PG & Đời sống
Thương điều khó thương
01/05/2015 20:35 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày xuân bên chén trà đàm đạo, nắng sớm ấm áp rọi chiếu qua nhành hoa phong lan mang tên “Nghinh xuân” đẹp một cách dịu dàng. Ông bạn kể câu chuyện Thiền trong “Góp nhặt cát đá” về một người sư đệ.

Người sư đệ ấy là người “học trò cá biệt” của Thiền sư Eitaku, vị thầy đạo cao đức trọng nổi tiếng một thời. Nói là cá biệt vì trong số đệ tử của Ngài, hầu hết đều rất tốt, duy chỉ có vị sư đệ này là có tính ăn cắp vặt của huynh đệ, rất nhiều lần bị huynh đệ bắt quả tang và họ đều tha thứ, nhưng sư đệ vẫn chứng nào tật nấy, các huynh đệ không chịu nổi bèn thưa lên chứng cứ quả tang rành mạch và yêu cầu sư phụ phải trục xuất vị sư đệ ấy, nếu không họ sẽ ra đi.
 
Thiền sư Eitaku biết sự việc rồi sẽ đến nước này, Ngài đã nói một cách từ tốn với các đệ tử yêu quý: “Đệ tử ai cũng phân biệt được phải trái, nhưng riêng y thì không làm được. Nay nếu ta không chỉ bảo y thì ai làm việc này. Ta sẽ để y lại ở đây”. Nghe Sư phụ nói xong, vị sư đệ ấy ngộ ra quỳ xuống trước sư phụ và huynh đệ, giọt nước mắt ăn năn tuôn trào.
Phải tu tập nhiều mới có được đức hạnh khoan dung vị tha như Thiền sư Eitaku, để có thể tha thứ và chuyển hóa khai mở cho một vị đệ tử cá biệt khó thương như vậy.
Người ta thường nói người này dễ thương, kẻ nọ khó thương. Dễ thương mà thương được là chuyện bình thường, còn khó thương mà thương được thì đó là tấm lòng quảng đại. Trong gia đình, bậc cha mẹ rất sáng suốt luôn dành tình thương cho đứa con út (sinh sau đẻ muộn), đứa con tật nguyền hoặc đứa con không may mắn so với những đứa khác. Gọi là sự bù đắp, người ta quan niệm rằng bao nhiêu điều không may thì đứa con đó nhận lãnh hết để cho đứa con khác an lành, như mía sâu có đốt, riêng đốt đó chịu sâu đục phá cho các đốt khác ngọt ngào!
Đó là nói trong gia đình. Ngoài xã hội còn rất nhiều người “khó thương” mà chưa được người thương. Những người “cá biệt” như vị sư đệ, hoặc những người có số phận kém may mắn, tật nguyền, khùng điên, nghèo khó, tội phạm…để thương được họ và quan tâm giúp đỡ họ, quả không phải hầu hết ai cũng thương được.
Để khỏi mang tiếng là con người vị kỷ, hẹp hòi chỉ bết sống cho mình thì nên suy gẫm theo lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma hãy rộng mở trái tim:

“Thương đâu cần chọn lựa nhiều
Mà là thương cả những điều khó thương”

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch