Phật giáo & Tuổi trẻ
Người Tại Gia Tu Phật
16/02/2010 09:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tu có nghĩa là sửa. Tu rất khó, khó nhất là tu tại gia, cho nên có câu: Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Ở chùa có nhiều thiện duyên nên tương đối dễ tu. ở chợ lại khó tu hơn một chút vì phải giữ lòng ngay thẳng, không gian manh lường cân tráo đấu; ở nhà lại khó hơn nữa vì bạn ác rủ rê làm ta dễ bị sa đọa.


Quy y Tam Bảo

Muốn tu tại gia trước tiên ta phải quy y "Tam Bảo", và khi ta quy y Tam Bảo thì vấn đề lễ bái đối với ta rất quan trọng. điều thứ nhất trong hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ tát là: "Nhất giả lễ kính chư Phật".

Có một lần ở thành Vương xá, đức Thế Tôn thấy con gia chủ là Thi-Ca-la-việt (Thiện Sanh) sáng nào cũng hướng 6 phương để đảnh lễ trong lúc đầu tóc áo quần đang còn ướt sũng. đức Thế Tôn hỏi Thi-Ca-la-việt lễ lạy như thế để làm gì? Thì y thưa rằng lễ lạy như vậy là chỉ để làm theo lời cha dặn trước lúc lâm chung.

Chúng ta đôi khi cũng lễ lạy như vậy, lễ lạy theo thói quen khi bước chân vào chùa, lễ lạy khi nghe tiếng chuông, nhưng chúng ta cũng không ý thức lễ lạy để làm gì, và vì sao phải phải lễ lạy? Hoặc giả chúng ta lễ lạy để cầu xin mua may bán đắt, cầu xin cho con cái thi đậu, cầu xin sức khỏe khi có người thân lâm bệnh. Chúng ta thường chỉ biết lễ lạy với tâm nguyện cầu như thế. Chúng ta đã quên mục đích cao cả khi chúng ta đã "quy y Tam Bảo"là chúng ta phải học đạo của đức Phật, hành đạo như đức Phật, mục đích là xoay đời sống hung ác của ta thành đời sống từ bi, xoay xấu xa trở thành tốt đẹp. Chúng ta thường hay bạ đâu tính đó, ham kinh doanh, ham làm tiền, ham danh vọng, nên đời sống của chúng ta do đó không an lạc, chúng ta không được giải thoát. Khi một đệ tử đến cầu xin đức Phật giải thoát cho y khỏi bao đau khổ, phiền não, thì đức Phật hỏi y: Ai ràng buộc ngươi? Ai không cho ngươi được giải thoát?

Quy y Tam Bảo là nương theo Tam Bảo để làm như đức Phật, để tu như đức Phật cho đến khi được chánh đẳng chánh giác. Cho nên, khi chúng ta đã quy y Tam Bảo thì chúng ta không lạy gốc cây, không lạy bờ sông, không cúng ông Táo. Nếu chúng ta vẫn làm như vậy tức là chúng ta đã quên rằng chúng ta đã quy y Tam Bảo. Như vậy, chẳng khác nào anh làm ruộng gieo giống ngoài đồng rồi bỏ đó, không chăm sóc, không tưới bón, không vun quén, nếu chúng ta quy y Tam Bảo mà chúng ta không tu, không học đạo, không làm theo đạo Phật. Nếu chúng ta nhận định sai thì một ngày kia chúng ta phải thối tâm và sa đọa.

đức Phật dạy một bài học cho chúng ta là: của cải không đem lại chân hạnh phúc. đức Phật một hôm ngồi trên một đám cỏ ướt mà không lạnh, không thấy khổ, vì nguyên nhân gây khổ đức Phật đã dứt từ lâu, nên đức Phật vẫn an nhiên tự tại, đức Phật bảo rằng: nằm trong nệm ấm chăn êm mà lòng tham, sân, si không dứt, luôn luôn lo sợ mất của thì vẫn đau khổ như thường.

Chúng ta đôi khi quên mục đích quy y và lễ bái Tam Bảo của chúng ta, và nếu chúng ta chỉ lễ bái với mục đích thỏa mãn lòng ham muốn tầm thường bất chính, thì chúng ta không bao giờ đạt được mục đích cao cả kia. Ngày xưa có một anh thờ vị Thần Lã tổ và trú dạ lục thời anh ấy đều hương hoa lễ bái kính cẩn, chí thành. Ông Thần thấy anh kia tâm thành như vậy, rất cảm động, bèn hỏi anh ấy muốn cầu xin điều gì, thì y đáp là muốn xin Thần cho một chén vàng vì nhà y nghèo quá. ông Thần liền đưa ngón tay hóa phép và một chén vàng hiện ra cho y. Anh ta mừng quá! Vài hôm sau anh ta lại tiếp tục hương hoa lễ bái thành khẩn như trước. ông Thần lại hiện lên và lại hỏi anh ta muốn cầu điều gì? Anh ta liền thưa chén vàng nhỏ quá, không đủ để chi dùng, xin thần cho y một bình vàng. ông Thần lại đưa ngón tay ra chỉ và một bình vàng đầy ắp hiện ra. Anh ta mừng quýnh. Nhưng chẳng bao lâu anh ta nghĩ rằng mình muốn nhiều thứ hơn nữa, mà mỗi lần cầu xin thì chỉ được một thứ mất công lễ bái. Lần nầy anh ta sắm nhiều hương hoa, lễ bái nhiều hơn trước và thành khẩn hơn trước. ông Thần thắc mắc quá, chẳng biết anh ta còn muốn gì? ông hỏi, con còn muốn cầu xin điều gì nữa? Có phải con muốn đạo không? Hỏi năm ba lần anh ta mới thưa rằng "Chỉ muốn xin ngón tay làm phép của Thần thôi", ông Thần nổi giận đưa ngón tay chỉ một cái, tức thì nhà cửa, xe cộ, của cải gì của anh ta cũng sụp đổ tan tành. Thế mới hay nếu chúng ta lễ bái với mục đích cầu lợi lạc thì không bao giờ được thỏa nguyện, bởi lòng tham của chúng ta vô bờ.

Lễ bái đúng đắn

Nếu chúng ta không rõ ý nghĩa của lễ bái thì việc lễ bái trở thành vô ích. Vì sợ sệt mà lễ, vì lợi lộc mà lễ thì lễ Phật cũng như lễ gốc cây, bụi bờ không khác. đằng này chúng ta lễ Phật vì kính trọng đức hạnh cao cả, vì phục sát đất tâm lượng đại từ đại bi của đức Phật, trí huệ rộng lớn bao la của đức Phật. Chúng ta đã quy y theo Phật thì tâm lượng ta cũng phải rộng rãi bao la, chúng ta cũng phải có trí tuệ sáng suốt, như đức Phật, chúng ta cố gắng bỏ tánh tham lam bỏn xẻn nhỏ mọn hẹp hòi. Biết rằng đồng tiền không đem lại hạnh phúc tuyệt đối, nó là "một đầy tớ trung thành và đồng thời cũng là một người chủ khắc nghiệt"(ngạn ngữ Tây phương). Nếu chúng ta không để cho đồng tiền làm chủ thì đồng tiền mới đem lại hạnh phúc cho ta. (Xem câu chuyện anh chàng nghèo khổ nhưng đã phát tâm cúng dường tấm áo choàng duy nhất, rồi vừa la vừa chạy "được rồi, được rồi"; gặp lúc vua ngự ngang qua, cho đòi lại hỏi cớ sự. Sau khi biết chuyện, vua khen ngợi tấm lòng quảng đại của anh ấy và thưởng cho nhiều của cải).

Chúng ta lễ Phật là để cảm ân đức Phật đã giáo hóa chúng ta, đã bày chế ra bao nhiêu pháp môn phương tiện hầu dẫn dắt chúng ta đến Niết bàn, đến giải thoát. Phá trừ ngã chấp là giáo lý cao quý nhất mà đức Phật dạy cho chúng ta. Có người tu lâu năm, đạt được thần thông, bèn lên Thiên đường gõ cửa Thượng đế. Thượng đế hỏi "Ai đó?". Người kia đáp: "Tôi đây". Thượng đế hỏi: Tôi là ai? Người kia đáp: Tôi là tôi. Thượng đế bảo: Nếu tôi là tôi và ông là ông thì ở đây không có chỗ cho hai người cùng ở, hãy về đi. Người kia trở về tu nữa. Lần sau, khi gõ cửa Thiên đường và Thượng đế hỏi: Ai đó?- Tôi. Tôi là ai? thì người kia đáp: Tôi là Ngài. Thượng đế mới bảo: "hãy vào". Cho nên khi chúng ta không phân biệt tôi, anh, khi chúng ta không chấp cái "ta"thì bao nhiêu người cũng như một, đều sống chung với nhau, hòa thuận vui vẻ.

Ðứa bé mới ra đời chưa biết gì. đến một tuổi cha mẹ mới đặt cho một cái tên, có khi một cái tên rất xấu xa, và dần dần nó chấp chặc cái tên đó là mình, một khi có ai gọi cái tên ấy mà tán thán, khen ngợi thì nó lại thấy sung sướng, phấn khởi. Sau này khi lớn lên, khi nghe người khác xưng hô với mình thiếu lịch sự thì lại phiền muộn. Vì một cái tên bông lông, không đâu mà mình cứ đau khổ, sống chết luân hồi triền miên với nó? Nếu tin hiểu được lời Phật dạy: "Vạn pháp đều như hóa như huyễn"thì ta không bao giờ đau khổ nữa, không phiền muộn nữa. Cái danh xưng là giả tạm, cái thân là giả hợp, nếu chúng ta hiểu được như vậy, tất chúng ta an lạc, giải thoát (danh xưng như huyễn vô ngã).

Khi lễ Phật, chúng ta nguyện gì? Nguyện tiêu tam chướng, trừ phiền não, nguyện trí huệ viên mãn, nghiệp chướng tiêu trừ, nguyện thường hành Bồ tát đạo. đó là đem lại an lạc cho mình, cho nhân loại, cho chúng sanh. Cái an lạc này là an lạc từ trong tâm mà ra, từ trong lòng mình phát ra. đức Phật dạy chỉ cái an lạc phát ra từ trong lòng mình mới là cái an lạc chân thật, còn cái an lạc từ ngoài mà có thì cái an lạc ấy là giả tạo.

Ta lễ bái 10 phương để làm gì? và ta lễ ai? Tức là ta lễ tất cả biến pháp giới: Nhất nhất biến lễ sát trần Phật. Tức ta cầu tất cả các đức Phật hộ trì để ta: a) diệt trừ được bốn nghiệp phiền não (sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối), b) diệt trừ bốn lý do làm ác (tham lam, sân hận, ngã mạn, ngu si), c) trừ bỏ sáu nguyên nhân phung phí tài sản (cờ bạc, rượu chè, giao du đường phố phi thời, la cà đình đám hí viện, giao du ác hữu, quen thói lười biếng). Như vậy vấn đề lễ bái mới chính đáng.

Kinh đức Phật dạy cho người tại gia. Nếu ai học được đúng đắn sẽ trở thành người tốt nhất. Ngài dạy rằng người tu tại gia cần biết tích lũy tài sản như con ong, như đụn mối. Tiền của chia thành 4 phần: một để tiêu pha, hai phần làm vốn, một phần để dành khi gặp tai biến, khó khăn, làm việc từ thiện cúng dường. Chúng ta đã có nhiều công phu học Phật pháp nhưng ít khi nghe được một pháp vừa như ly sữa ngon ngọt cho trẻ thơ, như bữa ăn ngon cho người lớn, như bữa ăn bổ dưỡng cho người già cả. Ngài dạy dỗ chúng sinh không phân biệt, lời dạy chung, không bỏ ai, không chọn lựa ai; ai cố gắng nghe, thì hành trì được giải thoát trọn vẹn. Mọi căn cơ đều có pháp môn thích hợp.

Sáu nguyên nhân phung phí tài sản

Nhân một buổi sáng đức Phật đi khất thực, thấy chàng Thiện Sanh, con gia chủ, hướng sáu phương lễ bái, đức Phật liền dạy muốn cho việc lễ bái có ý nghĩa, trước tiên không làm 4 hạnh ác là tham, sân, si, mê; sau đó tránh xa 6 nguyên nhân phung phí tài sản mà ở đời ít ai tránh khỏi. đó là:

1. đam mê rượu: có sáu điều bất lợi là tài sản bị hao tổn, ưa đấu tranh, tật bệnh dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ thân tàng, trí huệ thương tổn, tâm trí không bình tỉnh (Câu chuyện một vị ưu bà tắc vô tình uống lầm rượu mà phạm mọi giới: ăn cắp gà, sát sanh, tà dâm, nói dối);

2. du hành đường phố phi thời: không ai che chở cho mình, không ai hộ trì gia đình, tài sản không ai trông nom, bị tình nghi tác giả các ác sự, nạn nhân các tin đồn thất thiệt, tự rước vào thân nhiều khổ não;

3. la cà đình đám hí viện: tâm mơ tưởng vui chơi, bỏ bê vợ con,xao lãng công ăn việc làm, hao tổn tiền bạc;

4. đam mê cờ bạc: nếu thắng thì gây thù oán, nếu thua thì tâm sanh phiền muộn, tài sản bị hao thất, gây ra tranh chấp đánh lộn, tại hội trường lời nói không ai tin, bạn hữu khinh khi, vấn đề cưới gả không được tín nhiệm;

5. thân cận ác hữu: đó là những bạn cờ bạc, bạn loạn hành, người nghiện rượu, kẻ bạo động, người lừa gạt;

6. quen thói lười biếng: luôn luôn kiếm cớ để từ chối làm việc (quá nóng, quá lạnh, quá trễ, quá đói, quá no).

Chọn bạn lành mà chơi

Ðức Phật dạy phải chọn bạn như thế nào? Chọn thiện hữu tri thức mà giao du, nghĩa là người bạn lành. Có nhiều loại bạn: bạn rượu, bạn cờ bạc, bạn cơ hội, bạn mồm. Bạn giúp mình lúc hữu sự mới đúng là bạn tốt. Ác hữu là bạn cờ bạc đam mê héo mòn như trăng khuyết, nợ nần như chìm trong bồn nước. Làm bạn thế nào cho xứng đáng mới đúng là tự giác giác tha.

Có bốn hạng người không phải là bạn: đụng vật gì cũng lấy, chỉ biết nói giỏi, khéo nịnh hót, tiêu pha xa xỉ, sợ thế lực, cho ít xin nhiều. Bạn vì mưu lợi, tỏ lộ thân tình trong việc đã qua, hoặc việc chưa đến, mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ; khi có công việc tự tỏ bất lực; đồng ý các việc ác, không đồng ý các việc thiện; trước mặt thì tán thán, sau lưng lại chỉ trích. Tiêu pha xa xỉ, cờ bạc rượu chè, vui chơi bê tha, đình đám, du hành đường phố phi thời: người trí sẽ tránh.

Bạn nên có: người bạn giúp đỡ mình khi hữu sự, khuyên điều lợi ích, người bạn chung thủy, có lòng thương tưởng tới mình. Mình muốn làm bạn với ai mình cũng cần 4 điều tốt ấy: khuyên nhủ bạn khi bạn vô ý phóng dật, che chở cho bạn, làm chỗ nương tựa cho bạn khi bạn có điều sợ hãi, giúp thành hai lần khi bạn thiếu thốn (câu chuyện Lưu Bình Dương Lễ). Người bạn trong nạn khổ cũng như lúc vui, thổ lộ tâm tình, giữ gìn những điều bí mật của bạn hoặc tốt hoặc xấu, không bỏ ban khi bạn gặp khó khăn, dám hy sinh thân mạng vì bạn. Có câu"Bần cư náo thị vô nhân vấn, Phú tại thâm sơn hữu viễn thân": có nghĩa là khi nghèo nếu ở ngoài chợ cũng không ai hỏi, lúc giàu nếu có ở núi sâu cũng lắm kẻ tìm đến. đó cũng không phải là bạn.

Ðức Phật là người bạn không mời: Ngài không chấp chứa tiền của, Ngài đã diệt trừ lòng kiêu mạn, đi làm bạn với tất cả mọi người. Trong sự không nói, Ngài nói rất nhiều. Ngài đã diệt trừ lòng tham, chỉ ăn một bữa ngọ; khất thực buổi sáng (Ngài không khất thực buổi chiều), bình đẳng không lựa chọn. Có người chỉ trích Ngài chỉ đi khất thực, không làm lấy mà sống, Ngài đáp lại rằng Ngài cũng đang gieo trồng đây: Trong việc khất thực Ngài gieo hột giống từ bi; Ngài cũng cày bừa: cái cày là tinh tấn, cái bừa là nhẫn nhục, con trâu là thiền định; Ngài cho bạn nghe những điều chưa được nghe, chỉ cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên.

Bạn tốt là người không hoan hỉ khi bạn mình gặp nạn, hoan hỉ khi bạn mình gặp may mắn, cản ngăn khi nghe người khác nói xấu bạn mình. Bạn như hoa, bạn như cân: không phải là bạn. Bạn như hoa là bạn vì danh vọng, vì giàu có, vì lợi lộc. Bạn như cân là bạn luôn luôn đòi hỏi sự cân xứng cả hai bên, cân qua cân lại, giúp qua giúp lại, mới làm bạn. Bạn như đất, mới đúng là bạn tốt: tâm thành thiết tha, giúp cho bạn mình được lợi ích, không ganh tị, mà hoan hỉ (như đám đất). Ngược lại, khi bạn sa cơ, nghèo khổ, mình vẫn như như, không bỏ bạn, đó là bạn chắc thật. Không nên gần gũi những người mà mình không coi như bạn thiết, để khỏi bị dẫn dắt vào đường hư hỏng, biếng nhác. Mình làm bạn với ai cũng vậy, thiệt tâm giúp đỡ bạn. Khi bạn bị thất sủng, mình không bỏ. đó là bắt đầu cơ bản để đi đến việc lễ bái sáu phương có ý nghĩa như sau đây.

Sáu phương lễ bái

Ðó là: Phương Ðông chỉ cha mẹ, phương Nam chỉ sư trưởng, phương Tây chỉ vợ chồng, phương Trên chỉ tôn sư (Sa môn, Bà la môn), phương Bắc chỉ bạn bè và phương Dưới chỉ người giúp việc.

Chúng ta phải liên quan với sáu mặt mới sống được, sáu phương đó tương quan mật thiết với chúng ta. Nếu cắt đứt với sáu tương quan này thì chúng ta không thể sống được. Mình sống đây là sống tương quan với sáu hạng người, vậy ta cư xử thế nào cho đúng, theo lẽ phải, theo luật pháp?

1. Phương Ðông: Làm con phải phụng dưỡng cha mẹ, có bổn phận hầu hạ sớm tối, bảo vệ tài sản của cha mẹ, lo lễ tang khi cha mẹ qua đời. Cha mẹ nuôi con với tình thương, con cũng phải phụng dưỡng cha mẹ với tình thương, sớm tối viếng thăm, cung kính giữ gìn truyền thống gia đình. Ngược lại, cha mẹ cũng có 5 bổn phận đối với con cái: cưới vợ gả chồng, lo nghề nghiệp cho con, ngăn ngừa không cho con giao du với bạn xấu, con hư là cha mẹ có một phần trách nhiệm, trao của cải sự nghiệp cho con khi đúng thời. Lòng thương không sáng suốt làm cho con hư hỏng. Chọn nơi xứng đáng làm vợ làm chồng cho con. Ngày xưa các bậc cha mẹ chọn nơi môn đăng hộ đối, để lại lời than trách của các con, xui con vào đường tì thiếp. Không nên vì tham lam mà đưa đẩy con vào đường xấu xa. Ân và oán là do trong gia đình mà ra, khéo tu là hạnh phúc, không tu là dây oan. Như vậy là phương đông được che chở, không có chi sợ hãi.

2. Phương Nam: Ta phải phụng sự Sư trưởng như phụng sự cha mẹ "Tiên học lễ, hậu học văn", chào hỏi thăm viếng ân cần, hầu hạ Sư trưởng, hăng hái học tập. Ngược lại Sư trưởng có bổn phận huấn luyện đệ tử như mình đã được huấn luyện, thương đệ tử, khen đệ tử khi đệ tử học giỏi, đảm bảo nghề nghiệp cho đệ tử. Như vậy, phương Nam được che chở, không có chi sợ hãi.

3. Phương Tây: đối với vợ, người chồng phải kính trọng, không bất kính, thủy chung, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang cho vợ, khuyên răn giáo dục vợ khi vợ hổn hào, như chuyện sau đây: Có một chàng kia gặp chị vợ hỗn hào quá, luôn luôn chửi mắng chồng, nguyền rủa chồng khi có điều gì không vừa ý. Chàng ta mới đi mua về một cái hòm để trong nhà. Chị vợ hỏi: Mua hòm để làm gì? Chàng ta đáp là mua về để chôn anh khi anh chết, vì có thể anh chết thình lình chưa biết khi nào. Và mỗi lần chị vợ chửi rủa chồng thì anh đánh thình thịch trên quan tài và khóc rống lên: Chàng ơi, sao chàng chết đi, chàng nỡ bỏ thiếp bơ vơ một mình, không ai giúp đỡ, không ai trông nom, bảo vệ thiếp? Và chàng cứ khóc hoài thảm thiết cho đến khi chị vợ ngưng mắng mỏ, chàng mới thôi khóc. Và vài ba lần như vậy, chị vợ suy nghĩ lại, thấy mình hỗn hào với chồng thật là không nên, và từ đó, không bao giờ chị ta mắng mỏ chồng nữa. đó là một cách giáo dục vợ, đem lại kết quả tốt đẹp. NgườI vợ đối với chồng cũng phải làm hết bổn phận: khéo đón tiếp bà con chồng, trung thành với chồng, giữ gìn của cải, khéo léo làm mọi việc trong gia đình. Như vậy, phương Tây được an ổn, che chở, không chi sợ hãi.

4. Phương Bắc: Không lường gạt thì được bạn bè thương tưởng; che chở bạn, bảo vệ tài sản cho bạn, trở thành chỗ nương tựa cho bạn; không tránh xa khi bạn gặp khó khăn; kính trọng gia đình bạn. Như vậy, phương Bắc được che chở lẫn nhau, không ai sợ ai.

5. Phương Dưới: đối với người giúp việc, lo lắng ăn uống và tiền lương đầy đủ. Bắt làm việc nhiều mà trả lương ít coi như mắc nợ người ta vậy; điều trị người giúp việc khi có bệnh hoạn, ốm đau; có miếng ăn ngon chia xẻ cho người giúp việc; thỉnh thoảng cho nghỉ phép. Như thế người giúp việc sẽ trờ thành bạn với mình;nếu không đối xử đúng đắn, người giúp việc sẽ trở thành người thù đối với mình. Ngược lại, đối với chủ, người giúp việc phải thức khuya dậy sớm, thức trước khi chủ thức dậy và đi ngủ sau chủ, tự bằng lòng với các vật chủ cho, khéo đảm đang công việc, không phải làm cho lấy có; đem danh tiếng tốt về cho chủ. Như vậy, chủ xứng đáng mà tớ cũng xứng đáng, và phương Dưới được che chở, không có chi phải sợ hãi.

6. Phương Trên: đối với Sa môn, Bà la môn, chúng ta phải có lòng từ, hành động tốt về thân, khẩu và ý; mở rộng cửa để đón Sa môn và Bà la môn, cúng dường các vật dụng cần thiết. Sa môn và Bà la môn đối với chúng ta thì có lòng thương tưởng chúng ta, ngăn không cho làm điều ác, cảnh giác khuyên răn, khuyến khích làm điều thiện, làm cho thanh tịnh những điều đã nghe; thương xót chúng sanh với tâm từ bi; là thiện tri thức của chúng ta, dạy chúng ta những điều chưa nghe, chưa biết, làm cho rõ ràng để thực hiện cho được, đó là pháp thanh tịnh, làm cho chúng ta hoàn thành đạo Nhân thừa. Như vậy, phương Trên che chở, hai bên trở thành nơi nương tựa cho nhau, che chở cho nhau.

Trên đây là pháp Lễ bái đầy đủ sáu phương theo kinh Thiện Sanh và để kết luận, đức Phật nói bài kệ:

Cha mẹ là phương đông
Sư trưởng là phương Nam
Vợ chồng là phương Tây
Bạn bè là phương Bắc
Nô bộc là phương Dưới
Sa môn, Bà la môn
Có nghĩa là phương Trên
Cư sĩ và gia đình
đảnh lễ phương hướng ấy
Kẻ trí giữ giới luật
Từ tốn và biện tài
Khiêm nhường và nhu thuận
Nhờ vậy được danh xưng.
Dậy sớm không biếng nhác
Bất động giữa hiểm nguy
Người hiền không phạm giới
Nhờ vậy được danh xưng.
Nhiếp chúng tạo nên bạn
Từ ái tâm bao dung
Dẫn đạo khuyến hóa đạo
Nhờ vậy được danh xưng.
Bố thí và ái ngữ
Lợi hành bất cứ ai
Ðồng sự trong mọi việc
Theo trường hợp xử sự
Chính những nhiếp sự này
Khiến thế gian xây quanh
Như bánh xe quay lăn
Vòng theo trục xe chính Nhiếp
sự này vắng mặt
Không có mẹ hưởng thọ
Hay không cha hưởng thọ
Sự hiếu kính của con
Do vậy bậc có trí
Ðối với nhiếp pháp này
Như quan sát chấp trì
Nhờ vậy thành vĩ đại
Ðược tán thán danh xưng.

Tròn bổn phận đối với sáu phương hướng tức là lễ bái sáu phương, hợp với giáo lý đức Phật là từ tốn và biện tài.

Ðức tính từ tốn là không tranh thắng với ai, không vội vã. Biện tài là muốn lợi ích cho mình và cho người khác thì tìm lời nói năng khéo léo, dùng tài hùng biện để thuyết phục người, lời nói đủ ý nghĩa, trúng căn cơ để chuyển tâm người.

Căn bổn tâm chúng sinh là: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Mạn có bảy thứ:

1.Mạn: cứ đem tâm so sánh hơn thua trong ý nghĩ mình hơn người;
2. Ngã mạn: vì ỷ mình mà lấn lướt người;
3. Quá mạn: mình bằng người mà cho là hơn, người hơn mình mà cho là bằng;
4. Mạn quá mạn: người hơn mình nhiều, mà cho mình là hơn người;
5. Tăng thượng mạn: chưa chứng Thánh quả mà cho mình đã chứng;
6. Ty liệt mạn: mình thua người nhiều mà nói rằng thua ít;
7. Tà mạn: người tu về tà đạo được chút ít thần thông, hoặc hiểu biết đôi chút việc quá khứ vị lai, rồi khinh lướt người.

Do đó, muốn chuyển tâm phàm của chúng sanh thành Tâm thánh thì người ta phải tu học đức tính từ tốn và biện tài của đức Phật. Ta còn phải học tính "bất động trước hiểm nguy" của đức Phật nữa. Nếu ta phá được ngã chấp và ngã sở thì ta mới bất động trước hiểm nguy, và nếu còn chấp ngã và ngã sở thì cái khổ càng dày vì cứ sợ thiệt hại, mất mát. Vì sao nhà ta cháy ta đau đớn khổ sở, còn nhà người khác cháy ta vẫn an nhiên như không xãy ra việc gì?

Khi ta chấp một cái danh hư huyễn làm cái ta, thì ta cứ đau khổ liên miên khi cái danh xưng ấy bị gièm xiểm. Xưa có một vị Thiền sư đang tụng kinh thì có tên trộm lẻn vào gí dao vào lưng, hỏi: - Tiền để đâu? Thiền sư: đừng có lấy hết, hãy để lại một ít để đóng thuế. Tên trộm được tiền ra về. Thiền sư gọi giật lại, hỏi sao không cám ơn khi người ta cho mình tiền của? Tên trộm liền cảm ơn...Vài hôm sau tên trộm bị bắt giải lên huyện; ông Huyện cho mời Thiền sư đến và hỏi Thiền sư bị mất trộm bao nhiêu? Thiền sư bảo không bị mất trộm. ông Huyện bảo Thiền sư: Sao đã tu hành mà còn nói dối, vì tên trộm cung khai là đã lấy tiền của Thiền sư. Thiền sư đáp: Tên trộm đã được tôi cho tiền và y đã cảm ơn, chớ không lấy trộm... Do đó, tên trộm đã được tha về. Cho hay đối với của cải mà mình đã xả rồi thì mình không còn sợ hiểm nguy. Mình dùng cái ngã của mình để tu hành, nên gặp nguy hiểm mình không sợ; còn coi nặng cái ngã và ngã sở thì còn mang nhiều đau khổ. Việc này rất cao siêu và khó học tập, nhưng nếu ta cố gắng tinh tấn học tập thì thế nào cũng đạt được kết quả mong muốn.

Người giúp việc vấp té, lỡ tay làm bể bát cổ. Bà chủ hỏi: Con té có đau không? Như vậy là bà có đức độ bao dung, biết thương người mà không tiết của. Xưa có một vị Lang y giỏi nổi tiếng, có một người kia có mẹ già bệnh nặng, cứ chầu chực mấy ngày liền mà không rước được thầy lang. Y bèn quỳ giữa đường và đón xe thầy ngang qua. Thầy lang buộc lòng phải đến chữa bệnh cho mẹ y. Thầy cho hai thang thuốc và bảo y ngày hôm sau cho thầy biết kết quả. Hôm sau y đến thưa rằng mẹ y đã bớt bệnh nhiều, nhưng chắc chết. Thầy ngạc nhiên hỏi: Sao bớt bệnh mà lại chắc chết, thuốc thầy chưa bao giờ làm cho ai chết cả. Y thưa: Mẹ y không phải chết vì bệnh mà chết vì mất của, tiếc của. Nguyên mẹ y đã để dưới gối một lượng vàng, mà nay không còn nữa. Nếu tìm lượng vàng không ra thì mẹ y chắc chết. Thầy lang liền mở tủ, lấy một lượng vàng, bảo y cầm về đưa cho mẹ. Hôm sau mẹ y lành bệnh rũ chiếu giường, thì tìm thấy lượng vàng, biết mẹ con y đã nghi oan cho thầy lang, liền đem vàng đến trả và lạy tạ, xin sám hối tội lỗi. Như thế, thầy lang đã có đức đại lượng bao dung, chịu mang danh ăn cắp, chịu mất một lượng vàng, chỉ muốn cứu sống một mạng người. Cho nên muốn dẫn đạo, để khuyến hóa đạo, ta phải có lòng đại độ bao dung và muốn nhiếp phục chúng sanh quay về với Phật pháp, ta cần thực hành theo Tứ nhiếp pháp.

Tứ nhiếp pháp

Tứ nhiếp pháp là những gì? ấy là: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

1. Bố thí nhiếp: Có ba cách bố thí: tài thí, pháp thí, vô úy thí.

a) Tài thí:có nội tài (bố thí chính ngay thân mạng mình- cho máu để tiếp người bệnh nhân) và ngoại tài (cho tiền bạc của cải). Tài thí có nhiều cách: định kỳ thí, cấp thời bố thí (một miếng khi đói bằng một gói khi no), hợp lực bố thí (kêu gọi hợp lực cùng nhau làm, vì một mình không đủ phương tiện), kính cẩn bố thí (kính cẩn đối với người mình bố thí).

Bố thí thì cần xét đến: tâm bố thí, của đem bố thí và người mình bố thí. Tâm phải là tâm thanh tịnh nghĩa là trong sạch, không phải cầu danh, hoan hỉ khi đang bố thí và mừng rỡ sau khi bố thí. Của bố thí phải là của thanh tịnh, nếu là của không trong sạch (ví dụ của ăn cướp) thì không phước đức. Xứng cảnh trí tức là người mình nên bố thí, cúng dường giống như ba thứ ruộng phước: kinh điền (người đáng tôn trọng), ân điền (người có ân với mình như cha mẹ, sư trưởng) và bi điền (người đáng thương xót).

Khó có người giàu có như ông Cấp cô độc đem vàng trải ở Kỳ viên, nhưng người nghèo cũng có thể bố thí được. Như anh kia thấy người ta cúng dường trai tăng, anh chỉ kiếm ra được một ít đậu, bèn đứng vào một xó. Lúc người ta đang tác bạch, thì thấy đậu trãi đầy bàn ăn, mọi người đang tìm hiểu, thì đức Phật trông thấy y đang đứng trong góc phòng, đức Phật gọi anh ta là "đại thí chủ". Mọi người liền mời y ra cùng dự chung. Anh ta chỉ bố thí với tâm thành khẩn, không kể mình thấp kém.

Có chị ở giúp việc cho người ta, rất muốn cúng dường đức Phật. Chị nghèo quá, chỉ kiếm được một miếng bột, bèn gói trong lá, đem nướng đi, và ước ao cúng dường đức Phật, chỉ sợ đức Phật không nhận. Không ngờ đức Phật nhận và bóc bánh ra, ăn liền trước mặt chị. Chị ta sung sướng hết sức.

b) Pháp thí: Trong khi tài thí giúp đỡ sắc thân thì pháp thí có công năng giúp đỡ cho pháp thân, huệ mạng. Nếu không có pháp nuôi dưỡng thì pháp thân heo mòn, trái lại thì pháp thân tăng trưởng. Việc pháp thí rất khó vì nếu ta không biết pháp, không học pháp thì lấy đâu để pháp thí? Cho nên đức Phật thường bảo đệ tử đem giáo lý của đức Phật phổ biến cùng khắp.

đối với người đau khổ về tinh thần thì cần pháp thí. Có một chị đi lấy chồng, lâu lắm mới có một đứa con. Khi con mới lên ba thì chồng qua đời, và sau đó ít lâu, đứa con bỗng chốc bị trúng gió, chết mất. Chị ta đau đớn vô cùng và không tin là con mình đã chết. Chị bồng con đi xin thuốc chữa. Với tâm sầu khổ, chị đến gặp đức Phật và xin đức Phật cứu sống con chị. đức Phật bảo chị đi xin hột cải tại nhà nào chưa có người thân chết đem về để đức Phật cứu cho. Chị đến từng nhà xin hột cải, nhưng khi chị hỏi trong nhà đã có ai chết chưa, thì người nào cũng đáp là nhà đã có người chết. Và cuối cùng chị đến một nhà vừa có con nhỏ chết. Chị ta liền giác ngộ, bèn đem con về chôn cất. Hôm sau chị đến bạch Phật rằng việc Ngài dạy con đã làm xong, và xin đức Phật chứng minh cho.

Như vậy Ngài đã dạy pháp để chị ta tự tu, tự chứng; nếu lúc bấy giờ giảng lý thì không hợp, trong lúc chị ta đang đau khổ. Trong khi đi xin hột cải thì chị ta đã trực tiếp chứng được lý vô thường của vạn vật. Chúng ta học đạo là để chất chứa Phật pháp ngõ hầu khi gặp lại tai biến mà tiêu dùng, như chất chứa tiền của vậy.

c) Vô úy thí: Là đem cái không sợ ra thí cho chúng sanh. Ta không giết hại vật thì vật gần mình không sợ hãi, ta không trộm cắp thì người khác không sợ mình lấy cắp của người. Vả lại còn biết hy sinh giúp người cứu vật trong lúc hoạn nạn tai biến.

2. Ái ngữ nhiếp: Tùy theo căn tánh chúng sanh mà khôn khéo nói năng, an ủi khuyên lơn nhân thế khiến cho họ sanh lòng thân mến, rồi từ đó họ mới theo ta mà học đạo; lời nói khéo léo, ôn tồn, nhẹ nhàng đem lại an lạc cho tâm ta và mọi người.

Có anh kia đi cày, ngủ trưa, quên cột trâu. Một con hổ từ trên xuống núi đi xuống. Trâu đến đánh thức chủ dậy để báo động. Mất ngủ, anh kia bèn đánh đuổi trâu. Trâu kia sợ hổ ăn thịt chủ, bèn chồm lên mình chủ để đỡ cho chủ. Anh đi cày giận quá, cho là trâu trở chứng, liền bỏ buổi cày, dẫn trâu về. Dọc đường gặp đức Phật, trâu khóc. đức Phật vỗ về trâu, lấy lời dịu ngọt dỗ dành khiến trâu hết đau khổ và làm cho anh cày giác ngộ. ái ngữ, trong ái ngữ nhiếp không phải là lấy lời dịu ngọt để nịnh hót cốt làm lợi cho mình. ái ngữ ở đây cốt lợi cho người khác.

3. Lợi hành nhiếp: Làm những việc có lợi cho người khác. Bất cứ việc nhỏ hay lớn, nếu biết làm thì mới có giá trị lớn. Kinh Lăng nghiêm có đoạn kể Ngài Trì địa Bồ tát chuyên đi sửa đường, sửa cầu, gánh đồ giùm cho mọi người. Có một vị hòa thượng kể câu chuyện đã có lần cùng với quý thầy đi ngang qua một cánh đồng. Nắng gắt và khác nước, mọi người dừng lại nghỉ chân ăn uống. Nhân ăn xoài, quý thầy ương những hột xoài tại chỗ. Mấy năm sau có việc, hòa thượng cùng quý thầy lại đi qua chỗ cũ, thấy mấy cây xoài đã bắt đầu có quả ăn. đó cũng là một việc lợi hành mà ít ai để ý làm.

4. Ðồng sự nhiếp: Cùng làm một việc với người khác. Tùy theo mỗi người làm một việc nhưng cùng nhắm một mục đích (ví dụ: xây dựng gia đình, cùng nhau đẩy một chiếc xe lên dốc, nếu không cùng đẩy là không cùng sự). Có đồng sự thì nói gì người ta cũng nghe mình.

Có bốn sự nhiếp này thì thế giới hòa bình, gia đình an lạc. Bốn sự nhiếp này vắng mặt thì con cái không hiếu kính cha mẹ, anh em không sống hòa hiệp với nhau. Làm được bốn nhiếp sự này thì được danh xưng, mọi người tán thán./.

HT. Thích Thiện Siêu.

 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch