Mùa xuân là mùa đầu tiên trong năm, mùa khởi
đầu cho muôn loài thay da đổi thịt, cây cối đều đâm chồi nảy lộc, vạn vật đổi
thay, tràn trề sức sống mãnh liệt. Con người vì thế háo hức đón chào mùa xuân,
cũng là đón mừng mùa xuân Di Lặc, với niềm tin Đức Di Lặc thị hiện ở đời với
những điều tốt lành sẽ đến với mọi người, mọi nhà.
Kinh Di
Lặc Thượng sinh, kinh Di lặc hạ sinh thì cho rằng Ngài xuất thân
trong một gia đình Bà la môn, sau làm đệ tử Phật, nhập diệt trước Phật, dùng
thân Bồ tát trụ ở cõi trời Đâu Suất thuyết pháp giáo hóa các vị trời cõi này.
Theo truyền thuyết, Bồ tát vì muốn giáo hóa chúng sinh, nên không ăn thịt từ
lúc mới phát tâm; do nhân duyên ấy mà Ngài có tên là Từ Thị. Bản kinh Đại
Nhật Sớ (1), Bồ tát Từ Thị ấy lấy chữ Từ trong Tứ vô lượng
tâm của Phật làm đầu. Lòng từ đó sinh ra từ chủng tính Như Lai, khiến hết thảy
chúng sinh trong thế gian này không mất hết Phật tính. Và Đức Thế Tôn từng thọ
ký rằng hết thời kỳ tuổi thọ con người là 4.000 tuổi, ước vào khoảng 57 tỷ 60 triệu
năm nữa, lúc ấy Bồ tát hạ sinh xuống cõi này thành Phật dưới cội Long Hoa, chia
làm 3 hội thuyết pháp. Do ý nghĩa Ngài thay Phật thuyết giáo nên gọi Bồ tát là
Nhất sinh Bổ xứ, Bồ tát Bổ xứ, Bổ xứ tát đỏa. Khi Ngài thành Phật thì gọi là Di
Lặc Như Lai, Phật Di Lặc.
Theo như
ý nghĩa nói trên, chân dung của Ngài, phần lớn được các chùa thờ phụng bằng
hình ảnh Di Lặc miệng cười tươi, bụng phơi ra; có khi còn có lục tặc hài nhi
đeo quanh mà vẫn thản nhiên, tự tại vô cùng. Thế nên, Phật tử chúng ta có tâm
lý yêu thích chiêm ngưỡng Ngài, nhất là vào những ngày đầu xuân trong ý nghĩa
“tống cựu nghinh tân”, xóa bỏ những điều xấu xa, không may mắn trong năm cũ, nỗ
lực hành thiện để đón chào năm mới với bao điều tốt đẹp.
Hình
tượng Đức Phật Di Lặc hiện hữu với nụ cười trên môi, dáng vẻ hiền hòa khiến ai
nhìn vào cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng, hiền thiện và hoan hỷ hơn bao giờ hết.
Ngày đầu tiên của năm mới mà có được cảm nhận hân hoan, hiền thiện của chất
liệu từ bi hỷ xả như thế thì không gì phúc lạc bằng, không gì ấn tượng hơn đối
với niềm tin vào Tam bảo, đối với niềm tin lẽ sống của người biết sống đạo.
Huống chi, bản chất người học đạo vốn là những người biết hướng tâm sống theo
nếp sống hiền thiện, chân chất, tùy hỷ với mọi người, yêu thích mọi loài, đầu
năm lên chùa lễ Phật, hướng nghĩ về Ngài, phẩm tính Phật Di Lặc “Từ thị” trong
mình lại càng dễ hiển lộ ra bên ngoài. Do vậy, tâm tính chúng ta lại càng vui
hơn, hạnh phúc nhiều hơn khi tiếp xúc với mọi người trong giờ phút hiện tại,
bây giờ và tại đây.
Rõ ràng,
mỗi khi con người sống với tâm hiền thiện, có chánh tín vào nếp sống đạo, có hỷ
lạc trong việc thực hành pháp thiện, từ bỏ pháp ác, thì đây chính là niềm tin
trong một tương lai gần Đức Di Lặc sẽ thị hiện. Chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
đã từng xác tín rằng chính nếp sống hiền thiện, hướng thiện của người học đạo,
hành đạo, chứng đạo là cơ sở, là nền tảng đón chào Ngài ra đời trên thế gian
này.
Bản kinh
Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkavatti-sìhanàda-suttanta),
Trường Bộ 1 cho rằng nhân duyên Đức Phật Di Lặc thị hiện hoàn toàn khác
với Đức Thích Ca Mâu Ni đản sinh ra giữa ở cõi đời ô trược, với với một tâm địa
vô cùng phức tạp, tham ái nặng nề. Trong khi đó, Đức Phật Di Lặc chỉ thị hiện
vào lúc con người có một đời sống đạo đức hướng thượng, con người biết kết nối
yêu thương, sống chân thật, hoan hỷ với nhau chứa chan tình người. Như vậy, sự
hiện thân của Đức Phật Di Lặc là biểu trưng cho một nếp sống đạo đức hướng
thiện, thuần tịnh, mà đỉnh cao là hướng tâm giải thoát.
Nói một
cách dễ hiểu, bất cứ ai được sinh ra, lớn lên, trưởng thành đều mong cầu được
sống hạnh phúc, đầy đủ vật chất, sức khỏe dồi dào, sống lâu trường thọ, và trí
tuệ minh mẫn. Quan trọng hơn là người đó cần thể hiện một đời sống tâm linh
thánh thiện, giàu chất liệu yêu thương được thể hiện qua tinh thần từ bi hỷ xả
trong đời sống thường nhật. Do đó mỗi khi người Phật tử háo hức đón chào xuân
Di Lặc, mong cầu Phật Di Lặc đản sinh có nghĩa trong tâm thức họ ước nguyện
sống thiện lành, từ bỏ ác pháp, thực hành Chánh pháp trong niềm hỷ lạc vô biên.
Đây
chính là điểm cốt lõi của bản kinh này, cũng là thâm ý của chư Phật muốn khuyến
cáo người Phật tử đón xuân, mừng xuân và căn bản nhất là sống với “mùa xuân
thường tại” quanh năm suốt tháng, khi tâm thức thuần tịnh, không nhiễm ô, tuổi
thọ sẽ dài ra. Ngược lại con người sẽ khổ đau khi rong ruổi theo mùa xuân vật
lý với sự mong chờ được hưởng thụ và đắm say dục lạc thế gian, tràn đầy tham
ái. Tuổi thọ con người sẽ giảm đi, hẳn nhiên khổ đau và đọa lạc sẽ ập đến.
Phật
dạy, con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp. Do đó con
người tự quyết định đời sống hạnh phúc hay khổ đau của chính mình. Một người
thân cứ làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ về điều ác thì cấp độ khổ đau theo đó
sẽ gia tăng mãi, đồng nghĩa tuổi thọ đi xuống điểm tận cùng. Chỉ khi nào con
người nhận chân sự nguy hại của một đời sống bất thiện, và khởi tâm sống với
điều thiện, hiếu kính với Sa môn, tôn trọng bậc trưởng thượng trong gia đình,
thực hành chánh pháp thì sự nguy cơ khổ đau sẽ được giảm thiểu và tuổi thọ bắt
đầu tăng trưởng trở lại:
“Này
các Tỳ kheo, đến một thời kỳ, do nhân làm ác hạnh, tuổi thọ loài người chỉ có
mười tuổi,… rồi các loài hữu tình suy nghĩ vì chúng taọ nhân bất thiện nên bà
con ta giết hại nhau như vậy. Chúng ta hãy làm các điều thiện. Do hành thiện
nên được tuổi thọ được tăng thịnh, sắc đẹp tăng trưởng. Vì tuổi thọ được tăng
thịnh, sắc đẹp tăng trưởng nên tuổi thọ loài người chỉ 10 tuổi nhưng con của họ
sẽ thọ đến 20 tuổi. Rồi suy nghĩ vậy chúng ta làm việc thiện nhiều hơn nữa, sống
đúng 10 thiện pháp, hiếu kính với mẹ cha, lễ lạy các vị Sa môn, Bà la môn, cung
kính các vị cầm đầu trong gia đình… con cái họ sẽ lên đến 40 tuổi, 80 tuổi… cho
đến khi tuổi thọ loài người lên đến bốn vạn tuổi và các người con lên đến tám
vạn tuổi…
Nhờ nỗ
lực sống hiền thiện, lại được xác tín bởi niềm tin bất động đối với Tam bảo,
kết quả sắc đẹp, tuổi thọ kéo dài cho đến khi nào mọi người trở nên hiền hòa,
an lạc, gia đình hạnh phúc, xứ sở phồn vinh, thế giới hòa bình thực sự… Bấy giờ
tuổi thọ của con người có thể lên đến 8 vạn tuổi, vua Chuyển luân Thánh vương
sẽ xuất hiện, dùng Chánh pháp để an dân, khiến cho cả thế gian này thái bình,
thịnh trị vững bền. Chính thời điểm này, Đức Phật Di Lặc cũng ra đời và chuyển
pháp luân, khiến cho ai cũng an trú hạnh phúc trong giáo pháp của Ngài:
Bấy giờ có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Sankha ra
đời, là vị Pháp vương lấy Chánh pháp trị nước, chinh phục bốn thiên hạ, cai trị
các quốc độ, có đủ bảy món báu. Vị ấy vì quả đất này cho đến hải biên, dùng
Chánh pháp trị quốc, không dùng trượng, không dùng kiếm. Này các Tỷ kheo,
khi tuổi thọ loài người lên đến tám vạn tuổi, có Thế Tôn tên là Metteyya sẽ ra
đời, là vị A la hán, Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải,
Vô thượng sĩ, Điều ngự Trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Vị này tự mình
biết, chứng, và tuyên thuyết trên quả đất này, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm
thiên giới; thế giới này gồm Sa môn, Bà la môn, loài Trời, loài Người. Vị này
sẽ thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ
thanh thịnh và tuyên thuyết đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh như
Ta hiện nay thuyết pháp. Vị này sẽ có khoảng vài ngàn vị Tỷ kheo Tăng đoàn như
Ta hiện nay có khoảng vài ngàn vị Tỷ kheo Tăng đoàn”.
Rõ ràng,
sự kiện Đức Chuyển luân Thánh vương và Đức Phật Di Lặc ra đời giữa thế gian này
như kinh điển ghi lại là câu trả lời xác tín cho vấn đề tại sao chúng ta phải
thực thi nếp sống hiền thiện, sống đúng luật nghi, có chánh kiến và trang trải
lòng từ bi hỷ xả đến với mọi người. Tại đây, loài người không còn khởi tâm
tham, sân, si trong khi hành xử giữa con người với con người, con người với xã
hội, con người với thiên nhiên, môi trường sống. Như vậy, ý nghĩa đón mừng Phật
Di Lặc đản sinh nhân dịp Xuân về Tết đến là thông điệp sống theo nếp sống hướng
thượng, trên hết là hướng đến mục tiêu giải thoát khổ đau giữa cuộc đời đầy
biến động này.
Đó cũng
là con đường sống của Phật giáo xưa nay hướng đến. Nói một cách cụ thể, mỗi cá
nhân hiện hữu ở đời phải biết thực thi nếp sống đạo “Ở trong nhà thì hiếu
thảo với mẹ cha, ra ngoài đường thì phải biết giúp nước hộ dân, khi ngồi một
mình phải biết tu thân” (2). Lời dạy trên chỉ cho chúng ta tự thiết lập một nếp
sống đạo đức nhân sinh, được xây dựng trên nền tảng hiếu thảo mẹ cha, hòa thuận
với bà con, biết sẻ chia, giúp đỡ mọi người trong từng hoàn cảnh cụ thể, trên
hết là tu tâm dưỡng tánh để tự điều chỉnh bản thân thích ứng với mọi điều kiện
sống mà hành xử cho đúng đạo. Cho nên, mỗi cá nhân hiện hữu phải thường xuyên
chánh niệm, sống đúng luật nghi, không ngừng nỗ lực làm thiện, lấy trí tuệ làm
sự nghiệp.
Có như vậy, khi bạn làm gì điều gì, cũng sanh tâm hoan
hỷ như Phật từng xác tín trong kinh
Tăng Chi:
“Trước khi làm thiện
việc gì, chúng ta cũng sanh tâm hoan hỷ, trong khi làm việc thiện gì cũng sanh
tâm hoan hỷ, sau khi làm việc thiện gì cũng sanh tâm hoan hỷ”. Đây cũng là
cơ sở mọi người trên hành tinh này cùng nhau nỗ lực kiến tạo một thế giới an
lạc mà Phật Di Lặc thị hiện. Chúng ta có quyền ước nguyện và cùng nỗ lực hướng
đến xây dựng thế giới hạnh phúc ngay từ bây giờ
Thích Phước
Đạt(Giác Ngộ)
(1) Xem Kinh Trường Bộ, q.2, Đại tạng kinh Việt Nam, Viện NCPHVN, 1991, tr.353-386.
(2) Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, tập 2, Tu thư Vạn Hạnh, 1982, tr.292.