Được sự đồng ý của Nhà xuất bản Trẻ, Thanh Niên xin trích
đăng một số đoạn tiêu biểu trong cuốn sách sắp ra mắt Con đường Steve
Jobs (tác giả: Jay Elliot - Bill Simon, người dịch: Lại Hoàng Hà - Trần
Thị Kim Cúc), với những thông tin ít người biết về thiên tài công nghệ
này.
Bạn không thể trở
thành một chuyên viên công nghệ hàng đầu nếu không trải qua những năm
tháng học hành chăm chỉ trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, quy luật bất di
bất dịch ấy của cuộc sống lại không đúng với Steve Jobs. Tôi đã chứng
kiến một hiện tượng hầu như không thể tin được. Có một chàng trai trẻ bỏ
học đại học sau chừng hơn một học kỳ một chút, tự tìm đến Ấn Độ không
phải để du lịch mà như một thầy tu đi khất thực thì đúng hơn, rồi giác
ngộ đạo Phật và quyết định theo Phật giáo suốt đời. (Một lần tôi cùng
Steve đi trên một chuyến xe lửa ở Nhật Bản, anh đã chỉ cho tôi một ngôi
chùa mà chúng tôi vừa đi ngang qua, và cho biết sau chuyến đi đến Ấn Độ,
anh đã quyết định sẽ đến sống ở ngôi chùa này và trở thành một nhà sư.
Và hẳn anh sẽ làm thế nếu không có một dự án nhỏ hợp tác với cậu bạn
hàng xóm Steve Wozniak. Đời người đôi khi lại theo những hành trình mà
mình không hề ngờ tới một cách đáng kinh ngạc).
Steve Jobs (trái) và Steve Wozniak, đồng sáng lập Apple
|
Giờ đây, thay vì là một tiểu tăng, Steve Jobs đã trở thành một phù thủy công nghệ sắc sảo đến không ngờ.
Theo đuổi điều huyền bí
Anh nhanh chóng trở
thành bậc thầy về mọi khía cạnh của máy tính Macintosh, từ thiết kế, cấu
trúc hệ thống tới chức năng. Anh am hiểu công nghệ sâu sắc đến mức có
thể thảo luận với từng kỹ sư về những chi tiết trong công việc mà anh kỹ
sư đó đang làm - cốt để biết tiến độ đến đâu, tại sao người kỹ sư đó
quyết định thế này mà không phải thế kia, định đoạt chọn lựa nào đó chưa
phải là lựa chọn tốt nhất và yêu cầu thay đổi. Thậm chí với những vấn
đề cơ bản như Macintosh sẽ sử dụng loại chip nào: Steve ra lệnh cho nhóm
thực hiện dự án phải tạo ra một mẫu máy tính hoàn toàn mới chạy bằng
một con chip khác, Motorola 68000, loại chip có dung lượng bộ nhớ lớn
hơn. Họ càu nhàu nhưng phục tùng; quyết định đó đã được chứng minh là
đúng.
Một lần, khi được
phỏng vấn về khoảng thời gian làm việc tại Apple, một kỹ sư chế tạo Mac
là Trip Hawkins đã miêu tả Steve là người "có sức mạnh tầm nhìn gần như
đáng sợ. Một khi đã tin vào điều gì thì sức mạnh của tầm nhìn ấy đúng là
có thể quét sạch bất kỳ chướng ngại, khó khăn hay bất cứ thứ gì. Chúng
không thể tồn tại được".
Điều gì thôi thúc
Steve Jobs? Với vai trò có thể nói là cánh tay trái của anh (Steve thuận
tay trái), tôi đã tìm được câu trả lời thể hiện trong những nhận xét mà
anh đưa ra trong những buổi trò chuyện về bản thân và cách anh nhìn
nhận vai trò và mục tiêu của mình. Những sản phẩm tuyệt vời chỉ có được
từ những con người giàu đam mê.
Tầm nhìn mà Trip
Hawkins nói đến xuất phát từ tiêu điểm của Steve, nhưng hơn cả, chúng
xuất phát từ niềm đam mê của anh. Tôi thích Steve phát biểu về điều này,
đặt ra một chuẩn mực cho bản thân anh và mọi người xung quanh phải làm
tốt hết sức có thể từng công việc của mình "bởi con người chỉ làm được
một số việc nhất định trong đời". Giống như bất kỳ người nghệ sĩ giàu
đam mê nào, anh luôn luôn bị thôi thúc bởi niềm đam mê dành cho những
sáng tạo, dành cho những sản phẩm của mình. Vì thế máy Mac cũng như mọi
sản phẩm khác không đơn thuần là "sản phẩm". Chúng là hiện thân cho
quyết tâm mãnh liệt của Steve. Những người nhìn xa trông rộng có thể tạo
nên những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại hoặc những kiệt tác bởi họ không
chỉ làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Những gì Steve làm là hiện
thân của chính anh; vừa trực giác vừa đầy cảm hứng. Steve không biết
rằng anh đang làm điều mà Einstein từng khuyên bảo: "Theo đuổi điều
huyền bí".
Theo: Thanh Niên