Chúc
an khang thịnh vượng?
Khi pháo
hoa đã tàn và không còn champagne (lời trong bài hát Happy New year -
ABBA), bữa tiệc kinh tế của thập kỷ trước đã qua, người ta thấy để lại ngổn
ngang rác, trong đó thứ nguy hiểm nhất để lại là các khoản nợ xấu. Theo công bố
của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước Quốc hội đầu tháng 11 năm 2012, tỷ lệ nợ
xấu tính đến tháng 9 là 8,82% tổng dư nợ của toàn hệ thống, gần gấp đôi con số
các ngân hàng đưa ra.
Hiện tại, tổng dư nợ tín dụng cả nước đạt khoảng 2,7
triệu tỷ đồng, trong đó có hơn 66% được đảm bảo bằng bất động sản. Nói cách khác,
có khoảng 11,34 tỷ USD nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam.
Trong 2 năm đã có hơn 100.000 doanh nghiệp nộp đơn đóng cửa hoặc phá sản, bằng
tổng số doanh nghiệp giải thể 15 năm trước đó. Nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà
thầu nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít doanh nghiệp “biến
mất”, bỏ lại khoản nợ thuế, bảo hiểm xã hội…
TP.HCM chào đón năm mới 2013
Số lượng các công ty bất động sản làm ăn
thua lỗ đóng cửa tăng mạnh; các ngân hàng, công ty tài chính cũng đang lao đao
bởi khủng hoảng nhân sự, nhiều nhân viên bị sa thải.. Chế độ đảm bảo quyền lợi
cho người lao động bị thôi việc đều bỏ ngỏ. Mặc dù chưa hết năm, chưa có doanh
nghiệp nào công bố về mức thưởng Tết năm nay nhưng nhìn chung khối doanh nghiệp
tư nhân đang đứng trước tình trạng khó khăn nên có thể nhiều đơn vị không có
thưởng Tết. Năm 2013 cũng được dự đoán là năm khó khăn với người lao động, dự
báo trong năm sau sẽ có 29% doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng nhân viên
mới và 3% doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự.
Bên cạnh đó, chỉ còn 68% doanh nghiệp
quyết định tuyển dụng thêm nhân viên so với con số 75% của năm 2012. Nợ công,
không tính nợ của các tập đoàn và các tổng công ty, đã lên tới 55,2% GDP. Nếu
tính cả nợ của các tập đoàn và tổng công ty, con số này lên tới xấp xỉ 100%
GDP, là mức cực kỳ nguy hiểm. Tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được xếp vào nhóm thấp nhất thế
giới. Và điều này có cơ sở. Các thách thức lớn của nền kinh tế vẫn chưa có phác
đồ điều trị khiến cho người làm kinh doanh đứng trước thực trạng là rất khó dự
đoán tương lai vĩ mô. Và điều này đến lượt nó làm tăng rủi ro kinh doanh.
Còn về đời sống người dân, họ đang phải
đối đầu với rất nhiều khó khăn: sinh kế, nơi ăn chốn ở, môi trường, tình
trạng an ninh… Điều dễ thấy nhất là hình
ảnh lam lũ của những người dân hai thành phố lớn nhất nước. Hãy đọc điểm lại
vài thông tin được phản ánh trên báo chí:
Ở Hà Nội bây giờ, hình ảnh dễ nhận
thấy nhất là người quê đang đổ lên phố kiếm sống ngày càng nhiều hơn. Tình hình
khó khăn có thể cảm nhận được trong từng ánh mắt âu lo, trên từng đôi vai trĩu
nặng quang gánh. Bà Lê Thị Bấc, gần 60 tuổi, vẫn gánh hàng chuối từ Khoái Châu,
Hưng Yên lên bán dạo, thắc thỏm than: “Chả biết tình hình thế nào mà có ngày
tôi bán chẳng nổi mươi nải chuối, kiếm không được dăm chục ngàn đồng để lay lắt
có cái bỏ vào mồm đủ ngày ba bữa!”. Gánh hàng rong ở Hà Nội suốt gần 20 năm, bà
Bấc than năm nay khách cứ vắng dần. Hồi trước khách mua nải chuối to, còn
thương cho thêm tiền. Bây giờ bà kỳ kèo mãi họ cũng chẳng mua. Người chịu móc
ví thì cứ kỳ kèo giá cả, thậm chí còn bắt xẻ nải chuối làm đôi để chỉ mua một
nửa.(…)
Tại TP.HCM, những người quê đang vật vã kiếm sống bằng các
nghề tự do cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hai cha con anh Phạm An, quê TP.Tuy
Hòa, Phú Yên, vào bán vé số dạo kiếm sống ở Sài Gòn, gạt mồ hôi vã trên trán
giữa buổi trưa nóng bức. Xấp vé số 200 tờ trên tay họ chưa mỏng được bao nhiêu
dù đã ròng rã đi bộ qua hàng chục con đường suốt từ chiều hôm trước. Anh An chỉ
đứa con mới 7 tuổi đã phải đi bán vé số cùng cha, tâm sự: “Tôi tính năm nay cố
dành dụm ít tiền, cho nó về quê vào lớp 1 trễ một năm cũng được. Nhưng tình
hình này khó quá, thấy con rơi nước mắt mà mình chẳng dám hứa hẹn gì với nó”.
(Tuổi Trẻ 17-12-2012, Người
nghèo chèo chống)
Và còn không biết bao nhiêu mảnh đời như
thế, những mảnh đời mà chúng ta tưởng đã là quá khứ thì hôm nay vẫn còn đó,
tiều tụy, lam lũ trên phố xá, trong ánh đèn rực rỡ chốn phồn hoa…
Ngẫm kỹ, chúc nhau an khang thịnh vượng
nghe “khuôn sáo”, hệt như “ trăm năm hạnh phúc” hay “bách niên giai lão”. Vậy
nên trong tiếng Anh, người ta phải thêm We wish…. Còn nếu chúc để động
viên nhau thì phải cầu mong có niềm tin và bản lĩnh vững vàng, đủ nghị lực và
sáng suốt để thích ứng với hoàn cảnh.
Chúc
con đàn cháu đống?
Chúng ta cảm
nhận lời chúc có khi đi ngược “chính sách kế hoạch hóa” ấy mà không hề cảm thấy
dị ứng vì người xưa, trong xã hội truyền thống với nền kinh tế nông nghiệp là
chủ yếu, quan niệm một trong những yếu tố “phát lộc” là phải con đàn cháu đống.
Nhưng có một hiện trạng mà ai cũng phải phiền lòng là “phố phường chật hẹp,
người đông đúc” mà hệ lụy thì nhãn tiền: kẹt xe, điều kiện môi sinh xuống cấp
thảm hại ở những thành phố lớn, bệnh viện quá tải, chưa kể chuyện bất cập trong
hạ tầng cơ sở cho giáo dục dẫn đến tình trạng “chạy trường chạy lớp”, suy rộng
ra là nạn thất nghiệp và tình trạng an ninh bất ổn, tệ nạn xã hội, tình trạng
“trẻ hóa” trong các đối tượng phạm pháp…
Chúc
sức khỏe?
Lời chúc này
có vẻ thừa vì không khỏe thì đâu có đi chúc Tết, nhưng thật ra trong bối cảnh
an sinh hiện nay, nó lại không thừa vì tuổi thọ của người Việt tuy có tăng
nhưng tuổi sống khỏe thì đang giảm sút nghiêm trọng: 10% dân số bị viêm gan, 6%
bị tiểu đường, còn rất nhiều người đang bị cao huyết áp hay thần kinh do nhiều
vấn đề, nhất là áp lực công việc, tình trạng làm ăn thua lỗ…
Tỷ lệ bệnh nhân
ung bướu tăng báo động, ngay trẻ em có đến 38% bị cận thị. Chưa kể đến tình
trạng vệ sinh an toàn thực phẩm thiếu hay mất kiểm soát. Rồi thực trạng bảo
hiểm y tế chưa đầy đủ khi còn đến 35% dân số chưa mua được, và cả khi mua rồi
vẫn không trả đủ chi phí thực tế… nên cần phải chúc sức khỏe chăng?
