Kiến trúc - Nghệ thuật
Từ làng Gọc đến làng Chuông: BỤT TỪ DƯỚI ĐẤT HIỆN LÊN
05/04/2010 22:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ làng Gọc đến làng Chuông:
BỤT TỪ DƯỚI ĐẤT HIỆN LÊN 

20 pho tượng cổ đã được tìm thấy ở một con ngòi cũ thuộc làng Gọc (xã Kiến Thiết, Ninh Giang, Hải Dương). Cách đó một quãng đồng, tại làng Chuông (xã Tân Phong), một hầm tượng cổ khác, đếm sơ sơ được tới 45 pho, cũng vừa được phát hiện ...

Nhưng những cổ vật có niên đại 200-300 năm này, hoặc đang được tu sửa theo cách của những người thợ dân gian như ở làng Gọc, hoặc để yên một đống lấm lem bùn đất chẳng biết phải xử lý như thế nào ở làng Chuông mà chưa có một sự khảo sát nào của ngành văn hóa.

* Đào lên để cho mục nát!
 
Bà sãi chùa Trên, nơi quy tập 45 ông bụt (ảnh trên), đang băm bèo cho lợn thì nghe tin có khách muốn vào thắp nhang cho các ngài. Bà tất tưởi chạy ra, trên lưng vẫn cõng đứa cháu nhỏ. Vừa mở khóa cửa chùa, bà vừa kể lể: "Vực các ngài dậy có đến cả tháng trời rồi chứ chả ít, mà quần áo các ngài hãy còn lấm lem, chưa rửa ráy được. Ngài Đức ông, hồi mới dậy, cặp long nhãn (mắt) còn long lanh như mắt người; bây giờ rơi đâu mất rồi".

Câu chuyện làng Chuông khoan giếng dính hầm tượng nghe cứ như đùa. Kỳ thực mà nói gia đình bà Đoàn Thị Lựu khi làm cái bể chứa nước mưa ở đầu nhà cũng loáng thoáng rằng dưới nền đất nhà bà là một cái kho tượng cổ, vốn thuộc chùa Lắng của thôn (dân làng bảo thế). Bấy nay sinh sống trên đầu các ngài, bà vẫn có ý tránh không đụng đến chỗ đất ngự đó. Lần này bà khoan giếng cũng là khoan xa xa ra. Chẳng biết làm sao mà mũi khoan lại thụp luôn vào thân thể của các ngài (chắc là phần phạm vào cũng đã mục từ đời nảo đời nào rồi). Thế là dân làng bàn nhau mang cuốc đến bới. Ối chao, cuốc được một lỗ vừa đủ trồng chuối thì thấy một ông bụt hiện lên, 45 ông phật xếp thành từng lớp phía dưới, vị nào vị nấy vẫn trang nghiêm như lúc ngồi trên chùa. Tất nhiên là từ chân tay, đến tòa sen, đế ngồi của nhiều vị đã mủn nát, hoặc đứt rời khỏi mình... Sau khi đào lên, bà chủ nhà chả hiểu thế nào lại đem "biếu" mất một pho tượng cho một người ở Thanh Miện.

Cánh cửa chùa Trên vừa mở ra. Tôi giật mình sửng sốt, cơ man nào là các tượng to nhỏ, lớn bé, đứng, ngồi la liệt dưới nền chùa tối om om. Từ đầu đến chân pho nào cũng lấm lem bùn đất, nay bùn đã khô đi tạo nên những mảng lấm tấm chỗ trắng, chỗ đen: có pho mất đầu chỉ còn hai tay chắp lại giữa khoảng không. Pho khác đầu long ra được buộc lại bằng một sợi dây gai. Pho nữa ngài ngồi khoanh chân bệt luôn xuống đất vì mất đế... Chính quyền xã cho biết đã báo cáo việc này lên phòng văn hóa. Phòng bảo bà con hãy tự tu bổ mà dùng, từ đấy không thấy ai bảo thêm gì nữa...

Chưa có bất cứ một sự khảo sát nào về chuyên môn, cho dù giá trị của kho tượng cổ này đã làm kinh ngạc cả những người thợ bình thường. Chỉ cần lưu ý một tý, mọi người đã tìm ra trên lưng của các pho đều yểm rất nhiều tiền cổ, toàn là tiền từ đời nảo đời nào, lại có cả tiền thời Gia Long. Nghĩa là ít ra những pho tượng này cũng đã có niên đại từ 200 năm trở lên... Những người già trong thôn lần lượt kéo đến đứng sau chúng tôi, âm thầm chờ đợi và thành kính như những cái bóng. Một người kể, có anh Nguyễn Đức Nhuận là thợ tạc tượng, tô sơn làng Tam Lương, Gia Lộc đã đến đây thăm. Anh ấy khám cho Đức Ông (pho tượng có khuôn mặt tả thực, đường nét dữ dội) rồi bảo: Đức Ông tuy to nhưng mục rồi, chỉ có bốn pho là tu sửa lại được. Người làng có một ông làm sư ở chùa Phúc Mại (Nhật Tân, Gia Lộc) hay tin về xem và dặn lại dân làng tới đây sẽ cho người về làm lễ mộc dục (tắm rửa) cho, giờ vẫn chưa thấy về...

* Từ làng Chuông đến làng Gọc: Bụt dưới đất còn nhiều...

Nơi đào được hầm 45 pho tượng cổ vốn là nền chùa Lắng xưa đã bị hư hại từ lâu. Vào khoảng đầu những năm 1980 thì hạ thổ khoảng 100 pho tượng chia thành hai hố. Người làng cho biết, ngoài hố vừa bị khoan dính, hố thứ hai nằm cạnh bờ ao, chôn phần nhiều là tượng loại hai, tức là tượng đã mối mọt, hỏng, gãy. Giờ đây nơi hạ thổ này còn phủ đầy cây cỏ. Quả tình 45 pho đào lên vừa rồi đã khiến cho người dân và chính quyền địa phương lo đứng lo ngồi, nên họ không có ý định tiếp tục khai quật thêm nữa.

Lại kể về chuyện nửa tháng qua, thiên hạ đã xôn xao về làng Gọc, làng Chuông. Hai cái làng cách nhau có một quãng đường đồng, mà thi nhau đào được hầm tượng cổ. Từ làng Chuông, chúng tôi sang làng Gọc. Như một số báo phản ánh, 20 pho tượng đã được tìm thấy hơn nửa tháng nay khi người dân đào một con ngòi cũ, trước cửa chùa Hồng Quang Tự (đã bị hủy hoại vào đầu những năm 1970). Ông Tâm năm nay vừa tròn 80 tuổi ở thôn Bồng Lai cạnh đó, mấy mươi năm trước vốn là chú tiểu của chùa, sau lên đến bậc sư thầy thì về nghỉ vì chùa không còn nữa ông bảo: "Ngôi chùa có bốn hàng cột, đầy đủ các chư vị Phật, với bảy bậc tượng thờ"... Tôi giật mình: Khoảng 40 pho đặt xuống đâu đó quanh khu vực này, mà bây giờ mới chỉ thấy một nửa...
Ông Bùi Văn Nhạn (trưởng thôn), cùng mối lo với tôi ông chỉ vào hố đất thiêng, nơi vừa vực các ngài lên, bảo đã tìm rộng ra xung quanh tới 1m mà không tìm được gì hơn nữa. Các cụ bảo chớ lấp vội, bao giờ thư thả thì lại cho người đào tiếp...Tượng Đức Ông, hai pho Di Đà, hai pho Quan Âm, hai pho Thánh, Phật Bà 36 tay bằng gỗ mà cụ nào cũng nhớ bây giờ không thể nào tìm thấy. Hai ông Hộ Pháp cũng mất tăm...

* Thiếu gì chắp nấy

Khác với làng Chuông, làng Gọc tìm được tượng thì chẳng khác vớ được vàng, vì từ đầu năm nay, làng đã góp được hơn 50 triệu để xây chùa. Vừa đào lên họ đã gấp rút đưa vào tu sửa, tới nay đã được hơn nửa tháng (ảnh bên). Tất nhiên, thợ họ đục đẽo, sơn thếp thế nào, ngành văn hóa hoàn toàn không hề biết.

Điều mà tôi thực sự lo ngại là có quá nhiều pho tượng phải làm lại cả chân, tay, đầu, và nhiều mảng khác đã bị mủn nát. Nhưng việc phục chế này lại dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm của những người thợ dân gian. Và cho dù tôi không chút nghi ngờ gì nhiệt tâm của các bác thợ này, nhưng không ai dám bảo đảm rằng họ đã tìm được đúng dáng vẻ xưa của pho tượng, đặc biệt là sự thống nhất về phong cách (tượng làng Gọc thuộc thời Hậu Lê). Nói tóm lại, xương thịt, mũ áo đắp thêm cho các ngài chỉ là giả tưởng vậy thôi, chứ muốn đưa ra một luận cứ khoa học nào thì ngành văn hóa phải vào cuộc.

Một bác nông dân khoảng năm chục tuổi ngồi bên cạnh đỡ lấy pho tượng đang làm dở từ tay ông thợ, rồi chợt kêu lên nửa đùa nửa thật: "Ối trời, ngài toát mồ hôi dầm dề ra đây này". Thì ra các pho tượng gỗ mít còn chưa ráo hết nước. Biết vậy, nhưng các cụ trong làng cứ thúc thợ phải làm ngay cho kịp ngày khánh thành chùa (6-4 âm lịch), cũng không cho thợ đem tượng ra phơi nắng vì "kiêng". Như thế có nghĩa là sau 30 năm ở dưới đất, các tượng cứ thế đưa vào tu bổ mà không trải qua các công đoạn xử lý gì. Đem chuyện này kể lại với các chuyên gia bảo tàng, ai cũng lắc đầu lè lưỡi... Nhưng ngành văn hóa đã vào cuộc đâu, mà các cụ làm được như thế đã là tốt lắm rồi.

NGUYỄN MỸ 
(Báo Thể thao và Văn hóa)
 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch