PG & Đời sống
Cuộc sống mãn nguyện với nguồn vui hạnh phúc
28/05/2011 10:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sự kiện căn bản là tất cả mọi chúng sanh, đặc biệt là con người, đều muốn sống hạnh phúc và không thích khổ đau. Trên nền tảng đó, chúng ta có quyền mưu tìm hạnh phúc và dùng những phương pháp và cách thức khác nhau để khống chế sự đau khổ và thành đạt cuộc sống có hạnh phúc hơn. Cho nên các bạn cần suy nghĩ chín chắn về những hậu quả tích cực cũng như tiêu cực của các phương tiện đó. Quý vị nên biết rằng có nhiều khác biệt về những kết quả cũng như sự lợi ích giữa ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, lợi ích lâu dài là rất quan trọng. Người Phật tử thường bảo rằng ở đời không có gì tuyệt đối mà mọi việc đều tương đối. Do đó, chúng ta cần xét đoán sự việc theo từng hoàn cảnh.

Những kinh nghiệm sống và tình cảm của con người đều tùy thuộc chính yếu vào thân và tâm của chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, quý vị nên biết rằng hạnh phúc tinh thần là rất hữu ích. Ví dụ hai người cùng gặp một thảm kịch giống nhau, nhưng kẻ này có thể đối phó dễ dàng hơn người kia nhờ vào ý chí tinh thần của họ.

Tôi tin rằng nếu người nào thực sự muốn cuộc sống hạnh phúc, điều quan trọng là cần chú ý đến các phương cách để thực hiện ở trong tâm lẫn ngoại giới, nói khác là sự phát triển về tinh thần cũng như vật chất. Người ta có thể gọi là “Sự phát triển tâm linh”, nhưng khi nói “tâm linh” tôi không có ý đề cập đến bất cứ đức tin tôn giáo nào. Khi dùng từ “tinh thần” (spiritual) tôi muốn nói đến các thiện tánh căn bản của con người. Ðó là tình thương, sự hy sinh, thành thực, khắc kỷ và sáng suốt được hướng dẫn bởi những ý nghĩ thiện của con người. Tất cả chúng ta đều có các đức tính tốt trên ngay từ lúc mới ra chào đời, chứ không phải trong cuộc sống sau này.

Là con người, các bạn đều có khả năng giống nhau, ngoại trừ kẻ óc não bị bịnh hoạn nên chậm phát triển. Bộ óc kỳ diệu của con người là nguồn gốc tạo nên sức mạnh và tương lai của chúng ta khi nó được dùng đúng cách. Nếu sử dụng sai lầm cái tâm con người thì thực là một tai họa. Tôi nghĩ con người là một chúng sanh có ưu thế nhất trên hành tinh này. Con người không những chỉ có khả năng xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho chính mình mà còn có thể giúp đỡ cho những kẻ khác. Các bạn có năng lực sáng tạo tự nhiên này và nhận biết được điều đó là rất quan trọng.

Với sự thực hiện được khả năng và đức tính tự tin nơi chính mình, con người có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi biết rằng sự tự tin nơi mình là rất quan trọng. Ðó không phải là đức tin mù quáng mà nó là sự nhận thức rõ về khả năng của chính mình. Trên căn bản ấy, con người có thể tự mình chuyển hóa bằng cách phát triển những điều thiện và dứt trừ các việc ác.

Những lời dạy căn bản của đức Phật bao gồm trong Tứ Diệu Ðế:

1. Ðời là biển khổ.

2. Nguồn gốc của sự khổ.

3. Chấm dứt sự khổ.

4. Con đường dẫn đến chấm dứt sự khổ.

Nguyên tắc chủ yếu của giáo lý này là định luật phổ quát về lý nhân quả. Ðiều quan trọng trong sự hiểu biết lời dạy trên là nhận thức rõ về khả năng giác ngộ nơi chính mình và cần thiết sử dụng nó một cách trọn vẹn. Qua cái nhìn sáng suốt đó, chúng ta nhận thấy mọi hành động của con người trở nên quan trọng và ý nghĩa.

Nụ cười là nét đẹp quan trọng trên khuôn mặt con người. Nhưng do sự thông minh xảo quyệt, con người đã sử dụng nó một cách sai lầm để tạo ra những nụ cười như mỉa mai, cay độc, hay xã giao, dối trá gây nên sự nghi ngờ cho kẻ khác. Tôi tin rằng nụ cười hiền lành, đầy tình thương là rất cần thiết trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Bằng cách nào con người có thể tạo nên được nụ cười hỷ xả đó, phần lớn tùy thuộc vào thái độ của các bạn. Thực là điều phi lý khi mong chờ những nụ cười vui vẻ từ nhiều kẻ khác nếu chính mình không biết cười với thiên hạ. Cho nên, quý vị có thể thấy rằng tất cả mọi việc xảy ra khổ vui đều do nơi cách xử sự của chúng ta.

Ðiều quan trọng là dùng sự thông minh và óc suy xét sáng suốt của con người để quan tâm đến những lợi ích ngắn cũng như dài hạn của kẻ khác. Người ta bảo chính thân thể là người chỉ dẫn tốt. Chẳng hạn một vài loại thức ăn khi dùng khiến các bạn cảm thấy khó chịu cho nên quý vị không thích tiêu thụ chúng nữa. Ðiều rõ ràng là chính thân xác con người có thể cho chúng ta biết rằng các bạn làm việc gì sẽ thích hợp và điều gì không phù hợp cho lợi ích cùng hạnh phúc của mình.

Ðôi lúc sự thông minh có thể chống đối lại dục vọng tức thời của bạn vì nó giúp ta hiểu biết những hậu quả tai hại lâu dài của điều ham muốn đó. Cho nên vai trò của trí tuệ sáng suốt là xác định khả năng gây nên điều thiện và ác của một việc làm hay yếu tố có thể tạo ra những kết quả tiêu cực lẫn tích cực. Chính vai trò của sự thông minh với nhận thức đầy đủ do học vấn cung cấp để xét đoán và sử dụng thích hợp khả năng nhằm mang lại phúc lợi và hạnh phúc cho chính mình.

Nếu khảo sát thế giới tâm linh chúng ta nhận thấy rằng có nhiều ý tưởng bao gồm cả thiện và ác. Chẳng hạn, chúng ta xem xét có hai loại: Một là đức tính tự tin, hai là tánh kiêu căng ngã mạn hay tự hào hãnh diện. Cả hai đều giống nhau là nâng cao tinh thần nhằm giúp các bạn có tính tự tin và quả cảm. Nhưng tánh tự cao và tự đại dẫn đến kết quả tiêu cực trong khi đức tính tự tin mang lại hậu quả tích cực.

Tôi thường hay phân biệt giữa hai loại bản ngã. Một loại tự thương mình để nhận được một vài điều lợi cho bản thân mà không quan tâm đến quyền lợi của kẻ khác. Ðây là bản ngã ích kỷ tiêu cực. Một loại bản ngã khác bảo rằng “Tôi phải trở nên một con người tốt để phục vụ, giúp đỡ mọi người. Tôi cần nhận lấy tất cả những trách nhiệm”. Ðó là loại bản ngã vị tha chống lại các tình cảm tiêu cực.

Có hai thứ ham muốn xấu và tốt. Chẳng hạn, kinh điển Phật giáo đại thừa ghi chép có hai điều khát vọng hay nguyện ước. Một là lòng ham muốn cứu giúp tất cả chúng sinh và nguyện ước kia là mong được giác ngộ. Nếu không có hai điều mong ước này thì sự hoàn toàn giác ngộ khó có thể thành tựu. Nhưng cũng có sự ham muốn dẫn đến kết quả của các việc làm bất thiện. Phương thuốc giải độc cho lòng ham muốn tiêu cực này là sự bằng lòng hay mãn nguyện. Ðôi lúc xảy ra có những hành động cực đoan, nhưng trung đạo vẫn là con đường tốt nhất.

Sự bằng lòng là chìa khóa trọng yếu để mở cửa hạnh phúc. Thân thể khỏe mạnh, đầy đủ vật chất và có nhiều thân nhân, bạn bè là ba yếu tố dẫn đến hạnh phúc. Sự mãn nguyện là chìa khóa sẽ xác định kết quả việc liên hệ của bạn với ba yếu tố trên.

Khi thái độ của chúng ta đối với của cải vật chất và sự giàu sang không thích đáng có thể khiến các bạn đắm say quá mức vào các đồ vật đó như là tài sản, nhà cửa và vật dụng của riêng mình. Ðiều này khiến quý vị không bao giờ cảm thấy bằng lòng. Rồi con người sẽ luôn luôn trong tình trạng bất mãn và lúc nào cũng tham lam muốn có thêm nữa. Cuối cùng, bạn trở nên nghèo nàn, và đau khổ vì sự thiếu thốn ấy.

Khi chúng ta nói về các mục tiêu của sự lạc thú hay dục vọng và hạnh phúc vật chất, kinh sách Phật giáo đề cập đến các đối tượng của năm căn là năm trần: Sắc, thanh, hương, vị và xúc. Chủ đích của những thú vui này mang lại cho con người nguồn hạnh phúc, sự thỏa mãn và bằng lòng hay ngược lại sẽ gây nên điều đau khổ và bất mãn tùy thuộc rất nhiều vào khả năng nhận thức sáng suốt của các bạn. Hành động trong cuộc sống hằng ngày của quý vị là yếu tố căn bản để quyết định các thú vui và dục lạc này có thể mang lại cho con người sự thỏa mãn lâu dài hay không. Tất cả đều do phương cách sống của chúng ta.

Theo giáo lý đức Phật, sự sống của con người được xem như một hình thức hiện hữu hay tái sinh thuận lợi nhất. Có nhiều yếu tố góp phần cho sự ra đời của một con người với những may mắn như họ có cuộc sống trường thọ, mạnh khoẻ, giàu sang phú quý và ăn nói hấp dẫn dễ gây cảm tình khi tiếp xúc với mọi người. Tuy nhiên, những điều kiện này xấu hay tốt nhằm hướng dẫn họ đến cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau đều do hành động của mình gây ra.

Trong kinh tạng Phật giáo có ghi chép về sự thực hành sáu phép Lục Ðộ Ba La Mật. Chẳng hạn theo Phật giáo, người có nhiều tiền của trong đời này biết làm phước bố thí thì đời sau sẽ được phước báu giàu sang. Nhưng muốn thực hành hạnh bố thí có kết quả tốt thì hành giả cần phải giữ gìn các điều răn của Phật giáo và những giới luật ấy chỉ có thể hành trì bởi người có quyết tâm khắc phục khó khăn để thực hành chúng.

Làm sao chúng ta có thể hoàn thành trong cuộc sống hằng ngày những nguyên tắc nhằm hướng đến sự thực hành sáu phép Lục Ðộ? Phật giáo dạy rằng muốn có kết quả hành giả nên sống theo các lời khuyên đạo đức bằng cách giữ gìn làm mười điều thiện hay tránh không phạm mười điều ác. Phần lớn các hành động xấu hay tiêu cực đều thường thấy xảy ra trong tất cả các tôn giáo. Chúng được xem như những việc làm bất lợi, không  thích hợp cho sự tiến bộ của xã hội. 

 

Trích từ tác phẩm: “Book of Wisdom”

Nguyên tác: Ðức Ðạt Lai Lạt Ma | Chuyển ngữ: HT.Thích Trí Chơn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch