Chữ Hiếu giữa những ngày đại dịch (TT. Thích Tâm Như) - Audio
Tháng 7 âm lịch năm nay vẫn về giữa những cơn mưa rào vội đến, vội đi. Đặt bút viết những dòng này sau cánh cổng chùa đã khóa kín gần hai tháng, chợt nhận ra, Vu Lan năm nay đến một cách rất riêng: Nhẹ nhàng, trầm lắng và đọng lại trong lòng mỗi người những ký ức khó quên.
Đại dịch COVID-19 đã lấy đi của cuộc sống con người rất nhiều điều trân quý: Công việc, tiền bạc, tự do hay cao hơn là cả sinh mạng. Nhưng nó không thể làm phai mờ đi tấm lòng hiếu kính trong mỗi chúng ta. Bởi lẽ, hiếu kính với cha mẹ là một truyền thống rất tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến ngày nay. Gia đình dạy ta chữ hiếu ngay từ thuở lọt lòng bằng những câu hát ru ầu ơ bên cánh võng, xã hội nhắc nhở ta chữ hiếu bằng những câu ca dao, tục ngữ ngàn đời…
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con”
Chữ hiếu cứ thế ngày càng in đậm trong tâm thức những người con Việt. Khi Đạo Phật du nhập vào Việt Nam, chữ hiếu lại càng được củng cố và phát huy đến một tầm cao mới. Bởi từ ngàn xưa, Đạo Phật đã được gọi là Đạo Hiếu.
Hiếu, một chữ thôi, gần gũi nhưng sao cũng xa vời. Công ơn cha mẹ sánh bằng non biển, phận làm con biết sao cho vẹn tròn chữ hiếu, có chăng chỉ có thể đáp đền ân thâm trong muôn một.
“Con cầm chữ hiếu loay hoay,
Hiểu chưa kịp, sợ đến ngày trắng răng”.
Hằng năm, cứ đến mùa Vu Lan, những người con thảo lại càng thổn thức nhớ về bổn phận của đạo làm con, tìm cách đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng báo hiếu thế nào mới là thật sự, thế nào mới đúng với tinh thần nhà Phật?
Theo tinh thần kinh Vu Lan: Đức Phật dạy phương pháp cứu mẹ cho ngài Mục Kiền Liên là phải nhờ vào sức mạnh tâm linh của chư Tăng trong ngày Tự tứ, điều đó đã nói lên sức mạnh của tập thể bao giờ cũng thù thắng hơn sức mạnh của cá nhân, dù cá nhân đó vĩ đại như thế nào thì một mình cũng không thể cứu mẫu thân được. Việc đức Mục Kiền Liên tìm phương pháp cứu mẹ thoát khỏi cảnh tam đồ chính là lòng hiếu đạo. Một trong bốn phương thức báo hiếu của nhà Phật.
Như vậy, hiếu đạo có nghĩa là lòng chí thành, chí thiết của con cái đối với cha mẹ, tìm cách đưa ông bà, cha mẹ đến với Chánh pháp, cứu độ ông bà, cha mẹ và cửu huyền thất tổ ra khỏi ác đạo. Đó là thực hành hạnh hiếu đúng với tinh thần của Đạo Phật, phương thức này thuộc về chữ hiếu xuất thế gian còn các phương pháp khác đều là cách báo hiếu thế gian.
Phương pháp thứ hai chính là Hiếu dưỡng. Chữ “dưỡng” có nghĩa là nuôi, chúng ta nuôi dưỡng cha mẹ đầy đủ về các mặt vật chất như: Cung cấp cơm ăn, áo mặc, thuốc thang… không thiếu thứ gì. Nhưng sự quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng này phải xuất phát từ lòng từ hoan hỷ chứ không phải phát xuất từ ý tưởng xem việc nuôi dưỡng cha mẹ là phận sự phải làm, là điều bắt buộc vì phận làm con phải có trách nhiệm. Những ý tưởng như trên đều không đúng với Hiếu dưỡng của người con Phật.
Thứ ba chính là Hiếu hạnh: Nghĩa là người con luôn luôn giữ mình trong mọi hành động, lời nói và ý tưởng, không bao giờ làm điều gì để người khác chê bai là đứa con hư hỏng, xấu xa. Những lời chê bai, chửi mắng, nói xấu nếu để đến tai cha mẹ thì điều đó sẽ làm cho cha mẹ buồn rầu trở thành những hành vi bất hiếu. Bởi vậy, những việc làm của chúng ta trong hiện tại nếu sống thích hợp, đem lại tiếng tốt cho cha mẹ thì đó sẽ là sự báo hiếu. Sự kính trọng, nể phục của người khác đối với cha mẹ mình đôi khi tùy thuộc vào hành vi, cử chỉ, nói năng, giao tiếp của những người con. Cho nên người con hiếu hạnh phải biết gieo những điều tốt đẹp với những người xung quanh để gây uy tín, tiếng thơm cho cha mẹ của mình.
Hiếu tâm là phương thức sau cùng: Nghĩa là khi chúng ta vì hoàn cảnh hay một nguyên do nào đó mà phải sống xa quê hương, xa cách cha mẹ nhưng tâm tư của chúng ta vẫn luôn luôn hướng về cha mẹ, không khi nào quên những gì cha mẹ từng chỉ dạy khi còn ở gần. Những ý tưởng như vậy gọi là Hiếu tâm.
Ngày Vu Lan – Ngày vun bồi truyền thống hiếu kính của ngàn xưa. Mọi năm, tháng 7 ÂL luôn là một trong những khoảng thời gian vui vẻ, hân hoan nhất của Phật giáo. Người Tu sĩ vui niềm vui thêm tuổi hạ. Những người Phật tử lại mừng ngày thắng hội Vu Lan. Khắp nơi trên dải đất hình chữ S đều rực rỡ màu cờ hoa dâng lên cúng dường chư Phật ngày Tự tứ; rộn rã lời ca, tiếng hát dành tặng cha mẹ ngày Báo hiếu thù ân. Những đóa hoa hồng dù đỏ hay trắng cũng sẽ được mùa khoe sắc, tượng trưng cho tấm lòng thành của những người con hiếu thảo. Đâu đó, nơi góc phố phường vội vã, chúng ta sẽ thấy những đóa hồng nhỏ đang bước ra khỏi cánh cổng chùa, hòa mình vào thế gian, lan truyền và gắn kết những tình thân cao quý…
Nhưng năm nay mọi thứ thật khác. Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước, khiến gần như tất cả mọi hoạt động xã hội đều bị ảnh hưởng, nhiều hoạt động phải tạm ngưng để phòng chống dịch bệnh, trong đó có Đại lễ Vu Lan của Phật giáo. Các tự viện, cơ sở tôn giáo đều đóng cửa, ngưng tiếp khách. Những sự kiện, Đại lễ đều không thể tiến hành. Năm nay, không có hoa hồng đỏ, trắng mà chỉ có những đóa hoa đời đang khoác lên người những tấm áo bảo hộ trắng, xanh. Năm nay, không có những lời ca tiếng hát, chỉ có tiếng còi xe cứu thương vang vọng, tiếng loa phát thanh nhắc nhở tuân thủ giãn cách và những câu hỏi thăm nhau qua điện thoại. Những Phật tử trẻ năm nay đã thôi không mang theo cánh hồng xuống phố mà mang theo tình thương và trách nhiệm dấn thân vào tuyến đầu chống dịch, làm tròn sứ mạng của người Phật tử, người công dân khi đất nước cần.
Những ngày này, toàn xã hội đang giãn cách tối đa để phòng chống dịch bệnh lây lan. Chúng ta tạm gác lại công việc; tạm rời xa sự ồn ào, vội vã của cuộc sống; sự xa hoa, giả tạm của dòng đời mà ở yên dưới nếp nhà thân thương, xích lại gần hơn với những người thân thuộc nhất. Dịch bệnh tuy lấy đi của chúng ta cơ hội được đến chùa lễ Phật, được hòa cùng niềm vui của hàng ngàn người con thảo nhưng lại mang đến cho chúng ta những ngày thả chậm nhịp bước chân mà quay về quây quần bên cha mẹ. Đây chính là khoảng thời gian tốt nhất để chúng ta thực hành câu hiếu đạo mà bao năm qua mỗi mùa Vu Lan về chúng ta đều được nhắc nhở, bảo ban.
Chúng ta hãy dùng quãng thời gian lặng yên quý báu này để hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Hãy kề cận cha mẹ nhiều nhất khi còn có thể. Hãy xoa nắn đôi bàn tay mẹ gân guốc. Hãy vỗ về đôi chân cha sạm chai. Hãy dành thời gian nấu những bữa cơm ngon, pha những ly sữa nóng dâng lên cha mẹ. Đó đã là “Hiếu dưỡng”. Hãy sống đúng với trách nhiệm của một người công dân tốt, mà ngay lúc này, đơn giản nhất là tuân theo những quy định của Nhà nước về phòng chống dịch bệnh, nâng cao ý thức của bản thân và những người xung quanh để cha mẹ được yên lòng. Nếu có thể, hãy góp sức mình nơi tuyến đầu chống dịch để cha mẹ được tự hào. Đó đã là “Hiếu hạnh”. Nhân dịp Vu Lan, chúng ta hãy hướng dẫn cha mẹ cùng mình tu tập, siêng năng tinh tấn trên con đường giải thoát, đồng thời hồi hướng công đức mong cầu cửu huyền thất tổ sớm siêu sanh. Đó đã là “Hiếu đạo”. Nếu chúng ta không may mắn, không được ở cạnh cha mẹ lúc này thì hãy giành lòng thương nhớ, giành thời gian mà gọi về thăm hỏi mẹ cha. Đó cũng chính là “Hiếu tâm”.
Nhà là nơi để về. Nhà là nơi cho ta trú chân trước mỗi sóng gió cuộc đời. Ở nhà những ngày này là chúng ta đang yêu thương chính bản thân mình, yêu thương cha mẹ, gia đình và yêu thương đất nước. Chẳng cần tìm cầu nơi nào xa xôi, ở nhà bình tâm và an yên thực hành bốn chữ hiếu là ta đã phần nào đang bước trên con đường sáng, ngõ hầu đền đáp thâm ân của mẹ cha trong muôn một.
Đại dịch khiến chúng ta bàng hoàng nhận ra, chưa bao giờ ranh giới giữa sự sống và cái chết lại mong manh đến thế. Có những người mới hôm qua còn khỏe mạnh, còn được thấy mặt, được gọi tên thì hôm nay chỉ có thể đứng từ xa mà bái vọng. Muốn đến gần hơn nhìn khuôn mặt thân thương lần cuối nhưng mãi chỉ là ước muốn xa xôi. Có những người con đã tự nhủ, cố nốt tháng này thôi dành dụm thêm chút ít rồi về thăm cha mẹ. Nhưng rồi cái tự nhủ ấy chỉ để lại những nỗi xót xa. Ngay lúc này đây, xin hãy làm tất cả để hướng về cha mẹ. Đừng chần chờ để rồi phải nói lên lời sám hối muộn màng. Đừng để mỗi mùa Vu Lan lại nghe lòng mình thổn thức buồn thương…
Tôi không khóc khi áo tôi cài hoa trắng.
Vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười.