Phải đến chùa nhiều lần người viết mới gặp được thầy Thích
Như Niệm- người được Bộ Giao thông vận tải tặng Kỷ niệm chương vì sự
nghiệp GTVT, bởi nhờ công đức của Thầy trên 116 cây cầu khỉ ở các tỉnh
miền Tây Nam bộ đã được thay thế bằng những cây cầu bê tông .
Trước khi gặp Hòa thượng Thích Như Niệm, trong lòng người viết chỉ thắc
mắc: Tại sao Hòa thượng lại chú tâm với công cuộc xóa cầu khỉ bằng hàng
trăm cây cầu bê tông mà không phải là xây dựng những ngôi nhà tình
thương?
Thắc mắc này được hòa thượng giải đáp bằng câu "Giúp người ta con cá không bằng giúp cái cần câu”.
Diễn giải rộng ra thì việc thông thương giữa đôi bờ bằng những cây cầu
bê tông cốt thép kiên cố sẽ giúp cuộc sống của người dân hai bên bờ sông
thuận lợi, giao dịch dễ dàng, hàng hóa thông thương hơn nhờ đó đời
sống, kinh tế sẽ dần đi lên.
Hòa thượng bộc bạch: Đến những vùng quê của các tỉnh miền Tây thấy
cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc đi lại
bởi sông rạch chằng chịt, cách trở đò ngang. Nhiều khi đi một km đường
bộ mà phải vượt qua gần hai chục cây cầu khỉ. Việc đi lại qua sông rạch
bằng những cây cầu khỉ nguy hiểm và nhiều rủi ro, nhất là với người già
và trẻ nhỏ, vì vậy Hòa thượng có tâm nguyện xây cầu bêtông cho người dân
đỡ cực.
"Còn nhớ khi bàn giao cây cầu thứ 10 ở Mỏ Cày- Bến Tre, có người
phụ nữ đứng nhìn cây cầu mới mà rưng rưng nước mắt. Hỏi chuyện mới biết
vì ngày trước mẹ cô đi qua cầu khỉ trượt chân té xuống sông mà chết,
người cha quyết tâm gom góp tiền để xây cầu nhưng chưa được bao lâu cũng
lâm bệnh mà mất. Giờ ngắm cây cầu mới vừa xây xong, người phụ nữ đó lại
đau đáu nhớ đến mẹ cha”, Hòa thượng ngậm ngùi.
Những cây cầu bê tông thay cho cầu khỉ mang lại sức sống mới cho những
vùng quê heo hút. Ngày khánh thành cây cầu nối liền hai xã Bình Khánh
Đông và Bình Khánh Tây, người dân vui như hội.
Trước đây, tuy cách một con sông nhưng từ Bình Khánh Đông muốn đi chợ
thì phải đi vòng qua Bình Khánh Tây mất gần nửa tiếng, cầu xây xong
người dân chỉ mất 5 phút để đến chợ.
Những cây cầu bê tông đầu tiên được xây dựng bằng số tiền đền bù giải
tỏa hai miếng đất - tài sản thừa kế từ gia đình của cá nhân hòa thượng,
dần dần Qũy xây cầu được lập tại chùa, bình quân mỗi năm có 12 cây cầu
được xây dựng từ nguồn quỹ này...
Ngoài hoạt động từ thiện xây cầu bê tông xóa cầu khỉ, hòa thượng Thích
Như Niệm còn tham gia các hoạt động từ thiện trong các phong trào khuyến
học, cứu trợ đồng bào nghèo, lũ lụt...
Với những đóng góp tích cực trong hoạt động từ thiện, hòa thượng
Thích Như Niệm đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Huy
chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Kỷ
niệm chương vì sự nghiệp Giao thông vận tải của Bộ Giao thông vận tải...
Hòa thượng Thích Như Niệm tâm niệm: Còn khỏe còn làm, có ít làm ít,
có nhiều làm nhiều, tiền cúng chùa được dành để xây cầu, vì thế những
nhịp cầu nhân ái của chùa Pháp Hoa sẽ còn tiếp tục kết nối những bờ vui ở
khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Theo: Đại đoàn kết