Xuân
Xuân về An Lạc
HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
19/02/2015 11:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Xuân về mang tới cho chúng ta sự an lạc. Người ta thường nghĩ mùa xuân tính theo thế gian nằm trong bốn mùa một năm là xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân mở đầu một năm tiêu biểu cho sự sanh trưởng. Qua mùa hạ tiêu biểu cho sự trưởng thành và đến mùa thu thì công việc đã chín chắn, sang mùa đông chấm dứt một năm.

Cũng vậy, một đời người được chia ra từ lúc mới sanh cho đến 20 tuổi được coi là tuổi xuân. Từ 20 tuổi đến 40 tuổi, chúng ta bước chân vào đời lập nghiệp và lấy số tuổi 30 làm chuẩn, như Đức Phật thành đạo ở tuổi 30. Trong khoảng tuổi này, chúng ta nỗ lực học hành đến 30 tuổi là tuổi trưởng thành, cho nên đến tuổi này mà việc học hành chưa ra sao thì đáng lo. Từ 30 đến 40 tuổi là tuổi chúng ta phấn đấu làm việc để tạo uy tín và khả năng thực sự cho mình, nếu không được như vậy, e rằng khó tiến thân. Vì vậy, người xưa quy định rằng ở giai đoạn một, nếu không siêng năng học hành, không giữ đạo đức và phạm sai lầm coi như con đường đi lên sẽ có nhiều trắc trở. Cho nên ở khoảng tuổi này, phải phấn đấu phát huy trí tuệ và giữ gìn nếp sống đạo đức.
  
Từ 30 đến 40 tuổi, chúng ta tập sự làm việc, có thầy ở bên cạnh chỉ đạo, nhưng 40 tuổi trở đi, chúng ta tự quyết định mọi việc và lãnh đạo không được sai sót, nếu phạm lỗi lầm sẽ không phát triển sự nghiệp được. Người xưa cũng nói "Tứ thập nhi bất hoặc” nghĩa là 40 tuổi trở đi, làm việc không được sai lầm.
 
Làm việc từ 40 đến 50 tuổi và 50 tuổi là đạt đến đỉnh cao của danh vọng thì "Ngũ thập tri thiên mạng”, tức hoàn toàn quyết định được cuộc đời của mình rồi. Nhưng nếu tuổi 40 mà vẫn chưa được việc, chưa có vị trí trong xã hội, người xưa gọi là "Minh minh tầm tử lộ” là sẽ bước vào con đường cùng.
 
Từ 40 đến 60 là tuổi trách nhiệm. Từ 60 tuổi trở đi, người ta về hưu, nghỉ làm việc, được sống thanh nhàn. Đó là kinh nghiệm sống của người xưa vẽ ra.
 
Nhưng chúng ta học Phật có tầm nhìn khác, mở rộng hơn, vì không nhìn đời hạn hẹp từ lúc sanh ra cho đến chết. Theo Phật huệ, chúng ta thấy ba đời nhân quả, tức kết hợp ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, nên nhìn đời người thấy có ba giai đoạn, không thấy giới hạn theo thế gian. Quá khứ nói rộng là từ vô thỉ kiếp cho đến ngày nay, nhưng nếu chúng ta chưa thấy được quá khứ, Phật dạy chúng ta quan sát hiện tại sẽ nhận biết được nghiệp duyên từ quá khứ.
   
Hiện tại chúng ta sanh ở đâu và sanh trong dòng họ nào, tất cả đều do nhân duyên quá khứ dẫn chúng ta hiện hữu trên cuộc đời này. Nếu cuộc sống quá khứ tốt thì hiện tại chúng ta sanh trên cuộc đời có được những điều tốt. Điển hình là chư Phật và Bồ-tát hiện hữu trên cuộc đời này trong tư thế hoàn toàn tốt. Một là các Ngài sanh vô dòng họ cao quý, dòng họ đạo đức, dòng họ trí thức. Sanh vô dòng họ như thế, dễ dàng phát triển tri thức, đạo đức và sự nghiệp. Hầu hết tất cả các Đức Phật sanh trên cuộc đời và tu hành thành Phật đều ở trong dòng họ vua chúa và là vua chúa đạo đức. Thực tế chúng ta thấy Đức Phật Thích Ca thuộc dòng họ Sakya nổi tiếng bảy đời làm vua đạo đức, thông minh.
  
Tuy nhiên, không hẳn dòng họ tốt đều có con tốt, cũng có đứa con không tốt vì túc nghiệp của đứa nhỏ đó xấu, nên nó không tốt được. Nhưng thử nghĩ tại sao nó xấu lại được sanh vô chỗ tốt. Đó là đứa con vì tiền khiên nghiệp chướng mà sanh vô gia đình đó để báo thù. Thật vậy, vua A Xà Thế nổi tiếng ác, trong khi vua cha Tần Bà Sa La nổi tiếng là người hiền đức. A Xà Thế do hận thù Tần Bà Sa La nên tái sanh làm con để trả mối thù tiền kiếp.
  
Có trí tuệ sẽ thấy đứa con hiếu thảo sanh trong gia đình mình để trả cái ơn quá khứ và cũng có đứa con khó dạy, quậy phá gia đình, làm tiêu hao của cải để đòi món nợ quá khứ. Học Phật, thấy biết nghiệp duyên quá khứ dẫn đến hiện tại, ta sanh vô gia đình nào đều do hai việc hoặc hiền hoặc dữ. Vì vậy, nhìn cuộc sống hiện tại sẽ biết những việc mình đã tạo tác trong kiếp quá khứ và nhìn việc làm hiện tại cũng biết được tương lai của mình sẽ ra sao.
  
Các con trong gia đình cùng cha mẹ, mới sanh ra, tất cả đều được hưởng quyền lợi gia tộc giống nhau, nhưng khi đứa con lớn lên phải trả quả báo do nghiệp duyên mà tự nó đã tạo trong kiếp quá khứ. Vì vậy, có đứa con làm trưởng giả, làm quan, nhưng cùng một gia đình, lại có đứa con trở thành ăn cướp. Khởi đầu phát xuất từ nghiệp duyên quá khứ đồng nhau, cho đến 20 tuổi thì mỗi người hưởng phước, hay lãnh nghiệp đời trước. Nói cách khác, cha mẹ nuôi con đến trưởng thành, hết trách nhiệm. Từ 20 tuổi trở đi, nếu siêng năng học hành, biết giữ uy tín thì từ 20 đến 50 tuổi, sự nghiệp này do bàn tay chúng ta tạo nên. Thật vậy, thực tế cho thấy có người sanh trong gia đình nghèo khổ, nhưng cố gắng học thành tài, nên giàu có; ngược lại, có người ở trong nhà giàu, nhưng ăn chơi phá sản trở thành nghèo khổ.
  
Như vậy, từ 20 đến 40 tuổi là kiếp hiện tại do chúng ta tạo dựng. Từ 50 đến 60 tuổi chấm dứt trách nhiệm, làm xong việc được nghỉ ngơi, nhưng không biết đời sau của chúng ta như thế nào. Phật dạy rằng quan sát cuộc sống hiện tại sẽ biết được cuộc sống tương lai. Nhìn theo Phật là nhìn từ quá khứ dẫn đến hiện tại và tiếp nối tương lai. Từ 20 đến 60 tuổi, việc làm của chúng ta trong khoảng thời gian này sẽ là hạt nhân tốt hay xấu để chuyển sang đời vị lai. Nếu khi về hưu, cuộc sống được an nhàn, thanh thản, an vui, biết được kiếp tương lai của chúng ta sẽ tốt đẹp.
  
Có một Phật tử thưa với thầy rằng trong gia đình anh, tất cả mọi người đều làm cách mạng. Khi đến tuổi về hưu, anh thưa rằng con đã làm tròn trách nhiệm đối với con cái, đối với gia đình, đối với xã hội. Xin thầy chỉ cho con cách sống thế nào để tốt đẹp cho đời sau. Thầy trả lời rằng anh là người có phước và biết giữ phước trong hiện tại. Thầy tin chắc trong tương lai anh sẽ tốt. Anh ấy hỏi làm sao thầy biết như vậy. Thầy nói nhìn hiện tại biết tương lai. Cách mạng thành công, ông bà, cha mẹ và anh em đều làm cách mạng, không phạm lỗi lầm, là biết có phước thì không còn gì lo lắng. Nhưng còn một việc phải lo là lo tu, nghĩa là kiểm tra lại coi mình còn sơ suất lỗi lầm nào hay không. Anh này nói con nhớ trong lúc chiến tranh, con giết nhiều người. Thầy bảo anh tu phải giải cái nghiệp này, nếu không, kiếp sau, họ sẽ theo đòi món nợ máu. Trong chiến tranh, anh làm bộ đội thì không giết người sao được. Vì vậy, anh tu, phải hóa giải nghiệp, đi chùa, tụng kinh, nghĩ đến những người mà mình cố ý hay vô tình giết chết, xin họ bỏ qua việc này. Khởi nghĩ như vậy để hóa giải nghiệp và những người chết nương theo giáo pháp Phật sẽ được siêu thoát. Anh ở thế mạnh giết người, đời sau họ mạnh hơn tìm cách giết lại anh, đó là oan oan tương báo, không thoát được.
  
Vì vậy, Phật dạy phải hóa giải oan nghiệp. Nếu ta hóa giải nghiệp này xong, cảm thấy lòng mình nhẹ và đó chính là mùa xuân trong đạo, không phải mùa xuân trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông theo thế gian.
  
Bất cứ lúc nào chúng ta ngộ đạo, hay hóa giải được sai lầm quá khứ, từ đó mở ra mùa xuân này cho đến mùa xuân khác trong chuỗi dài suốt cuộc đời mình. Riêng đối với thầy, từ lúc khởi tu cho đến ngày nay, ngày nào cũng là mùa xuân, lúc nào lòng cũng thấy an vui, việc nào tới thì hóa giải cho tiêu nghiệp. Hóa giải bằng cách nào?
  
Hóa giải khác với tạo nghiệp, vì nghiệp cũ sẽ tạo nghiệp mới, còn hóa giải là không tạo nghiệp nữa. Oan trái của kiếp trước, kiếp này nó đòi mình. Mình nợ thì phải trả thôi. Trong đạo tràng Pháp Hoa có một đạo hữu thưa với thầy rằng trước kia anh rất thương vợ con, nên làm việc vất vả để nuôi vợ con được sung sướng. Nhưng bà vợ anh lại sống rất tệ, ham mê cờ bạc, thường đánh đề, mua vé số, cho đến mức bả cầm luôn nhà cửa, sau cùng cả gia đình bị đuổi ra đường. Anh này buồn khổ đến thưa với thầy gia cảnh anh thê thảm như vậy.
   
Thầy bảo rằng nghiệp này là nghiệp quá khứ, đừng hận trong lòng, nếu hận là tạo nghiệp mới nữa thì cả đời vợ chồng sẽ làm khổ nhau và làm khổ lây cho con cái. Thầy bảo anh đã có phước duyên đến với đạo, nên lạy Phật Quan Âm, xin xóa sạch nghiệp cũ. Anh nghe lời thầy lạy Phật rồi, lòng anh quên hết cái khổ này. Trước kia vợ anh mua vé số, đánh đề; bây giờ, vợ con đi bán vé số để nuôi anh, các con anh vừa học vừa bán vé số kiếm sống và anh cũng có được việc làm tốt hơn. Anh đến thăm thầy, cúng dường và nói rằng bây giờ gia đình con đỡ rồi, con cái học xong, còn vợ trở nên hiền lành, không cờ bạc nữa. Thầy bảo rằng như vậy anh đã trả xong nghiệp.
  
Phật dạy chúng ta quên quá khứ đau buồn, không thù hận là không tạo nghiệp mới, mà còn khởi tâm đại bi thương xót người làm hại mình, như vậy là tạo được quả tốt, vì đã lấy ân báo oán. Nghiệp cũ tới phải trả hết, nhà cửa bán rồi, không còn gì thì họ không đòi nữa và nghiệp cũ trả xong, tạo nghiệp mới tốt đẹp bằng cách làm việc nhiều, nhưng tiêu xài ít và trả hết nợ, người ta lại tốt với mình. Tạo nghiệp mới tốt, làm được nhiều tiền của, sẵn lòng giúp đỡ bạn, họ sẽ thương quý mình.
  
Tu tạo phước rồi thì phước này mang nguồn vui cho ta, tức chúng ta giúp đỡ người, họ trưởng thành, nên mang ơn và cám ơn ta. Thành quả này làm ta vui, đó là mùa xuân trong lòng, mùa xuân trong đạo do tu tạo phước mà được hưởng quả báo tốt đẹp.
Ngoài ra, quan sát cuộc đời thấy rõ tất cả mọi việc đều trôi lần về quá khứ và ta luôn tiến đến tương lai ngời sáng. Điều này thể hiện mùa xuân của đạo đã về trong lòng ta, đem lại niềm an lạc cho cuộc sống của mình. Còn nghĩ rằng mùa xuân chỉ đến trong tháng Giêng, nhưng tháng giêng cũng trôi qua, làm sao còn mãi, thậm chí còn trong tháng Giêng, nhưng đối với người trốn nợ thất bại, khổ đau, cũng chẳng thể nào có mùa xuân. Diễn tả tâm trạng này, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã nói "Xuân sang mà vẫn là thu trong lòng”. Vì mùa xuân bên ngoài đến rồi, nhưng lòng ông ray rứt, buồn khổ, ảm đạm như mùa thu.
  
Mùa xuân của đạo hiện hữu khi chúng ta xóa được nghiệp duyên quá khứ, không còn lo buồn. Và mùa xuân đạo đến, ta thấy từng đóa hoa nở đẹp, đó chính là công đức tu hành tạo dựng từ quá khứ thì hiện tại việc tốt lành tự đến với ta. Giống như thầy bắt đầu tu thường được gặp các vị thiện tri thức khai ngộ, chỉ đường dẫn lối cho thầy trưởng thành, thăng hoa. Đó chính là mùa xuân nở rộ trong lòng thầy khi được những bậc thiện tri thức hỗ trợ, giúp thầy thành công nhẹ nhàng trên đường đạo.
  
Lúc còn là sinh viên, thầy dạy những người học kém và nộp đơn thi giùm họ, dẫn họ đi thi. Với người khó khăn, không có tiền đóng học phí, thầy giúp đỡ. Khi những người này tốt nghiệp việc học, họ trưởng thành và nhìn lại quá khứ tốt đẹp mà thầy đã tạo dựng cho họ, hôm nay có người đến thăm nói rằng năm xưa nhờ thầy giúp mà con vượt qua được khó khăn, ngày mai, cũng có người đến nói rằng con luôn nhớ công ơn của thầy đã lo cho con… Tất cả những thành quả tốt đẹp này tạo thành mùa xuân, lúc nào thầy cũng thấy mùa xuân, những tin vui làm cho lòng thầy nở hoa, được an lạc. Từ khi khởi tu cho đến ngày nay, thầy 78 tuổi, mùa xuân luôn hiện hữu, không bao giờ có mùa thu ảm đạm, hay mùa hạ bức ngặt, hoặc mùa đông tê tái. Thầy cầu mong tất cả quý vị đón nhận được mùa xuân an lạc đúng nghĩa trong đạo Phật.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch