Có mặt tại chùa Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình)
ngày mồng 6 Tết, trong cái lạnh tê tái với mưa xuân lất phất, bắt gặp
khá nhiều người dân đến thắp hương cầu may, vãn cảnh chùa và xin chữ.
Gặp ông Nguyễn Văn Toại, xã Ninh An (Hoa Lư) năm nay gần 80 tuổi cùng
người cháu đích tôn đến vãn cảnh chùa và xin chữ. Ông Toại quan niệm
rằng: Ngoài cầu may mắn cho gia đình, con cái, xin chữ còn thể hiện nét
đẹp văn hoá người Việt từ bao đời nay. Thời xưa, khi ông còn ở tuổi niên
thiếu, tục xin chữ được nhiều người dân coi trọng, rất nhiều nhà treo
chữ. Chữ khi xin được rồi được treo chỗ trang trọng nhất trong nhà để
con cháu nhìn vào mà làm việc và phấn đấu, để đôi khi làm những việc
chưa chuẩn, mắc phải sai lầm thì cũng nhìn vào chữ đó mà tự chấn chỉnh,
sửa chữa.
Việc xin chữ đầu năm ngày nay đã trở nên phổ biến.
Người xin chữ cũng đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, mọi ngành nghề. Người
trung niên xin chữ Tâm, chữ Đức; chữ Nhẫn; nam thanh, nữ tú xin các chữ:
Danh, Duyên, Hiếu, Trung; người ít tuổi xin chữ “Trí tuệ, Chí hướng”;
tặng bố mẹ xin chữ Tâm, An khang, Bình An; mừng các cụ cao tuổi không
thể thiếu chữ Thọ. Người làm nghề buôn bán, kinh doanh sẽ là chữ Lộc,
chữ Tín... Mỗi chữ ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang
nỗi niềm, tâm tư, mong ước… hoặc một ý niệm tự răn mình, khuyên con,
khuyên cháu ăn ở “có phúc có phần”…
Gặp bà Trần Thị Thảo, 65 tuổi đang trân trọng trên
tay chữ “An”, bà cho biết: Vốn là nhà giáo về hưu, bà rất trọng chữ
nghĩa và mong một cuộc sống an lành. Bà xin chữ “An” - một chữ đơn giản
nhưng chứa đựng bao điều muốn nói, đó là một cuộc sống an lành, một chỗ
an cư trong cuộc sống, một chỗ an toàn trong mọi việc…
Không ngại gió rét, chờ đợi lâu, trên nét mặt người
chờ xin chữ đều thể hiện sự háo hức, trân trọng, mọi người đều mang
trong mình một tâm nguyện: Xin được một chữ mình mong muốn, tâm đắc, thể
hiện đầy đủ ước nguyện của bản thân và gia đình trong năm mới. Thì
thầm, nhẹ nhàng hỏi nhau những chữ vừa xin được, trầm trồ trước những
chữ viết đẹp… để khi đến lượt mình thì chăm chú nhìn theo từng nét chữ,
kiên nhẫn chờ đợi chữ thật khô để trân trọng mang về. Một chữ viết chỉ
mất khoảng thời gian từ 30 giây đến 1 phút, nhưng thời gian chờ để chữ
khô có khi mất cả tiếng đồng hồ.
Đối với người cho chữ thì thận trọng dồn hết tâm
tư, cái hồn của mình vào đường đi của từng nét cọ điêu luyện, để có cái
thần của nét chữ, sao cho đẹp cả hình thức và nội dung, thể hiện khả
năng viết chữ đẹp của mình. Chữ thường được viết trên nền giấy hồng,
giấy đỏ biểu tượng màu may mắn, tốt lành. Tùy thuộc vào nội dung của chữ
mà người viết bằng mực nho hay nhũ vàng để có ý nghĩa nhất cho người
xin chữ.
Theo Đại đức Thích Minh Quang, Trụ trì chùa Ninh
Nhất, người có hơn 30 năm học và biết chữ Hán, với bằng Tiến sĩ triết
học, hội viên Hội Thư pháp Trung Hoa thì cho chữ là việc khai bút đầu
xuân và cũng là lời chúc của riêng mình với mọi người lời chúc may mắn,
an khang, thịnh vượng trong năm mới. Một năm bắt đầu từ mùa Xuân, phong
tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp, là dấu hiệu của niềm tin, là món
quà mang ý nghĩa xã hội, ý nghĩa triết học và ý nghĩa tâm linh, tạo mối
giao lưu văn hóa trong cộng đồng, cùng nhau hướng tới cái chân - thiện -
mỹ...
Khi nhịp sống ngày càng hối hả, thì giao lưu văn
hóa đầu xuân với việc xin chữ và cho chữ đã tạo nên những giá trị tinh
thần nhân văn cao cả. Ở tỉnh Ninh Bình, những năm gần đây, để bảo tồn
giá trị văn hóa cao đẹp này, ngoài việc tổ chức Hội thi viết Thư pháp,
ngành Văn hóa còn tổ chức các hoạt động này tại Hội chợ Xuân, Lễ hội
truyền thống Cố đô Hoa Lư và các lễ hội mùa xuân trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh (baoninhbinh online)