PG & Đời sống
Khởi thủy của đời sống là gì?
18/07/2014 22:33 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

"Này các đệ tử, khởi điểm của một cuộc hành trình xa xôi nầy thật không thể quan niệm được. Chúng sanh bị bao trùm kín mít trong màng Vô Minh. Bị dây Ái Dục trói buộc chặt chẽ, không thể khám phá khởi điểm của cuộc luân chuyển triền miên, cuộc hành trình vô định." -- Tập A Hàm

images (1).jpg

"Nầy hỡi các đệ tử, khởi điểm của một cuộc hành trình xa xôi nầy thật không thể quan niệm được. Chúng sanh bị bao trùm kín mít trong màng Vô Minh. Bị dây Ái Dục trói buộc chặt chẽ, không thể khám phá khởi điểm của cuộc luân chuyển triền miên, cuộc hành trình vô định." -- Tạp A Hàm

Đối với người Phật tử, tái sanh không phải là lý thuyết suông mà là một sự kiện có thể chứng minh bằng những trường hợp hiển nhiên đã xảy ra. Thuyết tái sanh là giáo lý căn bản của Phật Giáo, mặc dầu mục tiêu cuối cùng của Phật Giáo là Niết Bàn - sự chấm dứt tái sanh - có thể thành đạt ngay trong kiếp sống hiện tại.
Lý tưởng của chư vị Bồ Tát, hay Bồ Tát Đạo, và giáo lý về con đường giải thoát cũng đều đặt nền tảng trên thuyết tái sanh.Những văn kiện lịch sử trong tư tưởng nhân loại có ghi nhận rằng thuyết luân hồi, xem như sự chuyển linh hồn hay đầu thai, đã được các triết gia như Pythagore, các thi hào như Shelley, Tennyson, Wordsworth và nhiều nhân vật khác ở phương Đông cũng như phương Tây chấp nhận.
Ta không nên lẫn lộn giáo lý tái sanh của Phật Giáo với thuyết chuyển sinh linh hồn, hay đầu thai, của một vài hệ thống tín ngưỡng khác, bởi vì Phật Giáo không nhìn nhận có sự chuyển sinh của một linh hồn trường cửu, do một Thần Linh tạo ra hay phát xuất từ một Đại Hồn (Paramatma).
Chính Nghiệp, tức hành động, tạo điều kiện để tái sanh. Nghiệp quá khứ tạo điều kiện để tái sanh trong kiếp hiện tại. Nghiệp hiện tại phối hợp với nghiệp quá khứ, tạo điều kiện để tái sanh trong kiếp vị lai. Hiện tại là con đẻ của quá khứ và trở nên cha mẹ của tương lai.
Hiện tại là một sự thật hiển nhiên, không cần phải chứng minh. Quá khứ được ghi nhận trong trí nhớ hay một nơi nào khác như báo chí , sách vở v.v... và ý niệm về tương lai căn cứ trên những kế hoạch đặt trước, những suy luận, những tính toán sẽ thực hiện.
Nếu quả quyết rằng có quá khứ, hiện tại, và tương lai thì tức nhiên ta phải đứng trước một vấn đề: Nguồn gốc tối hậu của đời sống là gì? Khởi điểm của đời sống ở chổ nào?
Để giải đáp, có luồng tư tưởng chủ trương rằng nguyên nhân đầu tiên của đời sống là một nguyên lý, một năng lực của vũ trụ, hay một Thần Linh toàn năng. Một luồng tư tưởng khác không nhận có nguyên nhân đầu tiên vì theo kinh nghiệm chung, trong chuỗi dài nhân và quả, nhân sanh quả, quả trở thành nhân, mãi mãi liên tục như thế, không thể quan niệm một khởi điểm.
Theo luồng tư tưởng thứ nhất thì đời sống có một khởi điểm [1]. Hệ thống thứ nhì chủ trương không có khởi điểm. Theo sự nhận xét của một vài nhân vật, quan điểm cho rằng mọi vật phải có một nguyên nhân đầu tiên cũng vô lý như ta quan niệm có hình tam giác mà lại tròn.
Có thể biện giải rằng đời sống phải bắt đầu trong một quá khứ vô định nào và khởi điểm ấy tức là Tạo Hóa. Trong trường hợp ấy không có lý do nào ta không thể nêu lên thêm một câu hỏi:"Còn nguyên nhân nào sanh ra Tạo Hóa?"
Trong những môn phái chủ trương có nguyên nhân đầu tiên, có rất nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều giáo chủ và triết gia đã dùng danh từ khác nhau như Paramatta, Brahma, Isvara, Thượng Đế, Đấng Toàn Năng, Allah, Đức Chúa Trời, Đức Chúa Cha, Đấng Tạo Hóa, Luật Tuần Hườn, Nguyên Nhân Vô Nhân, Bản Thể Thần Linh, Pakati, Padhana v.v...
Theo Ấn Độ Giáo, tất cả những Atma, hay linh hồn, đều phát sanh từ Đại Hồn (Paramatma), và từ kiếp nầy đầu thai sang kiếp khác, đến chừng nào linh hồn ấy hợp đủ điều kiện để nhập trở về Đại Hồn. Ta có thể nên lên một câu hỏi: -"Vậy linh hồn (atma) ấy, khi đã nhập vào Đại Hồn, có còn phải xuất ra khỏi Đại Hồn nữa để đầu thai không?"
Cơ Đốc Giáo chủ trương có nguyên nhân đầu tiên. Nguyên nhân ấy là Đấng Thượng Đế Toàn Năng, và mọi việc trong đời sống đều do nơi ý muốn của Ngài.
Khi đề cập đến vấn đề nầy, Schopenhaeur viết:
"Người nào tự cho rằng mình được sanh ra từ hư-không phải nghĩ rằng mình sẽ trở thành hư-không. Như vậy, trước đời sống đã có một quá khứ vô tận. Rồi một tương lai vô tận lại bắt đầu, và xuyên qua cả quá khứ, hiện tại, và vị lai, ấy mình không bao giờ ngừng sống, thật là một ý nghĩ quái dị.
"Hơn nữa nếu tái sanh vào thời điểm tuyệt đối thì chết tức nhiên là phải chấm dứt sự tuyệt đối, và quả quyết rằng con người được sanh ra từ hư vô, bắt buộc phải dẫn đến kết luận rằng sau cái chết tuyệt đối không còn gì nữa." [2]
Spencer Lewis cũng luận rằng:
"Theo những nguyên tắc Thần học, con người được sanh ra một cách độc đoán, không được thăm dò ý muốn trước khi sanh, và khi ra đời, không có phước báu cũng không tội lỗi, không sang không hèn, từ bước đầu tiến trình của kiếp sống đến hơi thở cuối cùng. Không ai cần biết đến những ý nguyện, những ước vọng, những điều mong mỏi, những mục tiêu tranh đấu, hay những lời nguyện với tất cả tâm thành của một cá nhân. Đó là tính cách tiền định của thuyết Thần Học.
"Giáo thuyết chủ trương rằng tất cả mọi người đều tội lỗi từ lúc ra đời và tội truyền kiếp ấy đã được gây nên do một lỗi lầm của Adam, là một thách đố công lý, thách đố tình thương, lòng từ ái, và tánh cánh vô tư vạn năng."
Huxley nói:
"Nếu chúng ta nhận định rằng có một nhân vật nào cố tình tạo nên vũ trụ nầy và làm cho nó sống thì theo ý tôi, rỏ ràng nhân vật ấy không từ ái và công bình, mà theo sát nghĩa của danh từ, lại còn có ác tâm và bất công."
Theo Einstein:
"Nếu nhân vật ấy toàn năng, tức nhiên mỗi điều gì xảy ra, mỗi hành động, tư tưởng, của con người, mỗi cảm giác và nguyện vọng của con người, đều là công trình của Ngài. Vậy thì làm sao có thể nghĩ rằng con người bị bắt buộc phải chịu trách nhiệm về những hành động và tư tưởng của mình trước Đấng Thần Linh Vạn Năng ấy?
"Khi ban bố những hình phạt và phần thưởng thì chính nhân vật ấy, trong một giới hạn nào, cũng tự phán xử lấy mình. Làm sao sự kiện nầy có thể phù hợp với lòng từ thiện và đức tánh công minh chánh trực mà ta gán cho Ngài?"
Theo Charles Bradlaugh:
"Sự hiện hữu tội lỗi trong thế gian là một trở ngại khủng khiếp cho những người tin theo chủ nghĩa hữu thần. Đau khổ, khốn cùng, tội ác, bần cùng, đối chiếu với lòng bác ái vĩnh cửu, và thách đố một câu giải đáp về những lời tuyên bố của vị Thần Linh được xem là Toàn Thiện, Toàn Tri Và Toàn Năng."
Khi đề cập đến vấn đề Thượng Đế và nổi đau khổ của nhân loại. Giáo sư Javana B. S. Haldane viết:
"Có hai lẽ, hoặc đau khổ là điều kiện tất yếu để con người cải thiện tâm tánh mình, hoặc Thượng Đế không Toàn Năng.
"Có người đau khổ ít nhưng tâm tánh thật tốt nhờ có diễm phúc được sanh trưởng vào một gia đình có gia giáo, sự kiện nầy đánh đỗ lẽ thứ nhất.
"Về điểm thứ nhì, nếu ta quy trách nhiệm về một Thần Linh Toàn Năng, tức nhiên vị nầy có thể tạo nên mọi việc theo ý muốn. Đàng khác, nếu quan sát toàn thể vũ trụ ta sẽ thấy một vài khuyết điểm cần phải sửa sai. Và một đấng Tạo hóa có thể tạo bất luận gì Ngài muốn." [3]
Trong một cơn tuyệt vọng vào lúc về già, thi hào Lord Tennyson cũng đã mạnh mẽ phản đối Thượng Đế là nhân vật đã từng nói, như có ghi trong kinh Isaiah, "Ta tạo hòa bình và tội lỗi" (Isaiah XXV, 7):
"Thế nào? Tôi có thể xem đó là tình thương vô hạn đã phục vụ chúng ta tốt đẹp chăng? 
Hay đó là sự hung bạo vô tận, sự hung bạo đã tạo nên địa ngục trường cửu? 
Đã tạo ra ta, biết trước chúng ta, đã phán xử chúng ta, và Thượng Đế mặc tình làm tất cả theo ý riêng của mình. 
Bà mẹ đã qua đời có may mắn hơn, vì bà không còn nghe tiếng thì thầm than thở của chúng ta."
Những tác giả độc đoán thời xưa đã tuyên bố rằng Thượng Đế tạo con người theo hình ảnh của Ngài. Một vài tư tưởng gia hiện đại, trái lại, nói rằng chính con người tạo Thượng Đế theo hình ảnh của mình.
Văn hào Voltaire cho rằng Thượng Đế là sản phẩm cao quý nhất mà con người đã tạo [4].
Với sự trưởng thành của nền văn hóa nhân loại, quan niệm của con người về Thượng Đế cũng dần dần được cải thiện. Hiện nay có một khuynh hướng thay thế Thượng Đế hữu ngã bằng một Thượng Đế vô ngã.
Dầu sao không thể quan niệm một nhân vật tương tợ, biết tất cả mọi việc và có mặt ở khắp mọi nơi, một kết tinh của tất cả những gì tốt đẹp ở trong hay ở ngoài vũ trụ.
Khoa học hiện đại cũng cố gắng theo sát vấn đề với sự hiểu biết hệ-thống-hóa có giới hạn của mình. Theo khoa học ta là sản phẩm trực tiếp của tinh trùng và minh châu của cha mẹ. Nhưng khoa học không giải thích thỏa đáng phần tâm linh là thành phần vô cùng quan trọng hơn cơ thể vật chất trong guồng máy phức tạp của con người. Trong khi quả quyết "omne vivum ex vivo", tất cả đời sống đều do đời sống sanh ra, khoa học cũng chủ trương rằng tâm và sự sống được sanh ra từ chỗ không có sự sống.
Theo quan điểm của khoa học, chúng ta được sanh ra hoàn toàn do nơi cha mẹ. Vậy, trước đời sống của ta, bắt buộc phải có đời sống của cha mẹ ta v.v... Do đó, "trước đời sống có đời sống", mãi mãi đến nguyên sanh chất (protoplasm) đầu tiên. Nhưng đến đây khoa học không thể giải thích do đâu có nguyên sanh chất đầu tiên ấy.
Trước vấn đề khởi thủy của sự sống, thái độ của Phật Giáo như thế nào?
Trước tiên ta phải nhận định rằng Đức Phật không có ý giải quyết tất cả những vấn đề luân lý và triết học của nhân loại. Đức Phật không hề đề cập đến những vấn đề nào không hướng về sự cải thiện con người hay về sự giác ngộ. Đức Phật cũng không đòi hỏi ở tín đồ một đức tin mù quáng về nguyên nhân đầu tiên của đời sống, cũng như về các vấn đề khác.
Thuở nọ có một vị tỳ khưu tên Malunkyaputta, cảm thấy lối tu giải thoát từng bậc của Đức Phật rất chậm chạp nên ân cần bạch với Đức Phật rằng Ngài chưa hề đề cập đến nguồn gốc của đời sống, và nếu Ngài không giải thích liền điểm ấy thì thầy sẽ từ bỏ đời tu sĩ để hoàn tục. Vị tỳ khưu nói:
"Bạch Đức Thế Tôn, những lý thuyết nầy chưa được Ngài giải thích rõ ràng minh bạch. Ngài đã gác vấn đề ấy qua một bên, không dạy đến rằng thế gian có vĩnh cửu không, thế gian có giới hạn hay vô cùng tận? Nếu Đức Thế Tôn giải rõ những điều ấy con sẽ tiếp tục đi theo Ngài để sống đời tu sĩ thanh cao. Nếu không, con sẽ giã từ Ngài.
"Nếu Đức Thế Tôn biết chắc rằng thế gian là vĩnh cửu thì xin Ngài giải thích minh bạch cho con rằng thế gian là vĩnh cửu, Nếu Đức Thế Tôn biết chắc rằng thế gian không vĩnh cửu, xin Ngài giải rõ cho con rằng thế gian không vĩnh cửu. Chắc chắn trong trường hợp nầy, đối với người không hiểu biết và không giác ngộ thì điều đáng làm hơn hết là phải nói rằng: tôi không biết, tôi chưa giác ngộ".
Đức Phật thản nhiên, chậm rãi hỏi vị tỳ khưu lầm lạc kia có phải ông ta xuất gia đi tu với mục đích giải quyết những vấn đề tương tợ như thế không?
- Bạch Đức Thế Tôn, không .
Đức Phật khuyên thầy tỳ khưu không nên lãng phí thời gian và năng lực trong những việc chỉ làm chậm trễ tiến bộ tinh thần của mình.
Ngài dạy:
"Nầy Malunhyaputta, kẻ nào nói rằng, ta quyết không xuất gia theo Đức Như Lai để sống đời đạo hạnh trước khi Ngài giải rỏ cho ta điều ấy - kẻ ấy sẽ chết trước khi nghe Như Lai giải thích.
"Thí dụ có một người kia bị bắn sâu vào mình một mũi tên có tẩm thuốc độc. Bạn bè thân quyến chạy đi tìm lương y để cứu chữa.
"Trong lúc ấy bệnh nhân nói: tôi sẽ không cho ai rút mũi tên nầy ra, trước khi giải thích tận tường về nguồn gốc của mũi tên, người nào bắn tôi, bản chất của mũi tên là thế nào v.v..., người ấy sẽ chết trước không được nghe giải thích.
"Cũng cùng thế ấy, kẻ nào nói: - ''Tôi sẽ không theo Đức Như Lai để sống đời tu sĩ trước khi Ngài giải rỏ cho tôi thế gian có vĩnh cửu hay không, thế gian có giới hạn không, hay vô cùng tận...", kẻ ấy sẽ chết trước khi được nghe Đức Thế Tôn giải thích.
"Nếu tin rằng thế gian nầy là trường tồn vĩnh cửu, chính sự tin tưởng ấy có phải là đời sống phạm hạnh của bậc tu sĩ không?
- Dạ, không.
- "Tuy nhiên, dầu tin rằng thế gian là vĩnh cửu hay không, vẫn có sanh, có già, có chết. Chấm dứt sanh, lão, bệnh, tử là điều mà Như Lai hằng giảng giải .
"Nầy Maluankyaputta, Như Lai không hề nêu lên vấn đề thế gian có vĩnh cửu hay không, thế gian có giới hạn hay vô cùng tận. Tại sao?
"Bởi vì những điều ấy không ích lợi, không thể làm nền tảng cho đời sống phạm hạnh, không chấm dứt sân hận, phiền não, không dẫn đến sự dập tắt, trạng thái vắng lặng, trí tuệ giác ngộ hay là Niết Bàn. Vì vậy Như Lai không đề cập đến vấn đề ấy. " [5]
Theo Phật Giáo, chúng ta được sanh ra từ cái bào thai hành động (Kammayoni). Chính hành động hay Nghiệp của ta trong quá khứ là cái bào thai nuôi dưỡng và tạo điều kiện để tái sanh. Cha mẹ cấu hợp nền tảng vật chất. Như vậy, trước chúng sanh có chúng sanh. Trước một chúng sanh trong kiếp hiện tại phải có một chúng sanh trong kiếp quá khứ. Lúc thọ thai, chính Nghiệp tạo điều kiện cho thức đầu tiên làm nguồn sống cho thai bào. Chính Nghiệp lực vô hình, phát sanh từ kiềp quá khứ, tạo những hiện tượng tâm linh và những hiện tượng sinh khí trong một hiện tượng vật lý sẵn có - tức tinh trùng và minh châu của cha mẹ - để gồm đủ ba yếu tố, tam nguyên, cấu thành con người.
Đề cập đến vấn đề thọ thai, Đức Phật dạy:
"Nơi nào có ba yếu tố ấy hợp lại là mầm sống khởi sanh. Nếu cha và mẹ gặp nhau mà không nhằm thời kỳ thọ thai của mẹ và không có một chủng tử (Gandhabba) thì không có mầm sống. Nếu cha mẹ gặp nhau trong thời kỳ thọ thai của mẹ mà không có sự phối hợp của một chủng tử (Gandhabba) thì cũng không có mầm sống. Nều cha mẹ gặp nhau nhằm thời kỳ thọ thai của mẹ và có một chủng tử thì có mầm sống, do sự phối hợp của ba yếu tố. [6]"
Gandhabba ở đây không có nghĩa là "một vị trời mà người ta cho rằng có bổn phận chứng kiến việc thọ thai" [7] hay một mụ bà, mà chỉ là một chủng tử, hay yếu tố nòng cốt trong bào thai. Danh từ Gandhabba chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt nầy thôi. Ta không nên lầm lẫn với một linh hồn trường củu.
Có sự tái sanh ở chỗ nầy tức nhiên phải có một chúng sanh chết ở một nơi nào khác. Nói một cách chính xác, cái sanh của một chúng sanh, tức sự cấu hợp của ngũ uẩn (Khandhanam patubhavo), hay những hiện tượng tâm-vật-lý trong kiếp hiện tại, chuyển tiếp liền theo cái chết của một chúng sanh vừa qua đời, cũng giống như ta thường nói, khi mặt trời lặn ở một nơi tức là mặt trời mọc ở một nơi khác. Câu nói có vẽ bí hiểm ấy có thể rỏ ràng và dễ hiểu hơn nếu ta hình dung đời sống như một lượn sóng, chớ không phải như một đường thẳng. Lượn sóng nổi lên, rồi hạ xuống để bắt đầu lượn sóng mới. Tuy hai lượn sóng khác nhau nhưng không có một thời gian gián đoạn. Sanh và tử chỉ là hai giai đoạn trong một tiến trình. Sanh rồi tử, tử rồi sanh, sự luân lưu bất tận sanh-tử, tử-sanh của chuỗi dài những kiếp sống gọi là luân hồi (samsara), một cuộc đi bất định, mãi mãi và không mục đích. [8]
Nguồn gốc của đời sống là gì?
Đức Phật tuyên bố rõ ràng rằng không thể biết được giới hạn sự luân lưu của những kiếp sống trong vòng luân hồi. Chúng sanh, bị lớp vô minh bao trùm và những dây ái dục trói buộc, mãi mãi thênh thang trong vòng luân hồi. Khởi điểm của cuộc hành trình xa xôi ấy không thể nhận ra.
Đời sống tựa hồ như dòng nước chảy trôi vô cùng tận. Ngày nào còn tiếp nhận nước bùn của vô minh và ái dục thì dòng đời còn trôi chảy và chỉ ngưng khi nào vô minh và ái dục hoàn toàn bị cắt đứt. Chừng ấy thì không còn tái sanh nữa, như trường hợp chư vị A La Hán. Ta không thể xác định khởi điểm của dòng đời. Nguồn gốc và lịch trình tiến hóa của vũ trụ, Đức Phật không đề cập đến.

Chú thích:

[1] "Không có lý do nào để giả định rằng thế gian có một khởi điểm. Ý niệm chủ trương sự vật phải có một khởi điểm phát sanh do trí tư tưởng nghèo nàn." Bertrand Russel - "Why I am not a Christian".
[2] Xem "The World as Will and Idea".
[3] Xem bài viết của ông về "A plea for Atheism - Humanity's Gain from Unbelief".
[4] "Rõ ràng không thể chứng minh một cách chính xác sự hiện hữu của Thượng Đế. Cho đến nay, hầu hết các chứng minh đều nêu lên trong tiên đề như dẫn chứng, những gì sẽ phải được chứng minh ở phần kết luận". Reverend W. Kirkus trong "Orthodoxy Scripture and Reason", trang 34.
"Ta được hướng dẫn đến chổ phải nhìn nhận rằng có những tội lỗi xấu xa trong vũ trụ. Và đó là trách nhiệm của Thượng Đế. Chúng ta không thể phủ nhận khuyết điểm của Thượng Đế đã cho tội lỗi và đau khổ tồn tại." Canon C. E. Raven trong "The Grounds of Christian Assumption".
[5] Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, Cula Malunkya sutta, số 63.
[6] Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, Mahatanhasamkhaya sutta, số 38.
Mặc dầu đèn có sẵn tim và dầu, nhưng nếu không có ngọn lửa từ bên ngoài châm vào ắt không có ánh sáng.
[7] Xem F. L. Woodward, "Some Sayings of the Buddha", trang 40.
[8] Anamataggo' yam bhikkhave samsaro, pubbakoti na pannayati avjjanivarananam sattanam tanhasamyojananam sandhavatam.
"Khởi điểm, hỡi các đạo hữu, thật không thể đo lường hay tính toán được. Lịch trình diễn tiến của nó cũng vậy. Cái điểm đấu tiên của cuộc chạy dài đăng đẳng của những chúng sanh bị che lấp kín mít trong vô minh và bị trói chặt vào ái dục, quả thật chưa được khám phá". F. L. Woodward, "Kindred Sayings", phần iii, trang 118.
"Không thể quan niệm được điểm khởi đầu của vòng luân hồi. Không thể khám phá được khởi điểm nguyên thủy của chúng sanh vốn bị che lấp trong màn vô minh và dính mắc trong ái dục, đang vội vã, hấp tấp, chạy đảo điên xuyên qua vòng sanh tử liên tục tiếp diễn" -- Nyanatyloka Thera.
Samsara, luân hồi, theo đúng nghĩa uyên nguyên của danh từ, là cuộc đi thênh thang bất định và không ngừng. Sách Atthasalini định nghĩa danh từ Samsara như sau:
Khandhanam patipati dhatu-ayatanana ca 
Abbhocchinam vattamana samsaro ti pavuccati.
Samsara, luân hồi, là sự tiếp diễn không ngừng của ngũ uẩn, tứ đại và lục căn.

Trích: Chương 22
ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP
Đại Đức Narada Maha Thera, 1980 - Phạm Kim Khánh dịch Việt, 1998
Nguyên tác: "The Buddha and His Teachings"
Buddhist Publication Society, Sri Lanka

Nguồn: Thư Viện Hoa Sen

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch