Phật giáo & Tuổi trẻ
Khi học trò đến nương náu cửa Phật
Ngô Nguyệt Hữu
19/07/2010 07:29 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong khi cả xã hội đang phát hoảng vì chuyện game online ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là vào dịp hè. Thì tại một ngôi chùa ở huyện Hóc Môn (TP HCM) hơn 3.000 thanh thiếu niên có độ tuổi từ 13 đến 25 đang lẳng lặng đọc... kinh Phật. Họ đang theo khóa học mà các thầy tại ngôi chùa này gọi là “Khóa tu mùa hè”.

Chùa Hoằng Pháp tọa lạc trên diện tích đất khoảng 6 hécta, tại Thành Ông Năm, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP HCM, là thấy trên website của chùa giới thiệu như thế. Hôm ngồi nghe mấy chị trong cơ quan giới thiệu về chuyện chùa mở lớp “học đạo” miễn phí cho các em học sinh - sinh viên thì hào hứng lắm. Bởi, trong lúc cả xã hội đang bấn loạn về tình trạng nghiện game bạo lực dẫn đến "xuống cấp" về mặt đạo đức của thanh thiếu niên, thì việc chùa mở lớp dạy đạo như vậy, nói theo nhà Phật thì đó là một việc làm rất đáng hoan hỷ.

Đại đức Thích Tâm Hải nói với tôi rằng "Khóa tu mùa hè" được Hòa thượng Thích Chân Tính, trụ trì chùa sáng lập vào năm 2005 dành cho thanh thiếu niên có độ tuổi ngấp nghé ngưỡng vào đời. Ý tưởng để Hòa thượng Thích Chân Tính mở khóa tu này là muốn dạy cho các em lòng yêu thương, đạo đức và cách nhận thức đúng trước các vấn đề của đời sống. Khóa học đầu tiên có khoảng 300 học viên tham dự, đến khóa học năm rồi, tức năm 2009, số học viên tham gia  đã vượt đến con số... 7.000 người.

"Bản thân các thầy trong chùa nghĩ rằng, ở thời điểm này, thực tế thì xã hội ngày càng phát sinh ra nhiều vấn nạn. Các em có cơ hội thừa hưởng quá nhiều vật chất, trong lúc cái cốt lõi là đạo đức thì đang... mất dần đi. Vì vậy, “Khóa tu mùa hè” phải làm được điều chính là giúp các em tu dưỡng lại đạo đức, là cầu nối giữa các em với gia đình, giúp các em có thể sống tự lập", thầy Thích Tâm Hải nói.

Trở lại với chuyện chùa quá tải khi có hơn 7.000 học viên đăng ký xin tham gia khóa tu vào năm 2009. Thầy Thích Tâm Chánh kể với tôi là trước số lượng học viên đăng ký xin học đông như vậy, nhà chùa phải từ chối học viên. Chuyện từ chối học viên cũng thương lắm, vì có nhiều học viên đến từ Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk... vào tận chùa xin học. Nên khi bị từ chối, học viên và gia đình khóc như mưa như gió. "Nhưng biết làm sao bây giờ, bởi nhà chùa không thể để học viên ngủ ở hành lang được. Rồi chuyện sinh hoạt của các em, chuyện quản lý... Thế nên, đành phải chịu thôi", thầy Thích Tâm Chánh cho biết.

Rút kinh nghiệm từ năm 2009, năm nay, nhà chùa đã tổ chức hai khóa học nhằm "phân tán" bớt số lượng học viên đăng ký tham dự. Khóa đầu tiên, được tổ chức từ ngày 20 đến 27/6 và đợt 2 từ ngày 4 đến 11/7. Tức mỗi khóa học kéo dài một tuần, và trong một tuần ấy bản thân của các học viên đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tích cực. Mỗi khóa học có số lượng học viên đăng ký rất ấn tượng là 3.250 học viên.

Hôm tôi đến chùa, là khi khóa học thứ hai đã trôi qua 5 ngày, lại cũng ngay vào lúc các em đang được sinh hoạt tự do, nên không khí chùa rất nhộn nhịp. Hàng nghìn thanh thiếu niên với áo lam, áo nâu sòng, tay cầm chiếc túi vải đựng đồ dùng cá nhân, đi chân đất... nhìn thật lạ mắt.

Nội quy của chùa dành cho học viên khi tham gia khóa học cũng gắt gao như kỷ luật quân đội, như: Không sử dụng điện thoại di động, các loại máy nghe nhạc. Nam nữ không được ngồi riêng tâm sự; không hút thuốc, uống bia rượu; không được ra khỏi phạm vi chùa; tóc không nhuộm màu... Có tất cả 13 điều lệ được nhà chùa quy định.

Thêm vào đó, học viên tham gia khóa học tại chùa được phát một thẻ ghi số hiệu của mình, nếu sai phạm lần 1, học viên sẽ bị cắt một góc thẻ. Lần 2, tiếp tục bị cắt một góc khác. Đến lần vi phạm thứ 3, học viên sẽ bị nhà chùa gửi trả về cho gia đình.

Thời khóa tu tập của học viên được đề ra rất quy củ, như: 4h30’ thức dậy, 5h đến 5h30’ học viên tham gia khóa lễ buổi sáng, 6h đến 6h30’ ăn sáng, 7h đến 8h15’ tham gia pháp thoại theo chủ đề... đến 21h các học viên phải đi ngủ sau khi tham gia tịnh tọa 15 phút, từ 20h15’ phút đến 20h30’.

Để lo cho các học viên trong suốt thời gian diễn ra khóa học, nhà chùa không tiếp khách. Có cả một bảng thông báo được nhà chùa dán trước cổng để giải thích với khách thập phương. Bước được vào khuôn viên chùa, phải qua được... lớp cổng canh gác do các vệ sĩ túc trực. Thế mới có chuyện, các bậc cha mẹ sau khi gửi con vào chùa học đạo, thương con mà không biết làm cách nào để được gặp mặt, họ cứ đứng thập thò trước cánh cổng an ninh để... đỡ nhơ,á bất chấp cái nắng chang chang giữa trưa hè.

"Bắt đầu từ sang năm, nhà chùa sẽ không cho các phụ huynh theo con để vào chùa làm công quả nữa. Năm nay, nhà chùa có cho vài phụ huynh vào làm công quả, nhưng như vậy sẽ không rèn luyện được tính tự lập cho các em. Sang năm, tuyệt đối trong khóa học chỉ có học viên thôi", lời của Đại đức Thích Tâm Hải.

"Thưa thầy, ở cái lứa tuổi mà chuyện... luyến ái là rất phức tạp này, không biết nhà chùa sẽ quản lý các em riêng về chuyện này như thế nào ạ?", tôi hỏi thầy Thích Tâm Chánh. "Dĩ nhiên là nhà chùa cũng đã tính đến chuyện này. Nam nữ khi theo học trong chùa, sẽ phải ở biệt lập với nhau. Ngoài ra, nhà chùa còn thuê cả vệ sĩ để "canh" các em. Khu nam có vệ sĩ nam, khu nữ có vệ sĩ nữ. Đều túc trực 24/24 giờ để tránh tình trạng “thư tình bên này bất thình lình bay sang khu bên kia”, thầy Thích Tâm Chánh nói.

Khi tôi theo chân các thầy tham quan khuôn viên chùa, để ý thấy giữa hai khu lưu trú dành cho học viên nam và nữ còn có cả... hàng rào căng dây với ký hiệu an ninh để đề phòng chuyện không hay(!).

Sau buổi trưa ngồi nghe các thầy giảng dạy cho học viên ngay trong giờ ăn, tôi được các thầy cho xem hình ảnh cảm động ghi lại cảnh học viên khóc nức nở trong giờ nghe kinh Vu Lan. Ngoài các giờ nghe giảng kinh, học viên còn được thảo luận với những giáo sư, chuyên gia tâm lý về các chủ đề quen thuộc, như sống thử trước hôn nhân, bạo lực học đường, ăn uống như thế nào để bảo vệ sức khỏe... Những trò chơi tập thể ngay trong khuôn viên chùa, trình diễn thời trang tự sáng tạo... Nghĩa là, không chỉ đơn thuần là một khóa học đạo "khô cứng".

Cô bé Nguyễn Ngọc Bảo Thi, nhà ở Tây Ninh khi ngồi trò chuyện với tôi có nói rằng nghe kinh Vu Lan, sinh hoạt ở chùa mới biết yêu thương bố mẹ nhiều như thế nào? Thế trước đây, em yêu thương bố mẹ ít lắm hả?", tôi đùa. "Dạ, không có ít. Nhưng vào chùa, nghe quý thầy giảng kinh mới biết công lao của bố mẹ đã mang nặng đẻ đau, đã dạy dỗ mình lớn như thế nào", Bảo Thi nói. Cô bé còn nói về sự khác biệt của mình khi tham gia vào khóa tu mùa hè. Tựu trung lại, đều là những thay đổi lớn lao trong nhận thức của cô bé vừa mới tốt nghiệp THPT.

Hay như Nguyễn Minh Trí (Dĩ An, Bình Dương), Trí là con trai út trong nhà, theo như lời Trí nói thì em ham chơi, nên chị gái yêu cầu cha mẹ cho Trí vào chùa để học đạo với hy vọng sẽ "cải hóa" được cậu nhóc có khuôn mặt rất lanh lợi này. "Vào chùa rồi, em mới thấy hết những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Ân hận nhiều lắm, sau khóa học chắc chắn em sẽ thay đổi", Trí tâm sự. Tôi hỏi Trí vào chùa ăn chay có quen không, ngủ dậy sớm có khó chịu lắm không? Trí đáp, thức ăn chay trong chùa rất ngon. Còn chuyện thức dậy sớm và ngủ sớm, sau vài ngày đã quen mắt. Trí chỉ lo là sang năm mình không được tham dự khóa học này nữa, vì năm nay đã may mắn được tham dự rồi.

Đúng như lời Đại đức Thích Tâm Hải, những cô cậu bé tham gia khóa học ban đầu đều... nhao nhao đòi về vì cái gì trong chùa cũng không quen, cái gì cũng lạ lẫm. Nhưng chỉ ngày một ngày hai ở nơi đây, các em như trở thành con người khác hẳn. Đã biết suy nghĩ thấu đáo hơn, đã biết yêu thương gia đình và người xung quanh hơn. "Nếu bạn mà thấy cảnh các em khóc và quyến luyến nhau trong ngày chia tay, bạn sẽ hiểu được tình cảm của các em gắn bó với nhau như thế nào trong một tuần sinh hoạt cùng nhau tại chùa", Đại đức Thích Tâm Hải nói với tôi như vậy.

Điều quý nhất ở khóa học này, theo tôi, đây là khóa học hoàn toàn miễn phí. Các em vào chùa học đạo, sẽ được lo từ A đến Z mà gia đình chẳng phải tốn khoản phí nào. Cái khác biệt của khóa tu mùa hè và các hình thức "giữ trẻ mùa hè" khác chính là điểm đó. Một khóa học đạo đúng nghĩa là không phân biệt giàu nghèo, kể cả tôn giáo. Dĩ nhiên, để có thể lo lắng cho hàng nghìn học viên như vậy, nhà chùa phải sử dụng kinh phí từ sự từ tâm của một số Mạnh Thường Quân giúp đỡ. "Mình làm điều hay, thì các Mạnh Thường Quân vui vẻ ủng hộ thôi" - Đại đức Thích Tâm Hải giải thích khi tôi hỏi về kinh phí hoạt động cho khóa học đạo mùa hè này.

Không chỉ dừng lại ở chuyện khơi dậy lòng yêu thương của các học viên, mà trong những ngày các em được tham gia "khóa tu mùa hè", có cảm giác học viên và các thầy đã xích lại với nhau còn thân thiết hơn cả người trong gia đình. Một số câu hỏi của các học viên gửi đến nhờ thầy giảng giải, mà tôi được các thầy tại đây cho phép đọc đã chứng tỏ điều đó.

Có học viên hỏi: "Thưa thầy, con có một người bạn. Bạn con do một phút lầm lỡ đã có thai. Con xin thầy hãy chỉ cho con một hướng giải quyết tốt đẹp, để con có thể khuyên bạn con. Giữa một bên là gia đình, bên kia là cái thai trong bụng. Nếu bỏ thai thì sẽ mang tội sát sinh, thất đức. Nếu giữ thai thì gia đình sẽ từ bỏ bạn. Con xin thầy giải đáp cho con?".

Hoặc, một đoạn viết của một học viên khác: "Thưa thầy, ngay từ nhỏ, con đã cảm thấy cha con là một người rất khó gần. Mỗi khi mẹ con vắng nhà, không khí trong nhà rất ngột ngạt vì hai cha con chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Và bây giờ, con đã hiểu được cha con yêu thương con như thế nào. Những ngày con đi học xa, cha con vì sợ con bị muỗi đốt, bị nhà dột lúc mưa, cha con đã không ngủ được... Rồi con còn nhận ra rằng, cha con là người chí hiếu. Không chỉ yêu thương ông bà nội, cha con còn chu toàn cho cả ông bà ngoại. Con đã biết tìm cách để bắt chuyện với cha, để hai cha con hiểu nhau hơn dù là chuyện nhỏ nhặt nhất. Con xin cảm ơn quý thầy đã tổ chức khóa tu này".

Có cả những câu chuyện được các học viên viết lại, mà nếu không có đủ sự tin tưởng, chắc chắn các em sẽ không bao giờ viết ra. "Thưa thầy, bạn con 5 năm trước đã có thai với một người đàn ông. Bạn con giữ thai, nên đứa bé được sinh ra bình yên. Cho đến thời gian gần đây, thì người đàn ông ấy lại cưới cô của bạn con. Vô tình, người đàn ông ấy thành dượng của bạn con. Bạn con đã mất tất cả, từ chuyện học hành cho đến những chuyện khác. Khi nào, bạn con cũng mang khuôn mặt rất buồn. Con xin thầy, hãy cho con một lời khuyên".

Còn rất nhiều câu chuyện khác mà tôi đã được đọc. Tất cả, đều nói lên sự tin yêu của học viên đối với các thầy. Nhưng trên hết, vẫn là sự cảm nhận tình yêu của các học viên đối với gia đình.

Đại đức Thích Tâm Hải nói, trước một số lượng học viên đông như vậy nên khóa tu mùa hè năm tới, nhà chùa sẽ tổ chức tuyển sinh theo hình thức như... thi đại học. Hồ sơ đăng ký của học viên sẽ được nhà chùa phát miễn phí tại chùa, và khi bộ hồ sơ thứ 3.000 được phát ra, nhà chùa sẽ không nhận thêm học viên nữa. Và, nhà chùa chỉ tuyển các học viên có độ tuổi từ 15 đến 25, chứ không phải là từ độ tuổi 13 như hiện nay. Tất cả là nhằm đảm bảo cho các học viên có một khóa học đạo hoàn chỉnh về nhiều mặt.

Một mô hình hoàn thiện con người rất hay. Cũng chẳng cần cao xa theo kiểu "Từ bùn sen nở, từ khổ người tài", chỉ biết, đây là khóa nghỉ hè dạy được cho các học viên biết được như thế nào là sự yêu thương. Cứ tưởng đó là chuyện đơn giản, nhưng trong thời điểm mà hầu hết mọi gia đình đều lâm vào "trạng thái". "Không thiếu tiền, chỉ thiếu con", thì đó là một việc làm đầy ý nghĩa.

Theo: cand.com.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch