Kiến trúc - Nghệ thuật
Bức thư pháp 'Chiếu dời đô' để đời
20/03/2010 01:58 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Gặp nhau trong Câu lạc bộ Thư hoạ Thăng Long, đam mê thư pháp, đồng tâm mong làm điều gì đó hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, những nhà thư pháp Hà Thành đã quyết định tái hiện Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) của vua Lý Công Uẩn thành một công trình văn hoá để đời.

Hoài cổ đắc nhân tâm

Thư gác của ông Nguyễn Văn Bách, thành viên Câu lạc bộ Thư họa Thăng Long, nằm trong ngõ nhỏ thuộc phố Tràng Tiền (Hà Nội), có rất nhiều sách cổ, giấy và bút lông. Tại đây, thức dậy là ông luyện tay bằng bút, thư giãn cái đầu và chăm sóc trái tim bằng hứng thú văn chương cổ. Tuổi ngoài 80, ông viết thư pháp với nỗi niềm của một người  ưa hoài cổ.

Chữ của ông không ít người xin. Người đương chức thì thích “Quang minh, chính đại”. Người mê chơi chữ như một thú vui tao nhã thì xin cho những Tâm, Trí, Lễ, Nghĩa, Tín… hoặc đặt ông thảo luôn một thi phẩm nức tiếng từ cổ kim, đôi câu đối để trang trí trong nhà. Ông viết nhanh, và bộc bạch: “Cho chữ, tôi thích nhất là người có thái độ lễ phép với câu chữ của cha ông”.

Ông Nguyễn Văn Bách, người viết thư pháp cho Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn.

Chữ của “vị trưởng lão này” từng có mặt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ở nhiều cổ tự trong và ngoài địa bàn Hà Nội và đền Hùng trên đất Tổ (Phú Thọ)…Cách đây 20 năm (1980), ông đã viết thành công 1.351 chữ của Bình Ngô Đại cáo (Nguyễn Trãi) nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh Ức Trai “tâm thượng quang khuê tảo”. Nay, với tinh thần cá nhân “hào hứng toàn bộ, không nhất thời”, ông đã thảo đẹp 218 chữ trong Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn. Ông tâm sự: “Từ áng thiên cổ hùng văn đến Thiên đô chiếu, tôi viết với suy tư về sự hiện sinh lịch sử, lòng tự hào dân tộc, cảm khái trước tài thơ phú văn chương của cổ nhân đất Việt”.

Là người tạo tác cho linh hồn của bức thư pháp lịch sử, ông Bách đã cầm bút theo nguồn mạch của thể văn biền ngẫu  của tác phẩm. Đã có lúc, ông ốm nhưng rồi gượng dậy, tiếp tục sống vui với chữ của Thiên đô chiếu.

Cuộc "trùng phùng" ý tưởng

Nguyên bản của Chiếu dời đô khi trình bày thư pháp được lấy trong Đại Việt sử ký toàn thư. “Khi 218 chữ đã được ông Bách đưa đúng vào phép tắc để xứng là thư pháp thì chúng tôi mới trực tiếp gò đồng để mạ vàng từng chữ”, ông Nguyễn Thế Long, thành viên của Câu lạc bộ của Thư hoạ Thăng Long cho biết.

Ông Nguyễn Thế Long bên ảnh mô hình dự kiến của bức thư pháp Chiếu dời đô.

Bàn tay người nghệ nhân thuộc Hiệp hội các làng nghề Việt Nam này đã đem kỹ thuật của làng gò đồng Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh) để trau chuốt, làm thăng hoa tác phẩm. Trong cuộc “trùng phùng” ý tưởng làm thư pháp cho Thiên đô chiếu, ông Long nói: “Tôi là một người say cái thế chữ uyển chuyển và chính xác của cụ Bách. Trong Thiên đô chiếu, tôi hoà nhập nhanh vào cái tinh thông phép tắc trên từng nét thư pháp”. Một người say chữ một người, vì thế Chiếu dời đô thực sự là một khối cộng hưởng về mặt trình bày ý tưởng.

Hoàn thành bức thư pháp khổ lớn này còn có sự góp công của một nhà điêu khắc tham gia thiết kế khung. Để có một khung gỗ chịu lực tốt, bền vững với thời gian, những người “chịu chơi” với Thiên đô chiếu đã chọn gỗ hương với đặc tính chắc, bền và đẹp để làm. Thêm nữa, loài gỗ quý của thiên nhiên nhiệt đới này còn gắn với tích xưa vua Quang Trung được thần núi báo mộng đẹp: trong núi có gỗ hương, lấy về mà làm vũ khí để đánh giặc giữ nước...

Vẻ đẹp của bức thư pháp không chỉ có ở thế chữ, chất liệu làm chữ mà còn thể hiện cách nghĩ của thời hội nhập. Đi kèm với nguyên bản còn có sự hiện diện của một bản phiên âm (đọc theo) chữ quốc ngữ, một bản dịch bằng Tiếng Việt, một bản dịch bằng Tiếng Anh. Một sự tiết lộ ấn tượng là: rất có thể Thiên đô chiếu sẽ được rước từ đất cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) ra kinh đô Thăng Long (Hà Nội) trong dịp đại lễ.

Hạnh Minh(Đất Việt)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch