Chúng tôi mất cả thảy hơn 4 tiếng để đến nơi. Sau một
quãng đường dài gần 200 cây số ngồi “lắc lư” trên xe, ai nấy đều cảm
thấy ít nhiều mệt mỏi. Song chính sự chào đón thân thiện của người dân
cùng khung cảnh của vùng quê cách biệt hoàn toàn với nhịp sống thành phố
đã phần nào làm chúng tôi cảm thấy phấn chấn hơn, ít nhất là về mặt
tinh thần.
Sau bữa trưa và vài tiếng nghỉ ngơi, “đồng chí” VũNM trưởng đoàn đi
làm việc với địa phương trong khi một số cá nhân “đánh lẻ” đi ngắm nghía
cảnh đồng lúa giữa trời nắng vỡ đầu.
Trên đồng nắng chang chang
Thầy trò cùng xìtin
Một tuần mới bắt đầu, chúng tôi bắt tay vào công việc đầu tiên là dạy
học cho các em học sinh lớp 11 trong làng. Có lẽ không phải tự dưng mà
thành phần của lớp học 100% là nữ, chắc hẳn được trời thương cho cảnh
của lũ cóc chúng tôi ngày ngày ở trường đối mặt với cả một lũ toàn “cóc
đực” (đến nỗi nhiều đứa phải lấy việc giả “gay” ra để vui vẻ với nhau
cho đỡ … tủi thân). Buổi học được bắt đầu sau màn làm quen giữa các
“thầy giáo”, “cô giáo” và “học trò” đều đang tuổi “xì-tin”
Cũng giống như hầu hết chúng tôi hồi còn học cấp 3, vì coi ngữ pháp
là trọng tâm và cũng do điều kiện hạn chế nên các em học sinh ở đây có
ít cơ hội được giao tiếp bằng tiếng Anh. Vì vậy mà mấy đứa chúng tôi
phải làm cách nào đó sử dụng ngôn ngữ thật đơn giản và nói chậm để các
em hiểu, cũng như hồi đầu khi chúng tôi mới bước chân vào Ao làng FU này
vậy. Buổi hôm đó, bài học mà chúng tôi mang đến cho các em không gò bó
như những buổi học bình thường ở trên lớp mà là một buổi thảo luận bằng
tiếng Anh sôi nổi và vui vẻ. Công việc cũng không quá vất vả như chúng
tôi nghĩ, chỉ đơn giản hướng dẫn các em cách làm việc nhóm, đưa ra một
số gợi ý và giúp đỡ khi các em có thắc mắc, chúng tôi bỗng trở thành
những thầy cô “tài ba” trong mắt những cô cậu “học trò” này.
Lớp học mà thầy và trò chỉ sàn sàn tuổi nhau
Buổi trưa trở về chùa, chúng tôi phân công mỗi người một việc để
chuẩn bị bữa theo tiêu chí ngon và đặc biệt là phải “chay”. Buổi chiều,
chúng tôi cùng quây quần nghe thầy trụ trì Trí Minh kể chuyện về hai
thần hộ pháp luôn xuất hiện trong cung Tam Bảo của các chùa: thần hộ
pháp khuyến thiện và thần hộ pháp trừ ác. Thầy trụ trì Trí Minh là một
nhân vật đặc biệt, với hiểu biết uyên bác về lịch sử dân tộc và Phật
giáo, thầy đã truyền cho chúng tôi một lòng nhiệt huyết và tự hào dân
tộc có thể nói là “sục sôi” ngay từ lần gặp mặt đầu tiên cách đây không
lâu. Cùng với đó, những kiến thức tưởng chừng như khô khan về lịch sử,
về tôn giáo thông qua cách diễn đạt của thầy trở nên dễ “thấm” hơn. Mặc
dù vậy, thầy vẫn tỏ ra trẻ trung nên chúng tôi không hề cảm thấy gò bó
mà ngược lại, rất thân thiện và cởi mở.
Lạc – Đậu xanh và sự nhầm lẫn tai hại
Ngày thứ hai, cũng là không khí háo hức như buổi đầu tiên dạy học
nhưng hôm nay vì đã quen mặt, quen tên, “thầy trò” làm việc ăn ý hơn.
Chủ đề “Làm thêm ở đô thị” dường như có sức hút kỳ lạ đối với các em bởi
lẽ nó đánh đúng vào tâm lý muốn thể hiện bản thân bằng những công việc
có ích cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Sau buổi học đã là 10h nhưng chúng tôi vẫn còn phải tiếp tục một công
việc khác nữa, đó là đến từng nhà những em nhỏ vượt khó trong làng để
thăm hỏi và phát quà động viên. Dưới mỗi nếp nhà là một câu chuyện, một
hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung lại đều rất đáng thương. Số tiền
trích ra từ quỹ Tiết thực – Ngày 13 hàng tháng của ĐH FPT tuy ít ỏi
nhưng cũng là một sự động viên rất lớn đối với các gia đình.
Buổi chiều, chúng tôi có một nhiệm vụ khác lý thú. Ba sào lạc ngoài
vườn đang chờ những thanh niên trí thức. Có thể khẳng định lúc đó, chỉ
số ít trong số chúng tôi biết được đích xác tên của một số loài thực vật
trong vườn.
“Mấy đứa nhổ lạc, đừng nhổ cây đậu xanh của thầy nghe chưa!”
“Thế thầy ơi, cây nào là cây đậu xanh ạ?”
“Là cái cây có mấy cái quả lủng lẳng ấy”
“Thế ạ, hình như chúng con vừa nhổ hết rồi thầy ơi huhu”
Đứa nào cũng ướt đầm mồ hôi, thế nhưng, cũng vì thế mà ngoài
việc tích lũy được một lượng kiến thức vừa đủ để phân biệt một số loại
nông sản, những sinh viên đã quen “chăn ấm nệm êm” như chúng tôi đã có
một cơ hội để hiểu được những khó nhọc mà người nông dân vùng quê vẫn
phải đối mặt trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày, thật vất vả biết bao.
Nhiều bạn sinh viên lần đầu tiên mới biết cây lạc
Ngày làm việc chưa dừng ở đó, buổi tối hôm nay mới là nhiệm vụ mệt
nhất. Chưa đến 8h tối, sân trước của chùa đã đông đủ những “nhóc tì”
đang đùa nghịch để chờ cho đến khi mấy đứa chúng tôi… ra mắt. Quả thật,
chúng làm tôi nhớ về cái hồi còn mặc… quần thủng trước kia của mình,
cũng nhắng nhít, vô tư và nhất là luôn thích quậy “tanh bành”. Để đọ
“nội công gào thét” với lũ trẻ này thì chắc chúng tôi phải được đào tạo
thêm vài khóa học nữa thì may ra… Để bày trò chơi cho lũ trẻ con không
thật sự quá khó khăn bởi dù gì thì chúng tôi cũng vẫn chỉ là những đứa
trẻ, chỉ được cái “to xác” hơn mà thôi.
“Sống thử”!
Buổi dạy thứ ba tiếp tục trôi qua suôn sẻ cùng một chủ đề khác “hot” không kém: Sống
thử. Không nói cũng biết là với một lớp 100% là nữ chủ đề này sẽ không
còn “bình thường như bình thường” nữa. Nhiều lúc không khí tĩnh lặng
bao trùm, song không vì thế mà những con cóc “tinh ranh” chúng tôi hết
cách. Các em đã cởi mở đưa ra những chia sẻ của mình về vấn đề nhạy cảm
mà các Cóc thành phố nhà ta đôi khi cũng ngại đề cập tới.
Lần đầu điều khiển xe chở rơm
Cùng nằm trong chương trình lao động công ích theo yêu cầu của phòng
Công tác sinh viên “càng khổ càng tốt”, buổi chiều chúng tôi chuyển rơm
từ cuối sông về chùa, một công việc hứa hẹn nhiều điều… ngứa ngáy. Quãng
đường dài thì dài thật, nhưng với khả năng sáng tạo có thừa của mấy cóc
FU thì chiếc xe chở rơm đã trở thành một phương tiện thú vị cho cả bọn
điều khiển, làm chúng tôi quên cả mệt mỏi.
Buổi dạy cuối cùng
Ngày thứ năm, lớp học hè nghỉ nên cả đoàn tình nguyện quyết định đổi
kế hoạch: góp tiền thuê xe đi thăm Đền Trần và Phủ Giầy, đồng thời nghe
thầy Trí Minh giảng về lịch sử các đời vua Trần, các công trình kiến
trúc và đặc điểm nổi bật của phong kiến thức của mình về lịch sử dân tộc
và hệ tín ngưỡng của người Việt.
Các em nhỏ luôn háo hức được chơi cùng chúng tôi
Rồi vèo một cái đã đến buổi dạy cuối cùng. Để chia tay, cả “thầy trò”
lại cùng nhau chơi trò “YES or NO” như buổi đầu tiên. Vẫn cái không khí
hào hứng, vui vẻ, vẫn là những tiếng cười vang ở khắp căn phòng nhưng
lần này, chúng tôi thấy mỗi thành viên trong đoàn trưởng thành hơn bởi
ít nhiều những kinh nghiệm học được từ những buổi làm giáo viên thế này
đều rất đáng giá. Và chúng tôi biết rằng những quyển vở dày 200 trang mà
chúng tôi tặng cho các em dù nhỏ nhưng cũng đủ để lưu lại nơi đây một
chút “thương thầm nhớ trộm” khi chúng tôi quay trở về thủ đô.
Chia tay
Hôm nay là ngày cuối cùng ở lại chùa, việc còn lại là tổng vệ sinh
“doanh trại” trước khi trở về thủ đô. Đã quen cửa quen nhà, nghĩ tới
việc phải dọn đi, ai cũng tần ngần.
Chụp ảnh lưu niệm chia tay
Buổi sáng hôm say, một buổi sáng mát mẻ đủ để chúng tôi cảm thấy
thoải mái cho một chuyến đi nữa – quay ngược trở lại điểm xuất phát ban
đầu. Mặc dù có chút lưu luyến nhưng đâu có sao, chúng ta sẽ còn gặp nhau
nữa kia mà. “Tạm” trong từ “tạm thời”, “biệt” trong từ “ly biệt”. Như
vậy nghĩa là chỉ tạm thời chia tay thôi, hẹn Thái Bình và chùa Vĩnh
Nghiêm mùa hè năm sau gặp lại!