PG & Đời sống
Cách báo hiếu báo ân tốt nhất
28/08/2013 22:17 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mùa Vu lan hay mùa báo hiếu trong đạo Phật thường gợi chúng ta nhớ đến lời dạy rất sâu sắc của Đức Phật rằng tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.


anh Vu Giang.JPG
Bồ-tát Địa Tạng - Ảnh: Vũ Giang

Ngài rời bỏ gia đình, nhưng tấm lòng hiếu thảo của Đức Phật trải rộng vô cùng tận. Thiết nghĩ loài vật nhỏ nhất mà Đức Phật còn thương tưởng đến chúng, lẽ nào Ngài không nghĩ đến cha mẹ hay sao. Trong kinh ghi rằng sau khi thành Vô thượng Chánh đẳng giác, Đức Phật đã trở về thăm vua cha và thuyết pháp độ cho ông chứng liền Sơ quả. Đến khi nghe bài pháp thứ hai, thứ ba, vua lại chứng đắc quả vị Tư-đà-hàm và A-na-hàm. Và cũng với bài pháp này, Đức Phật đã giúp cho Kiều Đàm Di mẫu chứng được Sơ quả. Khi vua Tịnh Phạn lâm trọng bệnh, Đức Phật lại về thăm và giảng pháp cho ông. Sau bảy ngày thấm nhuần pháp lạc, vua cha đã đắc quả A-la-hán và qua đời trong sự định tĩnh. Ngoài ra, Đức Phật cũng lên cung Trời Đao Lợi để thuyết pháp độ Hoàng hậu Ma Gia.

Tâm hiếu, hạnh hiếu của Đức Phật thật là vô biên và cũng thật cảm động biết bao khi Ngài lạy đống xương khô bên vệ đường. Hành động của Đức Phật nói lên ý niệm sâu sắc về tổ tiên, ông bà, tức mối quan hệ chằng chịt nhiều đời của chúng ta trong kiếp luân hồi. Ngài dạy chúng ta ý thức về cha mẹ hiện tại, cho đến cha mẹ nhiều đời và mở rộng đến tất cả chúng sanh. Theo Ngài, trong vòng quay của kiếp tái sanh luân hồi, chúng ta đã từng thay nhau làm cha mẹ, thầy trò, bạn bè, quyến thuộc... và cũng đã từng giúp đỡ hay gây thù với nhau. Những người biết nương theo mối quan hệ tình thân ấy mà rèn luyện bản thân, thăng hoa tri thức, đạo đức, trở thành Hiền thánh và họ lại dìu dắt người khác cùng đi lên, mở rộng thêm mối tương quan thân tình và quyến thuộc.

Riêng Đức Phật, ngài Trí Tích cho biết rằng trên con đường hành Bồ-tát đạo trải qua vô lượng kiếp, không có chỗ nào dù nhỏ bằng mảy lông ở Ta-bà này mà Đức Phật không xả thân cứu độ người cùng muôn loài. Vì vậy, Ngài hiện hữu nơi nào cũng được mọi người, mọi loài quý trọng, thương mến, coi Ngài là Đấng Cha lành. Nghe lời Phật dạy, nhận thức được mối quan hệ của chúng ta với mọi người, mọi loài rộng lớn vô cùng như thế, nên người đệ tử Phật thường thể hiện việc làm giúp đỡ người, cứu vớt chúng sanh. Và đó chính là tinh thần báo ơn, trả hiếu đúng nhất theo Phật.

Chúng ta đã thấy Đức Phật tiêu biểu cho tấm gương sáng chói nhất về tâm hiếu, hạnh hiếu. Và đệ tử của Phật trong hàng Bồ-tát, có ngài Địa Tạng cũng thể hiện lòng hiếu thảo cao tột. Vì muốn cứu mẹ thoát khỏi địa ngục, Địa Tạng Bồ-tát đã đối trước Đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai mà phát lời nguyện từ nay cho đến trăm ngàn muôn ức kiếp, ngài nguyện cứu vớt tất cả chúng sanh bị tội khổ trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Những kẻ mắc tội báo như thế thành Phật rồi, sau ngài mới thành bậc Chánh giác. Trong hàng Thanh văn, gương hiếu thảo của Mục Kiền Liên cũng rất cảm động, đáng cho chúng ta noi theo.

Qua tấm gương hiếu hạnh của Đức Phật và các vị Bồ-tát, Thánh tăng, chúng ta ngày nay học Phật, theo dấu chân các Ngài, phải xây dựng tinh thần báo hiếu, báo ân trong việc tu hành là chính yếu. Chúng ta tu hành như thế nào để mở sáng đôi mắt huệ, thấy chân lý, tự giải thoát cho mình ra khỏi sáu nẻo luân hồi. Từ đó mới thấy ông bà cha mẹ, người mà chúng ta thương quý đang tái sanh ở cảnh giới nào và chúng ta phải dùng phương cách nào để cứu được họ. Chỉ có đắc đạo, thoát ly sanh tử và có huệ mới mong cứu ông bà cha mẹ hiện đời hay nhiều đời, cho đến cứu độ được tất cả chúng sanh. Trái lại, tu mà không có huệ, việc đáng làm không làm, chỉ làm điều sai trái, thì bản thân ta không ra chi, không tự cứu được mình, làm sao cứu nổi ông bà cha mẹ, nhất là họ lại thuộc thế giới siêu hình. Vì vậy, vấn đề chính là phải có trí tuệ để thấy đúng. Không thấy, không biết, chúng ta làm khổ công nhọc sức, nhưng không lợi bao nhiêu, thậm chí còn vô ích. Như Đức Phật đắc quả Vô thượng Bồ-đề mới thấy biết mẹ Ngài đang ở cõi Trời Đao Lợi mà lên đó thuyết pháp, tạo điều kiện cho bà tiến đến cảnh giới tốt đẹp hơn nữa. Hoặc Đức Phật dùng tâm thanh tịnh hoàn toàn của Đấng Giác ngộ vẹn toàn mới tác động được cho vua cha vượt qua đau đớn của xác thân bệnh hoạn trước giờ lâm chung, để ông an trú được trong pháp mầu đến mức độ đạt được sự thanh tịnh, giải thoát, đắc A-la-hán quả. Cũng như ngài Mục Kiền Liên nhờ đắc thần thông, bằng huệ nhãn mới thấy và cứu được mẹ ngài đang đọa trong loài ngạ quỷ.

Tóm lại, chúng ta nỗ lực tu hành, thân cận những bậc chân tu để nhờ các ngài khai ngộ, mà biết cách tu và phát huệ thực sự, mới làm được việc lợi ích cho đời, tốt đẹp cho đạo. Và chúng ta dùng thành quả có giá trị ấy hồi hướng cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc hiện đời, nhiều đời, cùng tất cả chúng sanh trong Pháp giới. Đó là cách báo hiếu báo ân tốt nhất trên bước đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. 

HT.Thích Trí Quảng

NSGN -

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch