PG & Đời sống
Vai trò của tôn giáo trong thời đại dịch COVID-19
ĐĐ. Thích Nhuận Nghĩa
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tại kỳ họp thứ tư ngày 08 của HĐND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Khóa VII – nhiệm kỳ 2021-2026, Đại đức Thích Nhuận Nghĩa, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh đã có bài phát biểu nêu cao vai trò và những đóng góp tích cực của tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng trong thời đại dịch COVID-19.

Phatgiao.org.vn xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

Hôm nay, tôi vô cùng vinh dự được thay mặt cho các tổ chức Tôn giáo nói chung và Phật Giáo nói riêng để nói lên vai trò của tôn giáo trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Lời đầu tiên, xin kính chúc quý vị lãnh đạo Đảng, các Ban Ngành đoàn thể, đại biểu HĐND tỉnh có mặt trong Kỳ họp lần thứ tư Hội đồng Nhân dân tỉnh lời chúc sức khoẻ an lành và hạnh phúc.

Kính thưa quý vị;Có thể nói rằng: Hơn 2.000 năm qua, Phật giáo là tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, Tăng Ni cởi áo cà sa khoác chiến bào cùng đánh đuổi quân xâm lược. Khi có thiên tai lũ lụt, Tăng Ni, phật tử khắp mọi miền đất nước đã kịp thời tới những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân. Từ khi có dịch bệnh Covid-19, Tăng Ni cởi áo cà sa, khoác áo phòng hộ cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch.

00693baf2b0de053b91c

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019, hàng trăm triệu người trên thế giới bị nhiễm bệnh và hàng triệu người đã tử vong. Đến năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư và hoành hành khắp nơi, Nước ta cũng đã có trên một triệu người bị nhiễm và gần 25 ngàn người tử vong. Điều này đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, du lịch, văn hoá, giáo dục v.v… và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động trong đời sống người dân của cả nước nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng. Những tháng ngày vừa qua, có nhiều người dân đã bị nhiễm bệnh, cái sống kề bên cái chết, có gia đình đã ly tan mà không thể gặp nhau, cha mẹ chia lìa con cái, vợ chồng phân ly, thấy những người thân mình đã chết mà cũng không thể lại gần nhau nói lời từ biệt, chỉ nhìn từ xa mà khóc tiễn đưa quan tài lần sau cuối, có những em còn bé nhỏ mà đã chịu mồ côi vì đại dịch. Trước tình cảnh bi thương ấy, con người Việt Nam vốn dĩ có tinh thần: “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, có những cụ già để dành tiền tiết kiệm đem giúp cho người nghèo khổ, có những em học sinh đã để dành tiền ăn sáng ủng hộ phòng chống dịch. Bên cạnh đó, những Tăng Ni sinh viên tại các Trường Phật học, Tu viện cũng dành dụm tiền mua sách vở đem ủng hộ quỹ Vaccine, đó là những nghĩa cử cao đẹp, đáng tôn trọng vô cùng, tình thương con người càng thể hiện hơn bao giờ hết qua những hành động, việc làm trong đại dịch Covid-19 này.

Trước sự mất mát lớn lao của người dân Việt Nam, với tinh thần “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” của Đạo Phật, hay “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của đạo Công giáo V.v.. hình bóng người Tu sĩ và Tín đồ có Đạo đã xuất hiện khắp mọi nơi để cứu giúp đồng bào, ban vui cứu khổ. Theo thống kê sơ bộ vào tháng 7 vừa qua, đã có hơn 700 chức sắc, chức việc, những nhà tu hành của các Tôn giáo và hàng ngàn Phật tử, những tín đồ có Đạo đã tham gia làm tình nguyện viên trên tuyến đầu chống dịch, chăm sóc bệnh nhân F0 tại các bệnh viện dã chiến ở tại TP. HCM và các tỉnh lân cận.

6afa60b77115ba4be304

Nhiều ngôi chùa cũng xung phong làm nơi bệnh viện dã chiến, lan tỏa “ATM hạt gạo nghĩa tình” dành cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày nấu hàng ngàn suất cơm hỗ trợ cho khu cách ly, hiến tặng nhiều máy thở, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị F0 được Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng thông qua các cấp Chính quyền. Nhiều ngôi chùa, nhà thờ còn chuyển hàng trăm tấn rau củ quả vào vùng tâm dịch giúp đỡ người dân trong những ngày giãn cách xã hội. Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành cùng tín đồ Phật tử cũng như các Tôn giáo khác đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ Vaccine trong đại dịch.

Tại TP. HCM, Bình Dương khi dịch bệnh bùng phát mạnh, thì tỉnh BR-VT chúng ta cũng chịu sự ảnh hưởng rất lớn, dịch bệnh tưởng chừng như không kìm chế nổi, hình ảnh Tăng Ni và các Ma Sơ nấu cơm đem đến những khu bệnh viện dã chiến, những khu cách ly trong tỉnh để phát từng hộp cơm cho những người bị nhiễm mỗi ngày. Thậm chí, không sợ nguy hiểm đến tính mạng mà các Tăng Ni, Ma-Sơ đã tham gia chăm sóc các bệnh nhân tầng 2 và thăm hỏi ân cần. Có những cơ sở thờ tự vẫn tiếp nhận những hủ tro cốt không có người thân, vì dịch bệnh mà tử vong. Có những nhóm người hăng hái chở những tấn rau củ quả, nhu yếu phẩm đến từng căn hộ đã bị cách ly tại nhà. Những “phiên chợ 0” đồng của Phật giáo cũng nổi lên cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh bộ đội Bộ chỉ huy quân sự tỉnh mà mọi việc đều thành công tốt đẹp. Không chỉ những công tác từ thiện xã hội, mà các vị lãnh đạo của các Tôn giáo cũng hưởng ứng trong công tác ủng hộ quỹ Vaccine theo lời kêu gọi của Uỷ ban Mặt trận các cấp. Hình bóng một vị Hoà thượng Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh BR-VT đã 80 mươi tuổi mà vẫn đứng ra chỉ đạo các công thợ gấp rút sớm hoàn thành Khu bệnh viện dã chiến tại cơ sở Chùa Đại Tòng Lâm, thị xã Phú Mỹ để sớm đưa vào hoạt động điều trị bệnh nhân F0. Hiện nay, tuy dịch bệnh mỗi ngày một phức tạp, có lúc lên 600-700 Ca nhiễm, nhưng dưới sự lãnh đạo kịp thời, quyết liệt của các Vị Lãnh đạo tỉnh BR-VT cho nên số ca nhiễm tuy có tăng cao nhưng ít người tử vong, kinh tế dần dần được hồi phục, các hoạt động sản xuất cũng được bình thường trở lại, với quy định vừa sản suất, vừa chống dịch, người dân càng trở nên phấn khởi hơn.

Để tưởng niệm và cầu nguyện những nạn nhân đã tử vong, vào ngày 11/11/2021, Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN đã chỉ đạo Ban Trị sự 63 tỉnh, thành trên toàn quốc đều đồng loạt hưởng ứng chương trình thắp nến tưởng niệm hơn 23.000 nạn nhân của đồng bào Việt Nam đã tử nạn vì bệnh dịch Covid-19 vừa qua.

ebf5b0d0a64f6d11345e

Như vậy, dù là trong thời chiến hay thời bình, hình ảnh những người tu sĩ và các tín đồ tôn giáo vẫn luôn hết mình vì sự nghiệp nhân sinh, bảo vệ cho sự bình yên của Nước nhà với phương châm: “sống tốt đời đẹp đạo”.

Trong thời gian tới, chúng tôi xin nguyện sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong các công tác từ thiện xã hội cũng như an sinh xã hội, hy vọng sẽ lan toả mạnh, sâu rộng trong quần chúng nhân dân và các tín đồ tôn giáo nhằm mục đích cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh để đem lại bình yên cho khắp nhân gian.

Cuối cùng, xin thay mặt các tổ chức tôn giáo xin cầu nguyện cho nhân dân Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung được bình an, mạnh khoẻ và kính chúc quý Vị lãnh đạo Đảng, các Ban Ngành chính quyền tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh mạnh khoẻ tâm an, xin chân thành cảm ơn quý Đại biểu đã chú ý lắng nghe.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT


https://phatgiao.org.vn/

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch