Phật giáo & Tuổi trẻ
Thu hút giới trẻ đến với Phật giáo
TT. Thích Nguyên Quang
22/07/2010 08:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bên cạnh một bộ phận thanh, thiếu niên khiến dư luận dóng hồi chuông báo động sa đoạ về đạo đức, vô cảm, bạo lực học đường…ý thức và lối sống của giới trẻ vẫn có một số thanh thiếu niên hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ để hoàn thiện lối sống và nhân cách của mình. Bởi vì “Nhân chi sơ tính bản thiện”.


Như vậy, thế hệ trẻ chúng ta hôm nay đang đi tìm chỗ đứng cho chính mình trong sự tấn công của các nền văn hóa khác biệt, các cám dỗ tha hóa ngày càng hấp dẫn, sự kích thích bản năng ngày càng mạnh và tinh vi. Đồng thời, sự tự khẳng định mình là một mục tiêu mà rất đông bạn trẻ thời đại hướng đến. Coi đó như là ưu thế của tuổi trẻ. Nhưng tự khẳng định theo hướng nào? Thật sự là một mối nguy cho các bậc làm cha mẹ và những nhà xây dựng xã hội.

Một trong những vấn nạn xã hội hiện nay ở giới trẻ là bạo lực học đường, trước nay nạn bạo lực chỉ ở nơi tầng lớp thanh niên ít học, lao động chân tay, hoặc những thành phần tha hóa khác… nhưng ngày nay bạo lực đã đi vào nơi "trồng người", biểu hiện ở những con người được coi là hiền lành, thông minh. "Bạo lực học đường nổi lên như một vấn nạn mới của giáo dục Việt Nam khiến dư luận hết sức quan tâm. Nhiều cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra trên báo chí nhằm ngăn chặn sự lan tràn của hiện tượng này".

Thông thường chúng ta quy trách nhiệm cho gia đình, nhà trường với luận điểm: các em còn nhỏ, tuổi còn trẻ chưa đủ hiểu biết và kinh nghiệm. Vấn đề tính cách của cá nhân ít người quan tâm đến; tính cách thì được hình thành bởi sự giáo dục của cả xã hội. Một xã hội mà giá trị vật chất được tôn vinh, sự giả dối được coi là sự thành công… thì nhân cách của con người đã bị lệch lạc vì bị các giá trị phổ biến của xã hội ảnh hưởng. Những giá trị đạo đức được dạy bởi gia đình và học đường sẽ bị vô hiệu hóa vì những giá trị ấy không có ý nghĩa mấy trong vận động của xã hội.

Tuổi trẻ hư hỏng, thiếu phẩm chất là một vấn nạn cho tương lai của đất nước. Hành vi bạo lực, ăn chơi sa đọa, thích hưởng thụ và lười biếng của giới trẻ ngày càng phổ biến đó là những điều ưu tư của mọi người.

Đạo Phật luôn chú trọng giáo hóa con người, mà đặt biệt là người trẻ tuổi. Vì con đường thực nghiệm tâm linh luôn có sự nhiệt tình, nhạy bén và ý chí mạnh mẽ. Tuổi trẻ có thể đáp ứng các yêu cầu ấy. Vấn đề là cần có giải pháp đúng đắn, qua đó tổ chức tập hợp thanh niên Phật tử ở cơ sở; xây dựng chương trình giáo dục thích hợp với tâm lý và nhu cầu của thanh thiếu niên.

Chương trình giáo dục thanh niên Phật tử cần định hướng mục đích: tạo môi trường, điều kiện cho thanh thiếu niên Phật tử tu dưỡng đạo đức, nâng cao nhận thức về bản chất và giá trị của đời sống, rèn luyện bản thân để có khả năng xây dựng đời sống hạnh phúc, thông qua lý tưởng của một người Phật tử trên cơ sở bốn phạm trù mà Phật dạy cho người Phật tử trong kinh Tăng Chi:

1. Xây dựng lý tưởng hướng thượng, củng cố niềm tin vào giá trị đạo đức, giải thoát qua nhân cách của Phật, Phật pháp và cộng đồng Tăng chúng.

2. Thiết lập nguyên tắc sống với năm giới, mười giới. Qua đó, giáo dục ứng xử chuẩn mực nơi hành vi và ngôn ngữ, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần, tâm lý đạo đức.

3. Xây dựng các mối quan hệ hài hòa như quan hệ giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em, bạn bè, thầy tổ, chủ tớ, tập thể, xã hội, quốc gia, nhân loại, thiên nhiên… nói chung là để có khả năng sống hài hòa với con người và thế giới chung quanh.

4. Phát triển trí tuệ, khả năng tự tri để vượt qua chi phối bản năng: tham, sân, lười biếng, manh động, hoài nghi. Thiết lập một tâm hồn ổn định, trầm tỉnh, tự chủ và sáng suốt (Kinh Tăng Chi, chương 4 pháp).

Để hiện thực hóa những phạm trù trên, chúng ta cần có những nghiên cứu hoặc những điều tra xã hội học về thực trạng của thanh niên và những nhu cầu của thanh niên thời đại. Chúng ta không thể áp đặt những chuẩn mực đạo đức truyền thống một cách máy móc hoặc duy ý chí. Chúng ta chỉ thành công khi nào chúng ta có thể cống hiến những gì mà thanh niên đang cần chứ không phải những gì chúng ta đã có…

Quả thực, rất khó đối với những ngôi chùa bình thường, với những Tăng, Ni từ trước đến nay chỉ biết tu niệm, phải gánh thêm gánh nặng giáo dục thanh thiếu niên. Nhưng với một tổ chức của Giáo hội ở cấp cơ sở thì không phải là không khả thi. Chúng ta đã có kinh nghiệm qua những tổ chức giáo dục thanh thiếu niên như Gia Đình Phật Tử, trại hè, Trại Huấn luyện, các đạo tràng cũng thường quy tụ thanh thiếu niên tu học định kỳ… Vấn đề là, đề ra cách làm thích hợp tạo hành lang pháp lý, xây dựng đội ngũ nhân sự có khả năng và một kế hoạch hoạt động ngắn và dài hạn thật hợp lý, như vậy sẽ có kết quả tốt đẹp về lãnh vực hoằng pháp cho thanh thiếu niên, sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng xã hội an lạc và văn minh.

Sau đây là một số giải pháp cần thiết để tiếp cận và thu hút giới trẻ đến với đạo Phật.

1.- Để giới trẻ đến chùa, tìm tới Phật giáo thì Phật giáo phải giữ một vai trò thiết yếu không thể thiếu trong đời sống của giới trẻ. Muốn vậy, Phật giáo phải đáp ứng được các nhu cầu của giới trẻ. Mà muốn đáp ứng được các yêu cầu của giới trẻ thì phải hiểu rõ tâm tư tình cảm và nhu cầu của giới trẻ là gì?.

2.- Nhu cầu giới trẻ thay đổi tuỳ theo từng độ tuổi. Các nhà tâm lý học Liên Xô cũ đã nghiên cứu và kết luận rằng: “Ở mỗi giai đoạn lứa tuổi có một hoặc hai hoạt động chủ đạo giữ vai trò quyết định sự biến đổi tâm lý ở giai đoạn lứa tuổi đó”.

Chẳng hạn như vui chơi là hoạt động của trẻ em ở tuổi mầm non; học tập là hoạt động chủ đạo của tuổi học sinh; lao động, tìm tòi khám phá là hoạt động của thanh niên v.v...Khi nắm rõ tâm sinh lý và nhu cầu của giới trẻ rồi, bước tiếp theo chúng ta cần phải đưa ra nhiều loại hình sinh hoạt Phật giáo phong phú và đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi để từ từ hướng giới trẻ đến với Phật giáo.

Tương lai của đất nước nói chung, của đạo pháp nói riêng đều ở nơi thế hệ thanh niên. Bởi vì “Mỗi năm bắt đầu từ mua xuân. Cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của Nhân loại”. Hãy quan tâm giáo dục để thanh thiếu niên có phẩm chất tốt, có lý tưởng sống đẹp, có ý thức về giá trị văn hóa truyền thống và có khả năng xây dựng cho mình cuộc sống hạnh phúc. Hãy giúp cho thanh thiếu niên thấy được giá trị của chính mình và cống hiến giá trị ấy cho đời. Đó là cách làm cho nguyên khí của quốc gia hưng thịnh. Đó là giải pháp tích cực nhất để giáo hội Phật giáo chúng ta có thể thu hút giới trẻ đến với đạo Phật.

Trích tham luận của TT. Thích Nguyên Quang - Phó Phân ban hướng dẫn Cư sĩ Phật tử TW tại Hội thảo Hướng dẫn PT Tây và Đông Nam Bộ 2010

Theo: GHPGVN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch