Phật giáo & Tuổi trẻ
Câu chuyện Rahula và trách nhiệm đối với tuổi trẻ (*)
22/06/2010 00:09 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bằng phương pháp thực nghiệm và ẩn dụ trong đối thoại, chứ không nói lí thuyết suông, không đưa ra những phán đoán mệnh lệnh. Đức Phật đã từng bước hướng dẫn cậu bé La Hầu La đi đến sự thừa hưởng đích thực phần thừa kế mà cậu chọn lựa và thực hành

1. Quyền được thừa kế của người đi trước.

"Thưa Thầy, hãy giao cho con phần thừa kế của con!"

Rahula, 7 tuổi, người con trai duy nhất của Phật đã nói như thế khi gặp lại phụ thân mà không biết đó là phụ thân sau 7 năm xa cách, thái tử Tất Đạt Đa lúc ấy đã thành Đức Phật Cồ Đàm, đang khổ hạnh khất thực. Rahula vâng lời mẹ, đến níu áo vị Thầy tu "xa lạ" là Đức Phật đòi hưởng thừa kế của mình. Thoạt đầu, chuyện đòi thừa kế mang một nghĩa thông thường có tính vật chất: thừa kế của cải. Thân mẫu của Rahula, hoàng hậu Da Du Đà La ngầm mong con mình được thừa hưởng ngôi vị Đức Phật trong quốc vương vua Tịnh Phạn như người thừa kế ngôi vua.

Nhưng Rahula đã được hưởng thừa kế khác mà Đức Phật người đã bỏ ngôi báu để trở thành Đấng Giác Ngộ, khi trả lời sự đòi hỏi của con, đã đề nghị và người con chấp thuận. Rahula đi theo Phật, được sự dẫn dắt của Phật.

Trước thời điểm ấy và ngay sau thời điểm ấy, Rahula một cậu bé thời Đức Phật cũng bình thường giống như một cậu bé hay cô bé đời này, giống nhau ở tuổi non, ở tuổi thơ, tuổi chưa thành niên, tuổi đang được nuôi dưỡng, đang được uốn nắn. Ở cái tuổi ấy, mọi người trẻ đều dựa vào người đỡ đầu, những bậc cha mẹ, người đã trưởng thành, phụ thuộc vào những điều kiện xã hội mà đứa bé sinh ra.

"Người trẻ có quyền và được có quyền đòi hỏi thừa kế gia sản, tài sản của thế hệ ông, cha, mẹ, những người đi trước".  Ảnh minh họa: phattu.com

Dù cho trong một điều kiện nào, giàu hay nghèo, sang cả hay cùng đinh, chúng ta hãy nói một điều cơ bản cho tuổi trẻ: người trẻ có quyền và được có quyền đòi hỏi thừa kế gia sản, tài sản của thế hệ ông, cha, mẹ, những người đi trước. Người trẻ phải được dành cho quyền ấy, được quyền ấy như một định chế xã hội. Hay nói khác đi, người đi trước có trách nhiệm trao lại di sản cho người đi sau.

Trong trách nhiệm xã hội ấy, chính người đỡ đầu có bổn phận đưa ra một lựa chọn cho người trẻ, chọn lựa ấy đi liền với triển vọng giáo dục cho người trẻ trở nên con người hoàn thiện. Đồng thời, người trẻ có thể lựa chọn dưới sự hướng dẫn chân thật và thành tâm của người đỡ đầu bước đi tương lai của mình, mặc dù sự lựa chọn ấy chưa hẳn hoàn toàn tự do, còn nằm trong điều kiện xã hội khi mới sinh ra. Một trong những trách nhiệm lớn của người đi trước với người trẻ chính là đạo đức hay đời sống tinh thần của con người. Cho nên khi nói về tha hoá đạo đức của lớp trẻ trong xã hội ngày nay, phải truy tầm trách nhiệm xã hội của những người đi trước, có nghĩa phải xét đến trách nhiệm giáo hoá của người đi trước đối với người trẻ đang học làm người. Hiện nay đang là điều khẩn trương thực tế.

Đức Phật đã nói với cậu bé La Hầu La: "Con biết không, Rahula, ta là cha của con. Theo thường các người cha để lại cho con mình những gì họ sở hữu. Đó là phần thừa kế. Ta có ít sở hữu. Cái bình bát này dùng để ăn xin và cái áo này. Đó là tất cả. Điều sở hữu thật sự duy nhất của ta là minh triết và đức tốt. Ta không có "đồ vật". Trong cung điện, con có nhiều đồ đẹp đẽ, áo quần sang, thức ăn ngon và nhiều bạn chơi với con. Đó là phần thừa kế mà ông nội con và mẹ con có thể cho con. Còn bên cha thì không có bạn chơi đùa, chỉ có thức ăn như trong bình bát này và áo quần như cái áo này. Nhưng bên cha thì người ta có thể học nhiều điều mà trong cung điện không thể học được: sự khôn ngoan minh triết, tính tốt và thương người. Đó là phần thừa kế mà ta có thể cho con. Nếu con có nó, con có thể theo ta, đó là điều đẹp nhất mà ta có thể cho con, nhưng nó không thích thú lắm đâu".

Cậu bé Rahula nói: "Nếu phần thừa kế của cha là minh triết, điều lành và từ bi, thì con muốn có nó".

"Con biết không, Rahula con có thể thử một vài ngày, có lẽ con sẽ không thích thế. Ví dụ con có thể không ngủ trong nhà và trong giường mà ngủ trong rừng, dưới nhiều cây. "Như những tên cướp?". "Phải, Rahula giống như những tên cướp và những bậc thánh". "Như thế thì con theo"

Rahula đi theo các nhà sư. Với tài thông mẫn Đức Phật đã chỉ cho con tất cả những điều cần học và thực hành về đạo đức, quán tưởng và sự khôn ngoan minh triết.

2. Ba ví dụ trong Kinh minh hoạ ba nguyên tắc cơ bản trong tiến trình giáo hoá người trẻ của Đức Phật:

Bằng phương pháp thực nghiệm và ẩn dụ trong đối thoại, chứ không nói lí thuyết suông, không đưa ra những phán đoán mệnh lệnh. Đức Phật đã từng bước hướng dẫn cậu bé La Hầu La đi đến sự thừa hưởng đích thực phần thừa kế mà cậu chọn lựa và thực hành:

Không nói dối là điều kiện tiên quyết để bảo vệ sự thật: Mục đích cao nhất của giáo hoá con người là giúp con người tìm ra chân lý. Chân lý và sống trung thực với mình với người là cho điều kiện hoà bình nội tâm và nguyên tắc hoà hợp với người khác. Thay vì định nghĩa "chân lý" là gì, đối mặt với cậu bé, Đức Phật hướng dẫn La Hầu La nhận chân nói dối, sai sự thật là điều tai hại cho chính trái tim của mình bằng cuộc nói chuyện sau đây: "Rahula, con biết không? Với số nước trong cái muỗng cũng như với chân lý". "Thưa Phật, giống với chân lý là như thế nào?"

Đức Phật cho một ít nước vào cái muỗng và hỏi: " Con có thấy chút nước nào trong muỗng không?" "Dạ thấy". Nếu có người khi nói không thận trọng, và thực sự không cẩn trọng để luôn luôn đứng trong sự thật thì sẽ nhận được ít điều lành như chút nước vào cái muỗng ấy". Rồi Phật hất mạnh tay đổ hết nước khỏi cái muỗng và hỏi cậu bé có nhìn thấy Phật làm gì không. Dạ có

"Và khi con người không cố gắng nói sự thật, thì họ cũng hất đổ điều lành trong mình ra ngoài như người ta vừa đổ nước vậy". Rồi Phật úp cái muỗng lại: "Và nếu con người không cố gắng giữ gìn sự thật thì họ cũng đối xử với điều lành tựa như úp cái muỗng vậy.

Nói xong Phật lại úp ngửa cái muỗng ra: "Con có thấy bây giờ cái muỗng rỗng hoàn toàn không? Dạ thấy. Cũng như thế trái tim của những người không cố gắng theo sự thật sẽ trống rỗng như cái muỗng này"...

Với những ẩn dụ sống động, được nghe hỏi, quan sát và chứng nghiệm, khái niệm đạo đức "không nói dối" đã được đưa vào tâm trí của cậu bé, thuyết phục và trở thành hành vi đạo đức. Hành động đạo đức "không nói dối" có nghĩa không khác gì hơn là "nói thật" và qua đó bảo vệ sự thật.

-  Vận dụng tất cả những khả năng mà con người có được để tìm chân lý và bảo vệ sự thật: Tính yếu của đạo Phật nằm trong lời dạy cơ bản rất đơn giản mà Phật hướng dẫn cho cậu bé 11 tuổi, đơn giản mà sâu xa vô lượng. Chúng ta nhớ đến câu nói của triết gia E.Kant "hãy can đảm sử dụng trí tuệ của  mình" tuyên ngôn thời khai sáng châu Âu ở thế kỷ 18, đề cao giá trị nhân bản tuyệt đối của con người, khả năng giải phóng con người khỏi tình trạng lệ thuộc người khác, lệ thuộc thế lực, lệ thuộc tham vọng.

Trước đó 22 thế kỷ, Đức Phật đã khám phá và thực hiện điều này khi tìm ra chân lý giác ngộ và hướng dẫn cậu bé La Hầu La, còn vị thành niên trên đường đến tuổi trưởng thành. Phương pháp giáo hoá của Phật sinh động nhằm khai mở óc quan sát, phân tích, quan sát, khả năng trí tuệ hay "tính sáng" của cậu bé và từ đó chính cậu bé nhận ra sự thật, nắm được tri thức đúng đắn, chân thật.

Phương pháp này đi từ kinh nghiệm và óc quan sát của chính cậu bé La Hầu La: "Này Rahula con, trong thành Ca Tỳ La Vệ các người có nhiều con voi trận to lớn và dũng mãnh phải không? Thưa có, chúng lớn dữ dội và mạnh kinh hoàng! Con hãy tưởng tượng con voi trận của hoàng gia.

