Chúng ta lãnh đạm với chúng
sanh, quyến luyến bạn bè và hờn giận ganh ghét kẻ thù. Ta tích lũy những
nghiệp dĩ như vậy từ lâu đời, trong khi đó cuộc đời ta cứ ngắn dần.
Ngày không chờ và đêm cũng không đợi.
Từng phút từng giây thời gian trôi qua và cuộc đời ta cứ thu ngắn
lại. Ðời người tiến tới chung cuộc một cách chắc chắn, không thể thay
đổi được.
Cuối cùng ta chỉ có thể nương tựa vào những nghiệp thiện ta
đã làm.Nếu bạn sống có đạo đức, nếu đã thực tập mười điều thiện, phát
triển lòng từ bi, tâm bạn có thể có những năng lực mạnh mẽ của thiện
nghiệp, thì đó là những thứ duy nhất giúp được bạn khi cuộc đời chấm
dứt. Không ai và không có cái gì khác giúp bạn nữa. Lúc đó tâm bạn không
còn chỗ ẩn náu, và bạn có thể thấy mình đã không tạo nhiều nghiệp
thiện. Bạn sẽ than thở: "Chỉ vì vô minh, không hiểu biết về tình trạng
dễ sợ lúc này, lại bị lôi cuốn vào vòng dục lạc của những thú vui nhất
thời mà tôi đã tạo nên nhiều nghiệp dữ trong cuộc đời phù du. Tôi đã
lãng phí thì giờ vào những hoạt động vô nghĩa".
Nơi nương tựa
đích thật chính là Phật pháp. Chúng ta cũng quy y với Phật và các vị Bồ
tát, nhưng theo trong kinh đã dạy chư Phật không tẩy sạch được nghiệp ác
cho chúng sanh bằng cách dùng tay gở bỏ chúng đi. Chư Phật cũng không
thể hoán chuyển trí tuệ của các ngài vào tâm ý chúng ta được. Chúng sanh
chỉ được giải thoát khi thấy được chân lý. Chúng ta phải nương tựa vào
pháp là thứ thật sự bảo vệ ta...
Như vậy, nghĩa là ta phải nương
vào sự thực tập Phật pháp. Khi ta bị một chứng bệnh thông thường, ta
cũng phải nghe lời y sĩ. Vậy thì khi đau khổ vì trăm ngàn phiền não
trong tâm thức, ta nương vào pháp nghĩa là phải nghe lời dạy của đức Thế
Tôn, ngài vốn được coi là một lương y.Không có thuốc nào chữa khổ đau
tận gốc rễ ngoài lời giảng của Bụt.
Sách: SỐNG HẠNH PHÚC - CHẾT BÌNH AN
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA Chân Huyền