Bao năm lăn lộn giữa một thành phố lớn. Tôi đã ý thức được cuộc sống ở đây là phải làm việc với tốc độ gấp năm gấp mười lần ở tỉnh. Ngoài công việc chính ra, tôi còn làm thêm một số công việc khác. Dù biết là lao động chân chính nhưng tôi rất ngại nói với mọi người là ngoài giờ làm ra tôi còn đi rửa chén, dọn vệ sinh, làm trong tiệm giặt ủi…chút thời gian còn lại tôi tập viết lách cho vui. Nghĩa là trong quỹ thời gian của tôi không có khoản nào dành cho vui chơi, giải trí. Nhưng trong vấn đề chi tiêu thì tôi lại rất dè sẻn. Tôi chỉ toàn xài hàng giảm giá, đi chợ thì tranh thủ đi chợ trưa, vi đi giờ này đồ ăn rẽ. Bữa ăn chỉ có rau là chủ đạo. Bạn bè thì chỉ ở cách nhau có một ngã tư thôi mà lâu lắm không gặp. Mấy lần hẹn nhau đi uống nước, rồi lại không đi do tôi bận. Nhỏ bạn tôi trách: sao tao thấy mày như người máy quá. Ai cũng có 24 giờ mỗi ngày, kiểu này chắc có ngày mày chết mà không biết được hương vị cuộc sống này là gì. Tôi thầm nghĩ có lẽ do cuộc đời bạn tôi toàn gặp những điều may mắn, được sinh ra trong một gia đình khá giả, làm việc lương gấp ba, bốn lần lương tôi. Nó sống thoải mái, không nói thế sao được
Nó đâu biết mỗi lần tôi về quê, thấy sự cực khổ của ba má tôi, là tôi chỉ muốn quay lại thành phố làm việc ngay. Má nói ở nhà vài bữa nữa rồi đi con, làm gì như ma đuổi vậy. Tôi nói tại không nghỉ lâu được. Ba tôi la lên không được thì nghỉ luôn, về ba nuôi, làm chi mà cực dữ vậy, làm cả năm mà chỉ nghỉ được có hai ba ngày. Tôi im lặng, chẳng lẽ lại nói với ba tại mình tham công tiếc việc, tại mình sợ cái nghèo sẽ đeo bám suốt cả đời mình như ba má.
Một buổi chiều cuối năm se se lạnh, ba gọi điện thoại báo tin là má bị tai bién vừa nhập viện, con về gấp. Tôi tức tốc chạy về trong đêm tối, nước mắt không ngừng chảy. Sau hai tháng nằm viện, má tôi được đưa về nhà, nhưng trí nhớ không còn như xưa nữa. Dẫu biết rằng thế nào cũng có ngày này, nhưng không ngờ nó lại đến quá sớm. Thương má cả đời vất vả, tôi chưa một ngày phụng dưỡng. Ký ức về tuổi thơ êm đềm bên má lại về. Tôi, một con bé tóc vàng hoe do cháy nắng, đôi chân mốc cời, mốc thếch vì chẳng bao giờ mang dép mà cứ lội sình mò cua, bắt cá. Bất kể má đang làm gì, tôi cũng đều ở sau lưng má, miệng thì nói líu lo như chim sáo. Thỉnh thoảng lại gọi to: má ơi! má hỏi cái gì?, rồi thôi. Má biết là không có gì, nhưng lần nào má cũng trả lời rõ to: cái gì? như để tôi yên tâm là rằng bao giờ má cũng ở cạnh tôi, không bao giờ má rời bỏ tôi. Vậy mà chính tôi lại rời xa má đi kiếm một cái gì đó ở tận đâu đâu.
Hôm qua, tôi lên chùa cầu nguyện cho má. Tôi được một vị thầy tặng một quyển kinh, trong đó có ghi một bài kệ:
Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại…
Bài kệ này, Đức Phật muốn chỉ cho con người thấy rằng hạnh phúc nằm trong những giây phút hiện tại, không phải đâu xa. Quá khứ không bao giờ trở lại, và tương lai dù rằng ai cũng có quyền mơ ước, hy vọng và cố gắng cho nó nhưng không ai biết được nó sẽ ra sao. Do vậy, ta không nên từ bỏ hiện tại mà đặt quá nhiều kỳ vọng vào tương lai. Trên con đường đi tìm hạnh phúc ta cũng phải biết cảm nhận cái hạnh phúc được ngắm nhìn vẻ đẹp nằm hai bên đường.
Cuộc sống luôn có những thay đổi không ngừng., trong đó có những thay đổi đau lòng. Cho nên, chính ở hiện tại, mình phải biết sống sâu sắc, ý thức đươc những điều kiện hạnh phúc ngay trong từng hơi thở, trong từng bước chân. Hãy đối xử tốt và làm những gì có thể cho những người ta yêu thương. Để khi có bất trắc đến ta không phải hối tiếc vì thế nỗi đau được giảm bớt đi. Và, tôi đã không ý thức được điều này.
Ngồi ngẫm nghĩ ý nghĩa trong từng câu kệ, tôi mới thấy thấm thía cho cuộc đời. Ba má tôi một đời khó nhọc, nhưng lúc nào ba má tôi cũng có những tràng cười thật thoải mái, khi cả nhà quây quần bên mâm cơm tối, khi mùa này lúa trúng, khi bán được lứa heo…còn tôi không cảm nhận được những cái hạnh phúc đó, mà bị ám ảnh bởi cái nghèo khó che khuất. Tôi tự ép mình vào những khuôn khổ khắt khe của cuộc sống để khi mệt, muốn nghỉ không thể nghỉ, muốn cười không thể cười. Và, đến một ngày như hôm nay, tôi cảm thấy hối tiếc, buồn tủi khi biết mình đã bỏ lại những hạnh phúc quý giá ở quá khứ.
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi
Phải tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không bao giờ mặc cả.
Tôi thầm trách mình sao không có duyên đọc bài kệ này sớm hơn, nhưng không sao, ngay bây giờ tôi sẽ quán chiếu sự sống hiện tại như lời Phật dạy. Tôi vẫn may mắn còn ba và má dù bây giờ đã trở thành một đứa trẻ ngồi chơi, nhưng má vẫn còn cạnh tôi để tôi được cơ hội làm tròn bổn phận của một người con. Tôi nhớ lại lời nhỏ bạn tôi hôm nào, ai cũng có 24 giờ một ngày…Tôi hiểu ra không phải vì cuộc sống nó thoải mái nên nói thế mà vì nó hiểu rõ bản chất cuộc đời hơn tôi.
Đêm khuya, một mình trên căn gác trọ nhìn xuống đường phố vắng tênh, vẫn còn những âm thanh như tiếng lóc cóc của xe hủ tiếu gõ, tiếng rao đêm… những âm thanh này tôi từng cảm thấy khổ sở và buồn tẻ, giờ tôi mới biết là nó chứa đựng trong đó biết bao giá trị thật gần gũi. Và, sẽ có một lúc nào đó khi quá mệt mỏi với công việc, người ta sẽ quay lại tìm kiếm những âm thanh này để nương tựa như một chốn rất bình yên.
Tôi cũng thế, bây giờ mỗi lần thấy mệt, tôi gác bỏ mọi thứ, chạy ngay về nhà, ăn cơm, trò chuyện với ba, phụ ba chăm sóc má. Rồi làm một số công việc đồng quê như dắt trâu ra đồng, làm cỏ vườn…Thế mà vui. Đêm đêm, gió mát, cả nhà nằm quây quần bên nhau xem tivi, rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay, cho tới sáng mà không phải bận tâm lo nghĩ một điều gì. Tôi nghiệm ra rằng, một giấc ngủ thật bình yên vào mỗi đêm, một nụ cười thật sảng khoái vào mỗi ngày là điều mà tôi cần phải đi tìm kiếm trong cuộc đời này.
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 48 | Những giá trị sống | Nguyễn Thị Nga