PG & Đời sống
Dấn Thân
24/03/2015 19:54 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ khi lộ ánh trăng thiền Tri ân sâu nặng cơ duyên cuộc đời Vô ngôn sáng giữa muôn lời Dấn thân thế sự, chẳng rời Tánh Không.


MỘT SỐ TƯ TƯỞNG ĐẠI THỪA

(Trích trong Thiền Luận, quyển hạ; Thiền sư D.T.Suzuki; Dịch giả: Tuệ Sỹ) 

* Khát vọng giác ngộ của các nhà Đại thừa trước hết là vì thế giới. Chính bởi họ mong cầu sự giác ngộ và giải thoát của cả thế giới nên trước hết họ nỗ lực tự giác ngộ, tự giải thoát, tự mình cởi bỏ sự ràng buộc của nghiệp và những chướng ngại do tri thức (sở tri chướng). (…) Vì lí do đó, Đại thừa nhấn mạnh ý nghĩa tâm nguyện đại bi. (…). 

* Khi khảo sát về quá trình hiện thực của giác ngộ, Đại thừa thấy rõ rằng nó gồm có hai bước quyết định. Khởi đầu cần phải tạo nên một khát vọng giác ngộ vì kẻ khác, thì mục đích tối hậu mới có thể thành tựu được. Khát vọng đó cũng quan trọng và rất có ý nghĩa như sự thành tựu, vì không thể có thành tựu nếu không có khát vọng kia; quả thực, sự thành tựu luôn luôn được xác định bởi khát vọng; tức là, thời gian, nỗ lực, hiệu quả… của giác ngộ, hoàn toàn dựa trên phẩm chất của ý nguyện ban sơ được phát khởi cho sự thành tựu chủ đích tối hậu. Động lực xác định diễn trình, cá tính và năng lực của hành động. Mong cầu giải thoát được thúc bách kịch liệt có nghĩa rằng, quả vậy, cái phần lớn và khó khăn của sự nghiệp đã được làm xong. Người ta cũng nói, khởi sự tức là hoàn tất. 

* Coi Bồ-tát như một kẻ trên thì mong cầu giác ngộ, mà dưới thì do tấm lòng lân tuất, nhiệt tình muốn cho khắp cả thế gian thụ hưởng pháp lạc, cái lí tưởng đó được kiên trì trong tất cả những người theo Đại thừa. (…). 

* Hoài bão ước vọng giác ngộ không phải là biến cố bình thường trong đời sống của một người theo Đại thừa, vì rằng đó là bước quyết định phải có để hướng tới cái mục tiêu (…). Giác ngộ không phải là một công việc riêng tư chẳng can dự gì đến khối lớn cộng đồng; điểm tựa của nó được đặt ngay trong lòng vũ trụ. (…). 

* Những điều kiện tất yếu cho việc làm trỗi dậy ước vọng giác ngộ (tức Bồ-đề tâm) có thể được tóm tắt như vầy: 1- hành vi đạo đức; 2- thân cận chư Phật (các bậc giác ngộ viên mãn) và các thiện tri thức; 3- tâm thanh tịnh, chân thật và từ bi. Khi làm tròn ba điều kiện này, Bồ-đề tâm (Bodhicitta) được coi là đã ngóc đầu dậy và sẵn sàng để tăng tiến. 

* Để rõ thêm bản chất của giác ngộ theo nhận định của các nhà Đại thừa, chúng ta lại dẫn thêm kinh Thập Địa, theo đó, ước vọng giác ngộ (tức Bồ-đề tâm) bao gồm các yếu tố như sau:

  1. Tâm đại bi là yếu tố dẫn đầu;

  2. Trí siêu việt là yếu tố chỉ đạo;

  3. Phương tiện là yếu tố hộ trì;

  4. Thâm tâm là chỗ nương tựa. 

* (…) Khi đã an trụ trong những sự kiện như thế rồi, được coi là đã đạt tới địa vị đầu tiên (sơ địa) của Bồ-tát. Đó là Hoan hỉ địa. Vì rằng, kể từ bây giờ, tín tâm không còn bị lay chuyển nữa. 

* Bồ-đề tâm khởi lên từ tâm đại bi; nếu không vậy, chẳng thể có Phật pháp. Coi nặng đại bi tâm là nét chính của Đại thừa. Chúng ta có thể nói,  toàn bộ tính chất của giáo thuyết đó quay quanh cái trụ chốt này. Nền triết lí viên dung được miêu tả rất gợi hình trong Ganda (Kinh Hoa Nghiêm) thực sự chính là cái bùng vỡ của công năng sinh động đó. 

* (Kinh Hoa Nghiêm nói) Bồ-đề tâm như đại dương vì chứa tất cả các hạt ngọc công đức. Bồ-đề tâm như núi Tu-di vì bình đẳng đứng cao trên tất cả mọi vật. Bồ-đề tâm như núi Thiết-vi vì bảo trì hết thảy thế gian. (…). 

* Nói vắn tắt, Bồ-đề tâm không chỉ là tình yêu thương, nó còn bao gồm cả một trực kiến của triết lí. Nó là một hóa thân cụ thể toàn nhất của Trí và Bi. Bi và Trí khởi sự thực sự ở trong Tâm đó. 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch