Người trẻ tới chùa học Phật
Không ít người
trẻ đến chùa học pháp, nghe kinh và tham gia những hoạt động bổ ích mang đậm
bản chất Phật giáo. Các câu lạc bộ, hội, nhóm… được hình thành dành cho giới
trẻ ngày nay trong sự dung hòa với mọi công tác xã hội, sinh hoạt giao lưu,
nhưng luôn dựa trên nền tảng Phật giáo, lấy lời Phật dạy làm kim chỉ nam cho
mọi hoạt động ngày càng nhiều. Điều đó cũng giúp cho giới trẻ không theo đạo
Phật, hoặc tôn giáo khác cũng dễ dàng tham gia sinh hoạt và hòa đồng một cách
nhanh chóng, qua những công tác thiết thực giúp đời, nhưng không ngoài mục đích
đem đạo Phật vào cuộc sống.
Phật pháp làm mới tâm hồn
Bạn Ngọc Trân, một thành viên của
một CLB thiện nguyện Phật giáo chia sẻ: “Lúc đầu tham gia hoạt động mình chỉ
nghĩ là để đi thiện nguyện giúp đời. Sau những hành trình được quý thầy hướng
dẫn ngồi thiền, học pháp, chơi những trò chơi tìm hiểu về Phật pháp… mình đã
học được rất nhiều điều trong cuộc sống, mà bấy lâu nay không biết, và chính
Phật pháp đã giúp mình hoàn thiện hơn rất nhiều trong cuộc sống hiện tại”.
Hay bạn Nguyên Trường, thành viên
của Hội Miền Yêu Thương chia sẻ: “Lúc trước tôi nghĩ theo đạo Phật là chỉ đến
chùa tụng kinh, cầu nguyện tài lộc may mắn hoặc khi gặp chuyện đau khổ thì mới
tìm đến chùa để có được những phút giây bình an. Nhưng kể từ khi được một người
bạn giới thiệu đi từ thiện với Hội, sau khi được tiếp xúc giáo lý nhà Phật, tôi
thấy tiếc vì tại sao lại không biết Phật pháp sớm hơn để không mắc phải những
sai lầm đã qua”.
Những chia sẻ bình dị của người
trẻ trên đây cũng đã nói lên được sức hút mãnh liệt của Phật giáo, đối với cuộc
sống hiện tại mà đại bộ phận giới trẻ đều cần đến nhằm chuyển hóa và cải thiện
những khả năng hạn hẹp của riêng mình. Còn nhiều chia sẻ khác của những bạn đôi
mươi, hai mấy mà chúng tôi từng lắng nghe đều cùng chung nội dung, rằng, từ khi
biết Phật pháp, lời Phật dạy đã mở ra một khung trời mới về nhận thức, lối
sống, giúp các bạn tiệm cận với giá trị đích thực của cuộc đời và nơi đâu là
hạnh phúc thật sự.
Đạo Phật của người trẻ
Nếu nhận định Phật giáo hẹn hẹp
qua sự cầu cúng, ma chay, tụng niệm thì ta đã tự khép mình vào trong những suy
nghĩ cá nhân với những góc nhìn hẹp. Giới trẻ ngày nay đã hiểu Phật pháp bằng
sự thực nghiệm, chuyển hóa và cải thiện đời sống của mình và được thực chứng
bằng khoa học. GS.Ngô Bảo Châu từng chia sẻ: “Văn hóa Phật giáo có thể giúp ta
bình thản ngay cả khi một phần lớn của cuộc đời có lẽ còn ở phía trước”.
Ngày nay, đạo Phật được thế giới
xem như một “đạo sống” với tinh thần khoa học. Tìm hiểu Phật giáo bằng
góc nhìn khoa học, dựa trên nghiên cứu, cũng là một con đường, một sự lựa chọn
của giới trẻ hôm nay. Sẽ không có khái niệm “bỏ đạo”, nếu đã thực tập và
trải nghiệm Phật pháp một cách đúng nghĩa. Chính người trẻ đã nói lên được điều
đó, sức sống của Phật giáo đã nuôi dưỡng và phát triển trong tâm hồn mỗi ngày,
sự khác biệt rõ rệt giữa một bạn trẻ không biết Phật pháp và một bạn trẻ đã
thấm nhuần tư tưởng của nhà Phật trong sự tương quan của giáo lý “Nhân- quả”,
“Vô thường”. Nếu đã hiểu được điều đó thì người trẻ rất dễ dàng vượt qua tất cả
khó khăn để nỗ lực vươn lên và nhìn đời với ánh mắt lạc quan hơn.
Sự chọn lựa đến với đạo Phật không
có nghĩa là dứt bỏ con đường tiến thân ở tương lai, mà ngược lại, nếu ta sống
đúng tinh thần của Phật giáo và ứng dụng lời Phật dạy thì sự tiến thân có giá
trị gấp đôi: tiến thân bằng nhận thức trí tuệ và một nhân cách hoàn thiện.
Sự phát triển một cách tích cực về
số lượng người trẻ tới chùa học Phật đã tạo nên một luồng sinh khí mới. Thông
qua những hoạt động thiện nguyện giúp đời, giao lưu học Phật, các thầy, sư cô
trẻ đã kết nối và trao truyền lời Phật dạy đến những bạn trẻ đồng trang lứa,
giúp người trẻ cũng biết vui ở chùa!
Giác Minh Luật
Đi chùa & cảm nhận
…Cảm
nhận sự bình an trong tâm hồn, vì tiếp xúc được với những năng lượng từ bi toát
ra từ quý thầy, sư cô và những người bạn đạo. Màu áo lam, áo nâu hiền hòa, giản
dị, giúp mình bớt sân si, bữa cơm chay thanh đạm không chỉ làm cho cái bụng nhẹ
nhàng mà tâm hồn cũng trở nên trong sáng, yên an với những suy nghĩ thiện lành.
…Cảm
nhận rằng, mình đã được “lột xác”, không chỉ ở hình thức bên ngoài với chiếc áo
đồng phục nơi cửa thiền mà còn cả tâm hồn. Những xác xơ, khô khốc, chai sần vì
những ấu trĩ trong cách nghĩ đầy trách móc trước đó được thay bằng cái nhìn
thoáng đạt hơn từ việc quán chiếu nhân-quả, hiểu rõ nghiệp duyên do mình tác
tạo đời này, đời trước chính là yếu tố quyết định “số phận” nên mình không còn
trách trời trách đất, không trách người nữa.
Trách
mình khi đó có nghĩa là quay về sám hối những điều ác đã gây tạo, nguyện không
lặp lại lỗi lầm xưa và nguyện làm mới bằng cách kiến tạo bình an cho mình, cho
người qua cách mình nghĩ, nói và làm hàng ngày. Tất nhiên, tất cả đều là thiện
lành, là trên cơ sở lời Phật dạy với những nguyên tắc đạo đức cao thượng từ
giới bổn được trao truyền và thọ nhận từ buổi quy y Tam bảo nơi mái chùa thân
thương…
Hiền Đỗ |