PG & Đời sống
Hãy sống trọn vẹn với chất liệu Từ Bi và Trí Tuệ
04/11/2013 19:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giọt nước nếu đứng một mình thì chẳng mấy chốc hóa thành không. Nếu chịu xuôi mình theo dòng chảy thì chẳng mấy chốc ra đại dương. Ngược dòng bến tục để xuôi về bờ giác, đó là ý nghĩa cho sự có mặt của chúng ta trên cuộc đời này

Mục đích của con người sống trên đời là hướng đến sự an lạc và hạnh phúc. Nhưng nếu muốn có an lạc hạnh phúc thực sự, con người phải có trí tuệ và từ bi; đó là hai tài sản quý giá duy nhất mà ta có thể gìn giữ bên mình,vì thế ta được hạnh phúc vì giữ được những gì mình cố gắng tu tập mà có, còn những tài sản ngoài thân như danh vọng, tiền tài dễ bị lấy đi, và ta cũng không thể mua an lạc hạnh phúc được. 
    
Mục đích của Phật giáo là hướng dẫn nhân loại nhận ra sự thật của con người; phật tử nên áp dụng lời Phật dạy những chân lý vào nghiên cứu và thực hành, để có sự hiểu biết đứng đắn về sự thật về con người, sự vật, sự việc. 

Có sự hiểu biết đúng đắn về chân lý, phật tử nên khuyến khích bạn bè trên thế giới cùng nghiên cứu và thực tập các nguyên tắc của Phật giáo trong phương diện giáo dục, đẻ có thể trở thành một con người hoàn hảo (Thông điệp Vesak Liên Hiệp Quốc của đức Tăng Thống Thái Lan).
    
Để sống trọn vẹn với chất liệu Từ Bi và Trí Tuệ quý giá, thì chúng ta cần phải học hỏi đạo lý. Do vậy, người phật tử nên đến chùa tìm hiểu, tiếp cận, học hỏi đạo lý từ chư tăng, ni, để tuệ giác vốn có trong ta được thắp sáng. Một khi trí tuệ được thắp sáng, thì bóng tối vô minh chấp thủ được tan chảy, và an lạc hạnh phúc sẽ hiển bày. 
 
Vậy nên, có thể thấy, Phật giáo không phải là tôn giáo, mà đó là một nền giáo dục trí tuệ đầy tính nhân văn. Thời nay, chữ “thầy” và “trò” chỉ được dùng trong nhà trường.

Tuy nhiên, không những chúng ta tôn đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Bản sư, mà còn tôn Ngài là “Tứ sinh chi từ phụ – cha lành chung bốn loài”. Điều này không như trong những tôn giáo mà giáo chủ và môn đệ không có mối quan hệ thầy trò, mà chỉ có mối quan hệ cha con. 
    
Đạo Phật xác định rõ, đức Phật là vị Thầy dẫn đường đến bến bờ giải thoát, chúng ta là những học trò. Các vị Bồ tát là bạn cùng học đạo chung với chúng ta; các Ngài đã từng học với đức Phật từ trước rất lâu, còn chúng ta là những người mới học.
    
Thời nay, cách tổ chức nhân sự trong các Tùng lâm, Tổ đình, thiền viện giống với các trường học văn hóa phổ thông: Hiệu trưởng cũng làm những việc như Hòa thượng: quyết định mọi nguyên tắc đào tạo, sản xuất giáo trình và giáo thọ sư giảng dạy. Giúp việc cho Hòa thượng là ba vị: Thủ tọa coi sóc về giáo vụ, Duy na (Duyệt chúng) coi sóc huấn đạo, giám viện chịu trách nhiệm tổng quát.
    
Bên cạnh đó, ở Việt Nam đã có Học viện Phật giáo Việt Nam với phân viện ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, để nuôi dưỡng sơ Tâm Bồ Đề của hàng trăm nghìn thiện nam, tín nữ trên cả nước trở thành chư tăng, ni đến với đời hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh.
     
Điều đó cho thấy Phật giáo đích thật là nền giáo dục mang đậm tính nhân văn. Vì phương pháp giải thoát của Phật Đà là tự do, bình đẳng, từ bi, bất luận thân phận, trí tuệ, nghề nghiệp gì, chỉ cần có khả năng giới luật thanh tịnh, ai cũng đều có thể trở thành đệ tử đức Thế Tôn, và được sống trong tình thương yêu bảo bọc của Tăng thân. Nước của trăm sông cùng chảy về biển, mọi giai cấp khi xuất gia cùng là họ Thích.
     
Nét nhân văn của nền giáo dục trí tuệ ấy còn thể hiện ở tâm nguyện và cách dạy của các bậc Thầy khả kính: Các quý Thầy không mang tài năng của mình đi hành đạo, mà các vị đã thắp sáng Tâm đạo của mình trước, rồi mới thắp cho những xung quanh; các vị đã chú tâm tu hành ở ngay chính nội tâm mình chứ không phải ở sách vở, trước khi chia sẻ những hiểu biết về đạo pháp đến với người khác,
     
Vì vậy, hơn 25 thế kỷ trôi qua, hàng tỷ người đã tìm thấy qua giáo lý của đức Phật bao nguồn khích lệ, an vui. 
     
Đó là lý do tại sao người Việt Nam thích đi chùa, đặc biệt vào các ngày 1,15, các ngày vía Phật, mùa Vu Lan. Không những thế, họ còn thờ Phật tại gia, để tỏ lòng biết ơn Phật, và để hàng ngày chiêm ngưỡng Phật mà noi theo hạnh từ bi hỷ xả của Ngài, nhờ đó họ huân tập dần dần những đức sáng giúp họ mỗi ngày gần Phật hơn.
    
Đến chùa, ta được học cách lạy Phật. Vì Phật là bậc Ứng cúng, Ngài xứng đáng được trời và người cung kính, cúng dàng; phật tử lạy Phật năm vóc sát đất  để tỏ lòng quy kính Ngài, cái chắp tay búp sen đưa từ giữa ngực lên trán là cúng dường chư Phật đóa sen nở rộ từ Tâm thanh tịnh và Trí tuệ bừng sáng, nhờ 10 ngón tay khép chặt không để phiền não bên ngoài ùa vào trong tâm.

Lạy Phật là cách tu luyện ba nghiệp thân khẩu ý: Khi thân đứng ngắm để chiêm ngưỡng Phật tức thân thanh tịnh; miệng niệm danh hiệu Phật để nhớ hình bóng Ngài cứu giúp chúng sinh tức khẩu thanh tịnh; ý thức tôn kính nhà chùa và nghĩ nhớ về Tứ Vô Lượng Tâm, không có ý tạp loạn xen vào, tức ý thanh tịnh.

Vì tội lỗi do ba nghiệp sinh ra, nay ba Nghiệp thanh tịnh tức tội diệt, phúc sinh. Tu tập để thành tựu phúc đức chỉ đơn giản vậy thôi.
     
Trong các khóa lễ, phật tử tụng kinh điển để dần khắc ghi lời Phật dạy vào trong tâm khảm, để biết làm cho mình và người hạnh phúc. Như trong kinh Vu Lan, Phật dạy đệ tử nên báo hiếu cha mẹ không những với vật chất, mà còn giúp cha mẹ phát tâm tịnh tín vào Tam Bảo và tu tập, để cha mẹ sống an lạc. 
     
Phật tử sống bên nhau bằng Tứ Vô Lượng Tâm gói gọn trong kinh Dược Sư, thì xã hội luôn được an lành, đoàn kết, vì mỗi người không còn tính sẻn tham, đố kỵ, nhỏ nhen, khen mình chê người, hãm hại người khác, bởi chúng sinh lầm mê trót gây tội nghiệp, nếu biết thành tâm sám hối, quy kính Tam Bảo, và tu sửa & hành hiện, thì cửa Phật từ bi luôn rộng mở đón chào họ. 

Vì Phật coi chúng sinh là những vị Phật sẽ thành, khi họ ra khỏi vô minh, phiền não, chấp trước. Nền giáo dục trí tuệ của Ngài dạy chúng ta biết trân trọng lẫn nhau, không ai xúc phạm ai, vì ai cũng đều có thể sẽ thành Phật. 
    
Chính vì được tận mắt thấy, sự thân thiện, mến khách, lịch sự của một phật tử trẻ ở chùa Kim Cổ (73 Đường Thành) trong Pháp hội Dược Sư vừa qua, đã khiến cô Michele Westdijk tình cờ ghé tham quan chùa cũng phát tâm mộ Phật, họ mặc áo lam lễ Phật, rồi giao lưu với các bạn phật tử trẻ người Việt. 
    
Điều này một lần nữa chứng minh, Phật giáo không phải là tôn giáo tín ngưỡng của riêng một dân tộc, vùng miền nào; mà là nền giáo dục trí tuệ nhân văn của chung cả thế giới. 

Diệu Hòa

Theo Phatgiao.org

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch