chữ quan trọng vào bực nhứt trong Phật học. Chữ Sunnatà có thể được dịch là sự rỗng vắng; nhưng rỗng, vắng thường có nhiều nghĩa và cách dùng khác nhau. Chữ Tánh Không, Sunnatà, trong Phật học chẳng phải là sự rỗng vắng về vật chất; nó chẳng phải là một khoảng trống không chẳng chứa đựng một chất vật liệu nào. Chẳng phải thế! Ðây là một trường hợp rỗng vắng theo cái nghĩa chẳng có được chút bản thể thiết yếu nào, bởi vì tất cả mọi sự vật khác vẫn còn hiện diện đầy đủ ở đó. Vẫn còn có đủ muôn vàn hình vật khác tràn đầy khắp thế giới, thế mà Ðức Phật dạy rằng, muôn vật đều rỗng vắng, hay là muôn vật đều có tánh cách rỗng vắng, chỉ vì chẳng có một chút gì nơi muôn vật đó đáng được xem là tự ngã, là Ta (là chính mình) và thuộc về của Ta, thuộc về tự ngã của Ta. Lời dạy ấy nhằm mục tiêu là chỉ rõ, lại một lần nữa, là chẳng có gì để chụp nắm và bám níu vào cả.

Người còn tại gia cần tu học đặc biệt về các lời nói của Ðức Phật liên quan đến Tánh Không. Thông thường, đề mục nầy bị hiểu lẩm là quá cao xa đối với người đời. Lý do giản dị là rất ít người vui lòng thực hành theo các lời dạy đó của Ðức Phật. Vậy xin các bạn ghi nhớ cho rằng, chẳng riêng gì cho các tỳ kheo, người tại gia cũng phải học hỏi, thực hành và nhiên hậu mới khám phá ra ý nghĩa của Sunnatà, của Tánh không.

Tôi hi vọng rằng, các bạn còn tại gia sẽ chẳng còn quá lo sợ về danh từ và đề mục Sunnatà, Tánh Không nữa. Hãy bước từng bước để gia tăng sự hiểu biết và kiến thức về Tánh Không. Ðề tài nầy cần có sự giải thích tế nhị và phức tạp, nên đòi hỏi nhiều thời giờ. Vì lẽ đó, chúng ta chỉ bàn ở đây các cốt lõi của vấn đề, bản chất thật sự của nó mà thôi, và đấy cũng là đã khá đầy đủ rồi, vì ý niệm về Tánh Không chỉ là sự rỗng vắng chẳng có cái Ta, hay cái gì thuộc về Ta. Nếu tâm thức ai nhận chân ra rằng chẳng có gì là tự ngã ( cái Ta) và chẳng có gì thuộc về tự ngã, thì tâm thức ấy được "rỗng vắng" và tự do. "Thế giới nầy rỗng vắng" chỉ có nghĩa là như thế đấy.

Giờ đây, giả tỉ như có người hỏi, trong Phật học chữ nào là chữ tối thượng, như hỏi rằng: 

08.- "Amatadhamma, Vô sanh pháp, là gì?"

"Amata" có nghĩa là "chẳng hề chết", "bất tử", "vô sanh" Và "Amatadhamma" là một dhamma, một pháp (sự vật hay tình trạng) chẳng hề bị chết đi. Thế nghĩa là sao? Ðức Phật có nói: "Sự chấm dứt tham, sân, si chính là amatadhamma, là vô sanh pháp." Vô sanh pháp (vô sanh=bất tử, chẳng hề chết đi) là một cảnh giới bất diệt, một tình trạng chẳng bao giờ bị tiêu diệt. Bất cứ khi nào còn có tham, sân, si, thì gọi đó là tình trạng khả vong (sẽ bị chết mất). Ta thể nghiệm sự đau khổ. Ta có ngã kiến (ý kiến về cái Ta), khiến cho ta phải chịu sự sanh ra, sự già lão, bịnh tật và sự chết. Khi tham, sân và si chấm dứt (chấm dứt si mê là hết ngu muội và hiểu biết sai lầm), thì ý niệm sai lầm về tự ngã (về cái Ta) chẳng khởi lên , thì làm gì còn có cái Ta nữa để chết đi. Do đó, nếu muốn đi tìm một cảnh giới bất tử (chẳng chết), amatadhamma, thì phải tìm ngay nơi, hay tình trạng, hoặc điều kiện, nào mà tham, sân, si hoàn toàn vắng mặt. Ðấy là lời dạy của Ðức Phật. Vô sanh pháp, Amatadhamma, mà ta thường nghe nói đến, là chữ tối hậu, là lời dạy tối thượng của Phật học.

Các tôn giáo khác cũng có nói về sự "chẳng hề chết đi" nhưng lại mang ý nghĩa khác với Phật giáo. "Bất diệt", theo nghĩa amata trong Phật học, chỉ là sự chấm dứt tham, sân, si.

Dưới nhiều tên khác nhau, người ta đã nói đến Pháp (Chơn Lý) cao thượng nhứt, thâm sâu nhứt. Thí dụ như có người hỏi:

09.- "Pháp nào là Pháp cao thượng và thâm sâu nhứt để vượt khỏi thế gian và sự chết dưới mọi hình thức?"

Ðức Phật gọi Pháp đó là Sunnàtappatisamyuttà, nghĩa là Pháp luận về Tánh Không (Sunnatà), hay là chính cái Tánh Không ấy. Pháp nào luận về Tánh Không , đó là Pháp cao thượng nhứt và thâm sâu nhứt. Pháp ấy vượt cả thế gian, sự chết, và chẳng là gì khác hơn Amatadhamma, tình trạng vô sanh, hay bất diệt.

Giờ đây, ta tự hỏi, Chánh Pháp, theo các thuyết mới nhứt, gần đây nhứt, là những gì? Ðức Phật nói: "Một bản Kinh, bất cứ thuộc loại nào, thuộc cấp bực nào, dầu đã do một thi sĩ hay nhà hiền triết nào sáng tác, dầu dưới hình thức văn vần, hoa lệ, âm vận du dương đi nữa, cũng chẳng theo đúng Chánh Pháp nếu chẳng có liên hệ đến Tánh Không." Xin các bạn hãy nhớ kỹ cho các chữ quan trọng nầy: "chẳng liên hệ đến Tánh Không". Vì thế, nếu một bài Kinh nào chẳng liên hệ đến Tánh Không, thì đó là lời nói của một người đệ tử về sau, một sự canh cải, một giáo lý mới, chớ chẳng phải là lời nói của Ðức Như Lai, và do đó, phải được xem là thấp kém hơn. Nếu đó là lời nói của một vị đệ tử và chẳng bàn đến Tánh Không, thì phải xem như ở ngoài Giáo pháp.

Nếu chúng ta muốn tìm thấy Chánh pháp trung thực với lời dạy nguyên thuỷ của Ðức Phật, chẳng có cách nào khác hơn là tìm xuyên qua các bài giảng về Tánh Không (Sunnatà, sự rỗng vắng).

Nếu bạn được một người ngoại quốc hỏi:

10.- "Trong Kinh điển, như đã ghi ở Tạng Pali, điểm giáo lý nào được Ðức Phật nhấn mạnh nhiều nhứt?"

Lại một lần nữa, ta hãy dùng lời của Ðức Phật để đáp câu hỏi trên: "Năm thủ uẩn là vô thường và vô ngã". Năm thủ uẩn là năm nhóm tập hợp mà một "cá nhơn" được phân tách ra làm năm phần. Phần thân thể vật chất được gọi là sắc uẩn (rùpa); nhóm cảm giác, cả vui thích lẫn đau đớn, gọi là thọ uẩn (vedanà); ký ức và các tri giác gọi chung là tưởng uẩn (sanna); các tư tưởng hoạt động gọi là hành uẩn (sankhàra); và tâm thức với khả năng biết được mọi đối tượng qua ngã các giác quan là thức uẩn (vinnàna). Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn được gọi là ngũ uẩn (khandas). Năm nhóm tập họp đó đều vô thường (anicca) và vô ngã (anatta). Ðấy chính là điểm giáo lý đã được Ðức Phật nhấn mạnh đến nhiều nhứtr, hơn tất cả mọi phương diện khác của Giáo pháp. Năm uẩn đó vô thường, luôn luôn trôi chảy và liên tục biến đổi. Chúng chẳng có tự ngã, bởi vì chúng hằng lưu chuyển; chẳng có ai có thể xem chúng như là Ta, hoặc là của Ta được.

Tôi xin tóm lược lại lần nữa. Hãy ghi nhớ kỹ: trong tất cả giáo lý, Ðức Phật chỉ nhấn mạnh đến điều nầy: muôn vật đều vô thường, chẳng có vật chi được xem là Ta, hay của Ta.

Vấn đề kế tiếp mà chúng ta sẽ cứu xét là:

11.- "Ðức Phật dạy ta phải tin điều gì và tin ai?"

Nếu bạn được hỏi như trên, trhì hãy trả lời với lời dạy của Ðức Phật trong bản Kinh Kalama: chúng ta chỉ phải tin vào những gì chính chúng ta thấy rõ ràng. Vấn đề ngay đây là rất cần thiết phải hiểu rành từ ngữ "thấy rõ ràng" là như thế nào. Nó có nghĩa là thấy rõ mà chẳng cần đến lý luận, dự ước hay phỏng đoán. Phải thấy rõ ràng như mắt đang nhìn tay cầm lấy một vật, rồi làm như vầy thì thấy kết quả ra như thế ấy. Thấy rõ là như thế, chẳng cần chi đến lý luận hay giả thiết mới hiểu. Trong Phật học, chúng ta được dạy, chẳng nên tin ai, chẳng nên tin điều gì, mà còn chưa chính ta thấy rõ rằng sự thật là như thế. 

Các vấn đề sau đây giúp ta hiểu rõ thêm về ý nghĩa nêu trên. Tại sao chúng ta lại bị cảnh cáo là chẳng được nên tin vào 

Tam Tạng Kinh Ðiển (Tipitaka, ba tạng Kinh, Luật, Luận của Phật giáo), chẳng được tin vào vị sư phụ nào, chẳng được tin vào lời đồn đãi hay báo cáo, chẳng được tin vào những gì đã do lý luận, hay biện luận mà ra? Các nguyên tắc đó giúp vào chánh kiến (sự hiểu biết đứng đắn), bởi vì mọi sự nhẹ dạ tin một cách mù quáng đều là ngu dại. Giả dụ như chúng ta mở Tam Tạng Kinh Ðiển ra và đọc một đoạn nào, rồi thì liền tin theo mà chẳng suy nghĩ, chẳng trắc nghiệm lại, chẳng chút phê phán xét đoán. Ðó là một sự tin tưởng khờ dại vào Tam Tạng Kinh Ðiển, điều mà Ðức Phật khiển trách.Tin lời thầy nói mà còn chưa chính mắt mình thấy, chính tai mình nghe điều thầy nói có đúng như sự thật không, đó là ý nghĩa của lời cảnh cáo "khi tin vào vị sư phụ nào". Ðối với các lời đồn đãi, các báo cáo, lại cũng như vậy. "Tin vào những gì đã do đường lối biện luận mà suy ra" có nghĩa là, vì đã học qua và có kinh nghiệm về cách lập luận, ta thường đi đến kết luận là một mệnh đề nào đó , đúng theo luận lý học, thì phải xảy ra như thế; nhưng điều biện luận nầy xét ra vẫn còn chưa đủ đúng đắn, ta chẳng nên đặt tin tưởng vào lối biện luận như vậy.

Tuy nhiên ta nên cẩn thận để ý kỹ lưỡng rằng lời dạy trong Kinh Kalama chẳng hề cấm đoán ta đọc Tam Tạng Kinh Ðiển. Cũng như điều ấy chẳng cấm việc thưa hỏi các vị thầy, hoặc đọc các báo cáo, nghe lời đồn, hay là dùng phương pháp luận lý học. Trái lại, chúng ta có thể đọc, nghe, thưa hỏi, nhưng chẳng nên ngây thơ chấp nhận ngay, trừ phi chúng ta đã suy nghĩ kỹ trước, kế dến cứu xét cẩn thận, đào sâu tận rễ, quán sát mọi khía cạnh, và sau hết, chính chúng ta đang thấy rõ ràng sự thật là như thế.

Hãy lấy một thí dụ, Ðức Phật dạy rằng, tham, sân, si, là nguyên nhơn gây ra đau khổ. Nếu chúng ta còn chưa bết rõ thế nào là tham, sân, si, thì chúng ta chẳng cách nào tin vào lời dạy đó, và cũng chẳng cần tin làm chi vì nếu cứ tin như thế, đó chỉ là nhẹ dạ mà tin. Nhưng nếu chính chúng ta đã có kinh nghiệm và biết tham là như thế nào, sân, si ra làm sao, và khi ba điều nầy khởi lên trong tâm chúng ta, chúng gây ra đau khổ tựa hồ như có ngọn lửa đang nung nấu chúng ta; bấy giờ chúng ta mới tin lời dạy trên, căn cứ trên kinh nghiệm bản thân của chúng ta.

Thế nên, lời Ðức Phật dạy về lòng tin ghi trong Tam Tạng Kinh Ðiển là như sau đây. Ðọc hay nghe được một điều gì xong, ta nên dò xét cho đến khi chúng ta thấy rõ ràng điều ấy. Bằng còn chưa thấy được rõ ràng, thì ta nên dùng lý luận rồi hãy để đó một thời gian xem sao. Và để bắt đầu, chúng ta sẽ tin tưởng và khởi công chỉ thực tập những gì chúng ta đã thấy rõ ràng sự thật là như thế ấy. Rồi lần lần, chúng ta sẽ tin tưởng thêm và lại càng thấy rõ ràng hơn lên. Ðấy là lời khuyên rất bình dân của Ðức Phật. Nếu có người ngoại quốc hỏi bạn về lòng tin, bạn hãy nên giải thích cho đúng đắn bằng không, bạn sẽ trình bày sai lời Phật dạy, vô tình phản lại Ðức Phật. Chẳng tin ở Kinh Ðiển, chẳng tin vào sư phụ, chẳng tin lời báo cáo hay tin đồn, chẳng tin theo lập luận của luận lý học, các điều nầy cón có ý nghĩa ẩn kín mà ta phải cố tìm cho ra. Nhẹ dạ mà tin ngay là điên cuồng. Ðức Phật kết án việc ấy rất nặng nề; Ngài dạy, trước khi đặt niềm tin vào đâu, hãy trắc nghiệm nó cho đến khi nào thấy nó thật rõ ràng rồi mới tin, (...)

Chánh sách của Phật giáo về lòng tin là: chẳng tin tưởng một cách ngây thơ, chẳng tin cậy vào kẻ khác, vào sách giáo khoa, giả thuyết, lập luận hay bất cứ điều gì mà đa số người đang tin, và chỉ tín nhiệm vào những gì chính mình đã thấy rõ ràng sự thật là như thế. Người Phật tử chúng ta phải theo chánh sách đó.

Câu hỏi kế tiếp là:

12.- "Tâm thức của người thường và người Phật tử khác nhau như thế nào?"

Giờ đây chúng ta sẽ cứu xét vấn đề khác biệt hơn kém giữa hai tâm trạng: Tâm trí của người thường và tâm trí của một người Phật tử "đúng danh hiệu". "Người thường" ở đây có nghĩa là người chưa thông hiểu và chưa hề tu tập theo đường lối của Phật giáo chánh hiệu. Một người thường, quá lắm cũng chỉ đáng được "gọi là Phật tử", vì có cha mẹ theo đạo Phật, vì theo trong bộ sổ khai sanh hay lý lịch. Nói cách khác, y chưa hề tu theo đạo Phật, chỉ là người trong thế tục. Còn muốn trở thành một người Phật tử "chánh hiệu", muốn làm một bực Thánh (Ariya, bực tu hành cao, đã đi rất xa trên đường tu học), ta phải thoả mãn các đòi hỏi về sự hiểu biết đúng đắn (chánh kiến) về các điều chung quanh ta, vào một trình độ cao hơn "người thường".

Ðức Phật có nói, giữa cái nhìn của bực Thánh và cái nhìn của người thường, có một hố cách vĩ đại. Như thế, dưới mắt của bực Thánh, và trong giới luật của bực nầy, ca hát cũng là một việc như than khóc; khiêu vũ là múa may điên rồ của người khùng; còn cười hô hố là thái độ ấu trĩ của trẻ con. Người thường cũng ca hát, cũng cười hô hố, để hưởng vui mà chẳng để ý đến khi họ thấm mệt. Trong giới luật của bực Thánh, ca hát bị xem như đang khóc lóc. Ta thử nhìn vào một người đang ca hát, y cố gân cổ lên để hét to, đó chẳng giống như đang khóc sao; hơn thế, nó trào ngược ra từ xúc động tình cảm, nào có khác gì khóc. Khiêu vũ giống như kẻ điên quay cuồng; hãy cứ tự quan sát thì thấy, khi chúng ta đứng lên sàn nhảy, nếu chẳng điên đến mười phần trăm thì làm sao lại nhún nhảy lên như thế? Nhưng mà đa số đều nghĩ đấy là cuộc vui giải trí, cho nên chúng ta chẳng nhận thấy bộ dạng của người mất trí. Vài người thích cười to, vì phát lên tiếng cười là có điều thích ý. Nhưng bực thánh giả lại xem đó là thái độ ấu trĩ của trẻ con,(...) tốt hơn là nên ít cười ha hả. (...)

Ðức Phật cũng chẳng cấm đoán chúng ta làm những việc trên, khi chúng ta thích muốn làm; nhưng Ngài muốn ta hiểu rằng, còn có thái độ cao, có cử chỉ thấp, và chẳng nên có những hành động chẳng cần thiết. Khi chúng ta còn chưa là bực Thánh, có thể chúng ta muốn thử làm chơi vài cử chỉ thấp kém đó. Nếu làm thử một đôi lần, chúng ta thấy chúng lúc đầu có chút thích thú, nhưng về sau, ta sẽ chán ngấy chúng đi. Và như thế, chúng ta có thể vươn lên đến gần hàng thánh thiện.

Vài người chẳng ưa nghe nói đến kỷ luật, bàn đến giới luật. Họ ngại rằng sự kềm chế sẽ đưa đến đau khổ (dukkha). Tuy nhiên, tập tự kiềm thúc để chẳng buông trôi theo tính khí (thay đổi thất thường) là một nguyên tắc quan trọng trong Phật học. Thúc liễm thân tâm để khỏi chiều theo sự thay đổi tính khí như thế, đâu phải là đau khổ. Trái lại, đó chính là phương cách để chiến thắng được đau khổ. Ta phải nên tránh khỏi sự đè nén của các ý tưởng vị kỷ hay ô nhiễm. Ta phải nên quyết tâm chẳng để cho các điều ô nhiễm cám dỗ, thúc dục và ngự trị chúng ta. Hãy nhìn vào các cặp khiêu vũ, và xem các ô nhiễm đang kích thích ra sao, áp đảo, chế phục như thế nào; gọi đó là tự do sao?

Hoá cho nên, chúng ta phải tìm cách cải thiện qui chế của chúng ta phần nào. Ðừng mãi mãi là "người thường"! Hãy ghi tên xin gia nhập vào "làng" của Phật, tức là có kiến thức, trí huệ, tỉnh thức và chánh kiến, để khiến cho sự đau khổ phải giảm dần đi. Tránh làm các điều chẳng cần thiết, chỉ khiến thêm bất lợi và khó nhọc cho chúng ta. Ðấy chính là phần thưởng mà bạn sẽ gặt hái được; bạn sẽ bước từ cấp thường nhơn lên hàng Phật tử chơn chánh, rồi đến bực Thánh, an trú trong giới luật của hạng nầy.Ðức Phật thường hy vọng rằng sẽ có thật nhiều bực thánh giả trong hàng các người chẳng muốn mãi mãi làm người phàm tục.

Ngay đây, tôi xin bàn đến Con đường Ðạo. Nếu có ai hỏi bạn:

13.- "Tu tập thế nào là theo con đường thông thường và tu cách nào là theo con đường ngắn và nhanh nhứt?"

Bạn có thể trả lời, con đường thông thường là Bát Chánh Ðạo -- có lẽ bạn đã được nghe nhiều lần rồi -- gồm có: Chánh kiến, Chánh tư duy. Chánh ngữ, Chánh mạng, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Tám ngành của con đường đó được khéo sắp xếp, có thể qui về ba nhóm: giới, định, và huệ. Chúng hợp thành một đại hệ thống về tu tập, được chúng tôi xem như là con đường tu tập theo lối thông thường. Nó dành cho những ai còn chưa theo được con đường ngắn và nhanh. Con đường thường nầy chẳng phải là con đường sai lầm, nó thật là đúng đắn; tuy nhiên, đi theo nó, phải mất nhiều thời gian.

Ðức Phật cũng có chỉ dạy một con đường tắt. Ngài bảo, khi chúng ta chẳng chụp nắm và bám níu vào sáu căn (àyatanas, các giác quan) cùng vào các đối tượng liên hệ với chúng, để xem như là tự ngã, thì con đường Bát Chánh Ðạo sẽ tự nó mà tự động khởi lên, dưới đầy đủ tám phương diện. Ðây là một nguyên tắc Giáo Pháp quan trọng và căn bản nhứt.

Trước nhứt, ta nên nhớ lại: sáu căn (àyatanas) là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm thức. Mỗi căn có năm phương diện. Như về mắt, phương diện thứ nhứt là chính con mắt; thứ hai là hình sắc của vật đang có sự tiếp cận với mắt; thứ ba là thức (vinnana) có khả năng làm cho ta nhận thấy được vật đối tượng; thứ tư là tác động của sự xúc chạm (phassa) xảy ra giữa nhãn thức, con mắt và vật đối tượng; và thứ năm là cảm giác (vedanà), vui thích hoặc đau đớn có thể khởi sanh lên như kết quả của sự tiếp cận. Ðó là năm phương diện của nhãn căn. Còn tai, mũi, v.v... mỗi căn cũng có năm phương diện như vậy.

Mỗi phương diện có tác dụng làm ta trở nên thiếu tỉnh giác và khiến ta có chụp bắt nó (một phương diện) rồi xem đó như là "Ta". Như thế, chúng ta đã chụp bắt nhãn thức (phương diện thứ ba) làm "Ta", vì nó đã khiến "Ta", qua đôi mắt, đã thấy và biết về vật đôi tượng. Bởi vì chúng ta đã hay biết đến vật đối tượng ấy, nên chúng ta liền vội kết luận ngay là phải có cái "Ta" để làm cái công việc thấy biết đó. Cũng theo lối giống như vậy, chúng ta chụp bắt và bám níu vào mắt và sự tiếp cận (phương diện thứ tư) làm cái "Ta" để thấy được, hoặc bám níu vào tương quan giữa ba yếu tố: mắt - tiếp cận - cảm giác (phương diện thứ năm) làm cái "Ta" để biết có được cảm giác vui thích hay đau đớn.

Ðôi khi một âm thanh du dương đến bên tai, chúng ta liền nắm bắt cái nghe biết có âm điệu ấy làm cái "Ta" đang nghe. Ðôi khi một vị khoái khẩu đến với lưỡi, chúng ta liền bám níu vào sự nếm biết khẩu vị đó làm cái "Ta" đang thưởng thức món ăn.

Mỗi căn có năm phương diện, tính tổng cộng lại là ba mươi tất cả. Mỗi phương diện đó đều có thể bị chụp nắm lấy làm cái Ta và bám níu mãi vào một cách hết sức dễ dàng, biết bao nhiêu lần trong một ngày. Vừa chụp bắt và bám níu đó, tức thì đau khổ liền nổi lên ngay. Chúng ta đã lầm lỡ và tự đảy mình sa vào cái khối đau khổ chằng chịt. Ðấy chẳng phải là đang đi theo con đường đạo. Tuy nhiên, Ðức Phật chỉ dạy chúng ta chớ có chụp bắt và bám níu vào sáu căn cùng các đối tượng liên hệ với chúng. Nhờ luôn luôn canh phòng, chúng ta sẽ chẳng xem bất cứ căn nào, đối tượng nào, làm cái Ta cả, và tức thì con đường Bát Chánh Ðạo liền hiện lên rõ với chúng ta, chính ngay vào cùng lúc ấy. Ngay trong lúc (chẳng bám níu) đó, liền hiển hiện lên chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Thực tập được sự chẳng bám níu vào sáu căn khiến cho con đường Bát Chánh Ðạo đồng thời hiện khởi lên ngay tức khắc. Ðức Phật xem đó là con đường tắt.

Trong một bản Kinh, Ðức Phật có dạy con đường tắt: sự rỗng vắng. Chẳng bám níu vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm thức làm cái Ta, sẽ khiến cho con đường Bát Chánh Ðạo khởi lên ngay lúc đó , một cách trọn vẹn. Nếu chúng ta chẳng quyết định chọn con đường tắt, thì chúng ta nên học tập kỹ lưỡng Con đường Bát Chánh Ðạo về giới, định, và huệ vậy.Từ từ tu tập từng bước một, khởi đầu, rồi lần lần tiến xa qua các giai đoạn, như thế ắt phải tốn nhiều thời gian hơn.

Trong Phật học, chúng ta tìm thấy được một con đường thông thường (là Bát Chánh Ðạo) và một con đường thẳng tắt (là nhiếp phục các căn, chẳng chụp nắm và bám níu.)

Giờ đây, tôi sẽ bàn về Nghiệp lực trong đạo Phật, bằng cách đặt ra câu hỏi nầy:

14.- "Nghiệp lực có vai trò nào trong Phật học?"

Nhiều người Tây phương viết sách về Phật giáo, có vẻ rất hãnh diện về các Chương bàn về Nghiệp lực (Pali: kamma; Sanskrit: Karma), và Tái sanh. Nhưng những lời giải thích của họ đều sai lầm, hoàn toàn sai lầm! Các người Tây phương đó tuyên bố đã giải nghĩa chữ Kamma, Nghiệp lực, nhưng tất cả những gì họ viết cũng chỉ là, "thiện nghiệp là tốt lành, ác nghiệp thì dữ ác"; "Làm điều lành, được việc tốt; làm việc ác, chịu điều xấu", cũng chẳng có gì thêm hơn, giống y như giáo lý của các tôn giáo khác. Ðấy chẳng phải là Nghiệp lực, Kamma, được giảng dạy trong Phật học.

Ðối với Tái sanh, cũng vậy. Họ tuyên bố rất mạnh mẽ, làm như chính mắt họ trông thấy rõ ràng chính các cá nhơn nầy đang tái sanh lại. Họ trình bày rất sai lầm bức thông điệp chánh yếu của Ðức Phật đã dạy rằng chẳng có sự hiện hữu của "cá nhơn", hoặc của "Tự ngã" (cái Ta). Mặc dầu "Tôi" đang ngồi đây, nhưng chẳng có cá nhơn nào ở đây cả. Khi đã chẳng có cá nhơn nào, thì lấy ai để mà chết? Rồi có ai đâu để tái sanh? Ðức Phật giảng dạy sự bất hiện hữu của "cá nhơn", của "con người". Như thế, sanh và chết là những chơn lý tương đối. Tác giả các quyển sách nhan đề là "Phật giáo" đó thường giải thích Nghiệp lực, và Tái sanh hoàn toàn sai lầm. 

Xin các bạn hãy lưu tâm cẩn thận về vấn đề Nghiệp lực. Một bản trần thuật của Phật học cần phải trình bày đầy đủ về sự chấm dứr của Nghiệp lực, chớ chẳng phải chỉ có Nghiệp lực và các hậu quả của nó -- như đã tìm thấy trong mọi tôn giáo. Chỉ đáng đượcv gọi là giáo lý nhà Phật, khi có sự trình bày về việc chấm dứt Nghiệp lực.

Kẻ đã đạt dến sự chấm dứt hoàn toàn Nghiệp lực, tiếng Pali gọi là sabbakammakkhayam patto (sabba = hoàn toàn; kamma = nghiệp; khaya = chấm dứt, tận diệt; patti = chứng đắc, đạt đến). Ðức Phật đã dạy rằng, nghiệp lực chấm dứt với sự tận diệt của tham (ràga), sân (dosa) và si (moha). Ðiều nầy thật dễ nhớ. Nghiệp lực chấm dứt khi tham, sân, si chấm dứt hoàn tioàn, nghĩa là, khi các lậu hoặc (cấu nhiễm về tinh thần, hay các lỗi lầm ô uế bên trong tâm) đã dẹp dứt xong hết. Nếu tham, sân, si còn chưa chấm dứt, thì nghiệp lực vẫn chưa chấm dứt. Khi tham, sân, si đã chấm dứt, thì nghiệp cũ cũng chấm dứt, nghiệp hiện nay chẳng được tạo thành, và chẳng có nghiệp tương lai mới nào được tạo nữa -- như thế, nghiệp quá khứ, hiện tại và tương lai phải chấm dứt. Khi một ngưòi đã chấm dứt được tham, sân, và si, thì nghiệp lực chẳng còn nữa. Ðấy là lối giải thích cần phải được giảng dạy.

Chỉ một bản tường trình về nghiệp lực như thế mới đáng được gọi là của Phật học.

Như thế, chúng ta thấy còn có một loại nghiệp lực thứ ba. Phần đông người ta chỉ biết có hai loại nghiệp lực, loại thứ nhứt là thiện nghiệp hay nghiệp lành, loại thứ hai là ác nghiệp hay nghiệp dữ. Họ còn chưa biết đến loại nghiệp lực thứ ba. Ðức Phật gọi loại thứ nhứt là bạch nghiệp hay thiện nghiệp, tức là nghiệp trắng, tốt lành; loại thứ hai là hắc nghiệp hay ác nghiệp, tức là nghiệp đen, dữ ác. Loại thứ ba có thể gọi là chẳng trắng chẳng đen nhằm chấm dứt cả hai loại nghiệp trắng và nghiệp đen. Chính Ðức Phật đã dùng các tiếng bạch nghiệp, hắc nghiệp và bất hắc bất bạch nghiệp. Loại thứ ba nầy mới thật là nghiệp lực đúng theo nghĩa của Phật học. Như đã nói qua, hễ chấm dứt tham, sân, si là chấm dứt ngay được nghiệp lực. Nói cách khác, loại nghiệp lực thứ ba nầy, chính là con đường Bát Chánh Ðạo; nó chẳng trắng, chẳng đen, nó chỉ riêng mang lại sự chấm dứt vừa bạch nghiệp,vừa hắc nghiệp. Con đường đó là con đường vượt cõi thế gian (tokuttara, siêu thế), vượt lên cả điều thiện lẫn điều ác.

Loại nghiệp lực thứ ba nầy chẳng hề được các người Tây phương bàn đến trong các Chương sách của họ về "Nghiệp lực và Tái sanh". Lời dẫn giải của họ đều sai lầm cả, nên chẳng phải là Phật học. (...)

Giờ đây,xin nói thêm vài điều về loại thứ ba của Nghiệp lực. Về điểm nầy, Ðức Phật có nói: "Như Lai đã đạt đến sự hiểu biết rõ ràng về điều nầy, nghiệp lực, xuyên qua trí huệ cao cả của chính Như Lai." Bậc Ðại Giác (Ðức Phật) đã chẳng hề vay mượn của ai, hay của tín ngưỡng hoặc của tôn giáo nào, Ngài đã biết được với trí huệ của chính Ngài và chỉ dạy lại cho mọi người. (...) Các bạn nên chú trọng đến vấn đề và nghiên cứu nó cho cẩn thận, Nghiệp lành, nghiệp ác đều được nói đến ở mọi tôn giáo, (...) làm lành là điều tốt, làm ác là việc dữ, họ đều dạy giống nhau như thế. Nhưng Ðức Phật bảo rằng, chỉ riêng tạo nghiệp lành thì cũng chẳng dập tắt được hẳn các đau khổ về tinh thần, một cáh hoàn toàn và tuyệt đối, bởi vì ta có thể say đắm rồi bám chặt vào thiện nghiệp. Nói cách khác, thiện nghiệp vẫn còn đưa đẩy con người vào trong vòng sanh và chết của Luân hồi, dầu là sẽ được sanh vào các cảnh gới an lành. Nó chưa phải hẳn là sự tận diệt, sự thanh lương của Niết bàn (Nibbàna).

Vậy thì, về Nghiệp lực, chỉ riêng có Ðức Phật mới thuyết giảng đầy đủ về vai trò của loại thứ ba là chấm dứt các lậu hoặc tham, sân, si. Chính xuyên qua loại Nghiệp lực nầy mà bực tu hành mới chứng đắc quả vị Niết bàn 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch