Chênh vênh là trạng thái mà
ta cảm thấy bất an, không vững vàng, dễ té nhào hoặc xiu đổ. Nếu chẳng may khi
ấy, ta gặp phải một cơn gió lốc nữa thì có khi sẽ ngã rẹp xuống, không thể gắng
gượng lại được nữa; hoặc nếu có gắng gượng thì cũng mất một thời gian khá dài…
Vì sao ta chênh vênh?
Trong cuộc đời mỗi người, ai
cũng có lúc trải qua trạng huống chênh vênh, thấy mình không vững chãi trước
mọi thứ. Đó là điều đương nhiên bởi ai chẳng có lúc yếu lòng, có lúc thiếu sáng
suốt nếu không muốn nói tới phần đông người thường yếu đuối và mờ mịt trong suy
nghĩ nên không thấy được vấn đề, đôi khi rất đỗi bình thường nhưng lại làm quá
lên, tự tạo những nỗi khổ đau, mệt mỏi cho mình.
Có những lúc chông chênh... - Ảnh minh họa từ internet
Thực tế là, có những sự việc
thực sự kinh hoàng, đáng suy nghĩ và là nguyên nhân chi phối chúng ta rất
nhiều. Đó có thể là những bất ổn bên ngoài thuộc về hoàn cảnh sống nói chung
hay gọi chi tiết là môi trường chính trị-xã hội-kinh tế tác động tới thân-tâm
con người. Và, đó cũng có thể là những “bất ổn” bên trong thuộc về tâm-sinh lý
của mỗi người như tình cảm, bệnh tật hay những khiếm khuyết nào đó mà mình xem
đó là bí mật của riêng mình, là “phần kín” khó giãi bày mà mình cố công gìn
giữ…
Ta sinh ra ở một thời đại hay
trong một vùng quốc gia, thủy thổ, thiết chế xã hội, chính trị… có nhiều bất ổn
làm cho ta cảm thấy thiếu niềm tin hay bị bó hẹp suy nghĩ. Cụ thể, có những
người sinh ra giữa một xã hội người áp bức người, ở đó quyền lực thống trị
thuộc về số ít và số đông cam chịu làm nô lệ cả về thân xác lẫn tinh thần,
giống như một cái máy.
Khi ấy, nếu ta là thực thể có mặt trong điều kiện ấy ta
cũng thấy chênh vênh, luôn sống trong sợ hãi vì chẳng biết lúc nào mình sẽ trở
thành nạn nhân của trò áp bức. Sống trong thời chiến, nhiều người kể lại những
năm tháng nơm nớp ấy chính là những nỗi ám ảnh quá khứ khó lòng nguôi ngoai. Sự
chênh vênh về cuộc sống bấp bênh, đầy khó khăn của một giai đoạn kinh tế khủng
hoảng cũng làm mình sợ hãi, vì có thể mình sẽ rơi vào hoàn cảnh nghèo khó, thất
nghiệp, thiếu thốn đến đói khát…
Suy cho cùng, những điều kiện
sống bất ổn, không thỏa mãn mong muốn được tự do, bình an, đầy đủ… của con
người chính là nguyên nhân làm cho chất lượng sống (về tinh thần) không cao.
Những nỗi sợ hãi, lo lắng và bất an này đến từ yếu tố vật chất như sự nghèo
túng, thiếu thốn, mất tự do thân thể… được triết học hiện đại gọi là “vật chất
quyết định ý thức”.
Bên cạnh đó, còn có những vấn
đề tình cảm hay những “nỗi đau tinh thần” thuộc về một người đến từ những khiếm
khuyết tâm-sinh lý mà họ luôn xem đó là “nỗi buồn riêng tư”, không thể bày
biện, hoặc nếu có nói thì cũng không ai hiểu. Sự “đeo bám” của tâm lý nặng nề
từ nhận định về bản thân yếu kém có thể nói theo ta như hình với bóng, và hình
như ai cũng bị sự “ám muội” này, bởi không có ai là hoàn hảo một cách tuyệt
đối. Sanh ra làm người, có người được đầy đủ sáu căn như cũng có nhiều người
sáu căn không đủ đầy. Và họ, đôi khi (hay nhiều khi?) vẫn thấy mất tự tin và
đôi khi tự ti, tủi thân vì chính cách đối xử giữa người với người.
Một cụm từ “người
bình thường” so với “người không bình thường” (tự hiểu) của những ai khuyết tật
đủ để họ đau đáu suy nghĩ về thân phận của mình. Hay, có một thời người ta gọi
người khuyết tật là “tàn phế” để rồi sau đó nhiều người khuyết tật đã lên tiếng
“chúng tôi tàn nhưng không phế” để minh chứng cho suy nghĩ sáng suốt còn đó thì
dẫu đôi tay, đôi chân thiếu vắng hay thậm chí nằm một chỗ thì cũng không phải
là “phế nhân”.
Với tư duy đó, không ít người khuyết tật đã phát huy thế mạnh
của mình ở những bộ phận còn lành lặn, hoặc sống vui, sống lạc quan, yêu đời để
hiến tặng một bài pháp về con đường ở ngay dưới chân mỗi người, quan trọng là
ta có chịu đi hay không. Thế nên, thi thoảng gặp được những con người khiếm
khuyết một phần thân thể hay trong biểu hiện giới tính có phần chuệch choạc so
với hiểu biết về giới của cộng đồng mà họ vẫn sống hữu dũng trước những ánh
nhìn kỳ thị, quan ngại và còn góp nhặt yêu thương, cống hiến những giá trị cao
đẹp (từ vật chất tới tinh thần) mà những-người-bình-thường khác không làm hay
không làm được - báo chí luôn ngợi ca như một điển hình, một tấm gương đáng học
hỏi, đáng làm mô phạm cho cuộc đời…
Buồn ơi, chào em!
Có một thi kệ thực tập mà một
thiền sư đã đề xuất, được nhiều người yêu mến, trân trọng ghi lại như một cẩm
nang trên bước đường vượt thoát khổ đau, kiến tạo an vui, hạnh phúc cho mình,
đó là: “Thức dậy miệng mỉm cười/ Hai bốn
giờ tinh khôi/ Xin nguyện sống trọn vẹn/ Mắt thương nhìn cuộc đời”.
Sự thực tập này mang tính
dừng lại, quán sâu để từ đó gội rửa tâm hồn mình từ chỗ mịt mù tăm tối, từ chỗ
nhìn đâu cũng thấy đen thui, đáng chán thành chỗ có một con đường để đi, chỉ
cần mình biết thương yêu, biết trân quý bản thân cũng như những gì đang có.
Hành động mỉm cười mỗi sớm mai thức dậy là một sự thực tập mang tên chế tác an
vui.
Cười thật an, thật tươi (như hoa nở) để chào đón giây phút hiện tại ta còn
sống là một quán niệm mang ý nghĩa tôn trọng và biết ơn sự sống tự thân của
mình và cũng là hành động nhận diện sự thật “thân người khó được mà ta đang
được thân người đây, đó là hạnh phúc đâu dễ dầu gì có được”. Nên, hãy hạnh phúc
đi!
Hạnh phúc ở trong ta, quanh ta, hãy nhận diện và chạm tay vào - Ảnh minh họa từ internet
Đó, còn là, trong cõi người này, còn bao người nghèo cùng, túng bấn gấp
nhiều lần ta; hay còn bao nhiêu người đang phải vật lộn với mưu sinh, chiến đấu
với bệnh tật nan y trong cuộc chiến sinh tồn… Ta cứ nghĩ dài và nghĩ rộng ra,
bao quát cả một xã hội mà ta đang sống đến toàn thế giới rồi đến những cõi
khác, nhất là ba cõi trong tam đồ ác đạo (địa ngục, ngã quỷ, súc sanh). Những cõi
mù mù tăm tăm ấy, nhất là địa ngục, sống chết muôn lần, đau khổ liên miên không
dứt kia đáng thương và đáng tội nghiệp hơn ta bội phần, ta khổ chừng này có
đáng gì đâu?
Cứ thế mà quán để mà “thương
nhìn cuộc đời”, để mà biết ơn giấy phút ta sống dậy sau một thời gian thùy miên
để cảm nhận hạnh phúc mà mình đang có. Đó cũng là một cách để giã từ những tri
giác sai lầm rằng ta đang bất hạnh, ta đang khổ đau và tiếp tục đẩy mình đi
sâu, đi xa vào mê lộ của u tối, khổ đau triền miên, dẫu mình chẳng phải là
người khổ nhất.
Buồn ơi, chào em! Đây cũng là
một sự thực tập, một thiền ngữ để nhắc ta nhẹ nhàng đối mặt với những buồn
thương chất ngất đang phủ trùm trong tâm trí ta. Thiền ngữ nhắc ta nhận diện
mình đang buồn, đang chênh vênh có nghĩa là nhắc về sự có mặt của tâm hành ấy
trong ta. Nếu ta nhận diện và bình tĩnh chào nó bằng một ái ngữ dễ thương (chào
em) sẽ ngăn ta căng cứng lên, chống đối hoặc loại bỏ nó như cái cách mà y học
hiện đại thường dùng là phẫu thuật cắt bỏ.
“Phẫu thuật” những nỗi buồn
đau, chênh vênh trong tâm thức khác với cách cắt bỏ của y học hiện đại. Theo
đó, ta phải thực tập chậm rãi, bình tĩnh, tự tin bằng sự quán niệm về nó. Nhưng
muốn nhìn thấu triệt nó để cắt gọt tận gốc rễ thì ta phải chầm chậm lại, dừng
lại thì mới có đủ năng lượng để mà quán chiếu. Khi ta cứ chạy điên cuồng và tâm
ta lúc nào cũng muốn mình không khổ đau, phải hạnh phúc liền liền dù trước đó
và thậm chí hiện tại mình đã tạo ra khổ đau ngút ngàn cho đời, cho người, cho
mình bằng những ý nghĩ sai trái, lời nói đầy độc tố, hành động thiếu từ bi… thì
ta càng mong muốn (càng tham) thì càng đớn đau, vật vã mà thôi.
Vì vậy mà Đức
Phật chọn một trong những pháp môn căn bản để dạy môn đệ của mình dứt trừ khổ
đau, kiến tạo hạnh phúc chính là thiền định. Nhưng, muốn thiền định thì trước
tiên và trên hết là phải gìn giữ những nguyên tắc đạo đức (giới luật) thì mới
giúp cho thân tâm định và khi ấy trí mới sáng ra để thấy đường đi, đi vững
chãi, không còn chênh vênh. Trong Phật giáo gọi đó là “tam vô lậu học”
(Giới-Định-Tuệ), con đường đi từ tối ra sáng, giải thoát khổ đau, cập bến bờ an
vui mà bất kỳ hành giả nào cũng phải thực tập thì mới nếm được pháp vị của nó.
Thế gian hay nhắc những người
nôn nóng, sầu khổ, vụt chạc trong cuộc sống, ứng xử với mình, với người bằng
câu: “Cứ từ từ, chuyện đâu còn có đó”. Đối với người con Phật, nhìn sâu vào câu
này cũng thấy đó là một công án thiền phải chiêm nghiệm để thực tập.
Cứ từ từ
là thiền chỉ (dừng lại), chuyện đâu còn có đó (nhìn sâu - thiền quán, để thấy
là sự sự vật vật, hiện tượng biểu hiện trong mình, quanh mình vốn theo định
luật nhân-duyên-quả, cái gì đến lúc tới thì nó phải tới, ta có sợ bỏ chạy thì
nó vẫn theo ta liền tức thì, vì đó là nghiệp, theo ta như hình với bóng thì
chạy đâu cho thoát). Cái quan trọng vẫn là cách ta đón nhận những điều đã và sẽ
xảy ra bằng sự hiểu biết, thương yêu. Hiểu rằng nhân quả công bằng, rất rõ
ràng, ta đang khổ đau hay hạnh phúc, bình an đều là kết quả mà ta đã gây. Ta
khiếm khuyết hay lành lặn, môi trường ta sống bình an hay nhiều độc tố… đều là
kết quả mà ta từng tác tạo nhân trước đó…
Bên cạnh nhận diện sự thật ấy
để đón nhận bằng tâm từ ái (buồn ơi, chào em) ta còn bắt đầu gieo tạo những hạt
giống lành, trùng tu lại những nham nhở, khiếm khuyết trong ta, quanh ta, từng
chút một và kiến thiết một cảnh giới an lành từ chính cách ta nghĩ, từ miệng ta
nói, thân ta làm (tam nghiệp). Nói gọn là đoạn ác, làm lành, trong đó cái ác
đầu tiên phải đoạn chính ta thôi trách móc, thôi những giằng xé đớn đau mà ta
đã từng làm, từng cảm nhận bằng sự chênh vênh của mình từ ngày này sang ngày
khác, năm này sang năm nọ, kiếp này qua kiếp khác trước đó.
Ờ, đoạn ác, là đoạn
những suy nghĩ ấu trĩ, lời nói bạo động, gieo rắc đau thương, phiền muộn, và
tuyệt đối không làm những điều tổn hại mình, tổn hại người ở hiện tại cùng
tương lai muôn kiếp… Nguyện vậy, tin vậy, hành vậy thì ta sẽ nhẹ nhàng bước qua
những chênh vênh, nông nỗi. Nhanh thôi!
Chúc Thiệu (Đạo Phật Ngày Nay)