Du lịch Tâm linh
Ấn Độ hồn nhiên
Thu Nguyệt
30/06/2011 02:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đất nước của những con người không tất tả bon chen. Nhu hòa tự tại là một trong những đặc điểm tính cách dân tộc, điều đó đã khiến Ấn Độ trở thành quốc gia hiếm hoi trên thế giới giành lại độc lập chủ quyền từ tay kẻ xâm lược bằng phương pháp bất bạo động.

Đất nước của những con người không tất tả bon chen. Nhu hòa tự tại là một trong những đặc điểm tính cách dân tộc, điều đó đã khiến Ấn Độ trở thành quốc gia hiếm hoi trên thế giới giành lại độc lập chủ quyền từ tay kẻ xâm lược bằng phương pháp bất bạo động. Gần gũi, hài hòa với thiên nhiên, không giết chóc sát sanh động vật bừa bãi là quan điểm sống của người Ấn. Đa số người dân ăn chay trường; nhìn gương mặt nào ta cũng thấy phảng phất một niềm tín ngưỡng…

Nụ cười Ấn Độ

Điều đầu tiên tuyệt vời thích thú nhất khi đến với với đất nước Ấn Độ là bạn sẽ dễ dàng nhận được nụ cười và ánh mắt thân thiện từ những người mà bạn gặp dọc dường. Dù bạn đang ngồi trên xe ô-tô, xe của bạn có thể tung bụi phủ mù lên người họ, nhưng chỉ cần bạn gởi đi một ánh mắt thân thiện, chắc chắc bạn sẽ được nhận lại một nụ cười, một cái vẫy tay, hay cái nhìn trìu mến rất hồn nhiên.

Người Ấn dễ mở lòng, dễ bỏ qua, nhu hòa và điềm tĩnh. Nếu có một cuộc va chạm giao thông nhẹ trên đường, họ sẽ không sửng cồ tranh cãi, phân thắng bại được thua, bực lắm thì chỉ làu bàu vài câu rồi đứng dậy tự lo giải quyết hậu quả. Nếu là người thuộc giai cấp cao, họ sẽ mắng người giai cấp thấp một câu, và người giai cấp thấp - dù không có lỗi gì - cũng  dịu dàng chịu nhận, rồi im lặng giải tán.

Ấn Độ còn tục phân biệt giai cấp khá nặng, nhưng họ nhi nhiên chấp nhận điều đó rất bình thản nhẹ nhàng. Một điều rất hay là dù có sự phân biệt giai cấp nhưng cách sống của họ lại không có sự phân biệt. Người giàu cũng ăn uống, sinh hoạt giản dị như người bình dân, khoảng cách nhu cầu hưởng thụ giữa họ không quá khác biệt.

Người Ấn không đề cao nhu cầu hưởng thụ. Bạn sẽ hiếm thấy những quán ăn, nhà hàng, bia rượu, quán karaoke hay các tiệm Net với những trò vui chơi giải trí lắm kiểu như ở ta. Ở Ấn Độ hầu như không có tệ nhậu nhẹt. Rượu có thể được bán sau 6 giờ chiều, ai muốn uống có thể mua về nhà âm thầm uống. Nam giới ít hút thuốc lá, thay vào đó là ăn trầu. Trầu được chế biến đóng gói sẵn trong những tếp nhỏ, (như kiểu bịch dầu gội đầu ở ta), treo bán khắp nơi. Đi đường, nhiều lúc ta sẽ thấy cảnh một anh chàng Ấn Độ dừng xe, móc trong túi ra một gói nho nhỏ như gói kẹo, xé và bỏ vào miệng nhai ngon lành, lát sau phun một phát nhẹ nhàng như phà khói thuốc.

Ở các trung tâm thành phố lớn, có thể có vài địa điểm ăn uống vui chơi nhưng chủ yếu là phục vụ cho du khách; người Ấn đa phần ít có nhu cầu ăn chơi dù họ có lối sống khá nhàn nhã, không tất bật với công việc. Quan điểm sống của người Ấn rất thiểu dục tri túc, không hối hả bon chen. Đời sống tinh thần chủ yếu dựa vào niềm tin tôn giáo. Nhu hòa tự tại là một trong những đặc điểm tính cách dân tộc, điều đó đã khiến Ấn Độ trở thành quốc gia hiếm hoi trên thế giới giành lại độc lập chủ quyền từ tay kẻ xâm lược bằng phương pháp bất bạo động.

Với số dân đông đứng nhì thế giới, tỉ lệ giữa nam và nữ cũng không chênh lệch quá xa nhưng nguồn lao động xã hội hầu như chỉ tập trung vào nam giới. Gần nửa tỉ người nữ Ấn Độ hầu như cả đời chỉ loanh quanh với công việc nhà và chăm sóc con cái. Trong các chợ búa, cửa hiệu, công sở… chỉ nhìn thấy bóng dáng người nam buôn bán, làm việc. Sa-ri của người phụ nữ Ấn Độ rất đẹp, hoa văn cầu kỳ, rực rỡ. Lạ một điều là bộ sa-ri phơi bày phần hông và bụng khá nhiều nhưng không gây cảm giác hở hang gợi cảm như những trang phục khác. Phụ nữ Ấn Độ ít cười, nét mặt thường thoáng vẻ buồn man mác…

Dấu ấn tôn giáo

Nhìn vào bất cứ gương mặt người Ấn nào ta cũng thấy phảng phất một niềm tín ngưỡng. Trẻ con được vẽ những quầng mắt đen sắc để bảo hộ, phụ nữ thì chấm dấu son giữa trán, vệt màu đỏ dọc đường ngôi trên tóc...  Hầu hết người Ấn đều theo một tôn giáo nào đó, ít ai không có tín ngưỡng. (80,5% theo đạo Hindu,  13,4% theo đạo Hồi, 2,3% theo Thiên chúa giáo, 1,9% theo đạo Sikh, 0,76% theo đạo Phật, 0,4% theo đạo Jai-na; số còn lại theo các tôn giáo khác.) Có lẽ một phần nhờ vào niềm tin tôn giáo mà Ấn Độ ít tệ nạn xã hội, ít trộm cắp, ít nhậu nhẹt, sa đà, xa hoa lêu lỏng… giữ được giềng mối đạo đức xã hội.

Người Ấn không cầu kỳ chú trọng hình thức về nhà cửa, xe cộ. Nhà cửa xây cất rất đơn giản. Các vùng nông thôn, nhà thường chỉ tô trát phía bên trong, bên ngoài cứ để tường gạch mộc. Rất nhiều nhà trong tình trạng xây dang dở, đủ ở là ngưng, không cần hoàn thiện. Ngay cả thủ đô Deli cũng ít có những ngôi nhà hoành tráng; việc làm đẹp cho “mặt tiền” nhà cửa chắc còn thua cỡ tỉnh lẻ nước ta.

Khu tưởng niệm thánh Mahatma Gandhi ở giữa thủ đô cũng được kiến trúc rất giản dị, khu vực chính chỉ là một cái bục thấp, trên dựng một trụ đèn nhỏ để thắp ngọn lửa bên trong. Khu tưởng niệm là cả một vùng  đất rộng mênh mông chỉ để trồng những bãi cỏ và cây cối tự nhiên. Người Ấn không chăm chút vào việc xây cất nhà cửa nhưng quan trọng việc xây cất đền đài. Những công trình liên quan đến tôn giáo được xây dựng công phu. Tại Delhi, ngôi đền Ấn giáo lớn nhất mới được xây dựng hoàn tất vào năm 2002 thật hoành tráng. Chiêm ngưỡng kiến trúc ngôi đền này khiến ta tin rằng nếu muốn, con người hiện đại có thể tạo ra những kỳ quan thế giới không kém người xưa.

Tại Agra, cách Delhi khoảng 200km có kỳ quan thế giới Taj Mahal, mệnh danh là “Lâu đài tình ái” lớn nhất hành tinh. Công trình được xây dựng trong 22 năm với kiến trúc tuyệt vời được tính toán chính xác đến từng cm (4 trụ cột quanh ngôi đền chính được xây nghiêng ra ngoài 1cm đề phòng động đất). Ngắm hai công trình này, thật nể phục bàn tay xây dựng của người Ấn Độ xưa và nay. Đương nhiên là không thể đưa ra để so sánh, đánh giá giữa một tác phẩm làm bằng tay với một tác phẩm được sản xuất ra từ máy dù là ở góc độ thẩm mỹ hay chuẩn mực nào.

Gần gũi, hài hòa với thiên nhiên, không giết chóc sát sanh động vật bừa bãi là quan điểm sống của người Ấn. Đa số người dân ăn chay trường. Thực phẩm ở chợ bày bán chủ yếu là các mặt hàng rau đậu ngũ cốc, rất ít thịt cá. Chợ thực phẩm ở Ấn Độ rất nhỏ lẻ, không có chợ lớn. Người Ấn ăn ít, ít ăn và khẩu phần ăn rất đơn giản. Khắp nơi trên đất Ấn, các loại gia súc chim muông sống rất yên bình. Bên bờ sông Hằng người ta còn cắm đầy cả những cây tre dùng cho chim đậu nghỉ chân. Xe taxi, hàng rào quanh các cơ quan nhà nước được sơn đồng bộ màu vàng và xanh mang ý nghĩa biểu tượng thân thiện bảo vệ môi trường.

Đương nhiên môi trường ở đây được hiểu là môi trường xanh, chớ còn khái niệm sạch thì đối với người Ấn lại thuộc về một hệ qui chiếu khác! Người Ấn sống hồn nhiên nên những hoạt động “vệ sinh cá nhân” của con người được phơi bày hết sức tự nhiên không cần che đậy. Việc “tiểu đường” khắp nơi là chuyện bình thường. Ở các làng quê, sáng sớm người dân ra “ị đồng” đông vui nhộn nhịp như họp tổ dân phố!

Ở các vùng nông thôn và thậm chí ngay ở phố thị, người ta sử dụng rất nhiều phân bò vào việc đun nấu. Phân bò được nhào nặn với rơm và đất bùn, vo lại thành từng bánh, rồi phơi lên nóc nhà hoặc dán lên các bờ tường. Ngay giữa thành phố thánh địa Varanasi – nơi được coi là một trong bốn điều mong ước của người Ấn giáo (1: Kính thờ thần Shiva; 2: Tắm và uống nước sông Hằng; 3: Kết bạn với thánh nhân; 4: Được cư trú ở thánh địa Varanasi) thì phân bò cũng được phơi dán rất nhiều trên các bờ tường ven đường phố một cách thoải mái hồn nhiên. Có lẽ đối với người Ấn, con ruồi và con bồ câu đều được họ nhìn với ánh mắt bình đẳng như nhau.

Niềm tin và tập tục bên sông Hằng

Người Ấn đa phần xem cái chết là một điều hết sức bình thường, đó chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp trong vòng luân hồi, tái sinh, giải thoát. Do đó, không có sự khóc than thương tiếc hay tổ chức tống táng long trọng. Chỉ vài giờ sau khi qua đời, người chết được quấn bằng những lớp vải, để lên chiếc cáng làm bằng hai thanh tre, khiêng đến bờ sông gần nhất, hỏa thiêu rồi đẩy tro cốt xuống sông là xong. Rất gọn gàng đơn giản. Việc hỏa thiêu rất sơ sài nên xác người chưa cháy hết là chuyện bình thường, người ta vẫn đẩy cái xác ấy xuống sông.

Sông Hằng là địa điểm mà hầu hết người Ấn giáo nào cũng mong muốn khi chết được thiêu và rải tro cốt xuống dòng thiêng ấy.  Sông Hằng ở đoạn thánh địa Varanasi là nơi được cho là rất linh thiêng nên điểm thiêu xác tại đây tập trung số lượng rất đông, ngày cao điểm có thể đến hàng trăm xác. Xác người mang đến được đặt rải rác bên bờ sông chờ đến lượt. Bãi thiêu xác lộ thiên, chó, bò, dê… thoải mái đi lại rảo quanh, quạ từng đàn bay lượn đậu lên những cái xác rất bình thường.

Người Ấn chỉ xây nhà bên bờ phía Tây sông Hằng, bờ Đông với những bãi cát tít tắp (nơi phát nguồn câu thành ngữ “Hằng hà sa số”) được để trống cho người ta chiêm bái khi mặt trời lên. Lễ hội sông Hằng diễn ra hằng đêm, người ta cúng lễ hai vị thần là thần Shiva và Nữ thần Sông Hằng. Hình ảnh hai vị thần được khắc vẽ trên hai trụ cột màu hồng rất lớn bên bờ sông. (Tượng Bà Chúa Xứ ở ta có vẻ mặt và hình thể rất giống hình vẽ Nữ thần Sông Hằng). Niềm tin, tập tục tắm và uống nước sông Hằng để rửa sạch tội lỗi và giải thoát khỏi vòng luân hồi của người theo đạo Hindu vẫn được duy trì bất kể sự ô nhiễm ngày càng kinh khủng của nước sông Hằng. Rất nhiều ý kiến không đồng thuận với sự bất ổn trong tập tục này. “Nước dù sạch đến đâu cũng không thể rửa sạch tội lỗi ở trong tâm. Muốn thanh lọc tâm phải thay đổi hành động, muốn thay đổi hành động phải điều chỉnh nhận thức…” - Tiến sĩ Triết học ở Ấn Độ, Thầy Nhật Từ nói trong một bài phát biểu về việc tắm và uống nước sông Hằng trong tình trạng ô nhiễm mất vệ sinh kinh hoàng hiện nay.

Niềm tin tôn giáo lâu đời sẽ ăn sâu và trở thành tập tục văn hóa; tập tục văn hóa là một bộ phận cấu thành bản sắc dân tộc. Người Ấn rất kiên định trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, đó là điều rất hay. Nhưng có những niềm tin và tập tục cần được hiểu đúng và điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Thái độ bình tĩnh nhẹ nhàng trước cái chết của người Ấn là hay, tập tục thiêu xác là tốt, nhưng thay vì cứ thiêu lộ thiên gây phản cảm rùng rợn và mất vệ sinh, người Ấn có thể chọn phương pháp thiêu xác kỹ lưỡng trong các lò thiêu.

Lễ hội sông Hằng rất đặc trưng, độc đáo, nhưng giá như người Ấn có thể thay cách tắm và uống nước sông Hằng bằng việc đến trước dòng sông xinh đẹp kỳ vĩ này để chiêm bái, tạo sự thư thản cho tâm hồn thay vì phải nhảy ùm xuống sông ngụp lặn làm ô nhiễm nó rồi uống vào cơ thể dòng nước mất vệ sinh ấy. Tất cả mọi việc trên đời đều có thể hoàn mỹ, tốt hơn nếu con người biết sáng suốt lựa chọn, thanh lọc và phát triển đúng. Nhưng thế nào là đúng? Nếu có được chỉ duy nhất một câu trả lời thì thế giới này ắt đã không như chúng ta đang sống hiện nay.

Và nếu các dân tộc trên thế giới đều có đức tính nhu hòa, điềm tĩnh, thân thiện, nhân hậu và biết sống hài hòa với thiên nhiên, gìn giữ môi trường thì cuộc sống con người trên hành tinh xinh đẹp này của chúng ta sẽ tốt biết bao!

Theo: Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay số 7

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch