Chuỗi đeo
tay, vật trang sức quá quen thuộc và phổ biến
của nhiều bạn trẻ. Thế nhưng,
đằng sau nét đẹp hình thức bên ngoài
dường như vẫn có mối liên hệ nào đó
đến yếu tố tâm linh khi có khá nhiều bạn
trẻ đã tìm và chọn cho mình những xâu chuỗi
hạt Phật giáo. Một "mốt" thời trang
mới, hay là một điểm tựa tinh thần?
Chuỗi đeo tay
và xâu chuỗi Phật giáo
Có khá nhiều bạn
trẻ ngày nay đang "sở hữu" một sợi
chuỗi đeo tay, hoặc do tự mình tìm mua lấy,
hoặc do bạn bè tặng. Những chuyến đi du
lịch thường được đánh dấu
bằng một món quà cho ai đó. Bạn sẽ nghĩ
đến những sợi dây đeo tay xinh xắn. Đa
dạng về chủng loại này là những chuỗi
đeo được kết từ những hạt
cườm. Số hạt tùy thuộc vào kích thước
lớn nhỏ khác nhau, không quy định chặt chẽ
về số lượng, vì chúng chỉ đơn
thuần là một món đồ trang sức. Màu sắc
cũng thật đa dạng và phong phú. Thế nhưng,
điều thú vị là hiện nay, trên thị
trường đồ trang sức của giới trẻ,
bên cạnh những chuỗi đeo tay thời trang
nhiều màu sắc, đã xuất hiện những xâu
chuỗi Phật giáo, hoặc mô phỏng sắc màu của
chuỗi Phật giáo. Nhiều bạn trẻ đã không
ngần ngại, thậm chí còn hào hứng chọn đeo,
đầu tiên chỉ vì phong cách là lạ mới mẻ,
chứ cũng không hiểu tường tận về ý
nghĩa và chức năng của xâu chuỗi Phật giáo.
Theo quý thầy cho
biết: chuỗi hạt là một pháp khí của nhà
Phật, là một phương tiện để
"cột tâm", đối với những
người mới bước chân vào con đường
tu hành. Nói dễ hiểu thì chuỗi hạt hay tràng hạt
(chữ Hán là sổ châu, niệm châu) dùng để niệm
danh hiệu Phật. Với vai trò đó, chuỗi hạt
Phật giáo cũng mang ý nghĩa thể hiện về
mặt hình thức như số hạt, màu sắc,
chất liệu… Chuỗi Phật giáo đặc biệt có
quy định về số hạt trong một chuỗi. Có
nhiều loại chuỗi hạt khác nhau: loại 14
hạt, 21 hạt, 42 hạt, 54 hạt, 108 hạt,… Mỗi
số hạt đều biểu thị một ý nghĩa
nhất định. Trong mỗi chuỗi có một hạt
"mẫu châu" để làm mốc trong khi lần
hạt.
Theo các kinh ghi
lại thì chuỗi hạt được làm từ
nhiều nguyên liệu khác nhau: hạt bồ đề,
hạt kim cang, hạt sen, ngọc, thủy tinh, đồng
dỏ, vàng bạc…
Từ nhu cầu
thời trang
Như đã nói,
nhiều bạn trẻ chọn những xâu chuỗi màu
tối của Phật giáo, lẫn giữa những sắc
màu sinh động khác, thoạt đầu chỉ vì
muốn tạo cho mình một phong cách mới lạ, hay hay.
Còn nhớ trong một lần mua sắm ở một
điểm du lịch, giữa "muôn hồng nghìn tía"
các chuỗi đeo tay đủ chủng loại,
đủ màu sắc, bạn tôi đã reo lên ngạc nhiên và
cầm lên một chuỗi hạt là lạ. Nó cũng
nhỏ nhắn bình thường và cũng được
làm bằng đá kim sa lấp lánh đặc trưng
của vùng, nhưng sợi dây đeo ấy xen lẫn các
hạt tròn là những hạt vuông khắc hình chữ
vạn.
Dần dà, trong
những chuyến hành hương đến các chùa, khu bán
đồ pháp khí được các bạn trẻ
đặt biệt quan tâm. Họ chọn ngay những vòng
đeo, tràng hạt Phật giáo để làm đồ trang
sức cho mình. "Nó có vẻ lạ và hay hay, thậm chí
"bùi bụi" nữa" - Bội Châu, sinh viên ĐHDL
Văn Lang nhận xét.
Hơn thế,
hiện nay, những chuỗi đeo Phật giáo không
chỉ có ở trong khuôn viên các chùa, mà còn xuất hiện
phổ biến ở các quầy hàng lưu niệm. Ở
hầu hết các khu du lịch đều có trưng bày và
bán các sản phẩm này, với đa dạng chủng
loại về kích thước, chất liệu. Có khi
chất liệu của chuỗi là nguyên liệu đặc
trưng của vùng đất đó. Như ở làng Non
Nước có nhiều chuỗi làm bằng đá,
đặc trưng của làng nghề. Giá cả cũng dao
động tùy loại, từ 5.000đ đến
20.000đ, có khi là 50.000đ. Nói chung, ở các nơi này, các
loại chuỗi đeo mang giá trị đơn thuần là
những sản phẩm du lịch, như một kỷ
niệm của du khách về một chuyến đi.
Đến
ước vọng tâm linh
Đúng vậy,
không chỉ là thời trang, bạn trẻ ngày nay chọn
cho mình những chuỗi đeo Phật giáo, có khi trang
trọng thỉnh từ chùa về, cũng đã gửi
gắm một ước vọng thầm kín về mối
liên hệ tâm linh.
Tôi biết một
nhóm bạn hay đi chùa vào những ngày rằm. Bên cạnh
kinh sách, các bạn còn được quý Thầy tặng cho
những xâu chuỗi, là những món quà quý đối
với họ. Truyền, một bạn trong nhóm
cười vui: "Mình tin rằng sẽ được
phò trợ tinh thần khi đeo chuỗi hạt này". Hay
như Lộc, một sinh viên ngành hướng dẫn du
lịch, rất hay đi chùa, cho biết: "Lộc
đeo chuỗi hạt ở trong tay đã hai năm.
Đơn giản là vì khi đeo chuỗi bên mình, Lộc
thấy thoải mái, vui vẻ hơn vì cái tâm trong
đạo". Tìm thấy sự an nhiên cũng là niềm
hân hoan mà nhiều bạn trẻ đã thổ lộ, khi
đã gửi cái tâm mình trong đạo.
Như một cách
xác tín niềm tin, nhiều bạn đem chuỗi hạt
tới chùa nhờ quý Thầy chú nguyện. Sau đó, có
người đeo luôn ở tay để mong cầu
sự bình an. Cũng có người không đeo mà cất
giữ luôn bên mình, xem như "bùa hộ mệnh".
Thực ra đó là niềm tin sẽ sở đắc
được sự an lạc tĩnh tại trong tâm, giữa
cuộc bon chen đời thường.
Và thật
đẹp là những tấm lòng mong muốn hướng
thiện. Anh Hoàng Anh Cương, một chuyên viên cắm
hoa, đã bộc lộ mong mỏi ấy khi nói về
việc lúc nào cũng đeo một chuỗi hạt to sù
trên tay. Anh kể, giữa những toan tính cuộc sống
đời thường, thâm tâm anh lúc nào cũng
hướng về Phật để mong cầu một
sự an bình. Trong một lần đi chùa lễ Phật
ở quận 5, anh đã thỉnh về một xâu
chuỗi bằng đá và luôn đeo nó ở bên mình, như
một cách cầu an cho tâm hồn.
Lời kết
Chuỗi hạt
Phật giáo, khởi nguyên là dùng để niệm Phật.
Ngày nay bạn trẻ sử dụng chuỗi hạt ấy
vào những mục đích khác nhau. Đó là nét đẹp
tâm linh khi gửi niềm tin trong đạo, hay chỉ
đơn thuần là sử dụng như một vật
trang sức làm đẹp con người thì bản thân
chuỗi hạt đã mang những giá trị nhất
định đối với người, với
đạo. Phật giáo thấm nhuần vào lòng
người, đôi khi bằng những chi tiết rất
giản dị.
Ý nghĩa số
hạt trong xâu chuỗi Phật giáo:
-108 hạt: Tượng trưng cầu chứng 108
tam muội, dứt trừ 108 phiền não.
-54 hạt: Biểu thị 54 giai vị trong quá trình
tu hành của Bồ tát là: Thập tín, thập trụ,
Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập
địa, Tứ thiện căn nhân địa.
-42 hạt: Tượng trưng 42 giai vị tu hành
của Bồ tát là: Thập trụ, Thập hạnh,
Thập hồi hướng, Thập địa,
Đẳng giác và Diệu giác.
-27 hạt: Tượng trưng 27 hiền vị
thuộc 4 hướng, 4 quả của Tiểu
thừa, tức 18 vị Hữu học của 4
hướng 3 quả trước và 9 vị Vô học của
quả A la hán.
-21 hạt: Biểu thị 21 vị: Thập
địa, Thập Ba la mật và quả vị
Phật.
-14 hạt: Biểu thị 14 thứ Vô úy của Quán
Âm.
-1080 hạt: Biểu thị 10 cõi, mỗi cõi có
đủ 108 hạt nên cộng lại là 1.080 hạt.