“Yên lặng” là điều kiện cần thiết để quan sát. Và bởi vì yên
lặng quá hiếm hoi trong thời đại chạy đua ồn ào của chúng ta, quan sát
chính mình trở thành quá khó khăn, vì vậy nhiều người không có cơ hội
thấy được mình một cách rõ ràng. Đây là điều mà nhà Phật gọi là vô minh,
và một số triết gia và xã hội học gia Tây phương gọi là “vong thân”
(Alienation)
Vậy thì điều đầu tiên bạn phải làm là tìm
một chút yên lặng mỗi ngày để quan sát mình. Ngồi yên trong một góc công
viên thanh vắng, hay đóng cửa phòng ngủ và tắt nhạc, đương nhiên là bớt
đi được một tí ồn ào, nhưng chưa chắc như vậy đã là yên lặng. Bởi vì
trong đầu chúng ta thường có nhiều “tiếng động”, như là bận rộn suy tính
công việc, lo lắng, giận ai đó, bực mình điều gì đó.
Chỉ khi nào các tiếng động này lắng xuống,
lúc đó ta mới có được yên lặng. Đó cũng chính là lý do mà các nhà đạo
học Đông phương thường dạy người ta xếp bằng và tập trung tư tưởng vào
việc theo dõi hơi thở. Kinh nghiệm cho thấy đây là cách hữu hiệu nhất để
làm cho các tiếng động trong đầu mình lắng xuống. Các tôn giáo Tây
phương thường tìm sự tĩnh lặng trong cầu nguyện. Đó cũng là một cách rất
hay.
Bạn có thể tìm bất kỳ cách nào hợp với bạn.
Điều cốt yếu là tĩnh lặng. Nếu bạn tập trung tư tưởng vào việc quan sát
một bông hoa đẹp chẳng hạn, quan sát màu sắc, cánh hoa, nhuỵ hoa, các
kết cấu của hoa, cũng có thể làm cho các “tiếng động” khác biến dần đi.
Hay là nghe nhạc nhẹ và để tâm vào nhạc một tí.
Khi đã có yên lặng rồi, bắt đầu quan sát
mình. Có hai cách quan sát.
1. Quan sát quá khứ: Nhìn lại
mọi việc mình làm, mọi câu mình nói, mọi suy nghĩ mình có trong ngày.
Quan sát xem mình đã làm điều gì không nên làm, và cần thay đổi phong
cách và thái độ trong tương lai không. Đây chỉ là cách rất sơ đẳng.
2. Quan sát mình trong hiện tại: Có ba
giai đoạn quan sát — quan sát thân thể, quan sát cảm giác, và quan sát
tư tưởng.
Quan sát thân thể là nhắm mắt, dùng trí óc
để “nhìn” thân thể mình, nhìn thế ngồi hay thế nằm của mình, nhìn tay
chân, mặt mũi, tóc tai của mình.
Sau đó quan sát cảm giác, bắt đầu là cảm
giác trong thân thể như tê tay, ngứa chân, rồi đến các cảm giác trong
đầu óc như buồn, vui, giận, bực mình, trống không, v.v… Kế đó quan sát
cả lý do mà mình có những cảm giác đó, như là ai đó hồi chiều nói một
câu mà tối nay mình còn cảm thấy buồn buồn.
Giai đoạn cuối cùng là quan sát tư tưởng,
“nhìn” xem cái đầu mình đang suy tư điều gì, như là “mình đang bực mình
vì cô này và đang ước ao được mắng cô ta một trận”, hay “mình đang nghĩ
đến việc phải viết xong tờ trình ngày mai”.
Chỉ giản dị vậy thôi. Nếu ngày nào trước khi
ngủ ta cũng có khoảng mười phút tập như thế, thì ta sẽ luyện cho hệ
thần kinh của mình nhận diện các cảm xúc và tư tưởng của mình mỗi khi
chúng xuất hiện. Và đã nhận diện được tức là có thể kiểm soát được.
Thông thường việc nhận diện tự nó có hiệu quả ngăn ngừa, cũng như kẻ
trộm tự động ngưng trộm khi hắn biết là người ta đã nhận diện được hắn
là tên trộm.
Các thực tập trên đây dựa một tí theo thiền
Tứ Niệm Xứ của Phật giáo nguyên thuỷ. Thiền này có bốn quan sát: thân
thể, cảm giác, tư tưởng và vũ trụ. Ở đây ta chỉ cần dùng ba bước đầu về
mình mà thôi. Hơn nữa, các vị sư thường ngồi xếp bằng để thiền định. Tuy
nhiên, nếu bạn ngồi xếp bằng mà trong lòng thì cứ tương tư đến giường
nệm và gối ôm, thôi thì lên giường nằm ôm gối cho được việc. Điều quan
trọng là tĩnh lặng và quan sát, chứ không nhất thiết là ngồi, nằm hay
đi.
Bạn chỉ cần tập quan sát chính mình như thế,
một lúc nào đó bạn sẽ thấy được những gì xảy ra trong mình mỗi khi
chúng đến và bạn có thể làm chủ chính mình – không dễ nổi nóng, không dễ
lo sợ, không dễ mất bình tĩnh. Lúc nào cũng tĩnh lặng và chủ động. Và
nếu có ai thấy bạn nổi nóng, đó không phải là vì bạn “bị” nổi nóng mà
bạn cố tình ra vẻ nổi nóng, vì làm như thế thì người kia mới chịu nghe.
Theo: Sài Gòn Tiếp thị