“Cúng
cả năm không bằng rằm tháng Giêng”, Tết Nguyên tiêu hay Tết Thượng
nguyên là Tết truyền thống của nước ta, được tổ chức vào ngày rằm tháng
Giêng hàng năm.
Mùa xuân là chu trình khởi đầu cho một năm mới tốt lành, an nhiên sau
một năm lao động vất vả, bận rộn. Là dấu bắt đầu công việc của một năm,
Tết Nguyên tiêu được xem là ngày lễ thiêng liêng của các nước ăn Tết
theo lịch âm, ở Việt Nam cũng vậy. Thường vào ngày này, người dân đến
chùa để cầu phúc an, may mắn…
Nguyên nghĩa hai chữ “Nguyên tiêu” là đêm trăng đầy
nhất của tháng đầu tiên trong năm. Theo cụ Đào Duy Anh, chữ tiết ở
trong nghĩa của thời tiết, các tiết trong năm, về sau người ta gọi
chệch đi là tết, nên tiết Nguyên tiêu thành Tết Nguyên tiêu. Do tết
Nguyên tiêu được người xưa tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng, lại có vật
phẩm dâng cúng Trời - Phật - Thánh một cách thành kính nên cũng gọi lễ
Cúng rằm tháng giêng.
Đây cũng là cái Tết đầu xuân sau Tết Nguyên đán nên
lại gọi tết Thượng nguyên. Theo lịch cũ qui định thì ngày rằm tháng
Giêng là Thượng nguyên; rằm tháng Bảy là Trung nguyên và rằm tháng Mười
là Hạ nguyên.
Theo kinh sách Phật giáo, ngày rằm tháng Giêng là
ngày duyên lành phổ độ, ngày Đức Phật giáng lâm xuống các chùa để chứng
độ lòng thành của tín chúng đạo hữu, người đi lễ Phật rất đông, để cầu
xin Đức Phật phù hộ cho mọi sự được thiện lành, bình an.
Nguyên tiêu có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng khi hội
nhập vào Việt Nam, rằm tháng Giêng đã mang một bản sắc riêng. Theo tục
xưa, từ triều đình đến dân chúng đều lễ Phật và dựng đèn trong ngày
này. Theo “An Nam chí lược”, đêm Nguyên tiêu, triều đình nhà Trần dựng
cây đèn trên sân rộng, gọi là đèn Quảng chiếu, muôn ngọn đèn sáng rực
trên trời dưới đất. Các vị sư đi xung quanh đèn đọc kinh, các quan đứng
vòng quanh đèn làm lễ, gọi là lễ “ triều đăng”. Trong đêm hội còn kết
hợp đốt pháo bông, múa rối. Dưới thời Lý, vào rằm tháng Giêng cũng có
hội đèn Quảng chiếu để cầu phúc sống lâu, người dân khắp nơi mở hội
làng, ca hát, đua thuyền…
Nhiều người lên chùa lễ Phật trong ngày rằm tháng Giêng.
Khi trời đất giao hòa đầy vượng khí cũng là thời khắc các tao nhân
mặc khách ngắm trăng, thả thơ, ngợi ca non sông đất nước. Trong lịch sử
thơ ca, có rất nhiều thi nhân say trăng, yêu trăng nhất là trăng
Thượng nguyên như Mãn Giác Thiền Sư, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi,
Nguyễn Du…Thời hiện đại, những vần thơ “Nguyên tiêu” trong xuân xưa của
Bác, đến xuân nay vẫn sưởi ấm xúc cảm trong ta bởi tình yêu ấm nồng và
đầy màu sắc triết lý:
Rằm tháng Giêng
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.
(Bản dịch của Xuân Thủy)
Theo mạch nguồn văn hóa của cha ông, đến xuân nay,
người dân đất Việt vẫn giữ truyền thống đón rằm tháng Giêng ở đình,
chùa và tổ chức hội thơ giữa đêm rằm. Những đêm thơ, hội thơ được tổ
chức ở nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt là Ngày thơ Việt Nam tại Văn
Miếu-Quốc Tử Giám càng làm cho rằm tháng Giêng thấm đẫm, nồng nàn hơi
xuân.
Khắp các chùa ở Hà Nội như Quán Sứ, Tảo Sách, Trấn
Quốc… trước Tết Nguyên tiêu một ngày, đã rất đông Phật tử rộn ràng từ
thập phương đến viếng thăm và làm lễ cầu an, cầu phúc cho một năm nhiều
may mắn, bình yên và thành công.
Theo Bảo Minh - chinhphu.vn