PG & Đời sống
Suối nguồn yêu thương
Tâm Chơn
02/07/2011 15:16 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong bài thơ “Khúc ca khánh thọ” viết mừng tuổi mẹ, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã ngợi ca:

“Mẹ là Biển cả bao la,
Mẹ là Trời – Đất chan hòa mến thương.

Tình của mẹ khó đo lường...”

Thật vậy! Nói đến tình mẹ thì quả thật trên đời này không gì có thể thay thế được; một tình cảm thiêng liêng, sâu lắng đã có trong ta từ thuở tượng hình, đến với ta qua hơi ấm thịt da, qua bàn tay trìu mến, qua dòng sữa bổ dưỡng ngọt ngào, qua lời ru êm ái; một thứ tình mà suốt cuộc đời mẹ chỉ cho đi chứ không bao giờ đòi lại.

“Mẹ già một nắng hai sương

Héo gầy cực khổ vẫn thương con khờ.”

Cho nên, để diễn đạt tấm lòng từ bi, thương yêu chúng sanh của chư Phật và Bồ Tát, trong kinh Phật đã dùng cách diễn đạt “Phật thương chúng sanh như mẹ thương con”. Thế mới biết tình mẹ cao cả đến dường nào!

Trong ca dao Việt Nam cũng thường nhắn nhủ:

“Ai rằng công mẹ như non,
Thật ra công mẹ lại còn cao hơn.”

Hay:

“Lòng mẹ như bát nước đầy,
Mai này khôn lớn ơn này tính sao?”

Mẹ thương con, một tình thương yêu sâu thẳm như đại dương, cao vời như núi Thái. Thảo nào khi nhắc đến công ơn sâu dày của mẹ, một thi sĩ đã than:           

“Ngôn ngữ trần gian là túi rách,
Đựng sao đầy hai tiếng mẹ ơi!”

Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây đã có biết bao câu chuyện viết về mẹ với những mỹ từ ca tụng, tán dương, nhưng mãi mãi chúng ta sẽ chẳng bao giờ viết được tận cùng, sẽ chẳng bao giờ có đoạn kết cho tình thương yêu của mẹ.

“Có một tình yêu không đi được đến cùng,
Là trái tim của mẹ.
Dù cách xa con vẫn là đứa trẻ,
Nơi nhớ thương vẫn mải miết tìm về.”

(Bình Nguyên Trang)

Thực tế cho thấy, dù con có lớn khôn thế nào thì trong trái tim mẹ, con vẫn còn là đứa trẻ dại khờ cần có mẹ bên cạnh dìu dắt, nâng đỡ. Và dù con có ra sao, thế nào, hay con có đi đâu, ở đâu đi nữa, thì con vẫn là con của mẹ. Mẹ luôn ở bên con cho đến hết cuộc đời.

Ngạn ngữ Do Thái có câu: “Thượng Đế không thể có mặt ở khắp mọi nơi, vì thế Ngài đã tạo ra các bà mẹ.”

Vâng! Có lẽ vì vậy mà người xưa đã xác định “Thiên đường của con chính là các bà mẹ”, “nơi ẩn náu yên ổn nhất cũng chính là lòng mẹ.”

Đến đây, tôi xin kể bạn nghe một câu chuyện:

“Có một đứa bé sắp chào đời. Nó bèn hỏi Thượng Đế: ‘Họ nói ngày mai Ngài sẽ đưa con đến trần gian, nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?’

“Thượng Đế đáp: ‘Trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ đợi con và săn sóc con chu đáo.’

“Đứa bé lại nài nỉ: ‘Nhưng hãy cho con biết ở chốn thiên đường này con không phải làm việc gì ngoài ca hát và vui cười hạnh phúc chứ?’

“Thượng Đế đáp: ‘Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày. Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc.’

“Đứa bé lại hỏi: ‘Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng một ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?’

“Thượng Đế trả lời: ‘Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những ngôn từ ngọt ngào và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dạy con biết nói.’

“‘Con nghe nói chốn trần gian nhiều kẻ xấu xa. Ai bảo vệ con?’

“‘Thiên thần con sẽ bảo vệ con ngay khi có điều gì đe dọa đến tính mạng.’

“‘Nhưng con rất buồn vì không được thấy Ngài nữa.’

“‘Thiên thần của con sẽ luôn luôn nói với con về ta, và dạy con cách thức quay về với ta dù rằng ta luôn cận kề bên con.’

“Vào giây phút đó, ở thiên đường ngập tràn an lạc nhưng người ta vẫn có thể nghe thấy những tiếng gọi vang vọng từ cõi thế, và đứa bé vội vàng hỏi Thượng Đế:

“‘Thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con.’

“‘Tên của người không quan trọng, con chỉ đơn giản gọi người là Mẹ.’”[9]

Mẹ, tiếng gọi đầu đời trên môi trẻ thơ và sẽ vĩnh cửu trong tim mỗi người. Bởi không ai trong cuộc đời này mà không có mẹ, không từ nơi mẹ sinh ra. Ôi! Chỉ một tiếng mẹ thôi mà đầy ắp những ân tình.

“Ôi! tiếng mẹ thân thương cao đẹp quá,
Như suối nguồn dịu ngọt lúc trưa hè.
Như gió chiều nhè nhẹ ở cành tre,
Như dòng nước của đại dương vô tận.”

Bất cứ người con nào cũng đều được thừa hưởng gia tài yêu thương của mẹ. Bảo bối tình mẫu tử đó mẹ đã sẵn dành cho con ngay khi mẹ mang con trong bụng và sẽ cho con đến khi mẹ không còn nữa mới thôi.

“Dù cho mắt nhắm tay buông,

Dành cho con hết ngọn nguồn yêu thương.”

(Kiều Anh)

Ân tình đó, công ơn đó quả như trời cao biển rộng.

Trong Kinh Báo Ân Phụ Mẫu,[10] Đức Phật đã kể ra 10 công đức của mẹ đối với con rất cụ thể, chi tiết như sau:

1.    Chín tháng cưu mang khó nhọc.

2.    Đau đớn sợ hãi khi sinh con.

3.    Cam chịu khổ cực để nuôi con khôn lớn.

4.    Ăn đắng cay nhường ngon ngọt cho con.

5.    Mẹ nằm chỗ ướt, nhường con khô ráo.

6.    Sú nước nhai cơm khi con còn bé.

7.    Giặt giũ đồ dơ bẩn cho con không nhờm gớm.

8.    Con đi xa mẹ trông đợi nhớ thương.

9.    Vì con mẹ có thể gây nên tội lỗi.

10.  Chịu đói lạnh cho con ấm no.

Thiết nghĩ, ngoài đức Phật ra thì chỉ những ai từng mang nặng đẻ đau, nuôi con khó nhọc cho đến lớn khôn mới cảm nhận được hết ân đức sâu dày của mẹ:

“Lên non mới biết non cao,

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.”

Có thể nói, ngay từ giây phút biết mình có thai thì bên cạnh nỗi mừng vui sung sướng là mẹ đã bắt đầu làm quen với sự chịu đựng những trạng thái khó chịu trong người như “bợn dạ, biếng ăn, mất ngủ, dã dượi bần thần.”

“Thai mỗi ngày một lớn, mẹ thấy trong người mệt mỏi, thân thể nặng nề, đi đứng khó khăn, làm lụng chậm chạp. Cho đến gần ngày sanh, mẹ đau bụng cả buổi cả ngày thật là đau đớn. Khi sanh con ra, mẹ chịu nhơ uế nhiều ngày, yếu đuối nhiều tháng vì tinh huyết hao mòn, ngũ tạng suy kém. Nếu không may bị nghịch thai thì phải chịu cảnh mổ da xẻ thịt, đau đớn khôn cùng.”

Lại có những người mẹ, khi về làm dâu thì coi như đã “gánh cả giang san” nhà chồng. Nếu có phước được gia đình nhà chồng thương thì trong ấm ngoài êm, ngược lại không may gặp cảnh “mẹ chồng nàng dâu”, hay chị chồng, em chồng khó khăn thì nỗi khổ sầu ngày thêm chất ngất, lắm lúc phải cam chịu “nước mắt bữa thường thay canh”.

Hoặc gặp gia cảnh bần hàn thì dù mới sanh con chưa tròn tháng, mẹ cũng phải quên sự yếu đau để bươn chải vào đời kiếm miếng cơm manh áo. Nếu có cha bên cạnh đỡ đần thì mẹ bớt phần lao nhọc. Bằng như vì lý do nào đó, không có cha cận kề chăm sóc trong lúc sanh nở thì mẹ phải nuốt nỗi tủi hờn, một mình lo liệu.

Than ôi! Đã cam chịu cảnh “đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình” rồi, mà nay mẹ còn phải vương mang một nỗi khổ đau đất thảm trời sầu!

Trong lúc sanh con, mẹ trăm bề đau đớn. Nhưng nỗi đau bên ngoài có thấm gì với nỗi đau bên trong mà mẹ đã gánh chịu khi không có cha chia sẻ.

Tuy nhiên, cứ mỗi lần cho con bú, nhìn con ngo ngoe khóc cười là mẹ quên hết nỗi đắng cay phiền muộn. Con mở miệng kêu má, kêu ba; con chập chững bước đi là lòng mẹ mừng vui còn hơn ai đem vàng bạc tới cho...

Thế mà con có biết đâu, khi con dần lớn là mẹ mỗi ngày thêm cằn cỗi, yếu suy vì năm tháng tảo tần, nắng mưa dầu dãi, làm lụng vất vả nuôi con:

“Công cha nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người ta phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.
Đội ơn chín chữ cù lao,
Sanh thành kể mấy non cao cho vừa.”

Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh thì “chín chữ cù lao” có xuất xứ từ chữ Hán là “cửu tự cù lao”, gồm:

1.    Sinh: cha sinh

2.    Cúc: mẹ đẻ

3.    Phủ: vỗ về

4.    Dục: nuôi cho khôn

5.    Cố: trông nom

6.    Phục: quấn quít

7.    Phủ: nâng nhấc

8.    Súc: nuôi cho lớn

9.    Phúc: bồng bế

Và dẫu rằng:

“Gánh đời áo mẹ rách bâu,
Gánh tình tóc mẹ trắng màu hư không.
Chỉ còn một ánh trăng lòng,
Sáng ngần soi cả một dòng chân như.”

Bạn ạ! Tất cả đều có thể bị xoá nhòa theo thời gian nhưng tình mẹ thì thiên thu bất diệt. Tình thương ấy đã cho mẹ một sức mạnh tuyệt vời vượt qua bao đắng cay vinh nhục thì có sá gì những khổ ải gian truân của kiếp nhân sinh bào mòn thể xác.

Chuyện kể rằng:

“Có hai bộ lạc là kẻ thù truyền kiếp của nhau. Một sống ở vùng đồng bằng và một ở trên núi cao. Một hôm, những người ở núi cao đột ngột đổ xuống tấn công bộ lạc ở đồng bằng. Họ không chỉ cướp bóc của cải, lương thực mà còn bắt một đứa bé ba tuổi mang về.

“Những người ở đồng bằng không biết cách vượt qua những ngọn núi cao để tìm ra nơi kẻ thù đang sống. Họ cũng không thể lần theo dấu vết của đối phương. Tuy nhiên, bộ lạc cũng cử một đội những chiến binh xuất sắc nhất đi tìm đứa bé mang về.

“Những người đàn ông đã thử hết cách, tìm hết lối đi này đến lối đi khác, nhưng sau nhiều ngày nỗ lực hết sức, họ cũng chỉ leo lên được lưng chừng ngọn núi hiểm trở. Cảm thấy tuyệt vọng và bất lực, họ đành bỏ cuộc và quyết định quay về. Khi đang thu dọn đồ đạc, họ kinh ngạc thấy người mẹ trẻ mất con đang từ phía đỉnh núi cao băng xuống. Và họ như không tin vào mắt mình khi thấy đứa bé bị bắt cóc đang được người mẹ cõng trên lưng. Làm sao điều đó có thể xảy ra?

“Những chiến binh đón chào người mẹ trẻ và hỏi: ‘Dù đã cố gắng hết sức, chúng tôi vẫn không thể vượt lên được ngọn núi này. Làm cách nào mà cô làm được điều đó trong khi chúng tôi, những người đàn ông mạnh mẽ và có khả năng nhất bộ tộc, đã không thể làm?”

“Người mẹ trẻ nhẹ nhàng đáp: ‘Bởi vì đó là con của tôi!’”[11]

Sức mạnh tình mẹ là như thế đó!

Mà thật ra, ngay từ lúc mang thai con là mẹ đã cảm nhận được sự mầu nhiệm của tình mẹ rồi. Tình mẹ đã làm thay đổi tâm tính người mẹ rất nhiều. Mẹ không còn nghĩ đến những riêng tư của mình nữa, mà tất cả những nghĩ suy, toan tính, hành động của mẹ đều hướng đến hạnh phúc của con. Mẹ dành một chỗ trang trọng nhất trong trái tim, trong cuộc đời mẹ cho con với tình thương yêu sâu đậm.

“Mẹ gom cả thế gian này
Tình yêu hạnh phúc trao tay con cầm.”

(Chu Thị Thơm)

Tình yêu của mẹ dành cho con vốn không cùng tận. Cho nên, chúng ta phải ý thức rằng việc yêu thương, săn sóc cha mẹ là bổn phận làm con. Hơn thế nữa, đó chính là nền tảng của đạo đức làm người.

Bất luận một nền luân lý đạo đức nào cũng đều lấy đạo hiếu làm đầu.

Các bậc cổ đức thường khuyên nhắc:

“Thiên kinh vạn quyển

Hiếu hạnh vi tiên.”

(Ngàn muôn kinh sách, hạnh hiếu đứng đầu.)

Như Khổng Tử nói: “Hiếu là nguồn gốc của nhân, nhân là toàn thể đức tánh của tâm. Nhân cốt là yêu thương, mà yêu thương thì trước hết là yêu thương cha mẹ mình.” “Vì thương yêu người thân của mình nên không dám ghét người khác, kính trọng người thân của mình thì không dám khinh thường người khác.”

Kinh Phật cũng dạy:

“Tột cùng thiện, không gì hơn hiếu.
Tột cùng ác, không gì hơn bất hiếu.”
Hay:
“Hạnh hiếu là hạnh Phật,
Tâm hiếu là tâm Phật.”

Nhưng than ôi! chúng ta đã nghe, đã biết và đã hiểu được những đắng cay nhọc nhằn của đấng sinh thành. Vậy mà không ít lần ta đã vô tâm trước những ân tình sâu nặng đó!

Hình như chúng ta sớm vội quên đi hình ảnh người mẹ hiền chắt chiu cuộc sống khó nghèo cơ cực để con được sung sướng ấm êm. Chúng ta đã quên đi những tháng ngày thơ ấu tròn xoe đôi mắt nhìn ra đầu ngõ trông mẹ đi chợ về để xòe tay xin quà bánh.

À! Ngày nhỏ mẹ chỉ cho cái bánh, cục kẹo thôi mà con mừng lắm, con cứ quấn quít suốt bên mẹ. Bây giờ con lớn, mẹ cho con cả cuộc đời thì con lại dửng dưng!

Mẹ ơi! Mẹ đã dành trọn cuộc đời, vắt khô nhựa sống, hy sinh những niềm vui lẽ sống riêng tư của mình để lo cho con trẻ.

Lúc con còn nhỏ, dù mẹ đang làm gì, bận bịu thế nào mà hễ nghe tiếng con khóc là mẹ buông bỏ hết để chạy đến bên con ấp ủ, vỗ về.

Có những khi trái gió trở trời, ấm đầu chớm bịnh là mẹ lo lắng buồn rầu, đứng ngồi không yên, sốt ruột chạy lo rước thầy tìm thuốc. Gia đình kha khá thì mẹ đỡ khổ tâm, bằng gặp cảnh khó nghèo thì mẹ còn phải lo vay mượn bạc tiền để chạy chữa thuốc thang cho con. Mẹ đã vì con mà đánh đổi, bất chấp tất cả, đôi khi phải làm cả những điều bất thiện, gây bao tội lỗi.

Còn các con, đôi khi mải mê vui chơi theo chúng bạn, con bỏ quên mẹ già đang sốt ruột, lo lắng ngóng trông. Rồi có những khi “bệnh giang hồ” thúc giục con đi, rong ruổi hăng say theo bước công danh mà quên hẳn mẹ già đêm ngày vò võ đợi mong. Mãi tới khi con mỏi gót phong trần, chán nản thói đời đen bạc, vấp ngã giữa chợ đời thì con mới nhớ nghĩ tới mẹ. Con nào hay đâu mẹ vẫn hằng dõi theo bước con. Đối với mẹ, con vui là mẹ vui, con khổ là lòng mẹ tan nát, rã rời. Mẹ luôn mở rộng vòng tay để đón con về mà không một lời thở than, kể lể hay trách móc.

Có những trường hợp vì hoàn cảnh vợ chồng ly tán, mẹ phải đảm trách luôn nhiệm vụ làm cha. Một thân một mình mẹ đối mặt với bao sóng gió cuộc đời để giữ bình yên cho con trẻ.

Rồi có những trưa hè oi ả, bên chiếc võng trưa kẽo kẹt kẽo cà, mẹ cất giọng ru buồn bã:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con thi trường học mẹ thi trường đời.”
Hay là:

“Chiều chiều chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau.”

Hay có những đêm con nhớ cha khóc suốt, mẹ ôm con vào lòng mà nước mắt rưng rưng:

“Ầu ơ...
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chầy mẹ thức đủ vừa năm.

Và:

Gió mùa hè ai dè phận bạc,
Chớ mấy con trăng này thời vận đảo điên.”

Hoặc là:

“Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.”

Cuộc đời của mẹ đâu chỉ quanh năm với chuyện bếp núc vá may, giặt rửa dọn dẹp, mà mẹ còn phải dầm mưa dãi nắng, lam lũ tháng ngày để tìm đồng tiền bát gạo, nuôi sống gia đình, lo cho con ăn học.

“Mẹ già gom gánh rạ rơm,
Nuôi con ăn học để thơm tiếng đời.
Mẹ nghèo nón lá tả tơi,
Mong sao con trẻ vào đời bình yên.”

Chao ôi! Cha mẹ đã lo lắng cho con, đem hết lòng yêu thương gầy dựng sự nghiệp công danh cho con mà không mong mỏi một sự đền đáp nào. Chỉ cần con nên người hữu dụng, sống cuộc đời hạnh phúc là cha mẹ mãn nguyện rồi.

Ôi! Tình thương của cha mẹ thật không gì có thể sánh bằng:

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.”

Bởi thế cho nên, để khuyên răn những ai sớm vội quên đi bổn phận làm con đối với cha mẹ, quên đi mình là con cái, người xưa đã nhắc nhở:

“Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu.”

Hoặc là:

“Lên chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ công phu chưa đành.”

Hay:

“Thờ cha kính mẹ hết lòng,
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường.”

Và:

“Đạo làm con chớ hững hờ,
Phải đem chữ hiếu mà thờ từ nghiêm.”

Đối với những đứa con ương ngạnh, ngỗ nghịch bất hiếu, người xưa còn cảnh tỉnh:

“Nếu mình hiếu với mẹ cha,
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công.
Kìa xem giọt nước xuôi dòng,
Giọt sau giọt trước cũng đồng một nơi.”

Hoặc là:

“Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận,
Ngỗ nghịch con nào có khác chi.
Xem thử trước thềm mưa xối nước,
Giọt sau giọt trước chẳng sai gì!”

Hay là:

“Ác giả ác báo,
Thiện giả thiện lai.
Nhân nào quả nấy hỡi ai,
Trọn lòng hiếu thảo ngày mai hưởng nhờ.
Nhân quả chẳng phải mơ hồ,
Nhân gieo quả hái chẳng sai bao giờ.”

Hoặc là:

“Đời xưa quả báo thì chầy,
Đời nay quả báo ở ngay nhãn tiền.”

Nói về “quả báo nhãn tiền” (quả báo đến ngay tức thời, trông thấy trước mắt) đối với hành vi bất hiếu, hẳn bạn cũng biết câu chuyện kể về đứa con định lấy gáo dừa làm chén cho mẹ ăn cơm để khỏi bị bể. Không ngờ đứa con ông ta bắt chước làm theo và nói là làm để cho cha ăn y như cha làm cho nội vậy. Hành động bắt chước của đứa con làm ông ta thức tỉnh.

Tương tự cũng có câu chuyện kể rằng: “Vì nghe lời vợ xúi giục, người chồng đóng chiếc xe định đẩy mẹ vào rừng cho ‘rảnh nợ’, khỏi phải sớm hôm săn sóc hầu hạ. Đứa con nhỏ thấy vậy hỏi người cha đóng xe để làm gì. Người cha nói dối là để đẩy nội vô rừng chơi. Đứa con nói với cha là khi nào nội chết thì cha cho con xin chiếc xe. Người cha thắc mắc hỏi con lấy xe làm gì. Đứa con nói là để dành khi nào cha già thì con sẽ đẩy cha vô rừng giống nội.”

Cũng may, người cha ở hai câu chuyện trên đều sớm thức tỉnh mà không dám làm điều bất hiếu nữa. Mà hình như, lẽ thường là vậy!

“Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng,
Con nuôi mẹ tính tháng tính ngày.”

Hay:

“Một mẹ nuôi được mười con,
Mười con không nuôi được một mẹ.”

Nếu không thì tại sao có những người con nỡ bỏ cha mẹ già sống cô đơn một mình, sớm chiều thui thủi nơi quê nghèo trong lúc tuổi già bóng xế? Có người còn nhẫn tâm đùn đẩy cha mẹ già vào viện dưỡng lão nuôi để đỡ phần chăm sóc?

Quả như xã hội đã lên án:

“Vô ơn là điều đáng khinh nhất. Nhưng kiểu vô ơn phổ biến và lâu đời nhất là sự vô ơn của con cái đối với cha mẹ.”

(Vauvenargues)

Nhưng báo hiếu cho cha mẹ thế nào mới là đúng đắn, hợp đạo lý?

Sách Luận ngữ có dạy: “Con ăn ở với cha mẹ, việc phụng dưỡng cần phải có, mà lòng tôn kính cần phải hơn.” Bởi vì: “Nuôi nấng cha mẹ mà không kính trọng thì so với nuôi con vật có gì để phân biệt? (Kim chi hiếu giả thị vị năng dưỡng, chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính, hà dĩ biệt hồ? Luận ngữ, thiên Vi chính đệ nhị, tiết 7).

Theo tinh thần báo hiếu của đạo Phật thì ngoài việc cung phụng vật chất, người con phải chăm sóc về mặt tinh thần, hướng cha mẹ quay về đời sống tâm linh, gieo tạo phước thiện, tu tập điều lành để được an lạc trong hiện tại và tương lai.

Trong Kinh Hiếu Tử, Đức Phật dạy rằng:

“Con nuôi cha mẹ bằng cách đem những thức cam lồ trăm mùi ngon ngọt dâng lên cha mẹ, làm cho cha mẹ thỏa miệng, đem các thứ nhạc hay như nhạc ở cõi trời làm cho cha mẹ vui tai, may các áo quần đẹp cho cha mẹ rực rỡ và suốt đời cõng cha mẹ đi dạo chơi khắp bốn bể để trả ơn sanh dưỡng thì vẫn chưa đủ gọi là hiếu. Người con thực hiếu là thấy cha mẹ mê tối, làm những việc ác phải căn ngăn, kiên trì làm cho cha mẹ giác ngộ Chánh pháp.”

Thưa các bạn! Có bao giờ chúng ta lắng nghe lòng mình trỗi lên trong nghĩ suy về sự đáp đền công ơn sanh thành của cha mẹ? Hay là chúng ta vẫn ấp ôm quan niệm lạc lầm về bổn phận làm con?

“Ta mang chữ hiếu đèo bòng,
Món ngon vật lạ quả không đúng thời.”

(Thu Nguyệt)

Và có bao giờ chúng ta nghe lòng thổn thức nhớ về cha mẹ:

“Con cầm chữ hiếu loay hoay,
Hiểu chưa kịp, sợ đến ngày trắng răng.”

(Thu Nguyệt)

Nhưng thực tế lúc nào cũng phũ phàng, khi chúng ta sực tỉnh, muốn báo hiếu thì cha mẹ đã không còn nữa!

Ngày xưa, khi Thầy Tử Lộ làm quan có bổng lộc thì cha mẹ đã qua đời, không báo hiếu được. Vì thế ông đã than:

“Mộc dục tịnh nhi phong bất đình,
Tử dục dưỡng nhi thân bất tại.”
(Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng,
Con muốn nuôi cha mẹ mà cha mẹ không còn.)

Thầy Tử Lộ, học trò ưu tú của đức Khổng Tử, nhà nghèo, phải đi đội gạo mướn, lấy gạo thù lao đem về nuôi cha mẹ. Đến lúc ông thi đỗ làm quan thì cha mẹ đã khuất núi. Bấy giờ ông ngậm ngùi than thở với vợ con, bạn hữu: “Cha mẹ sống cơ cực, không đợi ngày con thành đạt để cùng hưởng giàu sang.” Tử Lộ luyến tiếc thời nghèo khó, đội gạo mướn, tuy vất vả mà trong lòng luôn vui thỏa vì nuôi được cha mẹ.[12]

Người xưa tôn thờ chữ hiếu như thế đó, còn chúng ta ngày nay thì sao?

“Lời ru vang vọng bốn bề
Mà câu hiếu đạo chưa hề trả xong.”

Vậy, hỡi những ai diễm phúc còn có mẹ hiền, hãy mau mau quay về lo tròn câu hiếu đạo kẻo không còn kịp nữa.
“Mẹ cho con nắm bàn tay,
Bàn tay mẹ ẵm con ngày xa xưa.
Mẹ ơi nếu lỡ một mai,
Mẹ về với đất tay ai con cầm!”

Nói về gương hiếu thảo thì ngoài “Nhị thập tứ hiếu” của Trung Quốc, ở Việt Nam ta còn có những tấm gương sáng ngời. Điển hình là vua Trần Anh Tông một bề hiếu đạo với vua cha Trần Nhân Tông, hay là vua Tự Đức luôn hiếu thảo với mẹ là bà Từ Dũ...

Thật ra, đối với những người con hiếu, không cần ai nhắc nhở, họ luôn tìm cách đáp đền công ơn trời biển của cha mẹ:

“Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”

Hoặc là:

“Mẹ già ở túp liều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.”

Hay:

“Đói lòng ăn hột chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.”

Câu chuyện sau đây cũng nói về lòng hiếu thảo:

“Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một đứa bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.

– Cháu muốn mua một hoa hồng để tặng mẹ cháu – nó nức nở – nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá hoa hồng đến 2 đô-la.

Anh mỉm cười nói với nó:

– Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.

Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh trả lời:

– Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.

Rồi nó chỉ đường cho anh lái xe đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói:

– Đây là nhà của mẹ cháu.

Nói xong, nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.

Tức thì anh quay lại tiệm bán hoa, huỷ bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa.”[13]

Ngày nay, mặc dù chữ hiếu có phần khác xưa về nhận thức nhưng căn bản vẫn là ở tấm lòng. Người con hiếu bao giờ cũng khác với người chỉ tỏ ra hiếu thảo.

Cho nên, chúng ta phải lưu ý rằng, dù cuộc sống có thay đổi như thế nào thì đạo hiếu vẫn là nền tảng của đạo làm người. Chúng ta phải thường nhìn lại mình, một cách kỹ càng, soi xét tâm niệm mình xem có thật lòng báo hiếu với cha mẹ hay chưa? Có như vậy chúng ta mới không quan niệm sai lầm về nghĩa vụ làm con.

Để thay lời kết, tôi xin kể bạn nghe một câu chuyện về lòng mẹ:

“Bế đứa con trai vừa mới chào đời lên, bà mẹ nhè nhẹ đong đưa đôi tay và hát:

Thương con mẹ thương con,
Yêu con mẹ yêu con,
Yêu suốt một cuộc đời,
Đến ngày con lớn khôn...

“Đứa bé càng ngày càng lớn lên. Khi được hai tuổi, nó chạy chập chững bước thấp bước cao nô đùa quanh nhà, lôi sách vở trên kệ xuống để nghịch phá. Nó bày đủ thứ đồ chơi ra sàn nhà. Nó tè trong quần. Nó ị trên giường. Nó khóc. Nó la. Và bà mẹ đôi lúc phải thốt lên: ‘Cái thằng này, con làm mẹ điên mất!’

“Nhưng đêm đến khi nó ngủ thật say, bà mẹ đến bên chiếc nôi trìu mến nhìn nó và khẽ hát:

Thương con mẹ thương con,
Yêu con mẹ yêu con,
Yêu suốt một cuộc đời,
Đến ngày con lớn khôn...

“Đứa bé tiếp tục lớn lên thành một thằng nhóc chín tuổi. Nó không hề thích ăn uống đúng giờ. Nó không bao giờ muốn tắm rửa. Khi bà ngoại đến thăm, nhiều lúc nó lại buông giọng gắt gỏng với bà. Và bà mẹ đôi lúc muốn đưa nó đi đâu cho khuất mắt.

“Nhưng đêm đến khi nó ngủ thật say, bà mẹ rón rén đến bên giường kéo tấm chăm đắp lên người nó và khẽ hát:

Thương con mẹ thương con,
Yêu con mẹ yêu con,
Yêu suốt một cuộc đời,
Đến ngày con lớn khôn...

“Ngày qua ngày, thằng bé đến tuổi dậy thì. Nó dẫn về nhà những thằng bạn kỳ quặc. Nó ăn mặc những bộ đồ kỳ quặc. Nó nhún nhảy một cách kỳ quặc theo những bản nhạc rất kỳ quặc. Và bà mẹ đôi lúc có cảm giác như thể đang ở trong sở thú.

“Nhưng đêm đến chờ nó ngủ thật say, bà mẹ nhẹ nhàng mở cửa phòng riêng của nó, bước đến hôn lên trán nó và khẽ hát:

Thương con mẹ thương con,
Yêu con mẹ yêu con,
Yêu suốt một cuộc đời,
Đến ngày con lớn khôn...

“Thằng bé kỳ quặc tiếp tục lớn lên thành một thanh niên trưởng thành. Nó rời nhà lên thành phố để làm việc và sống trong một căn phòng trọ. Thỉnh thoảng bà mẹ đón xe lên thăm nó. Những lần như thế bà phải ngồi trước cửa phòng trọ và chờ đến tận khuya thì thấy nó say khướt trở về. Bà dìu nó vào phòng, lau mặt cho nó rồi đỡ nó lên giường. Sau đó bà lắc đầu ngao ngán nhìn nó. Nhưng khi nó ngủ say, mắt đượm buồn bà khẽ hát:

Thương con mẹ thương con,
Yêu con mẹ yêu con,
Yêu suốt một cuộc đời,
Đến ngày con lớn khôn...

“Và rồi đứa con lập gia đình và họa hoằn lắm mới về thăm bà. Nó còn phải bươn chải để chăm lo cho mái ấm riêng của nó. Thời gian trôi qua và lạnh lùng khắc những nếp nhăn lên khuôn mặt già nua ngày càng hốc hác của bà mẹ. Một hôm, thấy yếu trong người, bà gọi điện bảo đứa con về thăm. Nó lái xe về thăm bà và ngủ lại nhà một đêm. Tối đó, bà nằm trong giường và khẽ hát:

Thương con mẹ thương con
Yêu con mẹ yêu con
......... .........

“Nhưng cơn ho khan khiến bà không hát được trọn bài hát thuở nào. Đêm đó, bà lặng lẽ qua đời.”

“Sau đám tang, đợi tối đến, khi đứa con của mình ngủ thật say, người đàn ông vừa mất mẹ bước đến hôn lên trán nó và khẽ hát:

Thương con mẹ thương con,
Yêu con mẹ yêu con,
Yêu suốt một cuộc đời,
Đến ngày con lớn khôn...

“Hát xong, người đàn ông lặng lẽ khóc một mình.”[14]

Rằm tháng 7 năm Đinh Hợi 2007

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch