"Đối với con người thời tiền kĩ nghệ, thời gian trôi chảy một
cách chậm chạp, nhẹ nhàng, người ta không bận tâm lo lắng về mỗi phút;
bởi vì người ta cũng chưa bị ý thức về những thứ ấy." (Aldous Huxley).
Thời gian thật và thời gian giả
là cách phân biệt thời gian rất tinh tế và mới lạ của W. Faulkner trong
tác phẩm Âm Thanh và Cuồng Nộ.
Tác phẩm được viết theo một thủ
pháp nghệ thuật hiện đại và mĩ học hiện đại. Thủ pháp này có ảnh hưởng
rất lớn đến văn học Mỹ thế kỉ XX.
Để khám phá tác phẩm mới lạ
này, người ta có nhiều cách, như độc thoại nội tâm chẳng hạn. Ở đây chỉ
tìm hiểu vấn đề thời gian, cách phân biệt thời gian thật và thời gian
giả của tác phẩm mà thôi.
Thời gian là một trong những vấn đề quan trọng của tác phẩm Âm Thanh và Cuồng Nộ, dù không phải là quan trọng nhất.
Về
vấn đề này, Leon Edel cho rằng: "Ta chỉ có thể hiểu được cách cấu tạo
và nội dung chủ đề của Âm Thanh và Cuồng Nộ khi ta lãnh hội được mối bận
tâm kì lạc của Faulkner là thời gian hay phi thời gian."
J. P.
Sartre đả kích Faulkner, vì Sartre cho rằng, Faulkner đã cắt bỏ tương
lai, vì thế hiện tại cũng hẳng thành hiện tại mà chỉ còn quá khứ. Tôi
hiện không tồn tại. Tôi chỉ tồn tại ở quá khứ. J. P. Sartre cho như thế
là sai lầm vì tính chất của ý thức bao hàm rằng ý thức tự phóng tới đằng
trước ở tương lai, ý thức tự định bản chất hiện tại của nó bằng khả
năng của chính nó. Người ta chỉ có thể hiểu được tính chất hiện tại của ý
thức là nhờ tính chất tương lai của nó. Vì thế con người không phải là
toàn thể những gì mình có mà toàn thể những gì mình chưa có, toàn thể
những gì mình có thể có.
Quan niệm thời gian của W. Faulkner
không phải thế. Thời gian theo quan niệm của W. Faulkner là một toàn thể
có quá khứ, có hiện tại và có tương lai. Nó không phải là " thời gian
và phi thời gian" của Leon Edel, cũng không phải chỉ có thời gian tương
lai mà bỏ quên quá khứ của J. P. Sartre.
Mối bận tâm của W. Faulkner là phân biệt giữa thời gian thật sự và thời gian giả tạo.
Chương
đầu của Âm Thanh và Cuồng Nộ, W. Faulkner đề ngày 7.4.1928, chương kế
đề ngày 2.6.1910, chương tiếp theo đề ngày 6.4.1938, chương cuối đề ngày
8.4.1928.
J. P. Sartre đặt câu hỏi: Tại sao lại như vậy?
Câu trả lời là: W. Faulkner muốn đạt đến thời gian thật sự, chứ không phải thời gian giả tạo.
Thời gian thật sự là thời gian không bị xác định phân chia bởi con người. Đó là thời gian thiên nhiên, thời gian vũ trụ.
Trước
kia, vào thời xa xưa, con người sống hài hòa trong thời gian với tiết
điệu nhịp nhàng lưu chuyển theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Con người
sống trong lòng thiên nhiên, thời gian trôi chảy theo những đóa hoa vô
thường, triêu dương rồi đến tịch dương, trăng tròn rồi lại trăng khuyết.
Từ khi con người trở nên văn minh, đã phát minh ra máy móc, cùng với
máy móc, người ta phát minh ra thời gian mới. Thời gian mới đối nghịch,
xô đẩy thời gian cũ ra ngoài ý thức con người. Thời gian cũ là thời của
vũ trụ, của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Thời gian mới là thời gian của
lịch pháp, đồng hồ. Thời gian mới này không có già xấu ác, nguy hiểm.
Điều nguy hiểm là người ta đã biến thời gian mới này thành ông chủ tàn
bạo và con người trở thành mất ăn
mất ngủ vì suốt ngày bị những con số hành hạ, sai khiến.
Aldous
Huxley cho rằng: "Thời gian là một phát minh gần đây . . . nó là phó
sản của chế độ kĩ nghệ . . . ngày nay, thời giờ đã trở thành kẻ độc tài
bạo ngược đối với chúng ta." Ngày xưa, một người thợ, một người nông dân
làm việc rất thảnh thơi, nhẹ nhàng. Nhưng ngày nay, họ phải sản xuất
cho nhanh, cho nhiều để kịp giờ, kịp phút, kịp giây. Từ đó, họ mất đi
cái khoan thai, thoải mái và mãi quay cuồng trong hối hả, bận rộn, không
có phút giây ngừng nghỉ xả hơi.
"Đối với con người thời tiền kĩ
nghệ, thời gian trôi chảy một cách chậm chạp, nhẹ nhàng, người ta không
bận tâm lo lắng về mỗi phút; bởi vì người ta cũng chưa bị ý thức về
những thứ ấy." (Aldous Huxley).
W. Faulkner và Aldous Huxley định
nghĩa thời gian thật sự và thời gian giả tạo như sau: Thời gian thật sự
là thời gian thiên nhiên, thời gian vũ trụ và thời gian giả là thời
gian đồng hồ, thời gian máy móc.
Nhận định như trên về thời gian
chúng ta mới có thể hiểu được những câu độc thoại của Quentin trong Âm
Thanh và Cuồng Nộ như: "Cha tôi nói rằng những đồng hồ đã giết thời
gian. Cha nói rằng thời gian chết khi bị ăn mòn bởi những tiếng tích tắc
của những bánh xe nhỏ; Chỉ khi nào đồng hồ ngừng thì thời gian mới sống
lại."
Thời gian ám ảnh Quentin là thời gian đồng hồ, thời gian máy móc, thời gian giả tạo.
Trong
Âm và Cuồng Nộ chỉ có Quentin và cha anh ta bị thời gian ám ảnh, còn
Jason thì không. Bởi vì Jason đã trở thành kẻ nô lệ của thời gian, một
kẻ nô lệ mù quáng mất hết cá tính bản ngã. Jason đã bị thời gian chinh
phục và không ý thức rằng mình đã bị chinh phục. Còn Quentin và cha anh
ta thì ý thức được rằng họ đã bị thời gian chinh phục và vì thế họ nghe
được tiếng tích tắc của đồng hồ và bị nó ám ảnh.
Benjy và Spoade
thì sống trong thế giới không có đồng hồ. Thời gian trong thế giới của
họ là thời gian thực sự- Thời thiên nhiên, thời gian vũ trụ.
Riêng
Dlisey thì không bao giờ bị thời gian ám ảnh và chinh phục. Bà hiểu rõ
và phân biệt hai loại thời gian: Thời gian thật sự và thời gian giả tạo.
Bà vừa ý thức được thời gian đồng hồ, vừa ý thức được thời gian vũ trụ.
Bà không bao giờ hấp tấp, vội vàng mà luôn ung dung, tự tại.
Tóm
lại, vấn đề thời gian đối với W. Faulkner chỉ là vấn đề phân biệt và ý
thức về thời gian thật sự và thời gian giả tạo. Con người thời đại đừng
để thời gian giả tạo chế ngự mình và đừng bao giờ quên thời gian thật sự
của vũ trụ. Thời gian trong tác phẩm Âm Thanh và Cuồng Nộ là như thế,
không phải vấn đề quá khứ như J. P. Sartre đã phê bình một cách sai lạc.
Thích Tâm Bình - Kim Liên