Mục đích của buổi lễ này là nhằm tạo
cơ hội cho người xuất gia tịnh hóa bản thân dẫn đến sự thanh tịnh và hòa
hợp của tập thể Tăng-già. Nếu người xuất gia có vi phạm bất kỳ giới
điều nào trong các điều luật được tụng đọc (hoặc tự nhận ra hoặc do
người khác chỉ bảo) thì tự thú nhận trước Tăng chúng và nguyện ăn năn
sám hối, quyết không để tái phạm. Nếu không vi phạm thì giữ tâm niệm
hoan hỷ im lặng. Đây là cơ hội giúp cho người xuất gia kiểm thảo lại tư
cách đạo đức của mình trong đời sống cá nhân và trong các sinh hoạt tập
thể, tựa như một người nhìn vào gương để thấy rõ khuôn mặt của mình vậy.
Do đó mà giới luật Phật giáo có câu: Như người tự soi gương, Đẹp xấu
sanh vui buồn; Thuyết giới cũng như vậy, Toàn, hủy, sanh mừng lo. Bên
cạnh lễ Bố-tát thuyết giới được tiến hành nửa tháng một lần và mang ý
nghĩa vừa tịnh hóa cá nhân vừa tịnh hóa tập thể, trong đời sống sinh
hoạt hàng ngày, người xuất gia thường xuyên dùng Chánh pháp (lời Phật
dạy) hay Giới luật làm gương để soi rọi các hành vi của mình gọi là
“phản tỉnh” (paccevekkhana)1. Việc người xuất gia thường xuyên soi
“gương Chánh pháp” hay “gương Giới luật”như vậy cốt yếu là để giúp cho
vị ấy nhận rõ các hành vi thiện hay bất thiện của mình, qua đó mà có
thái độ ứng xử cho đúng pháp hay đúng với tinh thần lời Phật dạy. Căn
bản của nếp sống tiến triển giới đức và giải thoát tâm linh của người
xuất gia nằm ở chỗ vị ấy thường xuyên giác tỉnh hay phản tỉnh về mọi
hành vi thuộc thân, miệng, ý của mình, nhận rõ chúng là thiện hay bất
thiện để tinh tấn tu tập. Nếu chúng là thiện thì sinh tâm hoan hỷ mà nỗ
lực làm thêm.
Nếu chúng là bất thiện thì phải sinh tâm xấu hổ
sợ hãi (tàm quý) mà kiên quyết từ bỏ. Đây gọi là phương pháp tịnh hóa ba
nghiệp (tikamma-parisodhana) hay thực tập Chánh tinh
tấn (Sammà-vàyàma), tức nỗ lực dứt trừ mọi điều ác và nỗ lực làm các
việc lành, trên cơ sở xem xét thân hành, khẩu hành và ý hành của chính
mình hay phản tỉnh tự nội. Sau đây là một trong số các cách phản tỉnh
như vậy, được ngài Mục-kiền-liên nói với các vị đồng phạm hạnh2:
“Chư Hiền, ở đây, Tỷ-kheo cần phải quán sát như sau: “Không biết ta có
ác dục, có bị ác dục chi phối không?”. Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và
biết rằng: “Ta có ác dục và bị ác dục chi phối”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo
ấy cần phải tinh tấn đoạn trừ các ác, bất thiện pháp ấy. Chư Hiền, nếu
Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta không có ác dục, không bị ác dục chi
phối”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm
tu học các thiện pháp.
Lại nữa, chư
Hiền, Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Không biết ta có khen mình chê
người hay không?”… Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta
không có khen mình chê người”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với
tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền, Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Không biết ta có
phẫn nộ, có bị phẫn nộ chi phối không?”… Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát
và biết rằng: “Ta không có phẫn nộ, không bị phẫn nộ chi phối không”,
thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học
các thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền,
Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Không biết ta có hiềm hận, có bị hiềm
hận chi phối không?”… Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta
không có hiềm hận, không bị hiềm hận chi phối”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy
phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền, Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Không biết ta có cố
chấp, có bị cố chấp chi phối không?”… Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và
biết rằng: “Ta không có cố chấp, không bị cố chấp chi phối”, thì chư
Hiền, Tỷ- kheo ấy phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các
thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền,
Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Không biết ta có nói lời liên hệ đến
phẫn nộ không?”… Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta không
có nói những lời liên hệ đến phẫn nộ”, thì chư Hiền, Tỷ- kheo ấy phải
sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền, Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Ta bị buộc tội,
không biết ta có chống đối vị đã buộc tội ta không?”… Chư Hiền, nếu
Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta bị buộc tội, ta không có trở lại
chống đối vị đã buộc tội ta”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với tâm
niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền, Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Ta bị buộc tội,
không biết ta có trở lại chỉ trích vị đã buộc tội ta không?”… Chư Hiền,
nếu Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta bị buộc tội, ta không có trở lại
chỉ trích vị đã buộc tội ta”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với tâm
niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền, Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Ta bị buộc tội,
không biết ta có trở lại chất vấn vị đã buộc tội ta không?”… Chư Hiền,
nếu Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta bị buộc tội, ta không có trở lại
chất vấn vị đã buộc tội ta”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với tâm
niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền, Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Ta bị buộc tội,
không biết ta có tránh né vấn đề với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài
vấn đề, để lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn của ta không?”… Chư Hiền, nếu
Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta bị buộc tội, ta không có tránh né vấn
đề với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài vấn đề, để lộ phẫn nộ, sân
hận, bất mãn của ta”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với tâm niệm
hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền, Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Ta bị buộc tội,
không biết ta có giải thích thỏa mãn hành động của ta cho vị buộc tội
biết không?”… Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta bị buộc
tội, ta có giải thích thỏa mãn hành động của ta cho vị buộc tội biết”,
thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học
các thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền,
Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Không biết ta có hư ngụy và não hại
không?”… Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta không có hư
ngụy và não hại”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với tâm niệm hoan
hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền, Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Không biết ta có tật
đố và xan tham không?”… Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta
không có tật đố và xan tham”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với
tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền, Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Không biết ta có
gian trá và lường gạt không?”… Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và biết
rằng: “Ta không có gian trá và lường gạt”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải
sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền, Tỷ-kheo phải quán sát như sau: “Không biết ta có
ngoan cố và quá mạn không?”… Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và biết
rằng: “Ta không có ngoan cố và quá mạn”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải
sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.
Lại nữa, chư Hiền, ở đây Tỷ-kheo cần phải quán sát như sau: “Không biết
ta có chấp trước thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả không?”.
Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta có chấp trước thế tục,
cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy cần phải
tinh tấn đoạn trừ những ác, bất thiện pháp ấy. Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo
quán sát và biết rằng: “Ta không chấp trước thế tục, không cố chấp tư
kiến, tánh dễ hành xả”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với tâm niệm
hoan hỷ, ngày đêm tu học thiện pháp”.
Chư Hiền, nếu trong khi quán sát, Tỷ-kheo thấy rõ rằng tất cả các ác,
bất thiện pháp chưa được đoạn trừ trong nội tâm, thì chư Hiền, Tỷ-kheo
ấy cần phải tinh tấn đoạn trừ các ác, bất thiện pháp ấy. Chư Hiền, nếu
Tỷ-kheo trong khi quán sát thấy rõ rằng tất cả các ác, bất thiện pháp đã
được đoạn trừ trong nội tâm, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với tâm
niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học thiện pháp.
Chư Hiền, ví như một phụ nữ hay một đàn ông trẻ tuổi, trong tuổi thanh
xuân, tánh ưa trang điểm, tự quán sát mặt mày của mình trong một tấm
kính sạch sẽ và trong suốt, hay trong một bát nước trong sáng. Nếu người
ấy thấy bụi bặm hay cấu uế trên mặt mình, thì người ấy tinh tấn đoạn
trừ bụi bặm hay cấu uế ấy. Nếu người ấy không thấy bụi bặm hay cấu uế
trên mặt mình, thì người ấy sẽ hoan hỷ nghĩ rằng: “Thật sự ta được điều
tốt đẹp; thật sự ta được thanh tịnh”. Cũng vậy chư Hiền, nếu trong khi
quán sát, Tỷ-kheo thấy rõ rằng tất cả các ác, bất thiện pháp chưa đoạn
trừ ở nội tâm, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn đoạn trừ các
ác, bất thiện pháp ấy. Chư Hiền, nếu Tỷ- kheo trong khi quán sát thấy rõ
rằng các ác, bất thiện pháp đã đoạn trừ ở nội tâm, thì chư Hiền,
Tỷ-kheo ấy phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học thiện pháp”.
Nhìn chung, người xuất gia có nhiều cơ duyên thuận lợi để hoàn thiện tư
cách đạo đức hay nếp sống đức hạnh của mình. Đó chính là Giới luật Phật
chế được tuyên thuyết mỗi nửa tháng trong sinh hoạt Tăng-già, bên cạnh
Chánh pháp hay những lời Phật dạy được lưu giữ trong các bản kinh mà
người xuất gia phải tìm hiểu học hỏi và thực tập hàng ngày. Ngoài ra,
bầu không khí thanh tịnh và hòa hợp thể hiện trong nếp sống Tăng- già
hay gương sáng đạo hạnh của chư vị tôn đức cộng trú cũng là yếu tố hỗ
trợ và khích lệ rất lớn cho vị ấy về phương diện tiến triển giới đức.
Nói cách khác, người xuất gia có “gương Giới luật”, “gương Chánh pháp”
và “gương Tăng-già” giúp cho mình soi rọi và phản tỉnh hàng ngày, nhờ đó
tư cách đạo đức hay giới hạnh của vị ấy càng được củng cố và phát
triển. Người xuất gia càng khéo vận dụng các loại “gương đức hạnh” này
để xem xét và phản tỉnh về chính mình thì giới đức, tâm đức, tuệ đức,
giải thoát và giải thoát tri kiến đức của vị ấy càng có dịp tiến triển,
cùng lúc vị ấy hưởng được nhiều hạnh phúc và an lạc lớn; vì khi một
người có giới hạnh, theo thiện pháp, không vi phạm điều xấu ác, thì theo
đó cuộc sống sẽ đổ đầy niềm vui và tuần tự tiến bộ dẫn đến hoàn
thiện 3, như lời Đức Thế Tôn từng giảng giải cho Tôn giả Ànanda:
“Này Ànanda, giới hạnh có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối
tiếc. Không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan. Hân hoan
có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ. Hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có
lợi ích khinh an. Khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc. An lạc
có ý nghĩa định, có lợi ích định. Định có ý nghĩa như thật tri kiến, có
lợi ích như thật tri kiến. Như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, ly
tham, có lợi ích nhàm chán, ly tham. Nhàm chán, ly tham có ý nghĩa giải
thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến. Như vậy, này Ànanda, các
thiện giới thứ lớp dẫn tới tối thượng. Như vậy, này Ànanda, các thiện
giới thứ lớp đưa đến tối thượng”4.
Đức Chánh
Chú thích:
- Kinh Giáo giới La-hầu-la Am-bà-la lâm, Trung Bộ.
- Kinh Tư lượng, Trung Bộ.
- Mã ấp tiểu kinh, Trung Bộ.
- Kinh Có lợi ích gì, Tăng Chi Bộ