Trầm cảm là con người có tâm hồn trầm lắng, điều này khiến
người ta dễ hiểu lầm về thái độ trầm lắng của Phật và các Sa-môn. Có thể khẳng
định rằng trầm cảm phát xuất từ nghiệp của con người khiến họ đi đến bệnh hoạn,
cần phải khắc phục. Đức Phật và Sa-môn trầm
mặc, vì sống với tinh thần và trí tuệ vô lậu phát sanh từ tâm hồn thanh tịnh.
Người hiện đại dễ bị trầm cảm vì có quá nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi - Ảnh minh họa
Mặc cảm do nghiệp mình từ bên
trong phát sanh ra có hai là tự ti mặc cảm, tức là tự thấy mình không bằng ai,
từ tự ti mặc cảm, họ lánh xa người để có đời sống khép kín đến mức tâm hồn bệnh
hoạn là trầm cảm. Đây là một loại bệnh cần chữa trị, khác với tâm tĩnh lặng. Từ
mặc cảm tự ti đưa đến trầm cảm, nên nhìn đời không đẹp và thấy khổ là một loại
bệnh của thời đại.
Hạng người học hành, hay làm ăn
thất bại, sanh ra buồn khổ, xa lánh mọi người và tâm hồn lúc nào cũng u tối,
khác với người trụ định trong thế giới tu hành. Người trụ định hướng về nội
tâm, phát triển trí tuệ, nên mặt sáng tiêu biểu cho hào quang chứng tỏ tâm hồn
đã trong sáng, nên thấy được bề mặt và bề trái của cuộc đời, đó chính là Đức
Phật. Còn phần nhiều người ta không thấy bề trái và cũng không tìm hiểu bề trái
để khắc phục. Còn Phật thấy bề ngoài và hiểu được bề trái là thấy nguyên nhân
sâu xa tiềm ẩn nhiều đời và Ngài thí nghiệm nhiều lần thấy chính xác bề trái,
gọi là chân lý bên trong, hay Tập đế và Đạo đế.
Thấy bề ngoài khổ, gọi là Khổ
đế, nhưng không thấy nguyên nhân sâu xa, nên nghiệp và phiền não tăng trưởng.
Thí dụ thấy bề ngoài người khỏe mạnh, giàu có, địa vị hơn ta sẽ làm ta mặc cảm
tự ti cho đến trầm cảm, còn thấy ta hơn người thì sanh ra mặc cảm tự tôn. Theo
Phật, hai tâm này đều là nghiệp. Trái lại, dưới cái nhìn trầm mặc của Phật,
thấy được con người thực của chúng ta, nghĩa là nhìn lên, chúng ta thấy mình
không bằng Thánh Tăng, A-la-hán, Bồ-tát và Như Lai, nhưng nhìn xuống lục đạo tứ
sanh, chúng ta còn hơn họ. Bấy giờ thấy con người thực của chúng ta ở đâu và ta
là gì.
Phật dạy rằng nhìn người thấy hơn mình, ta tìm xem nguyên nhân tại sao
họ hơn, hay tại sao họ thua kém thì chúng ta cố khắc phục sự thua kém để đi lên
cho bằng họ và khởi ý niệm thương xót, dìu dắt người kém ta để giúp họ bằng ta;
đó là tâm lý của Phật giáo mà đệ tử phải áp dụng trên bước đường tu.
Hiền thánh hơn ta sức thông minh
và sự hiểu biết. Hiểu biết khác với thông minh. Ta dạy người hiểu biết được,
nhưng họ không thông minh, ta không làm cho họ thông minh được. Tôi có một
người bạn học giỏi là người Việt Nam làm thẩm phán đầu tiên, ông nói
một câu khiến tôi suy nghĩ. Ông nói lao động hóa trí thức thì được, nhưng trí
thức hóa lao động không được; vì khi đất nước ta độc lập một nửa, ông ở miền
Bắc tham gia việc chống nạn mù chữ khiến ông rất vất vả. Người trí thức lao
động một thời gian ngắn, họ vượt hơn người nông dân về kỹ thuật, nhưng bắt
người lao động học thì khó lắm. Thuở nhỏ tôi đi học ngồi cạnh người con của bà
bán bánh bò, nó chỉ ăn một nửa bánh, để cho tôi một nửa để bảo tôi học thế dùm
nó!
Đức Phật nhìn sâu xa hơn, thấy tất
cả các loài đều có thể thành Phật, nhưng người thành trước, người thành sau; vì
Phật thấy nguyên nhân chính là nghiệp. Vì vậy, phá được nghiệp này để vượt qua,
vì sự nỗ lực được hướng dẫn có thể thay đổi là bước đường tiến hóa của con
người, chúng ta thấy rõ ý này. Người đi học có bằng cấp, mình không học không
có bằng cấp, tức họ hơn mình bằng cấp, nhưng chưa chắc họ thông minh hơn ta,
nên điều này cũng không đáng ngại. Nếu chúng ta thông minh, nỗ lực học cũng
bằng họ.
Đọc truyện Lưu Bình Dương Lễ, chúng ta thấy Dương Lễ không
thông minh bằng Lưu Bình. Lưu Bình chỉ có nghiệp lười, ham ăn chơi. Dương Lễ
nhờ siêng năng học, nên tốt nghiệp, được làm quan. Dương Lễ không thông minh
hơn, nhưng nhờ cần cù là học được. Còn thông minh thì khó, nhưng khi Lưu Bình
quyết tâm học, chỉ một thời gian ngắn làm quan cao hơn Dương Lễ là nhờ có sức
thông minh, biết khai thác thì trở thành người quan trọng.
Đối với người kém thông minh, Phật
cũng thấy, Phật thấy Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát cho đến chúng sanh các loài
đều có Phật tánh, tức thông minh, nhưng chưa được khai thác. Đạo Phật nhắm vô
thông minh, không phải khai thác văn tự, gọi là vô tự chân kinh tức muốn dạy
chúng ta làm Phật; nói cách khác là phát triển sự thông minh gọi là vô lậu học.
Học để phát huy huệ vô lậu, tức sức thông minh; không phải học ngữ ngôn văn tự
khiến chúng ta dễ chán, lạc vô cách học này thì càng học rộng dễ thành người
mặc cảm. Huệ vô lậu phát sanh để chúng ta thông minh như A-la-hán, Bích chi
Phật, Như Lai, các Ngài không học ngữ ngôn văn tự, nhưng học để phát huy sức
thông minh, vượt qua tất cả và trở thành hiền thánh; nhưng đầu tiên chúng ta
phải vượt qua trước, mới giúp người vượt qua.
Khi Phật còn là thái tử, Ngài
thương tất cả mọi người, nhưng không biết làm sao cứu họ, cũng như chúng ta xác
định sức người có hạn, ta muốn giúp nhưng không giúp được. Phật cũng vậy, không
cứu được vì lúc đó chưa có sức thông
minh để biết cách giúp. Vì vậy, Ngài tu là cố tìm ra cách để cứu chúng
sanh, gọi là đi tìm đạo.
Đạo của Phật tìm ở đâu. Ngài đi,
nhưng không tìm thấy đạo. Tôi đã trải nghiệm con đường tìm đạo, lang thang từ
chùa này sang chùa khác cũng không thấy được đạo. Khi Phật ngộ đạo được, Ngài
mới tuyên bố không có gì không phải là đạo mới là đạo, không có người nào không
phải là Phật thì chính đây là Phật, không có chỗ nào không phải chúng hội đạo
tràng mới là đạo tràng. Kinh Pháp hoa diễn tả ý này là không nhứt thiết
phải ở chùa, nhưng thực người ngộ đạo thì ở chỗ nào, chỗ đó là đạo tràng.
Phật ngộ đạo ở cây bồ-đề, gọi là
Bồ-Đề Đạo Tràng; nhưng Phật đến Lộc Uyển, Trúc Lâm thì nơi đó là đạo tràng. Sự
hiện hữu của người ngộ đạo rất quan trọng, nếu chúng ta cứ chấp Bồ-đề là đạo
tràng, nhưng đến đạo tràng này, chúng ta thấy gì? Tôi đến Bồ-Đề Đạo Tràng nhiều
lần thấy rất nhiều người của các dân tộc tụ họp nơi đây, làm cho cảnh trí trở
thành bát nháo và qua chuyến hành hương nửa tháng đi từ non Linh Thứu đến Lộc
Uyển và Câu Thi Na, thấy những nơi này là những phế tích hoang tàn đổ nát, làm
sao thấy Phật được.
Tuy bề ngoài thấy vậy, nhưng khi tôi lắng lòng xuống, có
đời sống trầm mặc mới nhìn thấy thế giới của tâm hiện ra thì cảnh giới này trở
thành muôn màu muôn vẻ. Lần đầu tôi cảm giác tâm tôi đi ngược về quá khứ là
nhìn phế tích thấy được mấy ngàn năm trước khi Phật còn là thái tử đến nhập
định ở gốc cây bồ-đề, hay nói cách khác, trở lại đời sống nội tâm thì từ đời
sống nội tâm này hiện lên Phật quá khứ, thấy cảnh đổ nát hoang tàn ngày nay
chúng ta có từ đâu và từng bước thấy nước Ấn Độ ở thời kỳ Phật và sau thời kỳ
Phật, mới thấy Hồi giáo tàn sát Phật giáo và thấy phản ứng của Tăng Ni, Phật tử
đối với Hồi giáo, nghĩa là thấy cảnh này diễn ra trong nội tâm, tôi hình dung
ra Phật giáo như thế, nên thấy hai trăm lính Hồi giáo mà tiêu diệt được cả hai
vạn Tăng ở Nalanda.
Từ đó, tôi so sánh ví như hai trăm con chó sói với hai vạn
con cừu. Ta tu mà biến thành con cừu là nguy hiểm, là Phật giáo quá khứ đã vậy
và từ đó, tôi rọi ngược về Phật giáo Việt Nam thời Lý Trần lại thấy khác, thấy
chúng ta có hai trăm con voi, sư tử. Phật giáo ví như là voi, là sư tử, không
phải là cừu; đó chính là thế giới vô hình dưới mắt Đại thừa. Vì vậy, tôi có ý
niệm làm sao biến cừu thành voi mới là đạo Phật. Phật giáo ví như voi có khả
năng vác nặng đi ngược dốc mà không ai có sức ngăn cản được. Bồ-tát Văn Thù và
Phổ Hiền tiêu biểu cho sức mạnh của voi, sư tử ở hội Hoa Nghiêm. Ta cũng là
voi, là sư tử, nhưng được huấn luyện trong tinh thần tiêu cực, thành người ăn
hại, nên mặc cảm mình là cừu, không bằng ai; đạo Phật không phải như vậy.
Thấy
người để chúng ta so sánh và vượt khó để chúng ta làm Phật, Bồ-tát, Thánh hiền.
Nếu chúng ta đã có sức thông minh thì đi vào con đường này rất nhanh.
Chúng ta trở lại thời Trung cổ của Phật, cũng như Phật
trở lại thời Phật quá khứ, Ngài nói ở Bồ-Đề Đạo Tràng xưa kia các vị Cổ Phật
cũng đã thành Phật ở đây. Đọc kinh thấy vậy, nhưng Cổ Phật có ở đây hay không.
Đức Phật thấy các vị Cổ Phật bằng tâm. Khi có sức thông minh, hay huệ phát thấy
được vật như trái cam để trên bàn tay, nên Phật thấy luôn ba đời nhân quả, thấy
người liên hệ với mình thế nào và dùng pháp gì để độ là bước thứ hai, Phật phá
được sự trầm cảm. Phật đã dẫn dắt người tự ti mặc cảm, sa cơ, bị xã hội khinh
rẻ tiến lên. Ngài đã chuyển hóa tâm tội lỗi, tâm không bằng ai của họ trở thành
ý chí phấn đấu đi lên.
Ngày nay, nếu trong nhà có con em sa cơ, mặc cảm thì
ta là người thay Bồ-tát để chia sẻ với con em. Trái lại, khi con mình lỡ bước
sa chân, mình nóng giận, mắng chửi, xua đuổi nó là đẩy nó vào con đường cùng,
trong khi đó, nó cần sự chăm sóc của mình để vượt qua bệnh trầm cảm. Người bị
xã hội khinh rẻ, lại bị cha mẹ ghét bỏ thì làm sao sống nổi.
Vì vậy, chúng ta
cần tìm hiểu để an ủi, chia sẻ nỗi khổ niềm đau, để tháo gỡ được thì tâm lý xấu
của đứa trẻ được hóa giải, mặt nó tươi tỉnh lại, bớt khổ, nhân đó bệnh trầm cảm
của nó được phá bớt một phần; nhưng muốn làm được như vậy, chúng ta phải tu để
có năng lực chuyển hóa sự trầm cảm, thì lần lần cuộc sống của con em cũng khá
lên được.
HT.Thích Trí Quảng (GNO)