Khổ đau khi mới sinh ra
Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam trên hai ngàn năm nay, hầu như đã thấm nhuần trong lòng dân tộc về lẽ thật hư của cuộc đời. Chính là nhờ Phật giáo nói đúng lẽ thật, phù hợp với tinh thần khoa học hiện nay, giúp cho con người có nhận thức sáng suốt và hiểu biết đúng như thật, cho nên Phật giáo rất thực tế, không phải huyền hoặc.
Nhất là những người lớn tuổi không tìm hiểu đúng chánh pháp, do ảnh hưởng quá nhiều các tín ngưỡng dân gian, chính vì vậy mà một số người cho rằng đạo Phật là bi quan, yếm thế, chán chường. Đó chính là những nguyên nhân khiến cho Phật pháp đi đến suy tàn. Nếu chúng ta cứ để cái đà này như thế mãi, các thế hệ phật tử về sau, chắc chắn sẽ tránh xa đạo Phật, vì thấy đạo Phật không còn thích hợp với thời đại mới, với nền khoa học hiện đại.
Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu tám loại khổ qua cách nhìn của đạo Phật: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, yêu thương xa lìa khổ, mong cầu không như ý khổ, oán ghét gặp nhau khổ, thân này thịnh hay suy cũng đều khổ.
Chúng tôi xin dẫn bài kinh đầu tiên Chuyển Pháp Luân, đức Phật dạy năm vị Tỳ-kheo trước kia đã từng theo Ngài tu khổ hạnh. Đó là bài kinh nói về Tứ diệu đế. Đây là bài kinh hết sức cụ thể, thực tế, không có gì khó hiểu hay huyền hoặc. Tứ diệu đế là bốn chân lý nhiệm mầu chắc thật, trong đó đế đầu tiên là Khổ đế. Nghe từ Khổ đế, mọi người đều vội vàng kết luận đạo Phật bi quan quá.
Khổ đế, chữ “đế” nghĩa là chắc thật, không sai chạy. Như vậy cái khổ Phật đưa ra là một lẽ thật, không ai chối cãi được. Khổ có mấy thứ? Đầu tiên là khổ về thân. Thân này có sinh, già, bệnh, chết, bốn thứ đó Phật nói là khổ. Có người chưa chịu sanh là khổ, vì lúc mới lọt lòng mẹ có biết gì đâu mà khổ. Nói không biết gì hơi quá đáng, không biết, vậy chớ ai khóc? Biết khóc tức là có cảm giác khổ. Trăm đứa bé lọt lòng mẹ đều khóc, chứng tỏ chúng có cảm thọ khổ. Đó là khổ khi sinh.
Như vậy đời sống của chúng ta thường gặp khổ nhiều hơn vui. Khi lọt lòng mẹ đã có cảm giác khổ, rồi trong cuộc sống kéo dài mấy mươi năm cũng khổ. Vì vậy Phật nói sinh khổ, chúng ta chối cãi được không? Thế nhưng nhiều người lại cứ tưởng như vui, đó là vui trong tưởng tượng thôi chớ không có thật. Vậy mà thiên hạ cứ bảo cuộc đời là hạnh phúc bởi vì nó có nhiều thú vui làm cho con người ta đam mê say đắm dính mắc vào đấy mà chịu muôn vàn sự khổ đau. Thực tế hạnh phúc thì quá ít, còn đau khổ thì quá ê chề. Đó là khổ thứ nhất, sinh khổ.
Là nỗi khổ trong sự sinh ra. Loài người khi ở trong thai đã có tình thức. Do có tình thức nên có sự cử động cảm xúc. Khi mẹ ăn thức lạnh vào cảm thấy như ở trong giá băng; lúc ăn thức nóng vào cảm thấy như bị nung đốt. Thai nhi sống trong chỗ chật hẹp, tối tăm và nhơ nhớp, vừa lọt lòng đã kêu khóc oa oa. Rồi từ đó khi lạnh, nóng, đói, khát, muỗi, kiến cắn đốt, chỉ biết kêu khóc mà thôi. Huệ nhãn của Phật thấy rõ những chi tiết ấy, nên Ngài mới xác quyết rằng sinh là khổ. Sinh khổ theo tuệ giác của Thế tôn có 5 loại:
– Thọ thai: Lúc thần thức gá vào thai mẹ, ở trong bụng mẹ chật chội và dơ bẩn chịu nhiều bó buộc.
– Chủng tử: Sau khi thần thức gá vào tinh trùng của cha và noãn cầu của mẹ, thân thể sẽ tùy theo hơi thở của mẹ mà tồn tại, không được tự do thoải mái bởi do nghiệp lực chiêu cảm.
– Tăng trưởng: Thần thức, thân thể ở trong bụng mẹ, tăng trưởng mỗi ngày, dưới ruột non, trên ruột già, nằm ở giữa như ở tù sống nhờ thức ăn, thức uống của mẹ và sự hô hấp mà thai nhi phát triển theo từng giai đoạn.
– Khi được sinh ra: Trải qua gần 10 tháng thân hình đã phát triển đầy đủ, đây là thời điểm người mẹ chuyển dạ để sinh thai nhi. Suốt thời gian dài nằm trong bụng mẹ, sự sống hoàn toàn nương vào mẹ, được mẹ nuôi dưỡng, nâng niu, che chở. Những khi thai nhi rời khỏi bụng mẹ, thân thể với da thịt non mềm của bé phải tiếp xúc môi trường mới với khí trời lạnh, nóng, gió, mưa, các vật dụng xúc chạm… sẽ cảm nhận đau buốt như bị châm chích. Bé đau nhưng chưa nói được mà chỉ biết khóc, vì thế chúng ta cần phải có thao tác nhẹ nhàng với em bé mới sinh ra.
– Chủng loại: Tức mỗi thai nhi đều có một hình tướng thân mạng nam hay nữ của mình trước khi được sinh ra bởi tướng mạo đầy đủ, xinh đẹp hay khiếm khuyết, xấu xí…
Con người khổ trong sự sinh sống. Người ta khổ từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Con phải nằm trong bụng mẹ chật hẹp, cũng là khổ. Mẹ phải mang nặng đẻ đau biết bao khó nhọc, đó là khổ. Sinh con ra rồi thì cha mẹ cũng khổ vì phải lo lắng cưu mang và cho ăn uống để duy trì mạng sống. Con người sống trên đời phải mưu kế sinh nhai, làm việc nhọc nhằn, vất vả nên cũng khổ.
Sự sinh sống của con người có hai phần khổ: Khổ trong lúc mới sinh ra và kế tiếp là khổ trong đời sống. Khổ trong lúc sinh. Người sinh và kẻ bị sinh đều khổ cả. Khi người mẹ mới có thai là đã bắt đầu biếng ăn, mất ngủ, nôn ọe, dã dượi, bất thần, mệt mỏi... Thai mỗi ngày mỗi lớn, thì người mẹ mỗi ngày mỗi thêm mệt mỏi, nặng nề, đi đứng khó khăn, làm lụng chậm chạp.
Đến khi gần sinh, sự đau đớn hành hạ xác thân người mẹ không sao nói xiết, chỉ có những người từng làm mẹ mới cảm thông cho nỗi đau này. Dầu được thuận thai đi nữa, mẹ cũng phải chịu sự dơ uế cả tháng trời, yếu đuối nhiều tháng, vì tinh huyết hao mòn, ngũ tạng suy kém, nếu không có cha mẹ hai bên chắm sóc thì lại càng khỗ não hơn. Còn rủi bị nghịch thai, thì mẹ phải bị mổ xẻ, đau đớn trăm bề. Có khi sau một lần sinh bị giải phẩu, mẹ phải chịu tật nguyền suốt cả cuộc đời.
Còn con, từ khi mới đầu thai cho đến lúc chào đời, cũng phải chịu nhiều điều khổ sở. Trải qua chín tháng mười ngày, con bị giam hãm trong khoảng tối tăm, chật hẹp, còn hơn cả lao tù ngục tối! Mẹ đói cơm, khát nước, thì con ở trong thai bào lỏng bỏng như bong bóng phập phều. Mẹ ăn no thì con bị ép như bồng bột bị đè dưới thớt cối, khó bề cựa quậy. Đến kỳ sinh sản, thân con phải chen qua chỗ chật hẹp như bị đá ép bốn bể, nên khi vừa thoát ra ngoài, liền cất tiếng khóc vang: "khổ a! Khổ a!".
Khổ trong đời sống.
Về phương diện vật chất hay tinh thần, đời sống đều có nhiều khổ sở. Về vật chất, con người đòi hỏi những nhu cầu thiết yếu như món ăn, thức uống, đồ mặc, nhà ở, thuốc men.
Để có được những nhu cầu cần thiết ấy, con người phải siêng năng làm việc vất vả nhọc nhằn, đổ mồi hôi, sôi nước mắt, mới mua được chén gạo, bát cơm, manh quần, tấm áo và các phương tiện sống khác. Về phương diện nhà ở, thì có những gia đình phải thuê phòng trọ ở tạm qua ngày, vì không có khả năng tạo dựng được một ngôi nhà nho nhỏ.
Cuộc sống của con người chẳng phải đợi đến cảnh đói khát mới gọi khổ, ăn uống thất thường, thiếu thốn đủ mọi thứ cũng đã là khổ rồi. Đâu phải chỉ có những người nghèo hèn thiếu thốn khó khăn mới khổ đâu? Người giàu có sang trọng cũng vẫn khổ như thường. Muốn có tiền bạc vật chất dồi dào, tất nhiên họ phải thức khuya dậy sớm, buôn tảo bán tần, đầu tắt mặt tối trong công việc, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được.
Về phương diện tinh thần, đời người cũng có nhiều điều khổ tâm, có nhiều khi còn đau khổ hơn cả những thiếu thốn vật chất. Tóm lại, về vật chất hay tinh thần, sự sống mang theo nhiều cái khổ. Sinh khổ là như thế bởi vì có nó sự tiếp nối theo quy luật nhân quả, nên đời người khổ là lẽ đương nhiên.
Sống tuổi già đau khổ nhiều hơn
Sự khổ trong lúc tuổi già. Con người khi già yếu, mắt mờ, tai điếc, gối mỏi lưng còng, chân tay run rẫy, ăn không có cảm giác ngon miệng, ngủ không ngon giấc, trí nhớ giảm sút đáng kể, làn da khô nhăn, răng thường đau nhức, rụng bớt. Dù cho thanh niên cường tráng, hay thiếu nữ khỏe mạnh, theo thời gian rồi cũng phải đối đầu với cái tuổi già yếu này. Người tuổi già thường hay lú lẫn, đây là nỗi khổ niềm đau của người già.
Chúng ta hồi tưởng lại cuộc đời của đức Phật, có một lần đi ra khỏi cổng thành, thái tử thấy một người già ốm o gầy mòn, dung nhan tiều tụy, đi phải dùng gậy chống đỡ, vừa đi vừa thở hỗn hễn rất là đau khổ. Thái tử thấy cảnh người già như thế mới quán xét và chiêm nghiệm, rồi đây mình sẽ già nua, yếu ớt và cũng tàn tạ như vậy. Càng chiêm nghiệm, càng thấm thía sâu sắc, cảnh người già khốn khổ thái tử nghĩ ngay rồi mình cũng sẽ già khổ nên cảm thương họ nhiều hơn.
Chúng ta bây giờ thấy người già mà không biết soi xét lại chính mình để có sự cảm thông và thương tâm những người già nhiều hơn. Thấy người khác già thì chúng ta cũng sẽ già, từ đó ta có sự tôn trọng, kính mến, quan tâm giúp đỡ những người già nhiều hơn. Đồng thời chúng ta quyết tâm sống và tu tập, biết cách làm chủ bản thân để thoát khỏi sự chi phối khổ sở của tuổi già.
Phật dạy: sinh già bệnh chết khổ đó là một sự thật của kiếp người. Già là khổ. Vì sao già lại khổ? Hiểu biết nhận thức giảm sút, mắt mờ tai điếc, đi đứng lọng cọng, gối mõi lưng còng, ăn uống khó khăn…. già như vậy quả thật là khổ. Rồi sao nữa bệnh là khổ, quý vị nào có vào bệnh viện sẽ thấy từ em bé sơ sinh cho đến người già bệnh mà không đủ chỗ nằm thậm chí phải nằm ngoài hành lang.
Người già lại thường chậm chạp, luống cuống trong mọi sinh hoạt hằng ngày khi ăn uống, lúc đi đại tiểu tiện… và thường làm nhớp nhơ. Con cháu dù thân thương đến đâu cũng sanh nhàm chán, bực bội, xa lánh, sao nhãng bổn phận. Chính những hành động, thái độ thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm của con cháu đã khiến người tuổi già chịu nhiều đau khổ.
Chỉ có những người con chí hiếu, thì dù ở vào hoàn cảnh nào cũng thương yêu, kính quí, chăm sóc chu toàn cho ông bà, cha mẹ. Quả thật tuổi già thật đáng buồn tủi, khổ sầu nếu không biết tu sửa. Thời thanh niên cường tráng đã qua, thời già nua suy yếu đến, mạng sống con người cứ rút ngắn theo thời gian và cuối cùng thể xác đi dần đến hư hoại.
Có những người lớn tuổi già yếu rồi, nhưng khi ngồi với nhau nói toàn những chuyện quá khứ hào hùng của mình thuở trước như để khoe hay, khoe giỏi cho nên khi con cháu không đáp ứng nhu cầu cần thiết thì cau có, giận dỗi buồn phiền. Nhiều người bây giờ đã già mà vẫn không chịu biết mình đang già, nếu khéo nhìn lại, thấy mình đã già yếu.
Bây giờ chỉ dốc tâm tu tập, kiếm chút ít tư lương, tích tạo phước đức để ngày ra đi được an ổn, nhẹ nhàng. Chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật là đã biết cách học theo hạnh giác ngộ của đức Phật. Lúc còn trai tráng, thái tử đang là một người có đầy đủ tất cả quyền uy, thế lực, văn võ song toàn. Vậy mà khi thấy người già thì liền biết mình rồi cũng sẽ già nua và yếu ốm như người kia. Thấy rõ cuộc đời không có gì đáng để gọi là vui cho nên Ngài quyết chí xuất trần. Nhìn nhận, chiêm nghiệm và thấu tột được như vậy là chúng ta đã biết học theo cái nhìn của bậc giác ngộ.
Trong thực tế khi con người khi già rồi, các căn đều suy yếu, mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn thấy kém ngon, ngủ không an giấc, trí nhớ chẳng còn minh mẫn, làn da khô nhăn, răng lần lần đau nhức chuyển rụng.
Lắm kẻ tuổi già lờ lẫn, khi ăn mặc, lúc đại tiểu đều nhớp nhơ, con cháu dù thương tiếc giúp đỡ, nhưng lâu ngày rồi cũng sanh nhàm chán muốn bỏ bê. Xét ra cái già thật không có gì là vui thú nếu chúng ta không biết tu tập chuyển hóa thì càng già, càng khổ hơn.
Bệnh hoạn làm thân thể đau nhức khổ
Là sự khổ đau trong cơn đau bệnh. Có thân là có bịnh, từ những loại bệnh nhẹ thuộc ngoại cảm, đến các chứng bịnh nặng thuộc nội thương. Trong cuộc thế, có rất nhiều người vướng phải những bệnh nan y như: ung thư, lao, cùi, tiểu đường, tai biến... Vướng vào những bệnh nan y, tự thân cảm thấy đau đớn, lại tốn kém, hoặc không có tiền chạy chữa lại càng khổ hơn. Sự khổ lụy không chỉ riêng mình, mà còn khiến cho gia đình người thân bị ảnh hưởng theo. Bệnh khổ có 2 loại:
Thân bệnh: Thân bệnh là tất cả những chứng bệnh con người mắc phải, gánh chịu. những chứng bệnh này đều do tứ đại không điều hòa mà phát sanh, như địa đại không điều hòa, thì thân thể nặng nề; phong đại không điều hòa, thì thân thể bị tê cứng; thủy đại không điều hòa, thì thân thể bị phù thũng; hỏa đại không điều hòa, thì thân thể bị nóng bức..
Tâm bệnh: Trong lòng luôn ôm ấp những tâm lý khổ não, buồn thảm, bi ai, lo lắng bất an, sợ hãi, cô đơn trong tuyệt vọng...
Rồi một lần khác thấy một người bệnh đang rên đau, thái tử nghĩ, hóa ra con người ta cũng có khi phải bệnh đau như vậy! Cùng là thân người như nhau, nhưng người kia đang bị bệnh thì có lúc mình cũng phải bị bệnh như mọi người. Đã bệnh thì phải đớn đau, khổ sở trăm bề không có gì là vui hết. Từ đó thái tử thấy được sự tạm bợ của thân người và sự sống này không có gì bền chắc, ý chí xuất trần trong thái tử được nung nấu mạnh mẽ hơn.
Chúng ta thấy được như vậy thì không còn nhầm tưởng thấy mình khỏe mạnh mãi để sanh tâm ngã mạn, xem thường người khác. Đồng thời chúng ta sẽ cảm thông, thương yêu người bệnh và tìm cách để vượt lên, không bị bệnh hoạn khổ đau chi phối.
Từ đó chúng ta sẽ có tâm đồng cảm, thông cảm, thương yêu bệnh nhân, tôn trọng mọi người, không thờ ơ hay xem thường một ai. Chúng ta thấy người khác bệnh thì liền biết rồi mình cũng sẽ bệnh như mọi người. Người đó bệnh đau, lo sợ, hoang mang thì đến lúc chúng ta bệnh, cũng có những nỗi đau và tâm trạng giống như họ vậy thôi.
Thấy người khác bệnh, biết mình rồi cũng sẽ bệnh. Từ đó thấy rõ thân này mong manh, giả tạm, không chắc thật, nên ta không bám víu dính mắc. Khi chúng ta không bám víu thân này, cảnh sống này thì các mê lầm, khổ não, rắc rối khác sẽ không có ra. Đồng thời, chúng ta sẽ cảm thông, thương yêu, tôn trọng người bệnh, từ đó thiện căn được tăng trưởng và giảm sự chấp ngã về thân này.
Chết là nỗi khổ lớn lao nhất ai cũng phải sợ
Thứ tư là chết khổ. Như chúng ta thấy người thân khi sắp lâm chung đau đớn quằn quại rất thống khổ. Đó là chưa kể thần thức hôn mê, người sắp chết thấy những cảnh giới gì đó hiện ra, lòng họ hoảng sợ, kêu gào than khóc, thật là thảm thương.
Ai cũng tham sống sợ chết muốn sống dai, sống già, sống thọ cho nên nhiều người tìm cách để luyện trường sanh bất tử nhưng cuối cùng rồi ai cũng phải chết. Và chết là một sự thật không tha bất cứ một ai, dù là đức Phật cũng phải xả thọ mạng này khi hết duyên đời. Mình muốn sống hoài mà không được, cho nên nếu ai không biết tu gần chết rất khổ sở vì không biết mình sẽ đi về đâu.
Mọi người đều muốn sống an vui, chết nhẹ nhàng, nhưng việc ấy rất khó toại nguyện, mà phần nhiều thân thể con người luôn bị bịnh khổ hành hạ đau đớn cho đến khi chết. Thân đã bị bệnh khổ như thế, tâm lại càng hãi hùng, lo sợ, tham tiếc tài sản của cải mình tạo ra, luyến tiếc vợ con trước khi nhắm mắt lìa đời nên lại càng khốn khổ hơn. Chết, quả thật là rất khổ nên ai cũng sợ. Chết khổ có 2 loại:
Cơn bệnh kéo lâu dài, mạng sống hết phải chết. Chết do duyên bên ngoài đưa đến bất đắc kỳ tử: Gặp chuyện không may bị người giết hại hoặc bị tai nạn mà chết, bị chết nước, lửa thiêu... vì chiến tranh loạn lạc mà chết.
Khi đi ra bốn cửa thành, thái tử thấy một người chết. Thấy vậy, thái tử liền nhìn lại và nhận ra rằng, người ấy chết rồi đến lúc mình cũng sẽ chết. Càng thấy rõ sự tạm bợ của kiếp người, chí xuất trần của thái tử càng nung nấu mãnh liệt hơn.
Mới ngày nào đây còn liệt liệt, oanh oanh, sao bây giờ chỉ còn lại một tấm thân tàn ma dại, nằm bất động, ai làm gì cũng không biết. Chúng ta bây giờ tận mắt chứng kiến cảnh người chết, chúng ta mới thấy tấm thân này quá mỏng manh, kiếp người quá ngắn ngủi, cõi đời thật phù du, giả tạm.
Nếu chúng ta thấy rõ được sự mong manh của kiếp sống con người, thấy được khoảng thời gian sống và chết kề cận một bên thì chúng ta sẽ tỉnh giác mạnh hơn, không bao giờ có sự tranh cãi nhau nữa. Tranh cãi, giận dữ là do người kia không tự làm chủ được chính họ. Chính khi đang giận dữ họ cũng rất khổ sở chứ không sung sướng gì. Mình là người tỉnh táo làm chủ được mới thấy rõ nên thông cảm và thương họ, tội nghiệp cho người ta. Thấy được như vậy thì chúng ta sẽ thương được người hại mình, không tạo nghiệp khổ đau.
Phật nói thân hiện tại của chúng ta đây, mang tính chất đau khổ từ lúc mới sinh, cho đến khi trưởng thành rồi già, bệnh, chết đều phải trải qua nhiều thống khổ. Đó là một lẽ thật. Mới nghe người ta thấy đạo Phật như bi quan, nhưng thực tế đạo Phật rất lạc quan và yêu đời. Tại vì đạo Phật nói rõ lẽ thật của cuộc đời, để cho mọi người không lầm lẫn, biết cách làm chủ bản thân trên những khổ vui đó.
Như một ai đó, đang gánh một gánh nặng suốt một chặng đường dài lâu quá cảm thấy mỏi mệt, đuối sức nếu lúc đó để gánh nặng xuống vui hay khổ? Chắc chắn là vui. Còn gánh nặng trên vai thì khổ, để xuống hết nặng là vui. Sau khi biết khổ rồi mới thấy vui, chớ cái vui ấy không ngoài sự khổ. Cũng chính vì thế, đạo Phật nói rõ nguyên nhân của sự khổ đau để chúng ta biết cách chuyển hóa tiêu trừ, khi đó khổ hết thì vui đến.