Như đã đề
cập ở một bài viết trước, chúng sanh có sáu tánh là tánh tham, tánh
sân, tánh si, tánh tầm, tánh tín và tánh tuệ; chúng đi suốt trong dòng
sống (bhavaṅga) của mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta xem tánh nào vượt
trội thì tạm gọi là tánh ấy, chứ chúng thường trộn lẫn tánh này và tánh
khác khó nhìn ra chân tướng.
Trong đời
sống tu tập, tôi thường chiêm nghiệm mình và người, nhất là những tôi
quen hoặc những người tu học xung quanh tôi. Suốt mấy mươi năm qua, bây
giờ tôi có thể đưa ra một vài tâm tánh đặc biệt, vài nhân vật đặc biệt,
muốn chia sẻ đến những người tu học, để ai cũng có thể tự soi chiếu lại
mình, âu cũng là những bài học giác ngộ cho tất cả chúng ta.
Bây giờ tôi xin kể về “hành trạng” của một người, mà theo tôi, đây là trường hợp tánh tầm (Vitakkacarita) cộng với tánh trí (Ñāṇacarita).
Anh ấy là
một nhà thơ khá lớn, một thời là bạn của cố thi sĩ B.G. Nhà thơ của
chúng ta sống lãng đãng phong trần, lang thang vô trụ xứ, ăn gì cũng
được, ngủ đâu cũng được. Tiếng đàn ghi-ta của anh rất hay; và giọng ngâm
thơ thì lạ lùng vô kể. Khi hứng lên, giọng ngâm của anh lê thê buốt
giá, nó xúc động đến cả tầng sâu vô thức; nó mang nỗi buồn thiên cổ, nó
chuyên chở cả hư vô và cả muôn tình cỏ cây hoa lá, trăng sao và cả cỏ
rác bụi bặm nhân gian. Anh như một “hài nhi tóc bạc” sống giữa cuộc đời, rong chơi là chính, không toan tính, mặc cả, không mưu đồ lợi danh! Quả thật là tuyệt phải không?!
Vào
khoảng năm 1879-1980, khi tôi đang ở chùa Huyền Không, Nham Biều, bên
sông Bạch Yến, nhà thơ lãng đãng ghé chơi. Vốn quen biết nhau đã lâu nên
tôi mời anh ở lại, tạm gác giang hồ, nghỉ ngơi tịnh dưỡng môt thời
gian. Thuở ấy, chúng tôi lao động tay chân nương vườn để có cái ăn, thấy
việc gì là anh cũng ra tay làm giúp. Chừng mươi hôm sau, anh xin tôi
cho anh được cạo đầu xuất gia. Tôi nói:
- Anh tu thì tốt rồi, quý hoá rồi. Nhưng anh tu ở đâu thì được nhưng ở đây thì không được đâu.
Anh cười:
- Tui tu được mà!
- Tôi biết anh đọc rất nhiều kinh sách, sử truyện, nghiên cứu thiền, cả tu thiền nữa; nhưng “cái mệnh của anh là mệnh đi”, có ngồi yên một chỗ được đâu! Muốn tu thì phải làm giới tử, làm công quả, suốt vài ba năm không được đi đâu. Nó “bó chân” khó lắm đó!
Thấy anh cứ nằng nặc đòi tu cho bằng được, tôi bèn đưa ra một “thách thức”:
- Ở kia
có cái phòng. Anh chỉ cần ở đấy, đọc kinh, đọc sách, hành thiền, ngủ
nghỉ gì tuỳ ý. Cơm ăn hằng ngày có mấy chú mang giúp cho. Nếu anh ở yên
đấy được một tuần, tôi sẽ làm lễ cho anh nhập chúng tu học ngay!
- Đồng ý! Sư hứa đó nhé!
- Vâng!
Thế rồi,
nhà thơ của chúng ta thua cuộc. Mới ở được ba bốn hôm gì đó, thì anh đã
hành lý tay nải bỏ đi lúc nào không ai hay biết. Tôi quen tính khí của
anh nên biết anh đi đâu. Có thể anh thèm một vài hơi rượu cho khí nó bốc
lên. Có thể anh thèm đám đông, thèm ca hát, thèm ngâm thơ trước một
nhóm bạn nào đó, tăng hoặc tục, thi hữu hoặc văn hữu. Cũng có thể anh
đang lang thang từ chùa này sang chùa khác, luận bàn triết lý, tư tưởng
Đông Tây; hoặc nói về thơ, yếu tính của thơ, sự bất lực và trò chơi của
ngôn ngữ, tính mệnh của ngôn ngữ! Đôi khi, anh kể về những tháng ngày
ngủ đình, ngủ miếu, ngủ chợ, ngủ chùa, ngủ tại đại học Vạn Hạnh cùng BG.
Mà ở đâu, anh cũng được quý thầy hay một số bạn bè nhà thơ yêu mến và
đón tiếp.
Bẵng đi một thời gian, tôi nghe tin anh đã xuất gia với một phái thiền tông; và tôi cũng nghe thầy tu hành rất “kịch liệt”. Sở dĩ tôi nói vậy là vì, có vài ba lần gặp thầy ở Sài Gòn, và Huế. Lần thì thầy say sưa nói về pháp môn “biết vọng không theo”. Lần khác thì thầy nói, “cái biết” nó trật rồi! Tại sao vậy? “Cái biết!”
Lúc nào cái biết cũng xuất hiện, khi ăn, khi ngủ, khi đại tiêu tiện,
khi cử động chân tay, khi đi lui, đi tới. Mệt quá! Nó ù lì ở đó, trong
óc! Dường như cái biết ấy nó làm chủ mình, mình nô lệ bởi nó, thoát ra
không được! Thế rồi, lần khác nữa, thầy nói, tui bỏ rồi, tui bỏ cái biết ấy rồi, người tui giờ khoẻ re!
Tuy nhiên, tôi biết, trước thầy cũng kẹt, mà sau, thầy cũng kẹt, khó trở về “Bình thường tâm thị đạo” của lão sư Nam Truyền, khó trở lại quê nhà “Thân, thọ, tâm pháp” như thực được! Sư huynh của tôi, thiền sư VM - cố gỡ giúp hai cái kẹt ấy nên có làm tặng thầy một bài kệ:
- Vô minh hà biệt minh,
Ly trần hựu đồng trần;
Bất tri vân hà đạo,
Vi thánh diệc vi nhân.
Rồi đặt luôn cho thầy một biệt danh, hy vọng là đúng “chân dung” như người: Minh Trần Đạo Nhân! Sau khi đọc lại bài kệ thơ trên cho tôi nghe, thầy nói: “Tui thấy rồi! Không đi đâu nữa, mà cũng không đến đâu nữa. Tất cả đều đại toàn ở đây và bây giờ!”
Tôi mừng cho thầy nhưng tự trong thâm tâm, tôi vẫn “cố chấp”, vẫn nghĩ: “Chưa đâu! thầy vẫn còn đi đấy! Lang thang vẫn là cái mệnh của thầy mà!” Sau này, gặp thầy vài ba lần nữa, mà cái câu của đức Phật, định nói, mà tôi vẫn quên chưa nói được với thầy: “Không bước tới, không dừng lại, Như Lai ra khỏi bộc lưu!”
Tính, mệnh của thầy là “dòng sông”, còn trôi, còn chảy; đúng như bài thơ “Chén trà nhớ những dòng sông” của thầy. Và thuở đó, tôi vẫn nhớ thầy, thương thầy nên có làm một bài thơ đáp lễ, có mây câu đầu:
- Thương anh đội mộng lên đàng
Để ta lặng lẽ trăng vàng non quê
Mải đi, bóng nhỏ không về
Kiếp như mây bạc còn mê dặm hồng
“Chén trà nhớ những dòng sông”
Chân cầu ở lại, thu phong lạnh lùng
Dẫu sương khói vẫn vô cùng
Dẫu quan cách vẫn tình chung một trời...
Đại khái là vậy. Sau này nhiều lần gặp thầy trong
hình tướng đầu tròn, áo vuông. Thầy dịch kệ thiền của chư tổ thiền
tông. Thầy viết những tập sách nhỏ. Và đi đâu đó, hội chúng nào đó, thầy
dạy thiền cho người ta. Đệ tử của thầy nơi này và nơi khác đủ sức giúp
thầy ăn cơm gạo lức muối mè. Nhưng lang thang vẫn là cái mệnh. Không ở
đâu lâu được. Có lần thầy nói, sau này, sư cho tui một cái cốc, chắc tui
về đây ở thôi. “Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự mà!” Rồi thầy cười ha ha! Tuy nhiên, tôi cũng biết, đó chỉ là “cái hẹn của mây gió phiêu bồng” mải rong chơi thiên nhai hải giác! Sau này thầy mất tại Hà Nội - thì cũng đang trên đường!
Trở lại vấn đề tâm tánh. Nếu thuần là tánh tầm
thì xấu. Tánh tầm là tâm luôn lao xao phóng dật, luôn tìm kiếm từ đối
tượng này sang đối tượng khác không ngừng nghỉ. Đêm nằm, tâm trí cũng cứ
chạy nhảy không yên. Tâm viên, ý mã đích thực là cái tánh tầm
này, đồng thời nó hay ức đoán, phê phán, đánh giá nọ kia. Thường không
nỗ lực một hướng đi trọn vẹn, một mục đích trọn vẹn; không có việc gì
chu đáo, trọn vẹn. Dễ hoà mình với đám đông, thân thiện với đám đông,
đôi khi không có đám đông thì buồn, không chịu được.
Tuy nhiên, “nhà thơ và vị tỳ-kheo” của chúng ta, tánh tầm này có cộng với tánh trí
nên dù lao xao, không ở yên, luôn tìm kiếm, luôn ra đi nhưng vẫn nằm
trong quỹ đạo hướng thiện, chơn chánh. Và giải thoát của thầy là không
có chân trời nào cả, một cõi nào cả; và ngay chính thế gian bụi bặm ngũ
trược này nó vẫn là “ly trần hựu đồng trần!” kia mà!
Đấy là giải mã của tôi, có lẽ là không lệch lạc bao nhiêu về “chân dung”
một người đã ra đi, mà hồn sương, hồn khói, hồn thơ, hồn thiền còn dập
dờn, lãng tử phiêu bồng ở đâu đó nơi những chân cầu, nơi những dòng
sông, nơi những quán trọ... cùng tinh hà nhật nguyệt... Mà vấn đề “Tử sinh đại sự” đã giải quyết xong chưa thì tôi vẫn không dám trả lời, sợ tụt lưỡi, vì người mê nói giác thì cái giác ấy cũng là mê vậy!
(Tôi sẽ còn hầu chuyện với mọi người về nhân vật khác, tâm tánh khác)