Ai
cũng khuyên mình hãy chấp nhận cái sự bất trắc của cuộc đời. Khi mà
mình mở rộng trái tim ôm nó vào lòng thì mọi chuyện sẽ ổn cả thôi! Nhưng
thực tình mà nói: Những cái bất định trong cuộc sống khiến mình thêm
lo sợ và bất an. Càng lo sợ nó sẽ xảy ra thì mình càng cảm thấy bất an
và mệt mỏi. Có lúc muốn đành nhắm mắt xuôi tay, mặc kệ cho chuyện đời ra
sao thì ra. Nhưng tâm mình lúc nào cũng cứ cảnh giác, âu lo những
chuyện trắc trở không lường trước sẽ xảy ra.
Thật
là nực cười! Mình phải trải qua không biết bao nhiêu là năm tháng, bao
nhiêu là gian nan, thử thách, nào là thiền tập, châm cứu, yoga, thể dục
v.v… để trốn thoát cái khó chịu của những sự bất trắc trong cuộc sống.
Mình lo tập thể dục thường xuyên, ăn uống thì kiêng cữ đủ thứ, thuốc men
thì khỏi nói, đủ hết các loại nhức đầu, đau lưng, phong thấp, thấp
khớp, thuốc Nam, thuốc Bắc… Nhưng rốt lại thì sao! Dù mình đã có kế
hoạch đâu vào đấy cho mọi tình huống, thất bại vẫn cứ từ từ xảy ra. Bất
trắc, hay bất định không những không thể nào tránh được mà chúng lại là
điều cần thiết trong cuộc sống. Vì nếu chúng ta có thể hoàn toàn chế ngự
được mọi kết quả trong đời mình thì chúng ta sẽ không bao giờ nếm mùi
thất bại. Chính vì những bất trắc này nên khiến mình khám phá được những
cá tính của chính mình mà trước đây mình không hề biết. Chẳng hạn khi
còn trẻ, tôi rất là kiêu ngạo vì tin rằng mình rất thông minh, và việc
gì cũng có thể làm được. Tuy miệng nói khiêm cung mà lòng thì dễ xem
thường người khác. Nhưng sau những lần làm việc thất bại, dù đã tận dụng
hết trí thông minh và tài năng của mình, tôi mới nghiệm ra rằng ở đời
không phải lúc nào mọi chuyện cũng đều xảy ra theo ý mình. Trong kinh
Phật có dạy rằng: Muôn pháp do duyên sinh nên không có chủ thể, không có
cố định, đủ duyên thì xuất hiện, hết duyên thì biến mất.
Người
xưa hay nói câu ‘Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’ khi công việc đã
được tính toán kỹ nhưng không thành công như mong đợi. Chữ ‘thiên’ trong
câu trên có nghĩa là do ‘ý trời’. Nhưng đạo Phật không tin vào quyền
năng định đoạt số phận của một vị thần linh nào cả, mà cho rằng khi
duyên đủ thì sự việc sẽ xảy ra, hình thành. Cho dù mình có cố gắng cỡ
nào nếu duyên không tập hợp đầy đủ thì kết quả sẽ không bao giờ theo ý
muốn. Vì tùy theo duyên sinh nên đôi lúc chúng ta cưỡng cầu sẽ không bao
giờ được. Ví dụ như khi chúng ta đau bệnh; tức nhiên là mình uống thuốc
đủ các loại, hoặc thậm chí có ai mách nước phải uống thứ thuốc nào thì
mau lành bệnh, mình cũng làm theo, dù không biết có đúng vậy không. Và
vì uống đủ thứ nên sau khi căn bệnh được lành, mình không biết mình uống
phải thứ thuốc nào. Thôi cứ mặc kệ là thuốc nào, miễn mình lành bệnh là
được rồi. Nói đi thì phải nói lại, chưa chắc bị bệnh đã là xấu vì nhờ
có bệnh mình mới biết cách để ngừa bệnh về sau. Và cũng là cách cho mình
thấy rằng cái thân này sờ sờ ra đó nhưng mình có kiểm soát được nó hoàn
toàn hay không, là một chuyện khác.
Khi
trước, mình cảm thấy rất khó chịu khi mọi chuyện xảy ra ngoài ý muốn
của mình. Mình rất bực bội và không vui cả ngày khi chuyện đó xảy ra, dù
là chuyện nhỏ hay to. Sau đó, nhờ đọc kinh Quán niệm hơi thở và
tập thiền nên mình học cách thở sâu và chậm khi cảm thấy bất an vì
chuyện xảy ra ngoài tầm kiểm soát của mình. Thật ra, lúc đầu mình cảm
thấy rất khó chịu khi phải chấp nhận sự bất lực của mình trước tình
huống đó, và chỉ chú tâm đến hơi thở để làm cho cơ thể bớt căng thẳng vì
thiếu oxygen. Nhờ thở sâu, đầu óc mình mới có đủ thoáng khí để suy nghĩ
sáng suốt. Theo mình, thở chậm và sâu là cách tốt nhất để đối phó với
những sự bất trắc trong cuộc sống. Nếu bạn biết thiền quán lại càng tốt
hơn!
Ngoài ra, để vượt
qua được cảm giác bất lực khi chuyện xảy ra không như ý mình cũng có thể
học cách sống luôn biết ơn. Mỗi ngày mình thử nghĩ ra 5 điều mà mình
biết ơn. Chẳng hạn như: Sáng nay bà xã làm đồ ăn ngon và mình rất cảm
kích về chuyện này; hoặc con mình bữa nay biết niệm Phật trước khi ăn,
v.v… Hoặc mình có thể viết xuống nhật ký những điều mình cảm ơn hàng
ngày. Có ngày mình sẽ cảm thấy viết lời cảm ơn thật là khó khăn và chính
lúc đó mình cần nghĩ đến sự biết ơn nhiều nhất. Đôi khi mình cũng cảm
ơn những khó khăn mình gặp phải, vì nhờ chúng mình mới thấy giá trị của
những khi mình gặp mọi điều như ý dễ dàng. Duy trì lòng biết ơn sẽ giúp
mình vượt qua những khó khăn, thử thách mà sự bất trắc thường mang đến.
Nghĩ
lại quá khứ, lẽ ra mình đã nên sống với một thái độ chấp nhận sự bất
trắc từ lâu thì mình đâu có phải nhức đầu, nhức cổ, lo âu quá đáng.
Nhưng mà thôi! Chính nhờ những phiền não này mà mình mới biết cách sống
với những bất trắc. Đôi lúc, gặp quá nhiều bất trắc trong cuộc sống nên
khiến mình dễ bực mình, hay giận tức. Chính vì có thái độ này nên khiến
mình trở nên cô đơn. Mình không cảm thấy vui khi bạn bè mời mọc đi chơi
những chỗ đông người nên phần nhiều mình từ chối. Riết rồi, bạn bè không
thèm gọi mời mình nữa; và rồi mình chìm dần vào sự cô đơn, chán chường.
Đây là thời điểm tệ hại nhất của đời mình! Nhưng chính sự cô đơn và
buồn chán này đã dạy cho mình nhiều điều. Nó dạy cho mình thấy ai là
người luôn có mặt với mình và ai là người chỉ đến thoáng qua. Nó cũng
dạy cho mình hiểu mình nhiều hơn trong những lúc cô đơn cùng cực và biết
nương vào chính mình để vượt qua những khó khăn, thử thách. Mình tin
rằng mỗi người đến với cuộc đời ta là người mình đã có duyên từ trước.
Có người ở lại với mình suốt đời, có người chỉ trong chốc lát rồi lại
biến mất. Cô đơn và bất trắc trong cuộc sống là một quá trình tất nhiên
trong đời người. Khi nào mình hiểu được vậy thì mình sẽ tìm thấy tâm
mình thanh thản, bình an khi đối diện với chúng.
‘Only
one thing in life is certain - That is, nothing is certain’. Tạm dịch:
“Có một điều chắc chắn duy nhất trong đời - Đó là, không có gì chắc
chắn cả”. Nếu bạn tin rằng câu nói này là đúng sau khi nhìn lại suốt
quãng đời mình thì bạn nên bớt lo âu về những bất trắc vì chắc chắn, dù
muốn hay không, bạn sẽ phải luôn luôn đối diện với cái không chắc chắn
cho đến hết đời. Vậy, muốn cầm chắc tất cả mọi sự việc phải xảy ra theo ý
mình là một việc làm không tưởng và sẽ khiến mình suốt đời đau khổ và
bất an. Có một câu chuyện tôi xin kể để kết thúc bài viết này:
“Mulla
Nasruden quyết định trồng một vườn hoa. Ông ta sửa soạn khoảnh đất và
gieo hạt của nhiều loại hoa đẹp mà ông thích lên trên đó. Nhưng khi
chúng mọc lên cao, vườn hoa của ông lại mọc đầy những hoa dại lấn lướt
những hoa đẹp ông đã chọn. Ông ta đi tìm hỏi những người làm vườn kinh
nghiệm khắp nơi nhờ chỉ cách diệt loại hoa dại này, và đã thử mọi phương
pháp học được, nhưng đều vô ích. Cuối cùng, ông bèn đi đến tận thủ đô
để xin sự hướng dẫn của người làm vườn trong hoàng cung. Tuy nhiên, mọi
cách thức ông ta dạy, như những phương cách khác Mulla đã thử qua, đều
thất bại. Họ ngồi bên nhau trầm ngâm, suy tư một khoảng lâu và sau cùng
người làm vườn của hoàng cung nói: Vậy tôi đề nghị anh hãy học cách yêu
thích chúng thì hơn!”.