Thực hành tốt đẹp là tự hỏi mình: "Tại
sao ta sinh ra?" Sáng, trưa, chiều, tối... mỗi ngày hãy tự hỏi mình câu
hỏi đó. Sinh và tử của ta chỉ là một. Bạn không thể có cái này mà chẳng
có cái kia. Người ta buồn rầu than khóc khi có ai chết, và vui cười hớn
hở khi thấy một đứa trẻ sinh ra đời. Thật si mê và khôi hài làm sao!
Nếu muốn khóc, hãy khóc lúc có ai sinh ra. Hãy khóc cái nguyên nhân,
khóc cái gốc, vì không sinh ra thì sẽ không chết.
Lời Giới Thiệu
Ajahn Chah sinh năm 1918 trong một ngôi làng phía Bắc Thái Lan. Ngài
xuất gia sa di từ lúc còn nhỏ và trở thành một vị tỳ khưu năm hai mươi
tuổi. Ngài theo truyền thống hành đầu đà của các sơn tăng trong nhiều
năm; hằng ngày mang bát xin ăn, chuyên tâm hành thiền và đi khắp nơi để
truyền bá giáo pháp.
Ajahn Chah hành thiền dưới sự chỉ dẫn của nhiều thiền sư danh tiếng
trong đó có ngài Ajahn Mun, một vị thiền sư nổi danh và được kính trọng
vào thời bấy giờ. Ajahn Chah đã chịu nhiều ảnh hưởng của ngài Ajahn Mun.
Ajahn Chah là một thiền sư tuyệt diệu, Ngài đã dạy đạo một cách trực
tiếp, rõ ràng, và tận tụy chia xẻ sự chứng nghiệm giáo pháp của mình cho
những người đến sau. Lời dạy của Ngài thật đơn giản: "Hãy để sự vật tự
nhiên, đừng dính mắc. Hãy xã bỏ tất cả. Sự vật thế nào hãy để y như
vậy". Ngài Ajahn Chah viên tịch vào ngày 16 tháng Giêng, 1992 ở Wat Ba
Pong, tỉnh Ubon Ratachani, Thái Lan.
Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài
pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây
phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.
Nhận thấy đây là những lời dạy quý báu của một vị thiền sư đầy đủ thẩm
quyền và năng lực nên chúng tôi cố gắng chuyển dịch sang Việt Ngữ để
chia xẻ đến các bạn, nhất là những bạn suốt ngày bộn rộn vì công việc,
không có đủ thì giờ để đọc những bài dài hơn.
Đây là cẩm nang cho những người tu học. Bạn có thể đem cuốn sách gọn nhỏ
này theo mình. Mỗi khi rảnh rỗi chỉ cần dở ra đọc vài câu, bạn sẽ cảm
thấy tinh thần thoải mái, bình an và hạnh phúc.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn qúi vị đã bỏ công sức vào việc hoàn
thành dịch phẩm này: Đại Đức Chơn Mỹ, Pháp Luân, Giới Tịnh, Minh Hạnh,
Thiện Hiền, các Đạo Hữu Trần Minh Lợi, Phạm Phú Luyện, Từ Sơn, Đặng Trần
Vinh, Bình Anson, Nguyễn Đức Quý, Đỗ Văn Học, Diệu Thu và Bội Khanh đã
bỏ thì giờ để đọc lại bản thảo, sửa chữa câu văn, lỗi chính tả và kỷ
thuật. Cuốn sách nhỏ này cũng không thể sớm đến tay độc giả nếu không có
được sự khuyến khích, đóng góp tịnh tài của Như Lai Thiền Viện, Bát Nhã
Thiền Viện và các Thiền Sinh cùng Phật Tử bốn phương. Xin tất cả hoan
hỉ với phước báu này.
Mặc dầu đã hết sức cố gắng, nhưng vì bận tu học và nhiều công tác Phật
sự khác nên chúng tôi không có đủ thì giờ để sửa chữa thật chu đáo, do
đó bản dịch này chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết. Chúng tôi thành thật
xin các bậc Trưởng Thượng hoan hỉ chỉ điểm cho những chỗ sai lầm và rất
hân hoan đón nhận những ý kiến xây dựng của các bạn Phật Tử bốn phương
để lần tái bản được hoàn hảo hơn.
Sinh và Tử
1. Thực hành tốt đẹp là tự hỏi mình: "Tại sao ta sinh ra?" Sáng, trưa,
chiều, tối... mỗi ngày hãy tự hỏi mình câu hỏi đó.
2. Sinh và tử của ta chỉ là một. Bạn không thể có cái này mà chẳng có
cái kia. Người ta buồn rầu than khóc khi có ai chết, và vui cười hớn hở
khi thấy một đứa trẻ sinh ra đời. Thật si mê và khôi hài làm sao! Nếu
muốn khóc, hãy khóc lúc có ai sinh ra. Hãy khóc cái nguyên nhân, khóc
cái gốc, vì không sinh ra thì sẽ không chết.
3. Bộ ở trong bụng người ta sướng lắm sao! Thật chẳng thoải mái chút
nào! Thử nghĩ xem! Chỉ cần sống trong căn chòi nhỏ một ngày thôi, đủ khó
chịu đến đâu rồi! Đóng hết các cửa phòng lại là bạn đã nếm mùi đau khổ!
Chao ôi! Vậy mà ở trong bụng người ta đến chín tháng! Bạn còn muốn sinh
ra lần nữa à? Hẳn bạn biết rõ là nằm trong bụng chẳng thoải mái chút
nào, thế mà bạn vẫn còn muốn thun đầu rụt cổ trong chốn tối tăm ấy nữa
sao? Đừng tròng đầu vào dây thòng lọng nữa!
4. Tại sao ta sinh ra? Ta sinh ra để không còn phải sinh ra nữa.
5. Khi không hiểu được sự chết thì cuộc sống này có nhiều rắc rối .
6. Đức phật dạy Ngài Ananda quán sát sự vô thường, quán tưởng cái chết
trong từng hơi thở. Chúng ta phải hiểu sự chết. Chúng ta chết để được
sống. Câu này có nghĩa gì? Chết là chấm dứt mọi hoài nghi, mọi vấn đề và
sống ngay trong hiện tại. Không phải ngày mai chúng ta mới chết, chúng
ta phải chết ngay bây giờ. Bạn có thể làm được điều này không? Nếu làm
được, thì chẳng còn vấn đề gì nữa và bình yên tĩnh lặng sẽ đến với bạn.
7. Cái chết gần gũi với ta ngay trong hơi thở.
8. Nếu biết huấn luyện và thực hành đúng đắn thì bạn sẽ không sợ hãi mỗi
khi bị bệnh và không còn đau buồn trước cái chết của người thân. Khi
phải vào bệnh viện chữa trị thì hãy tự xác quyết rằng: Lành bệnh thì tốt
mà không lành bệnh cũng tốt thôi. Nếu bác sĩ cho biết tôi bị ung thư và
sẽ chết trong vài tháng tới thì tôi sẽ nhắn nhủ bác sĩ rằng: "Hãy cảnh
giác, cái chết cũng đang đến tìm ông đó! Vấn đề là ai đi trước và ai đi
sau mà thôi." Bác sĩ không thể chữa trị hay ngăn ngừa cái chết. Chỉ có
Đức Phật mới làm được việc này. Vậy còn chần chờ gì nữa mà không dùng
thuốc của Đức Phật?
9. Nếu bạn sợ bệnh, nếu bạn sợ chết thì hãy quán sát xem chúng từ đâu
đến. Chúng đến từ đâu? Chúng đến từ sự sinh. Thế nên, đừng buồn khi có
người chết, cái khổ của họ trong cuộc đời này đã hết rồi, chết là một
chuyện tự nhiên thôi. Nếu bạn muốn buồn thì hãy buồn khi có người sinh
ra đời: "Tội nghiệp thay! Họ lại đến nữa rồi. Họ sắp phải đau khổ và
chết nữa".
10. Người hiểu biết ý thức rõ ràng rằng mọi pháp trên thế gian không có
bản chất. Bởi vậy, Người hiểu biết không vui hay buồn vì họ không bị
cuốn trôi theo các pháp thế gian luôn luôn biến đổi này. Trở nên vui là
sinh. Trở nên buồn là tử. Chết rồi lại được sinh ra, và sinh ra lại chết
nữa. Sống và chết trong từng phút giây là sự luân lưu bất tận của vòng
sinh tử.
Thân thể
11. Nếu cơ thể này có thể nói thì suốt ngày nó sẽ nói với chúng ta: "Bạn
không phải là chủ của tôi đâu! Bạn biết không?" Thật ra, nó đang nói
với chúng ta đấy, nhưng nó dùng ngôn ngữ giáo pháp để nói nên chúng ta
không hiểu được.
12. Mọi chuyện trên thế gian này chẳng tùy thuộc vào ta. Chúng đi theo
chiều hướng tự nhiên của chúng. Cơ thể này có đường lối đi riêng của nó,
ta không thể xen vào. Ta có thể làm cho thân này đẹp thêm chút ít, hấp
dẫn hơn và sạch sẽ trong chốc lát như các cô gái để móng tay dài và tô
son hồng, tạo ra vẻ duyên dáng đẹp đẽ. Nhưng khi tuổi già đến thì ai
cũng như ai. Đường lối của cơ thể là như thế, vượt ra ngoài khả năng
kiểm soát của chúng ta. Chỉ một điều chúng ta có thể làm được, đó là làm
đẹp tâm hồn mình.
13. Nếu cơ thể này thực sự là của ta thì nó sẽ nghe theo mệnh lệnh của
ta. Khi ta nói: "Không được già!" hay "Ta cấm mày không được đau!", nó
có nghe lời ta không? Không! Nó chẳng đếm xỉa gì đến ý kiến của ta cả.
Chúng ta chỉ là người thuê chứ không phải là chủ nhân của "căn nhà" này.
Nếu nghĩ rằng cơ thể này là của ta thì ta sẽ đau khổ biết bao khi phải
xa lìa nó. Thực ra, chẳng có một cái ta trường tồn bất biến, chẳng có
một cái gì cố định hay bền vững mà ta có thể nắm giữ.
Hơi thở
14. Từ lúc mở mắt chào đời cho đến khi xa lìa cõi thế mà bạn chẳng có
giây phút nào ý thức hơi thở vào ra trong cơ thể mình thì bạn đã sống xa
rời với chính mình.
15. Thời gian là hơi thở của chúng ta trong hiện tại.
16. Bạn bảo rằng bạn quá bận rộn nên không có thời giờ để hành thiền?
Bạn có thời giờ để thở không? Thiền là hơi thở của bạn. Tại sao bạn có
thời giờ để thở mà không có thời giờ để hành thiền. Hơi thở là cái gì
sống động của cuộc sống. Nếu bạn ý thức được rằng giáo pháp là sự sống
động của cuộc sống thì bạn sẽ cảm nhận được rằng hơi thở và sự thực hành
giáo pháp quan trọng ngang nhau.
Giáo Pháp
17. Giáo pháp là gì? Chẳng có gì không là giáo pháp.
18. Giáo pháp dạy cho ta những gì? Giáo pháp dạy cho ta cách sống. Giáo
pháp dùng nhiều cách để dạy ta: qua đá, qua cây... và qua những gì đang
nằm trước mắt ta. Thế nên, hãy giữ tâm thanh tịnh, tĩnh lặng để học cách
nhìn, cách quán sát. Bạn sẽ thấy toàn thể giáo pháp tự hiển bày tại đây
và ngay bây giờ. Bạn còn phải tìm kiếm nơi đâu và đợi lúc nào nữa?
19. Trước hết, phải dùng sự suy tư để tìm giáo pháp. Khi đã bắt đầu hiểu
giáo pháp, hãy bắt tay vào việc thực hành. Khi thực hành bạn sẽ dần dần
thấy giáo pháp. Và một khi thấy giáo pháp thì bạn với giáo pháp là một
và bạn có niềm vui của chư Phật.
20. Hãy tìm giáo pháp ngay trong tâm bạn để thấy rõ cái gì đúng, cái gì
sai, cái gì quân bình và cái gì không quân bình.
21. Chỉ có một điều thật sự kỳ diệu, đó là sự kỳ diệu của giáo pháp.
Những sự kỳ diệu khác chẳng qua chỉ là thuật tráo bài khiến chúng ta xa
lìa thực tại, xa lìa những tương quan trong đời sống con người, trong
sinh tử và giải thoát.
22 Hãy biến mọi việc làm của bạn thành giáo pháp. Nếu cảm thấy không tốt
đẹp thì hãy nhìn vào bên trong mình. Nếu đã biết sai lầm mà vẫn cứ làm
thì đó là phiền não.
23. Khó tìm thấy người biết lắng nghe giáo pháp; khó tìm thấy người nhớ
và thực hành giáo pháp; khó tìm thấy người nắm được giáo pháp và thấy
giáo pháp.
24. Nếu có chánh niệm chúng ta sẽ thấy tất cả đều là giáo pháp. Nhìn
những con thú trốn chạy khỏi nguy hiểm, ta sẽ thấy rằng chúng cũng như
ta. Chúng trốn chạy khỏi đau khổ và tìm đến nơi hạnh phúc. Thú cũng sợ
hãi, cũng sợ chết như ta. Khi có cái nhìn đúng theo chân lý, ta sẽ thấy
loài thú và loài người chẳng có gì khác nhau. Chúng ta là những kẻ đồng
hành trong sinh già đau chết.
25. Sự thực hành giáo pháp sẽ hoàn tất ở nơi chẳng có gì cả, nơi buông
bỏ, nơi trống không, nơi gánh nặng đã được bỏ xuống, chẳng lệ thuộc vào
thời gian hay không gian. Đó là nơi chấm dứt.
26. Giáo pháp không ở nơi xa tít mù khơi, trên bầu trời hay nơi những vị
thần tiên trú ngụ. Giáo pháp nằm ngay ở đây. Giáo pháp liên quan đến
chúng ta, đến những gì chúng ta đang làm trong hiện tại này. Đức Phật
muốn chúng ta tiếp xúc với giáo pháp, nhưng chúng ta chỉ tiếp xúc với
ngôn từ, sách vở và kinh điển... đó là tiếp xúc với cái bóng của giáo
pháp chứ không phải tiếp xúc với chân giáo pháp đã được Đức Phật giảng
dạy. Nếu chỉ làm như thế thì sao có thể gọi là thực hành tốt đẹp và đúng
đắn. Người ta đã đi lạc quá xa rồi.
27. Hãy quan sát chính mình, đôi lúc an vui hạnh phúc, đôi lúc buồn nản
khổ đau, đôi lúc thoải mái dễ chịu, đôi lúc uể oải bần thần... tất cả
đều là giáo pháp. Bạn đã thấy giáo pháp chưa? Muốn hiểu giáo pháp này,
bạn phải nhìn, phải đọc kinh nghiệm của chính mình.
28. Khi lắng nghe giáo pháp bạn phải mở rộng tâm hồn và an trú ngay giữa
trung tâm. Đừng cố gắng tích tụ, lưu giữ vào ký ức những gì mình đã
nghe. Hãy để cho giáo pháp trôi chảy trong tâm bạn tự hiển bày. Hãy để
cho giáo pháp trôi chảy trong từng phút giây hiện tại. Những gì sẵn sàng
để được lưu giữ sẽ được lưu giữ một cách tự nhiên chẳng cần bạn nhúng
tay vào.
29. Khi diễn bày giáo pháp, bạn đừng thúc ép mình. Giáo pháp sẽ trôi
chảy một cách tự nhiên, thích ứng với hoàn cảnh và phù hợp với những gì
đang diễn ra trong hiện tại. Mỗi người có trình độ và khả năng thu nhận
khác nhau, khi bạn ở vào đúng tầm mức thì giáo pháp sẽ tuôn tràn. Đức
Phật hiểu rõ căn cơ của từng người. Ngài dùng phương pháp tự nhiên để
giảng dạy. Không phải Ngài có năng lực siêu nhiên đặc biệt để giảng dạy,
nhưng Ngài nhạy bén trước nhu cầu tâm linh của những người đến gặp
Ngài, và Ngài đã dạy đạo đúng theo nhu cầu tâm linh của họ.
Tâm và trí
30. Chỉ có một cuốn sách đáng đọc nhất, đó là tâm của chính mình.
31. Đức Phật dạy chúng ta hãy vất bỏ tất cả những gì làm tâm ta đau khổ
trong khi hành thiền. Phiền não đau khổ, chứ không phải tâm đau khổ.
Chúng ta chẳng biết cái gì là tâm, cái gì là phiền não. Những gì không
làm ta thỏa mãn thì ta không muốn gặp. Cuộc sống của chúng ta chẳng khốn
khổ gì! Cái khốn khổ ở đây là không thỏa mãn, không hài lòng với cuộc
sống. Thật vậy, chỉ có phiền não khốn khổ mà thôi.
31. Thế gian đang ngùn ngụt cháy. Trong sự nóng bỏng này, tâm thay đổi
từ yêu sang ghét. Biết cách làm cho tâm an tịnh tĩnh lặng sẽ đem lại lợi
ích lớn lao cho thế gian.
32. Nếu tâm bạn an lạc hạnh phúc thì ở nơi nào bạn cũng an lạc hạnh
phúc. Khi trí tuệ khai nở trong tâm bạn thì bất kỳ nơi nào bạn nhìn đến
cũng đều là chân lý. Chân lý ở khắp mọi nơi, chẳng khác chi một khi đã
biết đọc chữ thì ở đâu bạn cũng có thể đọc chữ được.
33. Nếu bạn cảm thấy không hài lòng ở một nơi, bạn sẽ cảm thấy không hài
lòng ở mọi nơi. Chẳng có nơi nào bên ngoài làm bạn khó chịu. Nơi khó
chịu nằm bên trong bạn.
34. Hãy nhìn vào tâm mình. Người mang vật nặng chẳng thấy gì, nhưng
người ngoài nhìn vào thấy nặng. Vất bỏ mọi vật, buông bỏ tất cả, bạn sẽ
nhẹ nhõm.
35. Tâm vốn an tịnh tĩnh lặng. Khi tâm ra khỏi an tịnh tĩnh lặng thì bất
an rối loạn sẽ nhảy vào. Khi nhìn thấy được bất an rối loạn này thì an
tịnh tĩnh lặng sẽ trở về.
36. Phật giáo là đạo của tâm. Thế thôi! Người nào đào luyện tâm, người
đó thực hành Phật giáo
.
37. Khi đèn mờ, bạn không thể thấy màng nhện giăng ở góc phòng, nhưng
lúc đèn sáng bạn có thể thấy rõ ràng để quét sạch đi. Cũng vậy, khi tâm
trong sáng bạn sẽ thấy rõ phiền não để khử trừ.
38. Huấn luyện tâm không giống như huấn luyện cơ thể. Muốn cơ thể mạnh
phải bắt cơ thể vận động, nhưng muốn tâm mạnh phải giữ tâm đứng yên.
39. Vì không nhìn thấy chính mình nên người ta làm mọi điều sai lầm. Họ
không nhìn vào chính tâm mình. Khi sắp làm điều gì sai quấy, họ nhìn
trước, ngó sau xem thử có ai nhìn thấy không: Mẹ mình thấy không? Chồng
mình thấy không? Vợ mình thấy không? Con mình thấy không? Nếu không ai
thấy, họ vội làm ngay.
Đó là họ tự nhục mạ chính mình. Có một điều họ quên mất là chính họ cũng
đang nhìn thấy họ đấy!
40. Hãy dùng tâm để nghe giáo pháp, đừng dùng tai.
41. Chiến đấu với phiền não là chiến đấu bên trong. Dùng bom đạn súng
ống để đánh nhau là chiến đấu bên ngoài. Chiến thắng kẻ khác là đường
lối của thế gian. Chiến thắng chính mình là đường lối của giáo pháp.
Chúng ta không chiến đấu để chống lại ai cả mà chiến đấu để chinh phục
chính tâm mình, kiên trì chống lại mọi tình cảm xung động của chính
mình.
42. Nước mưa đến từ đâu? Nó đến từ những nguồn nước dơ bẩn trên mặt đất
và bốc hơi mà thành. Thật kỳ lạ làm sao? Đối với phiền não, tâm bạn cũng
có thể làm được như vậy, nếu bạn để nó làm.
43. Đức Phật dạy chúng ta hãy xét đoán chính mình mà đừng xét đoán kẻ
khác dầu họ tốt xấu thế nào đi nữa. Đức Phật chỉ chỉ cho ta con đường và
nói: "Chân lý là như vậy đó". Tâm ta có được như vậy không?
Vô thường
44. Các pháp trên thế gian hiện hữu qua sự thay đổi. Bạn không thể chống
lại hay ngăn cản chúng. Hãy nghĩ xem, bạn có thể thở vào mà đừng thở ra
được không? Làm như vậy có cảm thấy thoải mái không? Hoặc thở ra mà
đừng thở vào sẽ như thế nào? Chúng ta không muốn chuyện đổi thay nhưng
sự vật không ngừng thay đổi!
45. Nếu biết rằng mọi chuyện đều đổi thay thì bạn còn băn khoăn thắc
mắc, suy nghĩ mông lung gì nữa! Bất kỳ chuyện gì xảy ra bạn chỉ cần tự
nhủ: "À, lại một chuyện nữa! " Vậy thôi.
46. Lời nói bỏ qua sự vô thường không phải lời nói của kẻ trí.
47. Nếu bạn thấy rõ ràng sự đổi thay, thì bạn sẽ thấy được sự không thay
đổi. Sự không đổi thay ở đây là: sự vật không thể nào không thay đổi.
Nếu hiểu được rằng chỉ có sự đổi thay là không bao giờ thay đổi thì bạn
hiểu được Đức Phật, và bạn có thể tôn trọng cúng dường Ngài một cách
đúng đắn.
48. Nếu tâm bạn nói rằng bạn đã đắc quả thánh thứ nhất, hãy đến đảnh lễ
bậc thánh thứ nhất. Ngài sẽ nói cho bạn biết rằng tất cả đều không vững
bền. Nếu bạn gặp bậc thánh thứ hai, hãy đến đảnh lễ. Ngài sẽ nói cho bạn
biết rằng tất cả không có gì chắc chắn. Nếu bạn gặp bậc thánh thứ ba,
hãy đến đảnh lễ. Ngài chỉ nói không vững bền. Nếu bạn gặp bậc thánh thứ
tư, hãy đến đãnh lễ. Ngài sẽ nói cho bạn biết rằng tất cả hoàn toàn
không vững bền. Bạn sẽ nghe từ các bậc thánh rằng: "Tất cả đều không
vững bền. Đừng dính mắc vào bất cứ cái gì."
49. Thỉnh thoảng tôi đi thăm những chùa tháp cổ. Một vài nơi bị đổ vỡ.
Có thể một trong những người bạn tôi sẽ than: "Thật đáng tiếc." Tôi trả
lời rằng: "Nếu không có sự đổ vỡ, thì chẳng có Đức Phật, chẳng có Giáo
pháp. Nó đổ vỡ như thế vì nó hoàn toàn phù hợp với những lời Phật dạy.
50. Mọi sự trên thế gian đều đi theo đường lối tự nhiên. Không có khoa
học nào có thể cản trở bước đi của chúng. Bạn có thể đến nha sĩ để chăm
sóc răng. Nhưng dầu nha sĩ có săn sóc răng bạn kỹ lưỡng thế nào đi nữa,
cuối cùng, chúng cũng đi theo đường lối của chúng. Ngay cả nha sĩ cũng
bị hư răng. Mọi vật rốt cuộc rồi cũng tan rã cả.
51. Cái gì chắc chắn bền vững đây? Chẳng có gì ngoài đau khổ. Đau khổ
đến và đi. Hạnh phúc lại thay chỗ cho đau khổ. Cứ thế mãi. Ngoài chuyện
đó ra chẳng có gì nữa cả. Nhưng chúng ta là những kẻ lạc đường không
ngừng chạy theo và nắm bắt dục lạc. Dục lạc không thật đâu, chỉ là sự
thay đổi thôi.
Nghiệp
52. Người không hiểu giáo pháp khi làm điều quấy, họ thường nhìn quanh
để xem có ai thấy không. Nhưng nghiệp của chúng ta luôn luôn theo dõi
ta. Không thể nào thoát quả của nghiệp.
53. Hành động tốt đem lại quả tốt. Hành động xấu đem lại quả xấu. Đừng
kỳ vọng thánh thần, chư thiên, những kẻ khuất mày khuất mặt sẽ bảo vệ
bạn. Cũng đừng tin tưởng ngày tốt, ngày xấu. Đó là những điều không
thật. Bạn sẽ luôn luôn đợi chờ ngày tốt, giờ tốt, tháng tốt năm tốt, vị
thần này, vị thánh nọ. Tin tưởng vào những điều đó chỉ đem lại đau khổ
cho bạn mà thôi. Hãy nhìn vào hành động và lời nói của bạn, nhìn vào
nghiệp của bạn. Làm lành bạn sẽ gặt quả vui, làm ác bạn sẽ mang quả khổ.
54. Thực hành một cách đúng đắn bạn sẽ làm cho nghiệp cũ mất đi. Mọi
chuyện đến rồi đi, sinh rồi diệt. Bạn hãy ý thức và để chúng diễn biến
theo đường lối của chúng. Cũng như có hai cội cây, nếu bạn bón phân và
tưới nước cho cội cây này và bỏ mặc cội cây kia thì bạn khỏi cần băn
khoăn khi nhìn thấy một cội cây tốt tươi và một cội cây còm cõi.
55. Một số các bạn, hằng ngàn dặm từ Âu Mỹ hay các xứ xa xăm, đến thiền
viện Pa Pong này để học hỏi giáo pháp. Các bạn phải trải qua nhiều khó
khăn để đến được nơi này. Trong khi đó, có những người ở cách thiền viện
chỉ một bức tường mà không hề bước chân vào cổng. Thử nghĩ xem các bạn
có nghiệp tốt biết bao.
56. Làm việc gì xấu bạn không thể trốn đi đâu được. Dầu không ai thấy
bạn đi nữa, bạn cũng tự thấy mình. Có trốn xuống hố sâu bạn cũng thấy
mình ở đó. Không có cách nào trốn thoát các nghiệp đã tạo. Cũng vậy, tại
sao bạn không thấy được sự ô nhiễm của mình? Bạn thấy tất cả - an tịnh,
giao động, giải thoát, phiền não - Bạn tự thấy tất cả.
Người dịch: Tỳ
khưu Khánh Hỷ
(Aggasami Trần Minh Tài)