Cái năm đã xa, từ thủ đô Montréal xuyên lên Québec, mấy trăm
cây số ngồi xe, tôi cứ phập phồng cảm giác được chiêm bái bức tượng
Nguyễn Trãi mới được đặt tại Công viên quốc gia Québec. Thông tin trong
cộng đồng người Việt ở Canada về công trình độc đáo này do công của vợ
chồng Giáo sư Nguyễn Ngọc Định và Hồ Đắc Diệu Phương. Ông là GS Trường
Đại học Laval danh tiếng ở Québec.
Đặt tượng Nguyễn Trãi, dẫu đó là danh nhân của UNESCO tại
Công viên quốc gia Canada quả không dễ. Nhưng GS Nguyễn Ngọc Định đã
thuyết phục được thị trưởng thành phố Québec bằng chính tâm hồn Nguyễn
Trãi qua Ức Trai thi tập do ông chuyển ngữ. Nhà điêu khắc Trương Chánh
Trung đã tạc tượng cụ Ức Trai theo mẫu từ quê nhà mang sang...
Tôi chỉ biết loáng thoáng có vậy. Nhưng đến Québec, người tính không
bằng... tình huống tính! Người tôi nhờ đưa đi đã không có mặt do việc
đột xuất. Thời gian lưu lại ở Québec chỉ có một ngày. Đêm đã sập xuống.
Làm sao bây giờ? Đành để một dịp khác... Nghe người ta an ủi vậy thì
cũng đành. Nhưng dịp khác chắc có lẽ chả bao giờ?
Đang lủi thủi xách vali lên phòng, tôi bị chặn lại. Một người Việt dáng
manh mảnh thở hổn hển (chắc vừa phải chạy vội) nói với tôi, anh trong
đoàn doanh nghiệp cùng chuyến bay (tôi sơ ý nên không nhận ra) gần đây
đã từng đến Công viên quốc gia Parc de L'Arti Lerie, nơi đặt tượng
Nguyễn Trãi rồi. Đây là địa chỉ. Cũng dễ tìm. Tôi chỉ việc nhảy lên bất
kỳ chiếc taxi nào trước khách sạn, đưa địa chỉ này người ta sẽ đưa đến.
Rồi anh vội móc ra mấy đồng đôla Canada dúi vào túi áo tôi - tiền để đi
taxi - rồi anh chạy vụt đi...
Chuyến taxi ấy đã thành công mỹ mãn. Ngay trong đêm, tôi đã tìm đến được
Công viên quốc gia Parc de L'Arti Lerie của Québec từng được UNESCO
công nhận là Di sản văn hóa nhân loại và gặp được Ức Trai tiên sinh trên
quê người đất khách.
... Sau này gặp lại, Nguyễn Văn Trường, ông chủ doanh nghiệp Xuân Trường
được bộc bạch rằng lúc ấy, Trường đứng ở quầy lễ tân đã nghe hết nhưng
Trường đang có việc gấp. Trường cười, thông thường, chân ướt chân ráo
đến xứ người, anh chỉ gặp những ca nhờ vả thăm thân hoặc mua bán gì chứ
việc tốc tả tìm đến một địa danh văn hóa là hơi bị lạ nên anh đâm... tò
mò! Bởi tò mò nên được việc cho tôi!
2. Thử gõ Google, thông tin về ông chủ Công ty Xuân Trường chủ trương
xây dựng chùa Bái Đính hầu như chỉ lác đác nhưng thiên hạ dưới gầm giời
Nam này khối người biết đến Bái Đính mới đang được xây cất hoành tráng
bên cạnh Bái Đính cổ tự. Khi hoàn thành, đây có thể là khu chùa có quy
mô lớn nhất Việt Nam.
Tương lai, nó sẽ trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam. Danh ấy,
phận ấy nhưng ông chủ Xuân Trường chủ trương xây chùa Bái Đính mới không
mấy khi chịu ló mặt ra cho giới truyền thông. Tọa lạc trên một đường
đẹp và hiện đại của thành phố Ninh Bình nhưng Công ty Xuân Trường không
trưng các biển hiệu sặc sỡ bắt mắt.
Bặt vắng các thứ quảng cáo này khác trên mặt tiền công ty lẫn trên các
phương tiện truyền thông. Nhưng Xuân Trường thời gian gần đây dường như
đã làm xô lệch bản đồ du lịch của Ninh Bình. Nơi hút nhiều du khách
những là chùa Bái Đính mới, hệ thống hang động Tràng An. Hình ảnh ông
chủ xây cất chùa Bái Đính trên chuyến bay đặc biệt sang Ấn Độ rước xá
lợi do Phật giáo Ấn Độ gửi tặng.
Chặng về là đoàn xe Limousine, Hummer, Lincoln chở xá lợi và cao tăng
trực chỉ Bái Đính Ninh Bình. Rồi lần người dân núi Thúy sông Vân hoan hỉ
đón đoàn đại biểu các nước về chiêm bái chùa Bái Đính trong chương
trình Đại lễ Phật đản thế giới (Visak) lần đầu tiên diễn ra tại Việt
Nam.
Đang sải những bước dài trên lối đi song hành với các vị La Hán, Trường
xoa xuýt rên lên như bị đánh khi thoáng thấy những mảnh giấy kẹo vỏ bánh
vất vương vãi trên lối đi.
Ngó thấy ông chủ của mình chốc chốc lại phải cúi xuống nhặt, người thơ
ký bèn rút máy điện cho một bộ phận nào đó gấp rút nhắc khách thập
phương bỏ rác vào thùng và điều nhân viên lên khu vực này gom rác. Chưa
hết, Trường quay sang nói thêm việc thông báo nhắc khách thay vì nhét
tiền giấy vào tay Phật và các vị La Hán thì bỏ vào hòm công đức.
Coi sóc điều hành một công trình hàng ngàn tỷ mà phải để mắt đến những
việc mọn ấy thì cũng chả phải là người sung sướng lắm lắm như thiên hạ
đồn thổi? Lại nữa, Trường ăn chay trường. Mấy người thân tín ở Xuân
Trường nói lại. Nhiều năm rồi. Tôi ngó kỹ Trường lần gặp này thấy sắc
diện không được vượng. Màu mai mái đã thay cho vẻ trắng trẻo mượt mà
những năm xa.
Người thơ ký nói nhiều lúc mải việc, gắng việc Trường đã phải truyền
nước, thúc giục Trường ngừng ăn chay nhưng Trường vẫn không đổi ý! Vợ
con nài nỉ cũng không được... Trường nói thấy mình hợp với các thức
chay. Đằng sau điện thờ Tam thế có một khu nhà bán cơm chay rộng thênh
có sức chứa ngàn người, mỗi suất 10 ngàn đồng thời bão giá.
Nhân ngày hội Bái Đính, ngồi nhâm nhi thọ trai mấy thức chay với Trường,
tôi chợt nhận ra, từng quen người chủ trương xây cất Bái Đính này nhưng
biết quá ít? Bí ẩn đại gia Trường Bái Đính... như lời đồn thổi này khác
của giới truyền thông không phải là không có cớ? "Làm chùa, tô tượng,
đúc chuông/ Trong ba việc ấy thập phương nên làm".
Nhưng nên xây cỡ nào? Cả chuông lẫn tượng kích cỡ bao nhiêu thì vừa? Bái
Đính mới có diện tích là chùa rộng nhất Việt Nam (107ha). Điện thờ Tam
Thế và Pháp Chủ có diện tích lên tới 1.000m2. Tượng Phật bằng đồng lớn
nhất Đông Nam Á: Tượng Phật Tổ Như Lai nặng 100 tấn. Ba pho Tam Thế mỗi
pho nặng 50 tấn. Hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á: 36 và 27 tấn. Chùa
có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam với 500 vị bằng đá cao khoảng 2m. Kỷ
lục về số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam với 100 cây bồ đề được chiết từ
cây bồ đề Ấn Độ v.v và v.v...
Ứng với những la liệt các thứ to cùng nhớn ấy, tiền đâu? Đã đành doanh
nghiệp Xuân Trường với các phương thức kinh doanh đa dạng hiệu quả này
khác nhưng thử nhẩm những lợi nhuận, những lãi ròng rồi quy ra thóc để
ứng để chi cho những phương tiện này khác của chùa Bái Đính thì quả chưa
thấm tháp vào đâu nếu chả nói là muối bỏ biển? Nhưng Trường - Xuân
Trường đã làm đang làm và sẽ tiếp tục thực thi những thứ phương tiện to
nhớn ấy! Đã đành lời răn lời khuyên tô tượng đúc chuông... kia là phải.
Nhưng với Bái Đính phải là tiền tỷ. Nhiều ngàn tỷ! Xã hội hóa là cách
nói, là khái niệm nhưng là sáng tạo là uyển chuyển, thậm chí là bí ẩn
trong chi tiết, trong cách làm của việc huy động vốn. Có một lần ngồi
với ông chủ xây Bái Đính, nhân lúc chan hòa, tôi đã tò mò, thôi thì
không nhiều, chỉ một vài kênh, hoặc một kênh cái dòng vốn từ thiện ấy đã
từng tìm về Bái Đính như thế nào...
Ông chủ Trường không lảng nhưng câu chuyện cổ kim của ông về những người
làm từ thiện, trong đó có việc tô tượng đúc chuông thường được phép
lặng tiếng thay cho việc trả lời một câu hỏi khó kiêm tọc mạch, dớ dẩn!
Vậy đó, loanh quanh những lần chuyện trò này khác, đại gia Trường Bái
Đính vẫn là thứ chả dễ giải mã?
Cữ tháng Giêng Hai âm lịch bình quân hơn nửa triệu du khách đổ về Bái
Đính. Nhu cầu tín ngưỡng? Nhu cầu tò mò? Du lịch? Thôi thì thập loại
chúng sinh tất có lẫn mấy thứ ấy...
Vậy chả thể tùy tiện đại diện cho tỷ lệ lẫn phe phái nào thích hoặc dị
ứng với tân Bái Đính lẫn cái người đang ngày đêm lao tâm khổ tứ với sự
bày biện một Bái Đính mới. Bán vé (thôi thì không mấy chục chỉ năm hoặc
mười ngàn một người) thì Xuân Trường hốt khá bộn bạc.
Nhưng Trường không làm! Cửa, cổng Bái Đính cứ là thông thống và miễn phí
như thế thì kể cũng khá những sự lạ? Lên trong dòng người ken đặc chùa
Bái Đính mới, thấy bớt đi nhiều cảm giác dị ứng trước đây với những sự
xây cất thênh thang, thậm chí là cồng kềnh rằng, có nên xây Bái Đính
hoành tráng đến dường ấy?
3. Những thức thời trân chay ngon lành kia sẽ thoắt bã bượi trong miệng
kẻ phàm trần như tôi nếu ông chủ việc xây cất Bái Đính cứ hồn nhiên lặp
lại những cụm từ mà không hiểu sao thiên hạ (kể cả trên các phương tiện
thông tin đại chúng) cứ kháo rầm lên lâu nay về Bái Đính: nào là to
nhất, nào là lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay?
Mà trong câu chuyện với ông chủ sự Bái Đính, tôi loáng thoáng đọc được
thông điệp rằng, hình như trong muôn đời tâm thế Việt lạ thay và kỳ diệu
thay luôn hòa quyện với giáo lý nhà Phật! Rằng dẫu chùa to hay nhỏ, Tam
bảo, chuông khánh kích cỡ nào thì những thứ vật thể hữu hình ấy cũng
chỉ là phương tiện để người đời tìm đến chân giá trị của Phật! Gẫm những
lời rủ rỉ của Trường, tôi bất giác nhớ đến ý nghĩa cao thâm của bức đại
tự ngay cổng chùa Quán Sứ Tùy Duyên Phương Tiện chứa bao thông điệp uẩn
súc nhưng thật giản dị, giản tiện để dẫn dắt chúng sinh!
Chiêm bái tại Bái Đính cổ tự xửa xưa khiêm cung tựa vào núi đá hay thành
kính dâng hương ở Bái Đính tân tạo nguy nga của Công ty Xuân Thành bây
giờ thì cũng là chung một phương tiện để chuyên chở ân đức của chúng
sinh đối với Phật tổ với Thần núi cùng Chúa Thượng Ngàn. Với Đức Thánh
Nguyễn Minh Không (1065-1141) từng đến đây lập chùa để tìm cây thuốc
chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông.
Và gần hơn, với Bái Đính là cứ địa trọng yếu trong cuộc kháng chiến
chống quân Nguyên Mông Thế kỷ XIII của các Vua Trần. Gần nữa, với công
lao người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung từng tổ chức lễ tế cờ
tại Bái Đính khi kéo quân ra Thăng Long đại phá quân xâm lược mãn Thanh.
Ngồi thuyền du ngoạn Tràng An cùng ông bạn từng sống lâu ở Âu Mỹ, thi
thoảng lại thấy bạn rên lên xuýt xoa rằng hệ thống hang động sông nước
Tràng An của Bái Đính (do Xuân Thành đưa vào khai thác mấy năm nay) ấn
tượng hơn cả Tam Cốc Bích Động lẫn suối Yến của Hương Sơn thì thấy làm
nghi hoặc lắm? Thôi thì mỗi người mỗi ý, mỗi thích...
Lẩn mẩn nhẩm lại bài thơ Minh Đính danh lam (Cảnh đẹp Bái Đính) của ông
vua thi sĩ Lê Thánh Tông: "Đính Sơn danh tiếng cao xa/ Giậu phên che chở
bao la kinh thành/ Địa linh nhân kiệt khí lành/ Núi xanh sông biếc dựng
tranh sơn hà". ( X.B tạm dịch) rồi gẫm tiếp mấy câu ca dao tuyền tụng ở
vùng này: "Dập dìu cánh hạc chơi vơi / Tiễn thuyền vua Lý đang rời kinh
đô/ Khi đi nhớ cậu cùng cô/ khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường", tôi đồ
rằng khẩu khí hơi hướng ca dao ấy dường như có na ná cái hơi hướng thi
mạch minh triết lẫn dân dã của thi sĩ Lê Thánh Tông?
Thời ấy ngộ nhỡ có tân Bái Đính hoành tráng, thi sĩ Lê Thánh Tông viết gì?
Tiết Khai hạ, năm Mão
Theo: CAND