Xuân
bình yên?
Lời chúc này
không chỉ riêng đồng bào chúng ta mà cả nhân loại cũng nên chúc nhau như thế
khi tiếng súng vẫn chưa ngơi trên thế giới này từ Syria đến Palestine, từ chiến
trường đến cả trường học như bi kịch vừa xảy ra ở Connecticut cướp đi sinh mạng
hơn 20 học sinh Hoa Kỳ, chưa nói đến hiểm họa va chạm rình rập ở những vùng
biển nóng lên từng ngày dù là Địa Trung
Hải hay Biển Hoa Đông và cả Biển Đông của chúng ta cũng đang nằm trong tham
vọng bá quyền của những thế lực đen tối.
Tình hình an ninh nhiều bất ổn. Nạn cướp giật lộng hành với mức
độ hung hãn, tàn bạo ngày càng gia tăng. Người đi đường, về phần mình, thấy
chuyện bất bình, tệ hại rành rành, nhưng thường cứ nhìn hoặc lẳng lặng bỏ đi,
không báo cho nhà chức trách, cũng chẳng cứu giúp người gặp nạn. Rốt cuộc liệu
sự thụ động, thờ ơ của người dân trước sự lộng hành của bọn cướp giữa thanh
thiên bạch nhật có phải là do người dân chưa được trao đủ các quyền năng cần
thiết để tự bảo vệ? Hay là do lực lượng nhân viên công lực chưa thực sự tích
cực trong việc thực thi phận sự? Hoặc, thậm chí, do cả hai?
Còn phải tiếp tục suy nghĩ tìm câu trả
lời. Trong khung cảnh nhận thức xã hội, pháp lý hiện tại, những lực lượng an
ninh không tròn trách nhiệm, thì những kẻ có lòng hiệp sĩ khó có điều kiện phát triển đội ngũ để trở
thành chỗ dựa của người dân trong việc xây dựng cuộc sống bình yên.
Chúng ta cầu nguyện hòa bình trường cửu
và một mùa xuân miên viễn với bốn mùa chan chứa yêu thương “tâm bình, thế giới
bình” như lời chư Tổ dạy ngàn xưa. Dù môi trường chung quanh có vẩn đục, nhưng
nếu từng người “tịnh hóa” tâm thân mình, hạn chế tham dục thì cuộc sống từng bước sẽ tốt đẹp hơn.
Là người Phật tử, chúng ta hiểu phải nương tựa vào Chánh pháp, vào sự tu tập
của chính mình, để chuyển hóa những ham muốn tiêu cực thành những động cơ tốt
đẹp, lợi mình, lợi người và lợi lạc cho môi trường sống.
Quay về Chánh pháp, chúng ta sẽ nhận ra
mùa xuân đích thực của lòng mình, của đời mình, như lời Đức Phật dạy hơn hai
ngàn năm trăm năm về trước:
“An trú trên Chánh pháp
Đời này được tán thán
Đời sau được hoan hỷ
Trên cảnh giới chư thiên”.
(Kinh Trở
thành giàu – Tăng chi bộ)
Lời chúc của năm mới, nên chăng, là chúc nhau luôn
tinh tấn trau giồi cả kiến thức và phẩm hạnh, sau đó là sức khỏe, rồi hãy đến
vững tin vào chính mình, đủ nghị lực vượt khó trong đời sống và kinh tế và giữ
tâm an lạc trước mọi thử thách và sóng gió phía trước.
Trong tinh thần vô ngại
ấy, chúng ta hãy có tâm thái như ý thơ của thi sĩ Bùi Giáng: “Xin chào nhau
giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”…
Nguyên Cẩn (GNO).