Hãy tưởng tượng, nó được đem vào chiến trận, nó chiến đấu trong đó bằng cách đưa đầu nó ra và đưa hai ngà voi, đưa thân thể mạnh mẽ và bốn chân của nó. Phải chăng người ta quên dạy nó điều gì, còn có cái gì mà con voi phải sử dụng nữa không?

" Thưa thầy, rõ ràng là con voi chưa dùng vòi của nó. Một con voi thường có cái vòi hoàn toàn mạnh và cuồn cuộn bắp thịt, nó chưa dùng vòi cho trận đánh" "Giỏi, Rahula, đúng như thế, người ta chỉ sẵn sàng lâm chiến đúng thực khi người ta sử dụng đầy đủ và toàn diện tất cả những sức mạnh và khả năng mà ta có. Cũng y hệt như thế, ta phải đem hết tất cả sức lực của mình, để không bao giờ nói dối, ngay cả khi chỉ nói dối để đùa vui"

Triết gia thời khai sáng E. Kant đã nhận định không khác Đức Phật khi khẳng định giá trị tuyệt đối của những nguyên lý đạo đức, trong đó châm ngôn "không được nói dối" không thừa nhận một trường hợp ngoại lệ nào. Nhưng trong phạm trù mệnh lệnh đạo đức của Kant trừu tượng hoá con người như một cái khung cần đổ đầy mệnh lệnh, Đức Phật nhấn mạnh con người "đem hết tất cả sức lực của mình" để không bao giờ nói dối.

- Quan sát hành động cuả thân- quan sát lời nói- quan sát tâm để không nói dối và bảo vệ sự thật: Có thể nói toàn thể đạo đức học Phật giáo nằm trong thực hành điều này xuyên suốt lời dạy của Đức Phật gồm giới đinh tuệ (Bát chánh đạo). Giáo lý thâm sâu này đã được Đức Phật truyền lại cho cậu bé La Hầu La vô cùng đơn giản: "Này con, hãy nói cho ta nghe, ở trong cung các người có gương soi không? Dạ thưa, dĩ nhiên có nhiều tấm gương! Để làm gì vây? Thưa để người ta có thể ngắm, xem mình thật sự có mặc đẹp không, tóc có được uốn đẹp không?

Vâng Rahula, xem mình có ăn vận và chải tóc đẹp hay không là quan trọng, nhưng người ta cũng có thể quan sát mình mà không cần soi gương!

Thưa làm thế nào?

"Thật ra điều quan trọng nhất là khi ta nhìn ngắm ta không phải để xem mình có ăn mặc đẹp hay chải chuốt tóc có thẳng không, đúng hơn điều quan trọng nhất là ta quan sát những hành động của ta: những cử chỉ với thân thể, những cử chỉ với ngôn ngữ và những hành động trong tâm hồn. Những điều ấy ta phải quan sát. La Hầu La ạ.

Kiểm soát hành vi liên quan đến thân- tâm- ngữ, để trung thực, không dối trá là điều kiện đạo đức tiên quyết trong việc giáo huấn người trẻ thành người tốt trong xã hội. Trách nhiệm ấy nằm trong tay người đi trước cũng như của toàn thể xã hội. Sự suy thoái đạo đức, con giết cha, người lớn hành hạ người trẻ, thầy lừa gạt trò, người tham nhũng, không từ đâu khác là từ sự dối trá, che đậy sự thật, vô minh trong lệ thuộc vật chất, đến từ những người có trách nhiệm giáo dục, đỡ đầu thanh thiếu niên, đến từ cơ cấu xã hội sụt lở nền tảng nhân tính.

Ý thức về trách nhiệm thừa kế di sản mà Đức Phật đã trao tặng và giáo hoá cho cậu bé La Hầu La có nghĩa lạc quan về một nền đạo đức Phật giáo mang sức sống và phẩm chất cao quý cho con người của thời đại. Có nghĩa, mỗi người Phật tử trong chúng ta, nhân ngày Phật đản, một dạ "nguyện đem công đức này hướng về khắp tất cả" vận dụng sức mạnh của trí tuệ và ý chí "không nói dối" để giải phóng di sản tệ hại, huỷ dịêt nhân tính, xây dựng một truyền thống đạo đức dành cho tuổi trẻ tương lai như một lần La Hầu La đã nhận ra ý nghĩa của lời Phật dạy qua chứng nghiệm về phần thừa kế mà Đức Phật đã đề nghị cho mình.

Ngài là người trẻ tuổi nhất trong tăng đoàn đầu tiên của Đức Phật đã biến phần thừa kế của mình thành quả  giác ngộ chân lý. Ngài là vị A La Hán với hạnh đạo đức sáng ngời trong lịch sử Phật giáo và là nguồn hy vọng của tuổi trẻ hôm nay và mai sau.

Thái Kim Lan (Tuần Việt Nam)

(*) Bài viết đã được đăng trong nội san Liễu Quán số 16 tháng 5- 2010.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch