PG & Đời sống
Lắng nghe để hiểu nhìn lại để thương
23/12/2013 10:32 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình yêu thương.

HIỂU VÀ THƯƠNG

Mỗi người có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng. Nếu không hiểu sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu thì tình thương của mình dành cho người sẽ làm ngột ngạt, khổ đau. Nhân danh tình thương mà người ta làm khổ nhau suốt cả cuộc đời, chuyện đó đã và đang xảy ra ở khắp nơi.
Được hiểu và được thương là nhu cầu muôn thuở của con người. Nhiều người cảm thấy không ai hiểu mình, họ “đói” thương, “đói” hiểu, họ thơ thẩn, lang thang, đi tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là điều may mắn lớn trong cuộc đời, tình yêu nảy nở từ đó.
Vậy nên “có hiểu mới có thương” là nguyên tắc chọn người yêu, chọn chồng, vợ theo quan điểm Phật giáo. Dù người ta có đẹp, có giàu đến đâu nhưng không hiểu mình thì sẽ làm mình khổ, hôn nhân có thể mở cửa Thiên đường hay Địa ngục. Vì vậy chọn vợ, chọn chồng là một sự mạo hiểm lớn, hãy thận trọng và sáng suốt, chọn người hiểu và thương mình, đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ. Phật dạy có 4 yếu tố của tình thương yêu: Từ, Bi, Hỷ, Xả.
-  Từ: là khả năng hiến tặng cho người mình yêu, yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng, tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người mình thương là không phải tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau thì càng không phải là tình yêu.Có những người yêu nhau tha thiết nhưng ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ lụy. Yêu thương ai thật sự nghĩa là làm cho người đó hạnh phúc mỗi ngày.
-  Bi: là khả năng lấy đi những khổ đau ra khỏi mình và người thương của mình thì đó mới là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau và tuyệt vọng, người yêu mình phải là người biết cảm thông, chia sẻ và vỗ về. Có khả năng đem lại hạnh phúc cho nhau, yêu thương là phải làm cho nhau bớt khổ, nếu không, chỉ là đam mê say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực. Từ bi trong tình yêu không phải tự dưng mà có, phải học, phải tập mỗi ngày và cần thời gian kiên nhẫn để quan sát, để lắng nghe, thấu hiểu những nỗi niềm của người mình yêu nhằm giúp người ấy tháo gỡ những gì còn vướng mắc để làm tăng thêm hạnh phúc
-  Hỷ: là niềm vui, bản chất của tình yêu chân thật là niềm vui và hạnh phúc, càng yêu càng vui, làm lan tỏa không gian hạnh phúc ấy cho cả gia đình và xã hội.
-  Xả: là không phân biệt. Mình yêu ai thì khổ đau hay hạnh phúc của người kia chính là của mình, hai người không còn là hai thực thể riêng biệt nữa, khổ đau – hạnh phúc không còn là chuyện cá nhân mà là chuyện của cả hai người. Vì vậy phải nuôi dưỡng và tưới tẩm mỗi ngày để làm nên hạnh phúc chung cùng. Khi yêu hãy tự can đảm hỏi lại mình: “người yêu ta có hiểu được niềm vui, nỗi khổ của ta hay không? có quan tâm đến những ước muốn và thao thức trong cuộc đời ta hay không? Và chính bản thân ta có đang thành thật lại với tình yêu ấy không trên phương diện từ, bi, hỷ, xả?”
Tình yêu luôn đi kèm với tình dục. Trong truyền thống Á Đông, thân với tâm là “nhất như”. Tức là ta không tôn trọng thân thể người yêu thì cũng không tôn trọng tâm hồn người ấy. Yêu nhau là giữ gìn cho nhau, tôn trọng nhau. Khi sự rẻ rúng, xem thường xảy ra thì tình yêu sẽ có sự rạn nứt và đi đến đổ vỡ. Thân thể chúng ta cũng như tâm hồn chúng ta có những nỗi niềm sâu kín, chúng ta chỉ có thể chia sẻ với người tri kỷ. Thân thể ta có những vùng thiêng liêng, riêng tư ta không muốn ai chạm tới ngoài người yêu ta, người tin ta mà ta muốn sống trọn đời.
Để tình yêu cao quý và lớn mạnh thì lời nói hay cử chỉ phải biểu lộ sự tương kính, giữa hai người phải biết tôn trọng nhau cả về thân thể lẫn tâm hồn, giữ gìn cho nhau, nuôi dưỡng hạnh phúc cho nhau. Chúng ta biết rằng: hiểu càng sâu thì thương càng rộng, hiểu càng rộng thì thương càng sâu. Hiểu sâu thì thương lớn! Đó là nhịp cầu nối kết giữa tình người, tình yêu của hai người, của gia đình và của cả cộng đồng xã hội.

THẦY QUẢNG CHIẾU.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch