PG & Đời sống
Vì Pháp Quên Mình
16/09/2010 22:46 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong các cách cúng dường, giảng kinh thuyết pháp cho người nghe là cách cúng dường thù thắng hơn cả. Kinh Phạm Võng nói rằng nếu quí vị có thể giảng kinh thuyết pháp cho người khác nghe thì một ngày quí vị tiêu hết ba lượng vàng cũng không phải là quá, mức thụ nhận đó có thể chấp nhận được. Nhưng chúng ta không nên cho rằng một ngày có thể thụ nhận ba lượng vàng cúng dường và đem đi tiêu hết mà chẳng cần sinh tàm quí. Tuy Kinh điển nói như thế nhưng chúng ta vẫn không thể tự mãn mà nói rằng: “Tôi giảng kinh thuyết pháp, nếu một ngày cúng dường cho tôi ba lượng vàng thì tôi có tiêu hết cũng đáng”. Kinh Kim Cương cũng nói nếu quí vị đem bảy báu bố thí khắp tam thiên đại thiên thế giới, công đức ấy cũng không lớn bằng công đức quí vị giảng cho người nghe bốn câu kệ.


(Ảnh nguồn: Internet)

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni khi còn hành đạo Bồ-tát đã từng vì nửa bài kệ mà bỏ thân mệnh. Một bài kệ có bốn câu thì nửa bài kệ là hai câu. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni lúc còn ở nhân địa tu hành hết thảy thiện pháp, một hôm Ngài nghe một con quỉ La-sát nói kệ:

Các hành vô thường

Là pháp sinh diệt[1]

Đức Phật vừa nghe kệ liền hỏi:

-Ồ! Câu kệ ngươi nói vừa rồi là Phật pháp, nhưng ngươi chỉ mới nói một nửa, còn lại một nửa sau ngươi có thể nói hết cho ta nghe chăng?

Quỉ La-sát đáp:

-Không sai, kệ ta nói chính là Phật pháp, nhưng hiện nay ta rất đói, không có sức để nói tiếp nên muốn tìm một người để ăn, ăn xong ta mới có sức nói tiếp.

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni thoáng nghĩ, liền bảo:

-Ngươi hãy nói xong bài kệ rồi ta sẽ để ngươi ăn thân ta được không?

La-sát hỏi lại:

-Ngươi thật có thể để ta ăn ư?

Đức Phật đáp:

-Ta để cho ngươi ăn, nhưng trước tiên ngươi phải nói xong bài kệ ấy đã, sau khi ta hiểu rõ được pháp ấy thì ngươi có ăn ta, ta cũng mãn nguyện.

La-sát nói:

-Được!

Rồi đọc tiếp:

Sinh diệt dứt rồi

Tịch diệt là vui[2].

Nói kệ xong, La-sát bảo Đức Phật Thích-ca-mâu-ni:

- Pháp ấy ta đã nói xong rồi. Nay ta có thể ăn ngươi được rồi chứ?

Đức Phật nói:

-Xin hãy đợi chốc lát, lát nữa ta sẽ để ngươi ăn.

Quỉ La-sát hỏi:

-Sao! Ngươi đã hối hận rồi chăng? Lúc nãy ngươi đã hứa với ta rồi, nay lại muốn nuốt lời ư?

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni từ tốn:

-Không phải thế, do vì bốn câu kệ Phật pháp ngươi vừa nói, đa số mọi người chưa từng được nghe nên nay ta muốn dùng dao khắc bốn câu kệ này lên thân cây, đợi ta khắc xong người hãy ăn ta, như thế được không?

Qủy la-sát ngẫm nghĩ rồi nói:

-Cũng được, ngươi hãy khắc kệ lên cây đi.

Thế là Đức Phật Thích-ca-mâu-ni dùng dao lột bỏ lớp vỏ cây bên ngoài rồi khắc bốn câu kệ lên thân cây. Khắc xong, Ngài lại nghĩ thân cây không được lâu bền, nhưng lúc ấy la-sát lại đòi ăn ngài.

Ngài khẩn khoản:

-Người hãy đợi ta chốc lát, ta muốn cho tất cả mọi người đều biết được bài kệ Phật pháp này, nhưng thân cây không được bền chắc, đợi ta khắc bốn câu này vào đá, sau đó ngươi ăn ta cũng không muộn. Chẳng phải ta ít kỉ cho riêng mình mà ta muốn cho tất cả chúng sinh đều biết đến Phật pháp.

La-sát ngẫm nghĩ, rồi bảo:

-Thôi được, ngươi mau bắt đầu làm đi, chẳng nên kéo dài thời gian nữa.

Thế là Đức Phật Thích-ca-mâu-ni khắc bốn câu kệ lên đá. Khắc xong, Ngài mời la-sát đến ăn ngài.

Bấy giờ, la-sát hỏi lại:

-Ngươi thật muốn để ta ăn thịt ngươi sao?

Đức Phật đáp:

-Đương nhiên rồi, ta không nói dối đâu, thân ta đây, ngươi cứ tự tiện!

La-sát lại hỏi:

-Ngươi đúng thật là một người tu hành! Nay ta đã biết ngươi là một người chân tu, tốt lắm, chúng ta tạm biệt tại đây nhé!

Nói xong, la-sát liền bay lên hư không. Thì ra là Bồ-tát Quan Âm biến hóa đến thử ngài.

Từ câu chuyện trên cho chúng ta thấy tu đạo cần phải có tâm chân thật, luôn đặt lợi ích chung lên hàng đầu, không nên vì bản thân. Xét thấy việc có lợi ích cho Phật pháp, cho mọi người thì dù có quỉ đến đòi ăn thịt, mình cũng nên vì pháp quên thân, nên vì pháp mà đem sinh mạng của mình ra bố thí.

 Trích từ bài giảng Kinh Hoa Nghiêm - phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của HT Tuyên Hóa

Ban Phiên dịch Vạn Phật Thành

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch