Phật giáo & Tuổi trẻ
Lớp học đặc biệt nơi “cửa thiền”
21/07/2010 09:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Có một lớp học đặc biệt nằm bên trong ngôi chùa Lộc Thọ (thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang). Nơi đây có 130 đứa trẻ đang theo học từ mẫu giáo đến lớp 5, và hầu hết đều là những đứa trẻ sinh ra đã chịu số phận nghiệt ngã.

Có em sinh ra là kết quả của chuyện “ăn cơm trước kẻng” để rồi những người cha, người mẹ “bất đắc dĩ” đành bỏ rơi một phần máu mủ ruột thịt của mình, như trường hợp của em Vĩnh Trí bị bỏ rơi trước cổng chùa, nay em đã 3 tháng tuổi, hay em Vĩnh Toàn, sau khi mẹ đến đi lễ đã đặt em dưới cái chuông chùa.

 
Nhưng cũng có những gia đình vì quá khó khăn nên đành gửi con vào nhà chùa, mong sao nơi ấy những đứa con mình sẽ học được con chữ, học được những lẽ sống có ích cho đời.
 
Điển hình là trường hợp của 4 chị em Nguyễn Thị Thanh Trâm, Nguyễn Thị Thanh Trinh, Nguyễn Thanh Tâm và Nguyễn Ngọc Anh. Gia cảnh nghèo khó, cả nhà sống nhờ vào một lò bánh mì nhỏ và sống tạm trong căn nhà cho thuê.
 
Nhà có 5 chị em, chị gái đầu là Nguyễn Thị Trang phải ở nhà bán bán mì. 4 chị em được gửi vào chùa Lộc Thọ, thế nhưng nhiều khi chị hai Thanh Trâm cũng bị đứt đoạn do thường xuyên phải ở nhà phụ giúp gia đình. Thế nhưng, kết quả học tập của các em đều rất tốt.
 
Mới đầu, nơi học tập trong chùa Lộc Thọ chỉ là 2 phòng nhỏ dựng bằng những tấm tôn sơ sài. Năm 2004, một phật tử Việt kiều người Canada về thăm chùa, cảm động trước sự hiếu học của các em nhỏ đã đóng góp xây dựng mới 4 lớp học mới. Hiện nay, trong chùa có 3 lớp học tình thương, 1 dành cho học sinh mẫu giáo, 1 dành cho học sinh lớp 1 và lớp học dành cho HS từ lớp 2 đến lớp 5.
 
Những cô giáo như cô Phạm Thị Kiều Oanh (49 tuổi), trước kia dạy cho một trường ở địa phương, nhưng đã xin nghỉ để vô chùa dạy không lương. Cô giáo Phùng Thị Mỹ Hạnh vừa ra trường cũng tình nguyện về dạy học các em.
 
Cô Kiều Oanh tâm sự: “Mới đầu đến dạy cũng gặp nhiều khó khăn do các em nhiều độ tuổi, nhiều lớp khác nhau. Nhưng với tình thương yêu các em, chúng tôi mong muốn các em học hành thật tốt để có một tương lai tươi đẹp hơn”.
 
Kết thúc buổi học, một số ba mẹ gửi con ở chùa đi đón con về, những em khác ùa về nơi ăn cơm của nhà chùa với bữa ăn thật bình dị mà ấm cúng, đơn sơ mà đầy nghĩa tình.
 
Cứ thế, ngày qua ngày lớp học tình thương chùa Lộc Thọ vừa là nơi che chở cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, những đứa trẻ nghèo khó, vừa là nơi dạy cho các em biết từng con chữ, biết cách làm người.
 
Dưới đây là những hình ảnh cảm động về sự hiếu học của các em nơi lớp học tình thương chùa Lộc Thọ:
 
Lớp học tình thương ở chùa Lộc Thọ
 
 Nơi đây, những đứa trẻ có số phận không may mắn được chở che và dạy học chữa, dạy cách học làm người
 
 Khẩu hiệu của lớp học tình thương
 
 Bàn giáo viên và bàn học sinh là một
 
Mỗi ngày các em học 2 buổi Buổi sáng từ 7 -11 giờ. Buổi chiều từ 14 -16 giờ
 
 Cô Phạm Thị Kiều Oanh bồng em Vĩnh Trí (13 tháng tuổi) trong giờ nghỉ giải lao giữa buổi học.
 
 Bốn chị em do hoàn cảnh gia đình quá nghèo khổ nên phải xin vào chùa ăn học
 
 Em Vĩnh Toàn (15 tháng tuổi), nhà chùa phát hiện em dưới chuông chùa. Mẹ em sau một lần đi lễ đã bỏ rơi em ở đó
 
 Sau buổi học, các em vui chơi thoả thích ở cầu trượt trước lớp học
 
Tiếng cười của tuổi thơ vẫn giòn tan
 
 Sự hồn nhiên vẫn hiện trên từng khuôn mặt các em
 
Tuổi thơ các em sẽ lớn lên trong không gian của nhà chùa. Nơi đây sẽ nuôi dưỡng, chở che cho các em
 
 Kết thúc buổi học, ba mẹ đến chùa đón những em được gửi hoc học lớp tình thương. Những đứa trẻ khác chạy về nơi tập trung chuẩn bị ăn cơm
 
 Bác Trần Thị Mai (68 tuổi) một người dân địa phương phụ giúp dọn cơm cho các em nhỏ
 
 Bữa cơm đạm bạc nhưng ấm cúng, đầy nghĩa tình

Thành Chung (Dân Trí)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch