Vừa qua, chị tiếp tục phát hành DVD Trường ca Phật Hoàng
Trần Nhân Tông (hay Sơ tổ Trúc Lâm) nói về hai quãng đời của Sơ tổ Trúc
Lâm Yên Tử. TS.NSƯT Bạch Tuyết đã trò chuyện cùng chúng tôi.
Lấy đề tài Phật giáo vốn rất quen thuộc với mỗi người dân Việt
Nam, để khai thác thành những chương trình DVD nhạc dân tộc, tại sao chị
lại có ý tưởng độc đáo như vậy?
Thực ra tôi không chuyển thể Kinh Phật thành một tích truyện cải
lương mà trung thành với nguyên tác của Kinh luận, khai thác dòng âm
nhạc dân tộc, trong đó nghệ thuật ca kịch Cải lương làm chủ đạo.
Ý tưởng dùng nghệ thuật để hoằng pháp thật ra cũng không hẳn là mới.
Bản thân tôi là một nghệ sĩ dân tộc, Đạo Phật là Đạo của dân tộc, trên
điểm giao nhau ấy, tôi chỉ xin được làm người kết nối.
Vâng, ý tưởng đã là khó, nhưng để biến ý tưởng thành hiện thực
cũng không hề dễ, hẳn chị đã rất dày công nghiên cứu về Phật, về Phật
hoàng để hoàn thành công trình này?
Nghĩ cũng lạ, từ nhỏ, tôi hát Thánh ca, vì mẹ tôi là người theo Đạo
Thiên chúa. Tuổi thơ của tôi là theo bà nội đi chùa. Khi sự nghiệp đạt
đến đỉnh cao, để tạo sự thăng bằng cho mình, tôi đã gặp được ánh sáng
của triết học Phật giáo. Tôi không xem đó là tín ngưỡng mà là triết học
của đời mình.
Những lần trước thấy có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nhưng lần
này chỉ duy nhất mình chị độc diễn, tại sao lại như vậy?
Vấn đề không hẳn chỉ là một hay nhiều người bởi đây không phải vở
tuồng với sự phân vai theo lớp lang, nhân vật. Tôi "độc ca - độc diễn"
bởi tôi chọn cách xử lý từ "dòng chảy" của tâm thức đến sự suy nghiệm
của ý thức và dẫn đến đỉnh cao là hành động. Tôi không có tham vọng
khuyên dạy ai mà tôi chỉ đang ca, đang hát, đang nói lên những mạch ngầm
suy nghĩ vốn tồn tại trong mỗi người.
Tại sao chị lại chọn đề tài Phật Hoàng Trần Nhân Tông để thực
hiện?
Ngài là Anh hùng dân tộc, là người xác lập tư tưởng và phương pháp
của Hệ Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử, nói theo ngôn ngữ ngày nay là "made
in Vietnam". Cuộc đời của Ngài, sự nghiệp cứu nước và dựng nước, sự
nghiệp hoằng pháp của ngài là cả một kho tàng sống động của văn hoá Việt
Nam. Tôi là một nghệ sĩ dân tộc, tôi vẫy vùng, tôi tắm mình trong dòng
chảy ấy, lẽ nào tôi lại vô tâm!
Hẳn khâu thực hiện cũng rất công phu, chị hãy bắt đầu từ phòng
thu đi?
Tôi "vỡ hoang" tác phẩm gốc với 6 tháng ngồi trên máy vi tính, vừa gõ
vừa lẩm nhẩm ca trong quá trình chuyển thể. Tôi cùng một nhạc sĩ xướng
âm và ký âm phần nhạc cho những bài Hội- chủ yếu là nhạc cổ mang âm
hưởng dân gian phía Bắc. Tôi kết nối, xử lý và tạo thành một bản tổng
phổ. Ban đầu, cũng mời một số giọng ca trẻ thể hiện nhưng rồi đành phải
xin lỗi họ vì các bản thu chưa làm tôi an tâm.
Và chắn chắn khâu quay hình còn công phu hơn rất nhiều, chị có
thể chia sẻ?
Nếu Kinh Kim Cương mở rộng sang Miến Điện, Ấn Độ thì Sơ tổ Trúc Lâm
lại hoàn toàn trong bối cảnh ở Việt Nam. Tôi chọn 3 trục quay: Trúc Lâm
Yên Tử, Đà Lạt Phượng Hoàng, Cụm Trúc Lâm Long Thành. Những chuyến quay
Bắc Nam, với số lượng trên dưới 20 người, máy móc… quả là không dễ dàng
và nhẹ gánh chút nào. Vấn đề là hiệu quả nghệ thuật đã phần nào làm tôi
hài lòng.
Xin hỏi chị một câu thật tế nhị, để thực hiện dự án đồ sộ như vậy
hẳn sẽ phải mất rất nhiều công sức cũng như tiền bạc, công sức thì chị
đã vừa tâm sự, vậy còn nguồn kinh phí thì như thế nào, thưa chị?
Tôi chủ động tất cả. Dĩ nhiên, tôi cũng phải gói gém để chu tất mọi
khâu mà không phải quá chật vật nhưng cũng không hẳn là… phóng tay.
Những người bạn của tôi trong nhóm từ thiện "Bạch Tuyết và những người
bạn" cũng đã thật sự chung sức chung lòng ủng hộ, động viên tôi rất
nhiều trong quá trình thực hiện.
Là một nghệ sĩ nổi tiếng, lại ở dòng nhạc truyền thống, hẳn trong
mỗi dịp Tết đến, xuân về như thế này chị rất bận rộn với các show diễn?
Tôi có lịch biểu diễn nhưng không hề bận rộn. Tôi hát vì tôi thích và
vì còn… hơi, còn giọng, còn chút ít sắc vóc, đặc biệt là còn có một tấm
lòng của khán giả.
Nhưng dường như những bận rộn của nghề nghiệp, những hào quang
của sân khấu không lấp nổi sự trống trải, vốn như là một thuộc tính sẵn
có trong tâm hồn người nghệ sĩ, sau mỗi đêm diễn trở về nhà chị thường ở
tâm trạng như thế nào?
Sự hào quang - trống trải, sự đầy - vơi… là những cung bậc của cuộc
sống, nó là hai trong một, tôi không nhận thấy có sự tách bạch hay khác
biệt nên tôi không có cảm giác phải… san bằng. Sau mỗi đêm hát, tôi trở
về nhà, tẩy trang, tắm rửa, đọc sách, xem phim và ngủ.
Nói về người nghệ sĩ, hình như người ta thích dùng cụm từ cô độc.
Thật ra, không riêng gì nghệ sĩ mà bản thân mỗi con người đều cưu mang
sự cô độc trong mình. Có người nhận ra, thậm chí còn… "đánh bóng" nó
lên, có người hờ hững chẳng mấy quan tâm…
Tôi thích sự cô độc bởi điều đó chỉ đến sau một khoảng dài hạn đã ồn
ào lắm, lao xao lắm, cho nên cái khoảng dừng ấy là cần thiết để bạn
thanh lọc chính mình.
Tôi không hình dung nổi một con người sống không có cô độc. Hẳn họ
sẽ… mỏi lắm. Tôi chỉ quan tâm một điều là, trong cảm giác một mình ấy,
bạn làm được điều gì cho chính mình và cho cái "muôn người".
Ở đâu tôi sống có ích cho mọi người là nơi đó tôi cảm giác sự hiện
diện của mình thật rõ; mà sự hiện diện không hẳn cứ là số lượng, đôi khi
chỉ một mình mà ý nghĩa vô cùng. Nghề hát, bạn xuất hiện trước đám
đông.
Chính công chúng làm nên tên tuổi bạn. Nhưng cái khoảnh khắc sáng tạo
để đẩy đến đỉnh điểm thì bạn chỉ có một mình. Do đó, cái tưởng chừng
như cô độc ấy - Một mình ấy lại hoá ra là muôn người.
Cảm ơn chị, chúc chị luôn tràn đầy sức xuân!