PG & Đời sống
Phật dạy về sự kỳ diệu của biết hổ thẹn
09/08/2013 22:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika, gọi các Tỷ kheo:  Này các Tỷ kheo, hai pháp này là pháp đen. Thế nào là hai ? Không tàm và không quý. Và này các Tỷ kheo, hai pháp này gọi là pháp trắng. Thế nào là hai ? Tàm và Quý.

Hai pháp trắng này, này các Tỷ kheo, che chở cho thế giới. Nếu không có hai pháp trắng này che chở cho thế giới thời không thể chỉ ra được đây là mẹ hay là em hoặc chị của mẹ, đây là vợ của anh hay em, đây là vợ của thầy hay vợ các tôn trưởng. Và thế giới sẽ đi đến hỗn loạn như giữa các loài dê, heo, chó, gà, vịt.

Này các Tỷ kheo, vì có hai pháp trắng này che chở, nên mới có thể chỉ được đây là mẹ hay là em hoặc chị của mẹ, đây là vợ của anh hay em, đây là vợ của thầy hay vợ các vị tôn trưởng.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hình phạt, phần Hai loại tội [trích], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.100)

Lời bàn:

Biết hổ thẹn là một nhân tố quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của con người. Tàm là biết hổ thẹn với chính mình và quý là biết hổ thẹn, sợ hãi với người khác. Nhờ biết hổ thẹn nên chúng ta có thể vượt thắng, làm chủ được bản thân trước những thôi thúc của tham lam, sân hận và si mê.

Trong mỗi chúng ta đều tồn tại hai thế lực đen và trắng này. Giữa thanh thiên bạch nhật, hầu hết chúng ta đều thể hiện sự ý tứ, sợ người khác chê cười, phê phán, chỉ trích hoặc lên án (quý). Người mà vô cảm trước dư luận, bỏ ngoài tai sự chê cười, mai mỉa của người đời (vô quý) thì xem như…..cùn, sống bên lề xã hội hoặc bị tâm thần. Có thể nói, khi có ý thức về mình và xã hội thì sự xấu hổ, biết thẹn với người còn cơ may hiện hữu.

Cái khó là khi đối diện với chình mình, ta có tự vấn lương tâm, xấu hổ và thẹn thùng với điều chỉ mình biết hay không ? Lẽ thường ở đời là khi vụ việc chưa để bể ra thì xem như con người ta vô cùng trong sáng, chân chính và thánh thiện. Thậm chí tồn tại khá phổ biến quan niệm những việc làm tội lỗi nhưng qua mặt được phát luật thì xem như không có tội tình gì.

Phải can đảm và trí dũng lắm người ta mới sống với lương tri, nhận ra những sai trái của chính mình để từ bỏ dù chưa ai biết hoặc không hề biết. Đức tính quý báu ấy gọi là tàm, phải tỉnh thức thật nhiều mới nhận ra và thực hành được điều ấy trong đời sống hàng ngày. Biết xấu hổ với mình trước những tội lỗi là nền tảng đạo đức căn bản của cá nhân và xã hội.

Thế Tôn đã khẳng định nếu không có hổ thẹn với chính mình và mọi người thì con người chẳng khác nào cầm thú, thế giới sẽ đi đến hỗn loạn. Do đó, thực tập nội quán, phản tỉnh, nhìn lại mình, tự vấn lương tâm nhằm chặn đứng những điều xấu ác chính là nội dung thiền quán về tuệ học của Phật giáo mà mọi người trong xã hội cần ứng dụng để tự kiện toàn nhân cách.

Quảng Tánh

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch