|
Cần tránh việc bắt
chúng sanh để nuôi nhằm mục đích giải trí, phong thủy cho con người, vì
làm thế gây mất tự do của những con vật này (ảnh minh họa) |
Băn khoăn vì đã lỡ nuôi
Rất nhiều người sau khi tiếp xúc với
giáo lý của nhà Phật biết được vấn đề cần tôn trọng sự tự do, bình đẳng
của tất cả chúng sanh, nên tránh việc tác động trực tiếp hay giản tiếp
đến sự sống chết của những sinh vật khác.
Từ những điều này khiến họ cảm thấy
bối rối vì không biết phải làm sao khi đã và đang nuôi những chú cá
kiểng trong bể cá hay chim cảnh nhốt trong các lồng ở gia đình.
Chị Hoàng Thị Thanh, quận Bình Tân
(TPHCM) tâm sự: “Trong nhà có cô con gái rất thích nuôi cá kiểng để giải
trí. Cháu cho rằng mỗi khi đầu óc cháu bị căng thẳng vì học tập thì
thích ngắm các chú cá bơi lội trong bể. Tuy nhiên khi chị đến chùa quý
thầy khuyên là không nên vì làm thế là làm mất tự do và làm chúng dễ bị
chết nên chị muốn đem thả nhưng con không cho”.
Trong khi chị Thanh đang băn khoăn với
việc nuôi cá cảnh thì anh Hoàng Trọng Tín, quận Bình Thạnh (TPHCM) lại
bối rối với số chim cảnh lâu nay anh vẫn nuôi.
Theo anh Tín, ngay từ nhỏ anh rất
thích nuôi chim cảnh, vì thế hễ ở đâu có chim đẹp, hót hay là anh tìm
đến mua để chơi. Tuy nhiên, một lần vào chùa Hoàng Pháp (Hóc Môn) được
nghe quý thầy giảng về việc sát sanh, bắt chim nhằm thỏa mục đích cá
nhân của con người.
|
Nhiều người băn khoăn không biết nuôi cá kiểng, chim cảnh có mắc tội hay không? Nuôi rồi thì phải làm sao? (ảnh minh họa) |
Việc bắt chim về nuôi cảnh làm ảnh
hưởng đến cuộc sống của chúng. Những chú chim mẹ sẽ lìa đàn con, chim
chồng mất vợ. Ngay như giọng hót của những con chim ngoài tự nhiên bao
giờ cũng hay hơn trong lồng thường có sự u uất trong đó… Tự nhiên anh
cảm thấy lo lắng và không biết phải làm sao cho đúng?
Còn chị Đoàn Xuân Nguyên (quận Tân
Bình) có người bạn đi công tác mua được 2 con hồng chướng (1 xanh, 1 đỏ)
và 1 con chim sáo rất đẹp về khoe. Vì là một Phật tử nên chị hiểu vì
sao không nên nuôi chim cảnh hay cá kiểng.
Chị Nguyên tâm sự: “Lúc đó tôi lựa lời
khuyên với bạn, người ta đi mua chim, cá phóng sanh giải bớt nghiệp,
còn bạn thì lại đi mua về như thế không tốt. Tuy nhiên dù nói thế nào
người bạn cũng không chịu thả, vì cho rằng để có mấy con chim này đã tốn
không ít tiền và thích nuôi chúng”.
Tránh được nên tránh, còn không phải chăm sóc tốt
Nói về vấn đề này, Sư Thích Giác
Nhường ở Tịnh xá Trung Tâm cho rằng: Đã nói cá nước, chim trời, đây
chính là môi trường sống tự nhiên của những loài này. Chúng sống ở đây
mới tự do, đúng với tự nhiên.
Khi con người bắt chúng để nuôi, phục
vụ cho sở thích của cá nhân nhằm phục vụ phong thủy hay giải trí, thì đã
làm nó xa rời môi trường tự nhiên, bị bắt vào lối sống gượng ép.
Dù việc làm này không tác động khiến
chúng chết ngay nhưng chúng ta là Phật tử thì nên hạn chế bắt chúng sanh
khác để làm vật nuôi, không thể vì sự vui, giải trí, mục đích của mình
mà thay đổi môi trường sống, hạn chế lối sống tự do, làm cho những sinh
vật này cảm thấy khó chịu, khiến chúng đau khổ.
|
Nếu đã lỡ nuôi thì nên quan tâm chăm sóc và cho chúng ăn đầy đủ. (ảnh minh họa) |
Theo sư Giác Nhường, đối với những
người đã và đang nuôi cá kiểng hay chim cảnh thì nên chăm sóc, đảm bảo
môi trường sống tốt, cho chúng ăn đẩy đủ… vì dù sao những con vật này đã
thích nghi trong môi trường này rồi. Nếu chúng ta đem chúng thả về tự
nhiên có thể lại khiến chúng không biết phải tồn tại như thế nào khi đã
quen có thức ăn ngay bên cạnh.
Bên cạnh đó người Phật tử cũng nên
thường xuyên cầu nguyện cho chúng nếu mất đi có thể thoát khỏi nghiệp
làm thân cá, thân chim… vươn lên một cảnh giới khác.
Ngoài ra những người chơi cá kiểng hay
chim cảnh nên cẩn thận đừng làm chúng chết. Cần tránh nuôi những con
lớn và con bé, có thể xảy ra hiện tượng cá lớn nuốt cá bé, sát hại lần
nhau. Tránh việc nuôi cá, nuôi chim để đem đi đá nhau, cá độ cờ bạc…
điều này không chỉ ảnh hướng đến chính cuộc sống của người nuôi, mà còn
tác hại xấu cho xã hội.
Hoài Lương