Tôi nghe có người than phiền: "Ôi, năm
nay là năm rất xấu đối với tôi." "Sao vậy?" "Tôi đau suốt năm. Tôi
chẳng hành thiền được gì cả." Ô! Nếu họ không hành thiền khi cái chết
gần kề thì họ hành thiền lúc nào? Nếu cảm thấy khỏe khoắn thoải mái, bạn
có nghĩ rằng họ sẽ hành thiền không? Không. Họ chỉ lạc lối trong hạnh
phúc. Nếu họ đau khổ họ vẫn không hành thiền. Họ cũng lạc lối trong đau
khổ luôn. Tôi chẳng biết đến lúc nào họ mới nghĩ rằng họ phải hành
thiền.
Hành
thiền
57. Hãy bắt tay vào việc hành thiền, đừng đi loanh quanh đợi chờ gặp vị
Phật tương lai nữa. Bạn đã đi loanh quanh đủ rồi.
58. Tôi nghe có người than phiền: "Ôi, năm nay là năm rất xấu đối với
tôi." "Sao vậy?" "Tôi đau suốt năm. Tôi chẳng hành thiền được gì cả." Ô!
Nếu họ không hành thiền khi cái chết gần kề thì họ hành thiền lúc nào?
Nếu cảm thấy khỏe khoắn thoải mái, bạn có nghĩ rằng họ sẽ hành thiền
không? Không. Họ chỉ lạc lối trong hạnh phúc. Nếu họ đau khổ họ vẫn
không hành thiền. Họ cũng lạc lối trong đau khổ luôn. Tôi chẳng biết đến
lúc nào họ mới nghĩ rằng họ phải hành thiền.
59. Tôi đã qui định thời biểu và nội qui của trường thiền rồi. Khỏi cần
phải thay đổi nữa. Người nào muốn thay đổi, người đó không có chủ ý đến
đây để hành thiền. Người như vậy thì làm sao kỳ vọng thấy được điều gì;
dầu họ có luôn luôn nằm ngủ cạnh tôi đi nữa cũng chẳng hề thấy tôi. Dầu
họ có ngủ cạnh đức Phật đi nữa họ cũng chẳng hề thấy Phật nếu họ không
hành thiền.
60. Đừng nghĩ rằng chỉ cần ngồi nhắm mắt là hành thiền. Nếu nghĩ như vậy
thì hãy gấp rút thay đổi tư tưởng đó đi. Hành thiền đều đặn là giữ
chánh niệm trong mọi lúc, dầu đang đứng, đang đi, đang ngồi hay đang
nằm. Sau giờ ngồi thiền đừng nghĩ rằng bạn đã xả thiền; phải biết rằng
đó chỉ là là sự thay đổi tư thế thôi. Nếu được như vậy bạn sẽ có bình an
thực sự. Dầu đang ở đâu bạn cũng phải luôn luôn sống trong thiền, luôn
luôn giữ tâm chánh niệm.
61. "Dầu máu cạn thịt khô, chỉ còn da bọc lấy xương... ta sẽ không rời
khỏi nơi này nếu không đắc đạo." Đọc câu kinh này bạn nghĩ rằng bạn phải
tận lực cố gắng; bạn phải làm giống như Đức Phật. Nhưng bạn quên nghĩ
rằng xe bạn quá nhỏ và xe Phật rất là to lớn. Với chiếc xe nhỏ bé như
vầy thì làm sao chỉ trong một lần bạn có thể chở hết tất cả. Phật là một
chuyện mà bạn là một chuyện khác.
62. Tôi đi khắp nơi để tìm chỗ hành thiền; tôi chẳng biết rằng nó nằm
sẵn tại đây, trong tâm tôi. Thiền nằm ngay trong bạn: sinh, già, đau,
chết nằm ngay trong bạn chứ chẳng ở đâu xa. Tôi đi khắp mọi nơi cho đến
khi mệt lả muốn đứt hơi, lúc ấy mới chịu dừng, và khi dừng tôi nhận ra
rằng cái mà tôi đi tìm... nằm ngay trong tôi.
63. Không phải hành thiền để thấy thiên đường mà để chấm dứt đau khổ.
64. Đừng dính mắc vào hình ảnh hay ánh sáng trong lúc thiền; đừng lên
xuống theo chúng. Bộ thấy ánh sáng trong lúc thiền vĩ đại lắm sao? Cái
đèn bấm của tôi cũng có ánh sáng vậy. ánh sáng hay hình ảnh trong tâm
trong lúc hành thiền không giúp chúng ta chấm dứt phiền não.
65. Không hành thiền thì bạn chẳng khác nào kẻ mù và điếc. Không phải dễ
dàng thấy giáo pháp đâu. Bạn phải hành thiền để thấy những gì bạn chưa
từng thấy. Không phải mới sinh ra bạn đã là thầy giáo ngay. Bạn phải đi
học và làm học trò trước. Bạn chỉ thấy được vị chua của chanh khi bạn
nếm chanh.
66. Khi hành thiền nếu có tư tưởng nào đến hãy nói: "Đó không phải là
việc của ta!"
67. Khi cảm thấy làm biếng ta phải hành thiền. Không phải chỉ những lúc
cảm thấy đầy năng lực hay thoải mái mới hành thiền. Đó là thực hành theo
lời Phật dạy. Chúng ta chỉ chịu hành thiền khi cảm thấy thoải mái.
Nhưng phải đi đâu để tìm sự thoải mái. Muốn cắt đứt tham ái mà bạn lại
thực hành theo tham ái vậy sao?
68. Phải luôn luôn quán sát chính mình trong khi làm bất kỳ việc gì. Chỉ
đọc sách thôi thì không khởi sinh được gì cả. Ngày ngày trôi qua nhưng
chúng ta chẳng nhìn thấy được chính mình. Người biết hành thiền là người
thực sự nỗ lực hành thiền để biết.
69. Có nhiều cách hành thiền, nhưng tất cả đều trở về chỗ: Hãy để mọi sự
tự nhiên. Thoát ra ngoài chiến trường, đặt chân đến nơi an lành mát mẻ.
Tại sao không thử xem? Bạn có dám không?
70. Chỉ nghĩ đến hành thiền mà không hành thì chẳng khác nào thả mồi bắt
bóng, bỏ cái thực để lấy cái mơ hồ, giả tạo.
71. Khi mới hành thiền được vài năm, tôi vẫn còn chưa tự tin. Sau khi có
nhiều kinh nghiệm tôi biết tin vào tâm tôi. Khi bạn có sự hiểu biết sâu
xa như thế này thì bất kỳ chuyện gì xảy ra bạn có thể để chúng tự nhiên
và mọi chuyện chỉ đến rồi đi thôi. Bạn sẽ đạt đến một nơi tâm bạn sẽ
biết phải làm gì.
72. Dính mắc vào sự an tịnh còn tệ hại hơn là giao động bất an. Bởi vì
ít ra bạn còn muốn thoát khỏi giao động, trong khi đó bạn hài lòng với
an tịnh và không tiến xa hơn. Khi hành thiền mà tâm an lạc tĩnh lặng thì
hãy thản nhiên tiếp tục việc hành thiền mà đừng dính mắc vào chúng.
73. Hành thiền là quán sát tâm và các cảm giác của tâm. Không có chuyện
chạy theo hay tranh đấu gì cả. Hơi thở vẫn tiếp tục trong khi bạn làm
việc. Thiên nhiên lo mọi chuyện của thiên nhiên. Việc của chúng ta là nỗ
lực chánh niệm, nhìn vào bên trong để ý thức một cách rõ ràng. Thiền là
vậy.
74. Không hành thiền đúng đắn thì tâm sẽ lang bạt giao động. Tâm lang
bạt giao động thì chẳng khác nào đã chết. Tự hỏi xem thử bạn có đủ thì
giờ để hành thiền khi bạn sắp chết không. Hãy thường xuyên tự hỏi: "Khi
nào ta chết?" Thực hành theo cách này, tâm bạn sẽ tỉnh thức trong mọi
lúc, ý thức luôn luôn có mặt và chánh niệm tự động theo sau, trí tuệ
phát sinh, nhìn thấy sự vật như thực và rất rõ ràng. Chánh niệm trông
chừng, canh giữ tâm, giúp tâm biết được các cảm giác khởi sinh trong mọi
lúc, ngày cũng như đêm. Có chánh niệm là có an tịnh tĩnh lặng và tự
chủ.
75. Điều căn bản trước tiên trong việc hành thiền là phải thành thật và
nghiêm túc. Thứ hai là thận trọng đề phòng các hành động sai. Thứ ba là
phải ít mong cầu và biết đủ. Nếu biết tri túc trong lời nói và trong mọi
chuyện thì sẽ thấy được chính mình; tâm sẽ không còn lang thang vô định
mà có căn bản giới, định và huệ.
76. Thoạt đầu bạn vội vã đi tới, vội vã đi lui, và vội vã dừng lại. Bạn
tiếp tục hành thiền như thế cho đến khi bạn đến một chỗ, ở đó dường như
đi đến cũng không đúng, đi lui cũng không đúng, dừng lại một chỗ cũng
không đúng. Thế là chấm dứt. Không có dừng, không có đi, không có về.
Thế là chấm dứt. Ngay chỗ đó, bạn sẽ thấy chẳng có gì cả.
77. Nên nhớ là bạn hành thiền không phải để đạt được "một cái gì" cũng
không phải để loại trừ "một cái gì". Không phải hành thiền với tham ái
mà với xả bỏ. Nếu bạn "muốn" điều gì thì bạn đã đi ra ngoài thiền.
78. Cốt tủy của đạo thật giản dị. Không cần phải giải thích dông dài.
Loại bỏ yêu ghét và để mọi sự tự nhiên. Đó là những điều tôi thực hành
trong việc tu tập của tôi.
79. Hỏi sai chứng tỏ bạn vẫn còn hoài nghi. Việc hành thiền chỉ tốt đẹp
khi nào nó giúp ích cho việc quán sát của bạn. Nhưng thấy chân lý hay
không, tùy thuộc ở sự thực hành của bạn.
80. Thực hành là học cách xả bỏ chứ không phải để gia tăng sự dính mắc.
Giác ngộ sẽ đến khi bạn chấm dứt ham muốn.
81. Nếu bạn có đủ thì giờ để chánh niệm, bạn có đủ thì giờ để hành
thiền.
82. Hỏi: Khi hành thiền nếu có nhiều chuyện lạ diễn ra trong tâm thì nên
tìm hiểu chúng hay chỉ ghi nhận sự đến đi của chúng?
Trả lời: Thấy một người đi ngang qua, nếu đó là người lạ bạn sẽ tự hỏi:
"Ai vậy? Hắn đi đâu? Làm gì?". Nếu đó là người quen, bạn chỉ cần ghi
nhận sự đi ngang qua của hắn mà thôi.
83. "Mong ước" trong lúc hành thiền có thể là bạn hay kẻ thù. Nếu là
bạn, nó sẽ khiến ta muốn hành thiền, muốn tìm hiểu, muốn chấm dứt khổ
đau. Nếu là kẻ thù, nó sẽ khiến ta mong ước những gì chưa xảy ra, muốn
đối tượng của mình có được những gì mà chính đối tượng đó không có.
Nhưng cuối cùng, chúng ta phải xả bỏ mọi mong ước, ngay cả mong ước giác
ngộ, mới giải thoát được.
84. Hỏi: Có cần phải trình pháp hằng ngày không?
Trả lời: Hãy tự xem xét tâm mình, tự trình pháp cho mình. Một vị sư có
thể hôm nay đang nóng giận hoặc tham muốn điều gì. Vị sư đó thể chẳng
cần đến hỏi tôi điều này, phải không?
85. Cơ thể ta là tập hợp của tứ đại. Chúng ta dùng sự chế định để mô tả
sự vật, nhưng chúng ta lại dính mắc vào sự chế định và xem chúng là cái
gì thực có. Như người và vật được đặt tên chẳng hạn. Bây giờ, chúng ta
thử trở về với thời kỳ trước khi mọi vật được đặt tên, và gọi đàn ông là
"đàn bà" và đàn bà là "đàn ông" thì có gì khác biệt đâu? Thế nhưng, bây
giờ đã dính mắc vào tên và sự chế định rồi nên chúng ta có chiến tranh
về giới tính và các loại chiến tranh khác. Hành thiền là nhìn xuyên thấu
tất cả những điều này để có thể đạt đến chỗ vô điều kiện và bình an,
không chiến tranh, không hận thù.
87. Nhiều người trở thành nhà sư vì có đức tin, nhưng về sau họ giẵm đạp
lên những lời dạy của Đức Phật. Họ có kiến thức sâu rộng hơn, nhưng họ
không chịu thực hành. Thật vậy, ngày nay có rất ít người thật sự thực
hành.
88. Lý thuyết và thực hành - cái đầu là biết tên thuốc và cái sau là
biết đi tìm thuốc và uống thuốc.
89. Âm thanh - bạn thích tiếng chim hót nhưng ghét tiếng xe chạy. Bạn sợ
chốn đông người và tiếng động, và bạn muốn sống trong rừng một mình.
Hãy bỏ đi tiếng động và hãy chăm sóc trẻ thơ. "Trẻ thơ" ở đây là sự thực
hành.
90. Một chú tân sa di hỏi rằng thiền sinh mới phải hành thiền như thế
nào. Ajahn Chah trả lời:
- Giống như thiền sinh cũ.
- Vậy thiền sinh cũ hành thiền như thế nào?
- Vẫn giữ như vậy.
91. Người ta bảo rằng những lời dạy của Đức Phật rất đúng, nhưng khó áp
dụng trong xã hội. Chẳng hạn như họ nói: "Tôi còn trẻ, không có cơ hội
hành thiền, khi già tôi sẽ hành thiền." Bạn có thể nói rằng: "bây giờ
còn trẻ tôi chẳng có thì giờ để ăn khi tôi già tôi sẽ ăn không?" Nếu dúi
vào bạn một khúc lửa đỏ, bạn sẽ nhảy dựng lên. Đúng vậy, nhưng vì sống
trong xã hội này nên bạn không thể tránh được nó.
92. Giới, Định, Huệ là cốt tủy của việc thực hành trong Phật giáo. Giới
giữ cho thân khẩu trong sạch. Và thân là chỗ cư ngụ của tâm. Như vậy,
trong việc thực hành phải có đầy đủ giới, định, huệ. Giống như một khúc
gỗ dược cắt làm ba phần, nhưng thật ra cũng chỉ là một khúc gỗ thôi.
Không thể vất thân khẩu đi, cũng không thể vất tâm đi. Chúng ta phải
thực hành với cả thân và tâm. Như vậy, giới định huệ là một tập hợp hài
hòa, cùng nhau làm việc.
Phi ngã
93. Một bà cụ già mộ đạo từ một tỉnh kế cận đến Wat Ba Pong hành hương.
Bà thưa với Ajahn Chah rằng bà chỉ có thể ở đây một thời gian ngắn thôi
vì bà còn phải trở về nhà để coi chừng coi đổi mấy đứa chắt của bà. Bà
cũng thưa với Ajahn Chah là vì bà đã quá già nên xin Ngài ban cho bà một
thời pháp ngắn.
Ajahn Chah trả lời: Này, bà cụ hãy lắng nghe! ở đây không có ai hết, chỉ
như vậy thôi. Không có ai là chủ nhân, không có ai già, không có ai trẻ
không có ai tốt, không có ai xấu, không có ai mạnh, không có ai yếu.
Chỉ vậy thôi... vậy thôi. Tất cả đều trống rỗng, chỉ các yếu tố khác
nhau của thiên nhiên tác dụng hỗ tương thôi. Không có ai sinh ra mà cũng
chẳng có ai chết đi. Người nào nói về cái chết là người đó nói chuyện
như đứa con nít không hiểu gì hết. Trong ngôn ngữ của tâm, nghĩa là ngôn
ngữ của Phật Pháp, không hề có chuyện đó.
94. Căn bản của những lời dạy của Đức Phật là hiểu rõ tự ngã chỉ là
trống không. Nhưng người học hỏi giáo pháp tạo nên ý niệm tự ngã, thế
nên họ không muốn gặp đau khổ hay khó khăn. Họ muốn mọi chuyện đều dễ
dàng, thoải mái. Họ muốn chấm dứt đau khổ, nhưng nếu họ vẫn còn tự ngã
thì làm sao hết đau khổ được.
95. Một khi bạn hiểu thì mọi chuyện đều dễ dàng, đơn giản và trực tiếp.
Khi sự vật vừa lòng khởi sinh, hiểu rằng chúng là trống rỗng, không phải
là của ta. Khi sự vật không vừa lòng khởi sinh, hiểu rằng chúng trống
rỗng, không phải là của ta. Thế là chúng biến mất ngay. Đừng đồng hóa
chúng với mình, cũng đừng cho mình là chủ nhân của chúng. Nếu bạn cho
rằng cây đu đủ này là của bạn thì bạn sẽ đau khổ biết bao khi có ai đốn
ngã nó. Hiểu rõ được điều đó tâm bạn sẽ thăng bằng. Khi tâm tiến đến chỗ
thăng bằng thì đó là chánh đạo, những lời dạy chân chánh của Đức Phật,
dẫn đến giải thoát.
96. Người ta không chịu nghiên cứu học hỏi cái vượt ra ngoài tốt xấu. Họ
thường nói: "Tôi sẽ như thế này, tôi sẽ như thế kia." Nhưng họ chẳng hề
nói: "Tôi sẽ chẳng là gì cả bởi vì thật sự chẳng có tôi." Đó là cái họ
cần phải học mà họ không chịu học.
97. Khi hiểu rõ vô ngã thì gánh nặng của cuộc sống sẽ được bỏ xuống, sẽ
an lạc với mọi sự. Không còn dính mắc vào tự ngã, vào hạnh phúc thì sẽ
có hạnh phúc thật sự. Hãy tập xả bỏ một cách tự nhiên, không cần tranh
đấu gay go, chỉ đơn thuần xả bỏ, sự vật thế nào thì cứ để nó thế đó --
không nắm giữ, không dính mắc, tự do giải thoát.
98. Thân thể bao gồm bốn yếu tố: đất, nước, gió, lửa. Khi chúng kết hợp
và tạo thành cơ thể, ta gọi chúng là đàn ông, đàn bà, cho chúng một cái
tên để có thể dễ dàng nhận ra chúng, nhưng thực ra chẳng có ai trong đó
cả - chỉ có đất, nước, gió, lửa mà thôi. Đừng bị kích động hay quá dính
mắc vào thân thể. Nếu thực sự nhìn vào bên trong, bạn sẽ thấy chẳng có
ai trong đó cả.
Bình an
99. Hỏi: Thế nào là bình an?
Trả lời: Thế nào là hỗn loạn? Bình an là không hỗn loạn.
100. Bình an nằm ngay trong chúng ta, nó ở cùng chỗ với bất an và đau
khổ. Không thể tìm bình an trong rừng sâu hay trên đồi cao. Cũng không
thể tìm bình an nơi vị thầy khả kính khả ái. ở đâu có đau khổ ở đó có
con đường thoát ly.
101. Làm bất cứ việc gì cũng với tâm xả bỏ. Đừng kỳ vọng sự đền đáp hay
tán dương. Xả bỏ một ít sẽ có một ít bình an. Xả bỏ nhiều sẽ có nhiều
bình an. Xả bỏ hoàn toàn sẽ được bình an hoàn toàn và cuộc đấu tranh với
thế gian này đi đến chỗ chấm dứt.
100. Thực vậy, chẳng có cái gì là của con người cả. Dầu chúng ta là gì
đi nữa cũng chỉ là cái vỏ bề ngoài mà thôi. Bóc khỏi cái lớp vỏ này,
chúng ta sẽ chẳng thấy gì ngoài những đặc tính phổ thông: Sinh ở giai
đoạn đầu, thay đổi ở giai đoạn giữa và chấm dứt ở giai đoạn cuối. Tất cả
chỉ có vậy. Nếu nhìn mọi vật như thế thì chẳng còn vấn đề gì nữa và
chúng ta sẽ hài lòng và bình an.
101. Hãy nhận biết điều gì tốt điều gì xấu, dầu bạn đang du hành hay
đang định cư ở một chỗ nào. Không thể tìm thấy bình an trên đồi cao,
trong rừng sâu hay trong hang động. Dầu có đi đến nơi Phật thành đạo đi
nữa cũng không tới gần chân lý hơn.
102. Tìm kiếm những gì bên ngoài chúng ta chỉ là sự so sánh và phân
biệt. Không thể tìm kiếm hạnh phúc bằng cách này. Không thể tìm kiếm
hạnh phúc bằng cách truy tầm cho ra một người hay một vị thầy hoàn hảo.
Đức Phật dạy chúng ta phải tìm kiếm giáo pháp, tìm kiếm chân lý chứ đừng
tìm kiếm người nào.
103. Ai cũng có thể làm nhà gạch hay nhà gỗ, nhưng đó không phải là nhà
của ta mà là nhà của thế gian và bị luật thế gian chi phối. Bình an nội
tâm mới thực sự là nhà của ta.
106. Rừng là nơi bình an, phải không? Vậy tội tình chi nắm chặt trong
tay những gì làm bạn rối rắm. Hãy để cho thiên nhiên dạy bạn. Nghe tiếng
chim kêu rồi xả bỏ. Hiểu rõ thiên nhiên bạn sẽ hiểu rõ giáo pháp. Hiểu
rõ giáo pháp bạn sẽ hiểu rõ thiên nhiên.
107. Truy tầm bình an bên ngoài chẳng khác nào tìm kiếm rùa có râu, bạn
không thể nào tìm được. Nhưng khi tâm bạn sẵn sàng thì bình an sẽ tự tìm
đến bạn.
108. Giới, Định, Huệ tạo nên Đạo. Nhưng Đạo không phải là Chân Pháp,
không phải là mục tiêu. Đạo chỉ là con đường dẫn đến mục tiêu. Như bạn
muốn đi từ Bangkok đến thiền viện Wat Ba Pong chẳng hạn. Con đường rất
cần thiết cho hành trình của bạn, nhưng mục tiêu của bạn là thiền viện
chứ không phải là con đường. Cũng thế, chúng ta có thể nói rằng Giới,
Định, Huệ ở ngoài chân lý của Đức Phật nhưng là con đường dẫn đến chân
lý này. Phát triển Giới, Định, Huệ, bạn sẽ có sự bình an kỳ diệu nhất.
Người dịch: Tỳ
khưu Khánh Hỷ
(Aggasami Trần Minh Tài)
Theo: Buddha Sasana