PG & Đời sống
Chăn nuôi có phải nghề tà mạng?
21/12/2014 23:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Chánh mạng là mưu sinh bằng nghề nghiệp chân chính

HỎI: Tôi là Phật tử, thấy xung quanh nhiều người nuôi sâu (làm mồi cho chim, cá cảnh) cũng đang cho nhiều lợi nhuận. Tôi có ý định nuôi sâu để bán nhằm cải thiện kinh tế gia đình trong hiện tại và nguyện với lòng mình là chỉ nuôi bán thôi chứ tuyệt đối không chính tay làm chết bọn chúng. Không biết nuôi sâu như vậy có phạm vào tội sát sinh hay phạm vào nghề tà mạng không? Tôi thấy nhiều chùa nuôi chó, như vậy có nên không, có phạm luật Phật cấm không?

(HOÀNG ANH, vouu1509@gmail.com; 
KHÁNH TUẤN, makhanhtuan@yahoo.com)

ĐÁP: Bạn Hoàng Anh và Khánh Tuấn thân mến!

Đức Phật dạy, người Phật tử thực hành chánh mạng là mưu sinh bằng nghề nghiệp chân chính, không dính vào các nghề như buôn bán người, buôn bán vũ khí, buôn bán thuốc độc, làm nghề đồ tể, buôn bán rượu (ma túy).

Như thế, về căn bản, bạn có thể nuôi sâu để bán mà không phạm vào nghề tà mạng. Đối với giới không sát sanh cũng vậy, bạn “chỉ nuôi bán thôi chứ tuyệt đối không chính tay làm chết bọn chúng” nên bạn không phạm giới sát. Cũng giống như các Phật tử Ấn Độ xưa làm nghề chăn nuôi gia súc để bán và lấy sữa thì vẫn được Phật hóa độ, là Phật tử chân chính.

Tuy vậy, điều đáng lưu tâm là nghề chăn nuôi có liên quan và có thể tạo ra cộng nghiệp sát hại nên dù được phép làm nhưng người Phật tử phải thành tâm sám hối, tích cực tạo phước. Nhất là, khi kinh tế gia đình tạm ổn, nên chọn một nghề mưu sinh khác sẽ tốt hơn.

Vấn đề một số ít chùa nuôi chó, thiết nghĩ, có nhiều nhân duyên: Thấy tội mà nuôi (các con vật bị bỏ rơi), nuôi để giữ nhà, nuôi làm thú cưng v.v… Theo giới luật, người xuất gia sống độc cư hoặc du hành thì không nên cưu mang thêm thú vật, nhưng theo thực tiễn đời sống chùa chiền hiện nay, việc nuôi một số thú vật mà tôn trọng, thương yêu, chăm sóc đàng hoàng, trong chừng mực nào đó, có thể chấp nhận được.

Chúc các bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch